Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Giới thiệu sách hay] Hiểu: Những thuyết giảng gây tranh cãi nhưng đầy thông tuệ của Osho

Khổ hạnh và lạc thú liệu có thể song hành cùng nhau? Đạo và đời liệu có thể hòa quyện trọn vẹn trong cùng một con người? Tại sao khái niệm “Zorba Phật” lại không tồn tại trong các hệ tư tưởng cũ? Osho có cách riêng của mình để đáp lời các môn đệ đang nhiều hoang mang và suy tư.

Hiểu là cuốn sách bắt đầu với những phản biện quyết liệt và bất ngờ của Osho với tư tưởng của các lãnh đạo tôn giáo, chính trị hàng đầu nhân loại. Một cách tiếp cận “nổi loạn” để vị đạo sư này chứng minh cho lập luận của mình về trạng thái “nổi loạn” trong mỗi cá nhân – vốn được Osho xem là trạng thái tinh thần thuần khiết, ẩn chứa sức mạnh thay đổi vượt xa hai khái niệm quen thuộc là cải cách và cách mạng. Bởi ông tin, sự thay đổi được bắt nguồn và lan tỏa từ mỗi cá nhân, chứ không phải từ thượng tầng xã hội.

Hiểu không phải là một cuốn sách dễ đọc bởi sự cô đặc của các khái niệm trừu tượng và sự táo bạo của những triết lý thiền đạo “nổi loạn” (và dĩ nhiên là gây tranh cãi) mang đậm chất Osho. Thế nhưng, đây chắc chắn là một cuốn sách đáng đọc và cần đọc, nếu như những lời thuyết giảng thông tuệ của Osho đã trót làm bạn tò mò và say mê.

cuốn sách hiểu của osho

Zorba Phật: Hòa hợp giữa đạo và đời, giữa khổ hạnh và lạc thú

Osho cho rằng nguồn cội của sự thống khổ đang vùi lấp tâm hồn con người nằm ở sự phân cực bên ngoài vạn vật và sự chia tách bên trong tâm trí, mà tội đồ gây ra những hỗn loạn này không ai khác là các hệ tư tưởng mòn cũ và giáo điều. Với hiểu biết sâu rộng của mình, Osho không bỏ lỡ bất kỳ dịp nào để minh họa cho quan điểm của ông bằng chuyện đời, chuyện đạo, những phát hiện tinh tế về phân cực tư tưởng Đông – Tây và cách thức mà triết lý dẫn dắt con người đi đến hành động.

Trong khi tôn giáo chịu phàn nàn vì chỉ quan tâm đến thế giới bên kia, thì khoa học cũng không nằm ngoài tầm ngắm khi bị Osho chỉ trích vì đã lãng quên thế giới nội tâm của con người. Và để hợp nhất hai dòng tư tưởng Đông – Tây vừa đối nghịch vừa thiếu sót, Osho đề xuất một tôn giáo mới, một chủng người mới nổi loạn mà ông gọi là Zorba Phật – niềm vui trần thế và phúc lạc tâm linh, sự hợp nhất giữa thiên đường và hạ giới.

Khổ hạnh và lạc thú liệu có thể song hành cùng nhau? Đạo và đời liệu có thể hòa quyện trọn vẹn trong cùng một con người? Tại sao khái niệm “Zorba Phật” mới lạ này lại không tồn tại được trong các hệ tư tưởng cũ? Osho có cách riêng của mình để đáp lời các môn đệ đang nhiều hoang mang và suy tư.

Con đường Osho dẫn dắt các hành giả đi qua hành trình khai sáng, như ông nói, không phải là con đường trung đạo, mà là con đường toàn vẹn, vì vậy, ông mong muốn thiền sinh trải nghiệm cuộc sống và cảm xúc như một dòng chảy linh hoạt không ngừng.


Xem thêm

• [Giới thiệu sách hay] Cảm xúc: Để không bị cuốn theo đám mây bay của cảm xúc

• [Review sách hay] How we learn – Chúng ta nên nghĩ thế nào về việc học?

• [Review sách hay] Sống bán nông bán X: Một mối quan hệ bền chặt


Bản thân mỗi người nên là dòng chảy tràn qua mọi khoảnh khắc cuộc sống, mọi ngóc ngách tâm hồn mà không ngừng lại ở một đoạn nào, dù vui, buồn, lặng im hay ồn ã và rồi chúng ta sẽ tìm thấy điểm cân bằng trong sự chứng kiến. Ông giảng giải: “Không có gì ở lại mãi; mọi thứ đều trôi qua. Thứ duy nhất luôn ở lại là sự chứng kiến của bạn. Sự chứng kiến đó mang lại cân bằng. Sự chứng kiến đó chính là cân bằng”.

Các bài thuyết giảng của Osho cũng chính là một dòng chảy tư tưởng không ngừng len lỏi qua những chướng ngại vật trong tâm trí thiền sinh. Vì vậy, đọc sách của Osho, cần phải đọc tuần tự, lần mò để men theo dòng chảy suy tư và đến bến bờ của sự hiện hữu, của trạng thái “không biết”, của niềm vui vô ưu và tâm trí tự do.

Cuốn sách hiểu của osho

Osho nhấn mạnh: “Bạn phải là người truy vấn. Và trách nhiệm duy nhất của bạn là hiểu biết về chính mình”. Hệ thống triết lý của Osho nỗ lực đẩy con người thoát khỏi gánh nặng của khuôn phép và trách nhiệm xã hội để di dời bản thân đến một miền phúc lành trong tâm tưởng, nơi chúng ta có quá nhiều tình yêu thương và lòng trắc ẩn để tự nhiên san sẻ chứ không bị ràng buộc vào quy luật cho – nhận của cuộc đời. 

Niềm vui thể xác, hoàn toàn thuộc về thể chất – trong cơ thể, trong các giác quan, tận hưởng cơ thể và tất cả những gì cơ thể có thể mang lại – trong khi vẫn có được ý thức tuyệt vời, sự chứng kiến tuyệt vời. Không có sự phân chia giữa vật chất và tinh thần, giữa trần tục và thiêng liêng, giữa thế giới bên này và thế giới bên kia”, Osho kiến giải.

Ngoài chỉ dẫn thiền định, cuốn sách Hiểu của Osho cũng bàn luận nhiều suy ngẫm và quan điểm của thiền sư về các vấn đề còn tồn tại của tôn giáo, chính trị hiện đại và khác biệt của triết học Đông – Tây. Ông luôn khuyến khích thiền sinh không ngừng phản biện và đặt câu hỏi thay vì tin tưởng vô điều kiện vào các triết lý được áp đặt sẵn: “Họ nói, hãy tin. Tôi nói, hãy khám phá. Họ nói, đừng nghi ngờ; tôi nói, hãy nghi ngờ đến cùng, đến khi bạn đi tới đó và biết và cảm nhận và trải nghiệm”.  

103fdb18c473881c651bb7935db89d46.jpeg

OSHO - Hiểu - Đường Đến Tự Do

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)