Văn hóa / Thế giới văn hóa

Dạo quanh châu Á, đón Tết Trung Thu

Tết Trung Thu ở các quốc gia ngoài Việt Nam sẽ có những gì đặc sắc? Nghi lễ đón Tết Trung Thu sẽ thay đổi thế nào khi kết hợp với văn hóa bản địa?

Hàng năm, mỗi độ rằm tháng 8 Âm lịch, các quốc gia khu vực châu Á lại nô nức chuẩn bị cho dịp lễ quan trọng là Tết Trung Thu. Tuy sở hữu khá nhiều điểm chung trong nguồn gốc nhưng mỗi quốc gia lại có nét đặc sắc và thú vị riêng. Hãy cùng ELLE ghé thăm một vài nơi tại châu Á xem mọi người đón Tết Trung Thu như thế nào nhé!

Việt Nam

Trung Thu Việt Nam
Ảnh: saigonfoodtour

Theo các nhà khảo cổ học, Tết Trung Thu ở Việt Nam đã xuất hiện từ thời xa xưa. Hình ảnh về những nghi thức đầu tiên đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ (hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam). Tết Trung Thu bắt nguồn từ nền văn minh nông nghiệp của dân tộc Việt Nam. Vào mùa Thu, khí trời mát mẻ, mùa màng đang chờ thu hoạch, người người mở hội cầu mùa và ca hát vui chơi.

Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, ban ngày, mọi người làm cỗ gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Đầu cỗ là bánh Trung Thu có hình mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh hình hoa quả nhuộm đủ các màu sắc sặc sỡ: xanh, đỏ, trắng, vàng. Con gái trong nhà thi nhau trổ tài khéo léo gọt đu đủ, nặn bột thành đủ hình dạng từ tôm đến cá.

Ở Việt Nam, Trung Thu mang ý nghĩa là ngày Tết dành cho thiếu nhi nên ngày xưa, vào đêm rằm, trẻ em thường rủ nhau chơi kéo co, rước đèn, rước sư tử, đánh trống vang cả đường, tiếng reo hò, đùa vui rộn rã. Người Việt còn tổ chức múa lân trong dịp này. Hình tượng con lân tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và là điềm lành cho mọi nhà.

Bánh Trung Thu Việt Nam
Ảnh: saigonfoodtour

Ăn bánh Trung Thu cũng là phần quan trọng của tết Trung Thu. Thông thường bánh Trung Thu có hai loại: bánh nướng và bánh dẻo. Bánh nướng thường có vị mặn (thập cẩm) hoặc ngọt còn bánh dẻo thường có vị ngọt, làm từ nhân đậu xanh hay đậu đỏ.

Trung Quốc

Tết Trung Thu Trung Quốc
Ảnh: easychinese

Tương truyền rằng, Tết Trung Thu tại Trung Quốc xuất phát từ thời nhà Chu. Các hoàng đế đầu tiên trong triều đại nhà Chu đã bắt đầu thực hiện các nghi lễ hiến tế cho mặt trăng để có một vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, trong thời điểm này, Trung Thu chỉ đơn thuần dựa trên mùa – tiết giữa Thu – và chưa chính thức là một lễ hội cho đến thời nhà Đường và nhà Tống.

Tết Trung Thu là một trong những ngày lễ quan trọng nhất ở Trung Quốc, là dịp để nông dân ăn mừng kết thúc mùa thu hoạch. Theo truyền thống, vào ngày Trung Thu, các thành viên trong gia đình và bạn bè sẽ cùng nhau chiêm ngưỡng mặt trăng tròn vành vạnh, nhâm nhi bánh Trung Thu và những tép bưởi ngon lành, thầm cầu chúc những điều may mắn đến nhau. Nếu chọn ra ngoài trong dịp này, mọi người có thể cùng nhau thả đèn hoa đăng cạnh bờ sông và thỏa sức ngắm nhìn sự lung linh của đêm trăng rằm.

