Văn hóa / Thế giới văn hóa

Đạo diễn – Con đường chông gai của phụ nữ

Khi Ava DuVernay thông báo bà sẽ đảm nhiệm vai trò đạo diễn cho phim A Wrinkle in Time, bà đã tạo ra một bước ngoặt lịch sử: Trở thành nữ đạo diễn da màu đầu tiên đạo diễn một bộ phim điện ảnh có ngân sách hơn…

nữ đạo diễn 8

Khi Ava DuVernay thông báo bà sẽ đảm nhiệm vai trò đạo diễn cho phim A Wrinkle in Time, bà đã tạo ra một bước ngoặt lịch sử: Trở thành nữ đạo diễn da màu đầu tiên đạo diễn một bộ phim điện ảnh có ngân sách hơn 100 triệu đô-la Mỹ. Tuy nhiên, bước tiến đáng kể về mặt bình đẳng màu da đó, thực ra lại là điểm sáng hiếm hoi cho thực tế đáng buồn về vấn đề giới ở Hollywood. Trong năm 2018, chỉ có 8% phim ra rạp tại Mỹ do phụ nữ làm đạo diễn, và đó là bước lùi so với năm 2017 (11%).

nữ đạo diễn 1
“A Wrinkle in Time” có sự góp mặt của “nữ hoàng truyền thông” Oprah Winfrey.

Thực ra phụ nữ không hề vắng bóng trong lĩnh vực điện ảnh. Họ là nhà biên kịch, sản xuất, là người quay phim, là trợ lý đạo diễn, phụ trách hóa trang, phục trang, và quảng bá phát hành. Từ bức tranh toàn cảnh đó, người ta có thể thấy rõ rằng phụ nữ hoàn toàn có nhu cầu và năng lực để tham gia vào ngành nghề này. Tuy nhiên, khi bàn đến những vị trí chủ chốt trong đoàn làm phim, họ hiếm khi là những cái tên được nhắc đến đầu tiên. Một khảo sát của Đại học San Diego State cho thấy chỉ 1% trong số các bộ phim đã ra mắt có hơn 10 phụ nữ trở lên trong những vị trí quan trọng của đoàn.

nữ đạo diễn 2
Nữ đạo diễn Patty Jenkins kết hợp thành công với nữ diễn viên Gal Gadot trong “Wonder Woman”.

Ở một thị trường có sức ảnh hưởng khác, Anh – câu chuyện cũng không mấy khác biệt. Khảo sát trong 10 năm (2005-2014) cho thấy chỉ 13,6% số phim ra mắt có đạo diễn là nữ. Con số này hoàn toàn trái ngược với một thực tế khác là có tới 50,1% sinh viên các trường phim là phụ nữ. Số đông ấy được trao rất ít cơ hội khi bước vào công việc chuyên nghiệp, đặc biệt là với những bộ phim có kinh phí cao – chỉ 3,3% phim có kinh phí từ 30 triệu bảng Anh trở lên có đạo diễn là nữ.

nữ đạo diễn 3
“Woman Walks Ahead” được đạo diễn bởi Susanna White.

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến thực tế đáng buồn này chính là chuyện “Ai là người nắm giữ tài chính của ngành điện ảnh?”. Đúng như vậy, phần lớn chủ hãng phim, nhà đầu tư và những người quản lý các dự án điện ảnh đều là nam giới. Họ là người có tiếng nói quyết định trong việc ai sẽ đảm nhiệm vị trí nào trong một đoàn phim. Đạo diễn, vị trí quan trọng nhất của phim, tất nhiên sẽ là vị trí tuyển chọn gắt gao nhất. Và khi đến thời khắc quyết định, những người đàn ông có tiền sẽ có xu hướng tin vào những người cùng giới với mình.

nữ đạo diễn 4
“Mamma Mia! Here We Go Again” với sự tham gia của Meryl Streep, Lily James và Amanda Seyfried và Nữ đạo diễn Ava DuVernay.

