Văn hóa / Thế giới văn hóa

Họa sĩ Cyril Kongo và những bất ngờ dành cho quê hương Sài Gòn

Sinh ra tại Sài Gòn, xa quê từ khi còn là một cậu bé, lưu lạc nhiều nơi trên thế giới và thành danh tại kinh đô của nghệ thuật - Paris, họa sĩ Graffiti Cyril Kongo hồi hương khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp trên cấp độ thế giới. Trong dự án sắp tới tại Sài Gòn, Kongo đã thuyết phục thành công một người bạn cũng là nghệ sĩ gốc Việt cùng mang các tác phẩm về với khán giả quê nhà - họa sĩ Hom Nguyen.

Cyril Kongo sinh năm 1969, tên tiếng Việt của anh là Phan Ngọc Sương, tên tiếng Pháp là Cyril và nghệ danh là Cyril Kongo. Cậu bé Phan Ngọc Sương sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, có cha là người gốc Huế và mẹ là người Pháp – một nhân viên của đại sứ quán thời đó. Năm 6 tuổi, Kongo theo mẹ trở về Pháp sinh sống ở quê ngoại Toulouse nhưng chỉ một thời gian ngắn, sau đó, hai mẹ con lại chuyển tới làm việc ở một đất nước khá xa xôi: Congo. Nơi đây tuy còn nghèo khó nhưng lại có một tinh thần sống rất lạc quan, con người yêu cái đẹp và đặc biệt là những sắc màu. Cyril từng chia sẻ rằng chính ở Congo, ông cảm nhận được sự chào đón thân thiện và được thoải mái tiếp xúc với nghệ thuật. Graffiti, Mr. Colorful và tinh thần Joie de vivre – tận hưởng cuộc sống từ những điều giản đơn nhất, cũng là những gì Cyril Kongo lĩnh hội và hình thành phong cách nghệ thuật mà sau này đã chinh phục cả thế giới. Chính vì vậy ông chọn Kongo làm nghệ danh chính thức của mình.

nghệ sĩ cyril kongo và dự án ở Sài Gòn
Mr. Colorful – Cyril Kongo, nghệ sĩ Graffiti đã đưa bộ môn nghệ thuật này lên tầm cao mới

Khi trở lại Pháp, Cyril Kongo ngày kiếm sống, tối vẽ tranh trên phố để lan tỏa Graffiti, đêm ngủ trên các thùng các tông. Ông và các cộng sự đã nỗ lực tổ chức nhiều phong trào triển lãm để thuyết phục công chúng và giới chuyên môn rằng Graffiti cũng là một lĩnh vực xứng đáng được trưng bày ở những nơi tương xứng với các loại hình nghệ thuật khác. 

Sau nhiều năm nỗ lực, Cyril Kongo lần lượt được Hermès mời vẽ cửa sổ bày hàng, rồi đưa Graffiti lên những tấm khăn trứ danh. Thương hiệu Chanel và huyền thoại Karl Lagerfeld mời Kongo cùng sáng tác loạt tranh để đưa lên BST Chanel Métier d’art Paris, trình diễn tại bảo tàng Metropolitan New York. Richard Mille mời Cyril Kongo đưa Graffiti lên một chiếc đồng hồ cơ tourbillon siêu phức tạp, trị giá 685.000 USD, và nhiều dự án thú vị khác nữa đến từ Maseratti, Daum, hãng bếp xa xỉ La Cornue. 

bst chanel métier d'art paris của cyril kongo và karl lagerfeld
Một trong những trang phục thuộc BST Chanel Métier d’art Paris kết hợp giữa Cyril Kongo và huyền thoại Karl Lagerfeld

Đã một năm kể từ khi phòng tranh đầu tiên của anh được mở tại Hà Nội và nghe nói anh chưa thể về thăm. Anh có cảm giác như thế nào? 

Điều này khiến tôi khá bực bội, tuy nhiên thì tôi vẫn có thể theo dõi và cập nhật tin tức từ mọi người ở đó. Ta chỉ có thể kiên nhẫn chờ đợi trong tình huống này thôi (cười). Hi vọng rằng trong tương lai, Việt Nam sẽ mở cửa trở lại, tôi sẽ về thăm và dành được nhiều thời gian hơn với phòng tranh.