Hàn Quốc

chuseok
Ảnh: sweetandtastytv

Theo lịch sử Hàn Quốc, lễ hội Chuseok (Trung Thu) bắt nguồn từ thời Gabae, thời trị vì của các vị vua thuộc vương quốc Silla (từ năm 57 trước CN đến năm 935). Vị vua đời thứ III ở Silla, Yuri (24-27), là người đầu tiên tổ chức ngày lễ Chuseok với ý nghĩa ban đầu là một cuộc thi tài.

Chuseok nghĩa đen là “đêm mùa Thu”, đêm trăng rằm đẹp nhất trong năm. Đây là lễ hội chính của người Hàn Quốc, diễn ra vào ngày 15/8 âm lịch (giống như ngày Tết Trung Thu ở Việt Nam). Diễn ra vào mùa thu hoạch lúa và các nông sản khác, Chuseok còn mang ý nghĩa là “lễ thu hoạch”, hay hội mùa. Người Hàn Quốc sử dụng các sản phẩm mới thu hoạch được như thịt, cá, các loại rau, hoa quả… để chế biến các món ăn kính dâng lên tổ tiên.

songpyeon
Ảnh: wiki-travel

Vì là dịp để tưởng nhớ tổ tiên nên mọi người thường đi tảo mộ vào Tết Trung Thu. Một trong những món không thể thiếu chính là bánh Songpyeon, loại bánh làm từ bột gạo mới, nhân gồm vừng, đậu đỏ, được nắn nót như hình bán nguyệt. Vào ngày này, người Hàn Quốc hiện đại sẽ có 3 ngày nghỉ ngơi chính thức để có thể vui chơi thỏa thích, tưng bừng như Tết Nguyên Đán ở Việt Nam.

Nhật Bản

Bánh gạo Nhật Bản
Ảnh: leon

Tsukimi hay Otsukimi dịch theo nghĩa đen là “ngắm trăng”, là một lễ hội truyền thống có lịch sử lâu đời, được xem là Tết Trung Thu ở Nhật Bản, cũng rơi vào ngày 15/8 âm lịch. Truyền thuyết Nhật Bản kể rằng, vào thời xưa, nhiều năm liền mùa màng thất bát, con người và vật ăn thịt lẫn nhau để giành giật sự sống. Tuy nhiên, có một chú thỏ đã nguyện hy sinh thân mình để giúp một ông lão vượt qua cơn đói. Khi đó, Tây Vương Mẫu đi qua, thương cảm và ghi nhận nghĩa khí của con vật nhỏ bé, người đã nhặt hết chỗ xương tàn của chú thỏ và phù phép thành hình hài mới bằng ngọc. Chú thỏ được trường sinh bất tử và sống trên cung trăng.

Cũng từ đây, người dân Nhật Bản tin rằng có một chú Thỏ Ngọc đang sinh sống ở trên mặt trăng. Mỗi khi ngồi ngắm trăng, họ thường tưởng tượng hình bóng một chú thỏ đang ngồi ăn bánh bao hoặc đang đứng giã bánh Tsuki-Dango (một loại mochi Nhật Bản).

bán cúng trung thu Nhật Bản
Bàn cúng trăng tại Nhật Bản. Ảnh: xuatkhaulaodong

Tết Trung Thu ở Nhật Bản được tổ chức 2 lần mỗi năm vào ngày 15/8 âm lịch và ngày 13/9 âm lịch. Ngày lễ đầu tiên được gọi là Zyuyoga, gắn liền với phong tục ngắm trăng Otsukimi “Đêm 15”. Lần thứ hai tổ chức là Zyusanya được gọi là “đêm 13″ hay “trăng sau”. Người Nhật quan niệm rằng, một khi đã ngắm trăng đêm 15 thì nhất định phải ngắm trăng vào đêm 13. Bởi nếu chỉ ngắm trăng đêm 15 thì chắc chắn sẽ gặp xui xẻo hay tai họa. Điều kiêng kỵ này trong tiếng Nhật được gọi là “Kata-tsukimi”. Đây cũng là một nét khác biệt của Otsukimi Nhật Bản.

Các phong tục truyền thống vào ngày này là trang trí nhà bằng cỏ susuki (cỏ bông bạc hoặc cỏ mèo), chuẩn bị bánh Tsukimi-Dango, Edamame (đậu nành luộc), hạt dẻ… để ở chỗ thoáng nhất để vừa thưởng thức vừa ngắm trăng và trò chuyện.

