Văn hóa / Thế giới văn hóa

“Cướp biển vùng Caribbean” – Cảm hứng từ những giai thoại

Phần mới nhất của loạt phim Cướp biển vùng Caribbean vừa ra mắt đã nhanh chóng đạt được kỷ lục doanh thu phòng vé, một trong những điểm hấp dẫn làm nên thành công của bộ phim chính là cảm hứng từ các truyền thuyết có thật về đại dương.

Cuối tuần qua, Pirates of the Caribbean: Salazar’s Revenge (Cướp biển vùng Caribê: Salazar báo thù) đã vượt mặt các tựa phim khác để trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất phòng vé Bắc Mỹ. Bên cạnh dàn diễn viên thực lực, câu chuyện quá khứ đầy tò mò của vị thuyền trưởng huyền thoại cùng những cảnh quay vô cùng hoành tráng, phần 5 của loạt phim Cướp biển vùng Caribe còn tạo được sức hút nhờ khắc họa thành công sự kỳ bí và đáng sợ của đại dương thông qua những truyền thuyết có thật như “cây đinh ba của thần Poseidon”, “tam giác quỷ Bermuda” hay những “phù thủy đại dương” đầy quyền lực…

Tam giác quỷ Bermuda

Vốn được mệnh danh là “Đao phủ của đại dương”, Tam Giác Quỷ Bermuda đã khiến hạm đội của thuyền trưởng Salazar trở thành nạn nhân của khu vực rùng rợn này. Trong lúc chiến đấu với tàu của Jack Sparrow trẻ tuổi, Salazar cùng thủy thủ đoàn của hắn đã bị lừa và tiến sâu vào khu vực chết. Ma thuật kỳ bí tại nơi đây khiến họ biến đổi, trở thành những thây ma bất tử và vô cùng ghê rợn.

Toàn bộ thủy thủ đoàn và con thuyền của thuyền trưởng Salazar đã bị biến thành những thây ma bất tử sau khi mắc kẹt ở khu vực Bermuda.

Trong thực tế, Bermuda là nơi diễn ra nhiều vụ mất tích tàu bè nhất trong lịch sử. Từ hạm đội Hoàng gia Anh cho đến tàu bè của người dân di cư, tất cả đều bị xóa sổ không để lại một dấu vết. Tam Giác Quỷ nằm ở phía Tây của Bắc Đại Tây Dương, ngay trục giao giữa các đường hàng hải của Châu Âu, Châu Mỹ cũng như vùng biển Caribbean. Không ít tàu bè từng đi qua đây và không ngày trở lại, không có đến một người sống sót để kể lại trải nghiệm kinh hoàng khi đối mặt nó.

Hình ảnh Tam Giác Quỷ Bermuda.

Cây đinh ba của Poseidon

Tương truyền là bảo vật hùng mạnh nhất, cây đinh ba từng nằm trong tay Hải Vương sẽ mang đến quyền kiểm soát tuyệt đối đại dương cho bất cứ ai sở hữu nó. Bảo vật có thể chém đôi mặt biển, tạo cuồng phong bão tố và bắt tất cả sinh vật huyền bí của biển khơi như Kraken hay người cá. Đồng thời, nó cũng có thể hóa giải mọi lời nguyền do các phù thủy biển tạo ra. Những sức mạnh này được thể hiện rất rõ trong bộ phim. Theo truyền thuyết Hy Lạp, vũ khí đặc trưng của Poseidon được ba người khổng lồ một mắt rèn nên, cùng với tầm sét của Zeus và giáp thủ vô hình của Hades. Đây là bảo vật thể hiện quyền uy của thần Biển, là niềm tự hào trong mỗi trận chiến của ông với các thần linh khác. Cây đinh ba cũng đóng vai trò là vật điều hòa các dòng đối lưu, nếu bị nứt gãy, thì toàn bộ biển xanh sẽ hỗn loạn.

Cây đinh ba quyền lực của thần Poseidon.

Phù thủy biển

Cũng như những bảo vật và vô số lời nguyền trên đại dương, các phù thủy biển luôn có một tầm quan trọng nhất định trong mỗi phần phim Cướp biển vùng Caribbean. Một trong những phù thủy vĩ đại nhất từng xuất hiện trong loạt phim là Tia Dalma, người tình của Davy Jones và đồng thời cũng là nữ thần biển cả Calypso. Câu chuyện về các phù thủy biển đã được truyền tụng từ thời kỳ người Anh giong buồm khai phá các châu lục mới. Không ít thuyền bè bỗng dưng đâm vào vách đá, hoặc gặp các sự cố bí ẩn. Những kẻ sống sót quả quyết rằng họ đã nghe những giọng hát, những lời ve vãn từ các thiếu nữ đứng giữa lòng đại dương, sai khiến họ làm những chuyện độc ác.

Tia Dalma xuất hiện trong phần 2 và 3 của loạt phim.

Trong Pirates of the Caribbean: Salazar báo thù, Jack Sparrow cùng thủy thủ đoàn có dịp gặp gỡ một phù thủy biển khác mang tên Shansa. Nhân vật này sở hữu ngoại hình kỳ dị với đầu trọc nhẵn và hình xăm khắp người, cô đồng thời cũng có hành tung khó lường, nửa thiện nửa tà. Trong phim, nữ diễn viên xinh đẹp Golshifteh đã phải mất tới 5 tiếng đồng hồ hóa trang để có thể hóa thân vào nhân vật này.

Tạo hình của Shansa trong phim.

Sự bất tử của thuyền trưởng Salazar và thủy thủ đoàn

Văn học phương Tây tồn tại một khái niệm rất phổ biến là “undead”, dùng để chỉ những kẻ lang thang giữa lằn ranh sự sống và cái chết. Đó cũng chính là số phận của Armando Salazar cùng thủy thủ đoàn tàu Silent Mary. Họ bị nguyền rủa và sở hữu một cuộc sống vĩnh hằng, nhưng đồng thời phải mang hình hài xấu xí và luôn chịu sự đau đớn. Nhiều thủy thủ đoàn vẫn có thể di chuyển dù mất đi một phần tay, chân, thậm chí là nửa khuôn mặt; chỉ đơn giản là những “undead” như họ không còn bị ràng buộc bởi các định luật vật lý nữa. Họ vẫn sẽ sống và gào thét dù chỉ còn sót lại những mảnh xương vụn. Đó là một kiếp đọa đày còn tệ hơn cái chết.

Những kẻ sống giữa lằn ranh của sự sống và cái chết luôn phải chịu sự đau đớn dày vò.

Những con cá mập mắc kẹt trong mạn tàu cũng chịu chung số phận. Vô tình, chúng trở thành “chó săn” tinh nhuệ của chiếc tàu ma Silent Mary, tiếp tục gieo rắc nỗi kinh hoàng cho đại dương như khi Salazar vẫn còn sống.

Nhóm thực hiện

Đoàn Trúc (Nguồn: Tạp chí phái đẹp ELLE)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)