Vậy thiếu vắng anh, phòng tranh có hoạt động tốt như anh kỳ vọng không? 

Tất nhiên rồi, có thể nói là gallery hoạt động tốt hơn cả những gì tôi kỳ vọng. Chúng tôi đã thu hút được lượng lớn công chúng đến thăm gallery và thưởng thức các tác phẩm của tôi. Tôi thực sự tự hào về điều đó. Được chia sẻ các tác phẩm và vũ trụ nghệ thuật của tôi tới Việt Nam, đối với tôi, đó là một thành công.

cyril kongo viet nam tai ha noi và dự án ở Sài Gòn
Cyril Kongo Gallery Việt Nam tại Hà Nội là phòng tranh cá nhân đầu tiên của Kongo trên thế giới

Anh có còn nhớ kí ức nào về tuổi thơ ở Sài Gòn không? 

Tôi dành một phần tuổi thơ lớn lên tại Sài Gòn, tuy nhiên, khi ấy tôi vẫn còn là một đứa trẻ. Những kí ức của tôi phần lớn là về gia đình của mình, về ông bà, cô chú… Tôi vẫn còn nhớ những lúc được đến rạp chiếu phim để xem bộ phim của Lý Tiểu Long. Những ký ức mặc dù mơ hồ nhưng tôi vẫn mường tượng được phần nào mùi hương, sự ồn ã, náo nhiệt của thành phố. 

Và dự án sắp tới của anh sẽ là ở Sài Gòn, anh có hồi hộp không về sự hội ngộ lần này? 

Thật tuyệt vời, tôi phải nói rằng đoàn tụ với Sài Gòn… đối với tôi, nó quả thực có rất nhiều ý nghĩa. Bạn biết đấy, giống như vòng tròn cuộc sống, được quay trở lại Sài Gòn với một dự án nghệ thuật cùng những người nghệ sĩ Việt Nam khác, điều này mang đến những cảm xúc thật tuyệt vời.

Anh sẽ mời người thân tới xem tranh của mình ở Sài Gòn chứ? 

Tất nhiên rồi, tôi sẽ mời những người họ hàng của mình tới. Tất cả gia đình tôi sẽ tới thăm, những người bạn bè tại Sài Gòn của tôi cũng sẽ đến gallery và thưởng thức các tác phẩm của tôi. Tôi hi vọng rằng họ sẽ hiểu những gì tôi vẽ, tôi không chắc lắm về điều này, có một chút lo sợ đó… (cười). 

bức tranh horus eye thuộc bst kết hợp với chanel của cyril kongo và dự án ở Sài Gòn
Horus Eye là 1 trong 3 bức tranh khổ lớn còn sót lại trên thế giới thuộc BST kết hợp với Chanel sẽ có mặt tại phòng tranh ở TP.HCM

Khác với dự án tại Hà Nội, lần này anh sẽ về cùng một họa sĩ nữa. Anh và Hom Nguyen biết nhau lâu chưa? 

Tôi quen Hom ở Paris. Chúng tôi đều là những người nghệ sĩ hoạt động mạnh tại Pháp. Anh ấy là một nghệ sĩ trẻ rất tài năng. Hom bắt đầu sự nghiệp chính thức chưa quá lâu. Anh ấy không đến từ Graffiti, không bắt đầu từ nghệ thuật đường phố mà có hành trình riêng của mình. Nhưng tôi rất trân trọng những gì anh ấy làm được. Với tôi, anh ấy là người bạn và là một người em trai tốt.

Kongo và Hom Nguyen từng cùng trưng bày nghệ thuật với nhau trước đây, có vẻ như các anh rất đồng điệu? 

Chúng tôi đã có vài buổi triển lãm cùng nhau, lần gần đây nhất là tại Hongkong. Tuy vũ trụ nghệ thuật của Hom và tôi khác nhau, nhưng chúng tôi có những người bạn chung và tôi nghĩ rằng những tác phẩm của Hom và tôi đều có sự gắn kết. Hom là một người nghệ sĩ giỏi và tôi rất vui khi được chia sẻ không gian cùng anh ấy. Hom rất giỏi khi truyền tải được thông điệp về con người, về những cảm xúc trong nghệ thuật với rất nhiều năng lượng. Tôi yêu những tác phẩm của cậu ấy, và như những người Việt Nam, chúng tôi cần phải được đồng hành cùng nhau trong không gian nghệ thuật này.