Hẳn nhiều người sẽ nghĩ rằng nam giới thì đã sao? Chẳng phải điều quan trọng nhất là chất lượng của một bộ phim hay sao? Đáng tiếc thay, có đấy. Trong xã hội hiện đại, điện ảnh ảnh hưởng lên suy nghĩ nhiều hơn mức chúng ta chịu thừa nhận. Hãy nhìn lại cách chúng ta ăn, mặc, nói năng và suy nghĩ, có phải những điều ấy đang thay đổi dần theo những bộ phim mà ta đã xem? Sự thiếu vắng các đạo diễn nữ sẽ dẫn đến hệ quả là các tác phẩm điện ảnh sẽ ít có những nhân vật chính là phụ nữ mạnh mẽ và khiến chúng ta có thể tự hào. Hãy nhìn vào hiện tượng phim Wonder Woman dưới bàn tay của đạo diễn Patty Jenkins, thật khó hình dung bộ phim có thể thành công đến vậy nếu đạo diễn là một nam giới.

nữ đạo diễn 5
Jessica Chastain nhập vai một họa sĩ giúp đỡ những người thổ dân da đỏ trong “Woman Walks Ahead”.

Điều quan trọng hơn nữa, cũng như trong mọi ngành nghề khác, số nữ giới làm việc trong một ngành là quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là số những người được nắm vị trí chủ chốt. Việc phụ nữ không được tin cậy và giao phó cho công việc quyết định đạo diễn cho một tác phẩm điện ảnh chính là thước đo cụ thể nhất cho sự bất bình đẳng giới vẫn còn ăn sâu trong lĩnh vực nghệ thuật giải trí này.

nữ đạo diễn 6

Susanna White, người từng đạo diễn ba bộ phim điện ảnh trong đó có Woman Walks Ahead với sự góp mặt của minh tinh Jessica Chastain cho biết phải đến 50 tuổi, bà mới được chọn làm đạo diễn cho bộ phim truyện dài đầu tiên. Sự khắc nghiệt ấy khiến bà tưởng rằng do năng lực mình kém cỏi, cho đến khi tham gia các buổi thảo luận với những người phụ nữ khác trong ngành. Bà nhận ra phụ nữ có rất ít tiếng nói trong lĩnh vực này.

Bất kể những bộ phim được phụ nữ đạo diễn đã giành được thành công vang dội về mặt nghệ thuật (như Zero Dark Thirty, Lost in Translation) hay thương mại (Wonder Woman, Mamma Mia!) thì con đường trở thành đạo diễn vẫn là cánh cửa vô cùng hẹp với phụ nữ. Giải pháp cho thực tế đáng buồn này có lẽ phải đến từ khán giả, đặc biệt là khán giả nữ. Chứng nhận cho năng lực của đạo diễn nữ, chỉ có thể được đo đếm bằng việc tiếp tục lựa chọn và ủng hộ những tác phẩm điện ảnh có chất lượng do họ đảm nhiệm. Đôi khi, việc đó yêu cầu khán giả phải chủ động tìm kiếm và ưu tiên cho những bộ phim có kinh phí thấp đến trung bình, vốn là nơi đạo diễn nữ có nhiều cơ hội hơn.

nữ đạo diễn 7
Ash Mayfair, Ngô Thanh Vân và Hồng Ánh là những nữ đạo diễn Việt Nam được đánh giá cao.

Và tất nhiên, chính các đạo diễn phải hỗ trợ những người phụ nữ làm cùng nghề với mình. Nữ đạo diễn Janet Grillo khi đến Việt Nam đã chia sẻ rằng bà dành ra rất nhiều năm để hỗ trợ đồng nghiệp nam giới, rồi cuối cùng mới nhận ra cách để thay đổi vị thế của chính mình là giúp đỡ các đồng nghiệp nữ. May mắn thay, ở Việt Nam, sự xuất hiện của các đạo diễn nữ đang ngày càng nhiều hơn và vững chắc hơn, từ những cái tên thế hệ trước như Phạm Nhuệ Giang cho đến những người đang hoạt động sôi nổi vào lúc này như Hồng Ánh, Ngô Thanh Vân, Nguyễn Hoàng Điệp, Luk Vân và gần đây nhất là Ash Mayfair. Họ chính là minh chứng cho việc dù khó khăn, các đạo diễn nữ vẫn sẽ tìm ra được con đường tỏa sáng, và việc của khán giả là phải tin ở họ.

Nhóm thực hiện

Bài: Huy Phương, Đoàn Trúc Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)