Cuốn sách trở thành hiện tượng toàn cầu: Cô Gái Trên Tàu
[Tạp chí ELLE – 3/2016] Thế giới sôi sục khi Harper Lee cho ra mắt cuốn sách thứ hai sau 50 năm nhưng cuốn bán chạy nhất 2015 lại là “The girl on the train”.
Khi cuốn sách trở thành hiện tượng toàn cầu, người ta mới ngỡ ngàng hỏi Paula Hawkins là ai. Nghe thì xa lạ, nhưng thực ra Paula không phải là một tác giả mới được in sách lần đầu. Cô từng cho ra mắt tới bốn cuốn sách, nhưng bằng một bút danh khác. Những tác phẩm tình ái lãng mạn ấy không giúp cô tỏa sáng, và đưa cô tới quyết định phải thực sự thử thách bản thân.
Paula đã trải qua những ngày tháng khó khăn, phải sống bằng tiền vay mượn để có thể hoàn thành tác phẩm tâm huyết. Và đúng như những gì cô mơ ước, cuốn sách không mang chút màu sắc lãng mạn này đã chứng minh cho tài năng văn chương của cô.
.
Nhân vật chính của Cô gái trên tàu là Rachel – một người phụ nữ đang sống trong giai đoạn đáy của đời người: không có tiền, không có chồng, nghiện rượu, bị ám ảnh bởi cuộc đời của kẻ khác. Bên cạnh đó, câu chuyện cũng được kể từ điểm nhìn của hai người phụ nữ khác, Megan và Anna, hai cá nhân vừa xa lạ, vừa gần gũi với Rachel, và chính những mối quan hệ đó đã dẫn dắt để người đọc tìm ra được lời giải cho những bí ẩn.
Cuốn sách được viết theo thể loại trinh thám, tuy nhiên câu chuyện bí ẩn đi tìm lời giải đáp cho một vụ mất tích thực ra chỉ là cái cớ để tác giả nói về số phận con người trong những áp lực của cuộc sống.
Đây có lẽ chính là điểm đặc biệt đầu tiên của Cô gái trên tàu – nhân vật chính là một người phụ nữ mà chẳng ai muốn yêu mến khi vừa nhìn thấy. Tuy nhiên, người đọc càng về sau càng cảm thấy muốn thông cảm cho cô hơn. Họ nhìn thấy trong cô những điểm yếu của chính mình, và họ muốn bảo vệ và bênh vực cho cô chính vì cô xấu xí và không có nhiều ưu điểm. Rachel khơi gợi trong chúng ta sự đồng cảm vì cô là biểu tượng của hiện thực trần trụi nơi đô thị.
.
Đồng thời, đây cũng là cuốn sách nhắc nhở cho độc giả về cách sống giữa một thời đại, nơi mà mọi cá nhân đều có thể trở thành nạn nhân và người anh hùng. Là người quan sát và mơ mộng, Rachel muốn ngoảnh mặt đi khỏi thực tại mỗi khi ngồi trên con tàu chạy ngang thành phố và nhìn thấy Megan hay Anna. Nhưng thực tại vẫn luôn muốn níu giữ cô lại, buộc cô phải sống mạnh mẽ hơn.
Đã có nhiều người so sánh sự thành công của tác phẩm này với một tác phẩm đình đám của một nhà văn nữ khác: Gone Girl. Đó là sự so sánh khó tránh khỏi khi cả hai cuốn sách đều có nhân vật nữ chính rất đặc biệt, một vụ mất tích và đều viết theo thể loại trinh thám tâm lý.
Tuy nhiên, khi được hỏi ý kiến, Paula Hawkins hoàn toàn phản đối sự so sánh này. Cô nói rằng nhân vật của mình hoàn toàn trái ngược với Amy trong Gone Girl – một người phụ nữ luôn làm chủ trong mọi diễn biến của câu chuyện. Điểm chung của họ đơn giản chỉ nằm ở chỗ họ đều là những người phụ nữ muốn khẳng định ý nghĩa cho sự tồn tại của mình.
Q&A Với Paula Hawkins
.
Ý tưởng câu chuyện của cô đến từ đâu?
Giống đa số dân thành phố lớn, tôi dành rất nhiều thời gian để đi tàu, đi xe bus nhìn qua cửa sổ về phía một con phố, những ngôi nhà, lúc này lúc kia lại thoáng thấy một mảnh cuộc sống của những người khác. Tôi bắt đầu nghĩ về chuyện mình sẽ làm gì nếu tôi nhìn thấy điều gì đó lạ lùng, điều gì đó đáng sợ: Tôi sẽ phản ứng ra sao đây?
Hãy nói thêm cho chúng tôi về nhân vật chính Rachel?
Cô ấy là một người rơi từ đỉnh cao hạnh phúc xuống vực thẳm. Chỉ trong vòng vài năm, cô ấy đã biến đổi từ một người vợ tận tụy có công việc tốt và mái nhà yên ấm thành một người đàn bà cô đơn tuyệt vọng. Vì thế, cô ấy vội vã tạo lập nên một mối liên kết với những người có những mối quan hệ không hề có thật. Những quan sát cuối cùng lại kéo cô ấy vào một tình huống không thể điều khiển nổi.
————
Xem thêm:
17 cuốn sách hay nên đọc trước khi xem phim năm nay