Romain Thiery có hai niềm đam mê to lớn trong cuộc sống: đàn piano và nhiếp ảnh. Thiery là nhiếp ảnh gia và người chơi piano chuyên nghiệp đã có bước đột phá trong sự nghiệp của mình vào năm 2009, khi ấy anh vừa 20 tuổi. Thiery đã dành ra 4 năm để cho ra đời bộ sưu tập mang tên Lễ cầu siêu cho những chiếc đàn piano.
Theo chân mẹ, Thiery bắt đầu chụp ảnh từ những địa điểm lịch sử bị bỏ hoang ở Pháp và những nơi khác ở châu Âu. Thiery chia sẻ: “Mong muốn lớn nhất của tôi là có thể bảo tồn dấu vết của những người bị lãng quên trước khi thời gian xóa đi vết tích của chúng. Tôi muốn làm sống lại chiếc đàn piano cũ kỹ và lưu giữ câu chuyện đằng sau nó”.
Điểm đến đầu tiên của Thiery là một căn biệt thự bỏ hoang ở miền Tây Nam nước Pháp. Đó cũng là ngày Thiery cảm thấy tác phẩm của mình có thể đem đến nguồn cảm hứng cho người xem. “Kể từ ngày đó, bất cứ nơi nào tôi muốn đến đều phải có sự giao thoa của hai yếu tố: đàn piano và nghệ thuật nhiếp ảnh”, Thiery chia sẻ.
Thiery đã đi đến hơn 150 điểm từ Tây Ban Nha đến Bỉ và Roman để tìm kiếm những chiếc piano cũ. Khi được hỏi vì sao lại chọn piano làm chủ thể chụp ảnh, Thiery đã chia sẻ piano như một “nét tao nhã tự nhiên” đã không ngừng thu hút anh. Theo Thiery, giá trị của chiếc đàn piano chính là gốc rễ sâu xa của nền văn hóa của chúng ta. Vẻ đẹp của chiếc đàn piano đã làm lu mờ tất cả mọi thứ xung quanh. “Đây chính là vẻ đẹp tôi muốn chỉ cho mọi người thấy, một vẻ đẹp không hào nhoáng”.
BÀI LIÊN QUAN
Bức ảnh yêu thích của anh là ảnh chụp chiếc piano cũ trong căn biệt thự bỏ hoang ở Pháp. Chiếc piano được đặt dưới chân cầu thang hình xoắn ốc. Thiery đã ngồi lên và đánh thử nó. Thiery nói anh không cố tình tìm kiếm những chiếc đàn này mà đây đơn giản là “đỉnh cao nghệ thuật của tôi khi hai niềm đam mê hòa vào làm một”. Thiery xem việc tìm thấy chiếc đàn piano này như một “sự tán dương của cuộc đời người nghệ sĩ”.
Thông qua những bức ảnh của mình, Thiery cảm nhận được mọi người cũng đồng cảm với tình yêu nhạc cụ của mình: “Ngay cả khi họ không biết chơi đàn, họ luôn luôn ngồi vào nó và đánh thử khi tìm thấy một cây piano nào đó”. Thiery cho rằng lý do khiến mọi người cảm thấy bị thu hút bởi những tác phẩm của anh chính là họ không ngờ được lại có một cây đàn còn sót lại trong những căn nhà bỏ hoang nhiều năm như vậy. Theo Thiery, piano là một trong số ít tài sản bị bỏ lại và nó cũng không phải là mục tiêu của những tên cướp nhắm đến. “Dù thời gian có tàn phá chúng như thế nào, tôi vẫn gắn bó và tôn trọng chúng”, Thiery nói.
Xem thêm:
“Sức mạnh êm dịu” mang tên Âm nhạc
Chơi đùa cùng âm nhạc, tại sao không?
Nhóm thực hiện
Thùy Dung (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Thisisinsider)