Singapore

Trung thu Singapore
Ảnh: chudu24

Tại Singapore, người gốc Hoa chiếm tới 72,4% dân số. Chính vì lý do đó mà hơn nửa số lễ hội truyền thống hàng năm tại “đảo quốc sư tử” đều có nguồn gốc Trung Hoa. Trong đó, Tết Trung Thu có thể xem là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong tiết trời mùa Thu Singapore.

Người xưa kể lại, Tết Trung Thu được người Hoa tổ chức tại Singapore thường rơi vào tháng 9 dương lịch, nhằm tưởng nhớ Hằng Nga.

Hoạt động phổ biến nhất của Trung Thu ở Singapore là rước đèn lồng. Khi sắp sửa vào Thu, mọi nơi được trang trí bằng đèn lồng nhiều màu sắc nhưng nổi bật nhất là vẫn là đỏ – màu của sự may mắn. Lễ hội đèn lồng lớn nhất thường được tổ chức dọc theo sông Singapore. Những chiếc đèn lồng được làm thành nhiều hình dạng khác nhau như động vật, nhân vật hoạt hình.

Bánh Trung Thu sử dụng trong ngày này có hình dạng tương đồng với bánh của Việt Nam và nhân cũng được sáng tạo với nhiều nguyên liệu độc đáo như trứng muối, đậu xanh, hạt sen hoặc vị lạ như kem, chocolate, cà phê, sầu riêng…

Đài Loan

Trung Thu Đài Loan
Ảnh: trangvisa

Ở Đài Loan, Tết Trung Thu còn có tên gọi khác là Tết Đoàn Viên. Ngày nay, người ta vẫn dùng tên gọi này tại nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có Việt Nam. Vào dịp này, mọi người thường trở về, đoàn tụ, quây quần bên nhau, không khí không khác gì ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam, đối với những người dân xứ Đài, đây là thời khắc thật đẹp và vô cùng ý nghĩa.

Ngoài treo đèn lồng, vào dịp này, người ta có tập tục tặng quà cho nhau như một cách thể hiện sự yêu mến với đối phương. Thông thường, món quà người Việt hay tặng nhau vào dịp này là bánh Trung Thu, tuy nhiên, ở Đài Loan, người ta còn tặng nhau những trái bưởi to, tròn, chín mọng tương tự như Trung Quốc.

Bên cạnh bánh Trung Thu và bưởi, người dân Đài Loan còn tổ chức nướng thịt vào ngày kỷ niệm đặc biệt này. Bởi theo quan niệm của người Đài Loan, việc nướng thịt trong Tết Trung Thu tượng trưng cho sự sum họp, hạnh phúc, đầm ấm khi cả nhà quây quần bên bếp than hồng. Chính vì thế, Tết Trung thu Đài Loan còn có một tên gọi khác là tết Thịt nướng.

Malaysia

người dân Malaysia thả đèn lồng
Ảnh: baomoi

Malaysia có nhiều tộc người nhưng phần lớn là người Hoa, chiếm khoảng 25% tổng dân số. Malaysia cũng là quốc gia có chung nguồn gốc ra đời của Tết Trung Thu với Trung Quốc.

Dù tại Malaysia, Trung Thu không hẳn là một lễ hội lớn như các quốc gia cùng khu vực khác, nhưng người dân ở đây vẫn thực hiện một số nghi lễ truyền thống địa phương. Người Hoa ở đây tổ chức rất nhiều các hoạt động ăn mừng Trung Thu bao gồm thưởng trăng, ăn bánh Trung Thu và rước đèn lồng.

Tại Kuala Lumpur, ngoài thả đèn lồng, múa rồng, múa lân ra, người dân còn tổ chức lễ diễu hành với những chiếc xe hoa lớn chở “Hằng Nga” hay  rước “7 cô tiên” cực kỳ lộng lẫy. Có thể nói đây là một trong những lễ hội náo nhiệt và vô cùng hấp dẫn.

Nhóm thực hiện

Tổng hợp: Diễm Ái Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: chinadaily, VHNT
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)