Anh là người đã rủ Hom Nguyen về Việt Nam phải không? Phản ứng của anh ấy như thế nào? 

Đúng vậy, tôi đã đề nghị với Hom rằng anh ấy sẽ là người nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên cùng tôi mở không gian nghệ thuật tại Sài Gòn và anh ấy đã rất vui và phấn khích với dự án lần này. Tôi nghĩ rằng đây là triển lãm lớn đầu tiên của anh ấy tại Việt Nam. Anh ấy rất hào hứng, tôi cũng vậy, tất nhiên rồi (cười)

bst woman của hom nguyen và dự án ở Sài Gòn
BST Woman được Hom Nguyen thực hiện dành riêng cho những người yêu tranh tại Việt Nam

Anh nghĩ các tác phẩm của anh và Hom khi đứng chung với nhau trong hành trình hội ngộ Sài Gòn sẽ như thế nào? 

Hom Nguyen là một thiên tài, anh ấy có khả năng thiên phú với hội họa. Tôi yêu cách anh ấy truyền tải năng lượng qua những tấm chân dung, còn tôi thì đặt năng lượng nhiều hơn với Calligraphy. Vì vậy mà chúng tôi rất tự tin với màn trình diễn của mình tại quê nhà. Tôi biết chúng tôi sẽ thực hiện dự án lần này rất tốt và tôi tự hào khi được chia sẻ không gian này cùng với Hom.

Anh có e ngại rằng các tác phẩm của họa sĩ khác sẽ chiếm mất trọng tâm chú ý của khán giả không? 

Không, tôi đã có rất nhiều buổi triển lãm kết hợp trước đó. Họa sĩ không đơn thuần chỉ trình diễn qua những tác phẩm hội họa. Tác phẩm còn là công cụ để bạn thực hiện, hành trình mà bạn đi, vì vậy mà điều thú vị ở người nghệ sĩ chính là hành trình mà họ trải nghiệm. Nếu bạn thất bại một lần, bạn sẽ nhận ra rằng con đường bạn đi khác với những người còn lại, đó chính là sự thú vị khi những người nghệ sĩ kết hợp với nhau, được cùng nhau tạo nên những cảm xúc, hành trình và những câu chuyện.

Tôi không hề lo lắng mà thay vào đó lại cảm thấy thật thú vị. Tôi vẫn thường chia sẻ không gian của mình cùng những người nghệ sĩ khác. Giống như ngày trước, khi còn vẽ Graffiti trên phố, chúng tôi vẫn thường chia sẻ những bức tường lớn với những nghệ sĩ khác. Mặc dù có thể chúng tôi không nói cùng một ngôn ngữ, nhưng chúng tôi có chung ngôn ngữ của nghệ thuật. Chúng tôi vẽ Graffiti, chúng tôi làm nghệ thuật, đó chính là sự tương đồng trong ngôn ngữ của vũ trụ nghệ thuật. 

destination de lavie thuộc bst voyage của cyril kongo và dự án ở Sài Gòn
Destination De Lavie thuộc BST Voyage của Kongo thể hiện khao khát được tự do khám phá sau thời kì đại dịch COVID-19

Chưa thể về Sài Gòn ngay trong dịp này, anh và Hom Nguyen có kì vọng như thế nào với phòng tranh? 

Tôi đã từng chia sẻ rằng chúng tôi đều kỳ vọng nhiều vào dự án lần này. Chúng tôi mong được thấy những nhà sưu tập mới tại đây, cùng nhau chia sẻ vũ trụ nghệ thuật của mỗi người, chia sẻ những hành trình và truyền cảm hứng, đặc biệt là cho những người nghệ sĩ quê nhà.

Đang ở vị thế tốt trên thị trường quốc tế, bận rộn với nhiều dự án hàng đầu, khi đã có đủ danh tiếng và tiền bạc, hai nghệ sĩ nổi tiếng thế giới – Hom Nguyen và Cyril Kongo Phan – muốn hồi hương trong một dự án đặc biệt, không đơn thuần là mang những tác phẩm tầm cỡ quốc tế về trưng bày tại quê hương, mà hơn thế nữa, mỗi người đều có những gửi gắm của riêng mình. “Trong nghệ thuật không có gì là giới hạn, cho dù bạn là ai, bạn bao nhiêu tuổi, xuất phát điểm từ đâu, không bao giờ là quá muộn cho một khởi đầu” – Hom Nguyen chia sẻ. Trên hết, hai nghệ sĩ mong muốn trở thành một phần của dòng chảy văn hóa Việt và khuyến khích những nghệ sĩ tại quê nhà mạnh dạn đưa nghệ thuật Việt Nam tỏa sáng trên bản đồ quốc tế. 

Sắp tới, những tác phẩm của 2 nghệ sĩ Cyril Kongo và Hom Nguyen sẽ được trưng bày trong không gian S&S Art Gallery ngay tại trung tâm TP.HCM.

Hom Nguyen – Từ nghệ nhân đánh giày tới “Người lưu giữ kí ức”

Chỉ cách nhau mấy tuổi, Hom Nguyen cũng có một kí ức tương tự Cyril Kongo. Tuy sinh ra trên đất Pháp năm 1972, Hom Nguyen có một tuổi thơ giao thoa hai nền văn hóa khi anh sống cùng mẹ – một phụ nữ Hà Nội khép kín, không nói được tiếng Pháp trong một căn hộ khiêm tốn tại Paris. Khi mới bốn tuổi, mẹ lại bị tai nạn phải ngồi xe lăn, Hom Nguyen đã cùng mẹ nương tựa vào nhau để đi qua những ngày vất vả nơi xa xứ. Trong kí ức của anh, đẹp đẽ nhất vẫn là những buổi sáng khi mà mẹ đã đỡ bệnh, thức dậy thấy mùi thơm nồi phở trong bếp ngào ngạt. Mẹ vừa nấu vừa giảng gỉai cho anh về triết lý nấu ăn của quê mẹ, nơi mà sự âm dương, cân bằng, kết nối của các cung bậc gia vị rất được đề cao. 

Mặc dù thích vẽ từ khoảng 8 tuổi nhưng lớn lên, Hom Nguyen đã chọn một nghề thực tế hơn để kiếm sống, đó là nhuộm da giày. Dù chưa qua trường lớp đào tạo và phải giành phần lớn thời gian chèo lái cuộc sống, bản năng hội họa trong Hom Nguyen chưa từ bỏ anh. Quá đau buồn khi mẹ mất, Hom Nguyen quyết định thu mình trong xưởng và bắt đầu làm việc mình yêu thích nhất: Vẽ.

bức chân dung tự họa bản thân trong bst hidden của hom nguyen và dự án ở Sài Gòn
Hom Nguyen và 3 bức chân dung tự họa bản thân trong BST Hidden tại triển lãm ở Bali (Indonesia)

Muốn hiểu về chính mình và quê hương, sau này, Hom Nguyen đã dành một vài tháng lang thang ở Việt Nam. Anh đặc biệt cảm thấy thân thương ở Hà Nội, có lẽ do những kí ức về quê hương đã được truyền đạt qua lời kể của mẹ. Hom Nguyen rong ruổi lên Tây Bắc, khám phá cả những tập tục nghi lễ linh thiêng của người đồng bào dân tộc Lô Lô đen, một trong những trải nghiệm kì diệu đem đến cho anh những đột phá trong nghệ thuật sau này. 

Khởi đầu là một cậu bé đánh giày vô danh trên đường phố Paris và rồi sau này trở thành nghệ sĩ được thế giới ngưỡng mộ, Hom Nguyen sở hữu những triển lãm thu hút dòng người đợi chờ đón xem từ Pháp, Hongkong, Indonesia, Singapore; được đích thân cựu tổng thống Pháp 2016 Francois Hollande ngợi khen; được các tạp chí và tổ chức hàng đầu mời hợp tác; tác phẩm trưng bày tại các thánh đường nghệ thuật của Pháp như Grand Palais và Palais de Tokyo.

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)