Nghề đạo diễn là một nghề nặng nhọc và hình ảnh người đạo diễn trên trường quay thường được ví von với hình ảnh một vị tướng trên chiến trận. Mà “chiến trận” thì mấy khi có nữ nhi cầm đầu? Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không có. Điều đó được thể hiện qua sức ảnh hưởng của các đạo diễn nữ với những bộ phim chinh phục được phòng vé hay các tác phẩm nghệ thuật được giới phê bình hoặc các LHP quốc tế lớn chú ý. Tại LHP Cannes vừa kết thúc tháng 5 vừa qua, lần đầu tiên BGK có số lượng nữ giới chiếm đa số và do một nữ diễn viên (Cate Blanchett) làm chủ tịch. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là họ “lạm quyền” hay dùng sức ảnh hưởng của nữ giới để trao giải Cành cọ vàng cho một nữ đạo diễn.
Thay vào đó, họ trao hai giải cá nhân khá quan trọng cho hai nữ đạo diễn có phim tham dự LHP. Đó là nữ đạo diễn Nadine Labaki đến từ Lebanon giành giải BGK và nữ đạo diễn Ý Alice Rohrwatcher giành giải Biên kịch xuất sắc. Những cái tên nữ đạo diễn tên tuổi trong làng phim dù khá hiếm hoi và có thể đếm trên đầu ngón tay, nhưng cái thiếu đó không đồng nghĩa với cái yếu của nữ giới trong làng phim quốc tế. Kathryn Bigelow (The Hurt Locker), Jane Campion (The Piano), Mira Nair (Monsoon Wedding) là những nữ đạo diễn từng đoạt giải Oscar cho đạo diễn hay Cành cọ vàng, Sư tử vàng cho Phim hay nhất. Nancy Meyers (Something’s Gotta Give, It’s Complicated) hay Patty Jenkins (Wonder Woman)… nắm giữ các kỷ lục phim ăn khách nhất của đạo diễn nữ.
Trong khi đó những tên tuổi như Angelina Jolie, Greta Gerwig đang chứng tỏ tài năng của họ không chỉ dừng lại ở vai trò diễn xuất mà cả đạo diễn một số tác phẩm gây tiếng vang gần đây như First They Killed My Father hay Lady Bird, bộ phim độc lập giành được nhiều đề cử tại Oscar vừa qua. Danh xưng “nữ đạo diễn” tự thân nó đã có ý phân biệt đối xử và thiếu công bằng với nữ giới. Kathryn Bigelow là người luôn tìm cách xóa bỏ rào cản có tính phân biệt này. Ngay từ thời đầu bước sang nghề đạo diễn, bà lựa chọn nhiều bộ phim hành động mạnh mẽ và thậm chí là gai góc như chiến tranh, phân biệt chủng tộc… Những bộ phim của Bigelow thời đầu như Blue Steel (1990), Point Break (1991) hay những tác phẩm giàu tham vọng sau này như The Hurt Locker (2008), Zero Dark Thirty (2012), Detroit (2017) gần như là những bộ phim xóa nhòa khoảng cách giới tính của người chỉ đạo và sáng tạo một bộ phim. Nhưng dù vậy, Kathryn Bigelow vẫn là trường hợp hiếm hoi. Hầu hết các đạo diễn nữ vẫn chọn những đề tài đậm màu sắc nữ tính, nữ quyền hay có nhân vật trung tâm là phụ nữ.
Lady Bird, bộ phim độc lập nhận tới 5 đề cử Oscar hồi đầu năm 2018 là một ví dụ. Câu chuyện về tuổi trưởng thành ẩm ương và mối quan hệ giữa mẹ và con gái vô cùng chân thực được nữ đạo diễn Greta Gerwig lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật của cuộc đời mình. Nhân vật Điểu cô nương qua diễn xuất của Saoirse Ronan vừa rất riêng tư lại rất phổ quát mà nhiều người phụ nữ đã trải qua trong giai đoạn trưởng thành của mình. Ở Việt Nam, số lượng nữ đạo diễn cũng rất hiếm hoi và chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng ít không có nghĩa là yếu thế. Trong vài năm qua, một làn sóng các đạo diễn nữ đã thể hiện dấu ấn đầy nữ tính của mình trong các bộ phim điện ảnh. Ngô Thanh Vân, ngôi sao đa năng đã thể hiện vai trò của mình ở cả ba lĩnh vực quan trọng là nhà sản xuất, diễn viên và đạo diễn với những bộ phim khai thác văn hóa truyền thống của Việt Nam và chọn nhân vật trung tâm là phụ nữ. Tấm Cám – Chuyện chưa kể, Cô Ba Sài Gòn và sắp tới là Hai Phượng đều thể hiện dấu ấn “nữ quyền” của Ngô Thanh Vân trong thị trường phim Việt đang phát triển nhanh chóng thời gian gần đây.
BÀI LIÊN QUAN
Trong dòng phim có hơi hướng nghệ thuật, Nguyễn Hoàng Điệp với Đập cánh giữa không trung và Hồng Ánh với Đảo của dân ngụ cư cũng ít nhiều thể hiện ngôn ngữ điện ảnh mới mẻ của họ, được thể hiện qua các giải thưởng trong nước và quốc tế mà họ đạt được. Nếu bộ phim của Nguyễn Hoàng Điệp mang hơi hướng đương đại, chú trọng đến ngôn ngữ điện ảnh với một câu chuyện mang màu sắc dục tính của nữ giới thì bộ phim đầu tay của Hồng Ánh trong vai trò đạo diễn như nối dài những bộ phim mà cô từng đóng trong thập niên trước: Thân phận của những “nàng thơ” bị nhốt chặt trong lễ giáo và trong một xã hội bị đè nặng bởi đàn ông.
Và cuối cùng, Cao Thúy Nhi, nữ đạo diễn trẻ của bộ phim độc lập Nhắm mắt thấy mùa Hè đã mang đến một làn gió mới cho phim Việt trong mùa Hè năm nay. Thực hiện bộ phim đầu tay này trong điều kiện rất khó khăn, đặc biệt là về kinh phí và bối cảnh được thực hiện tới 90% tại Nhật Bản, bộ phim cho thấy một mô hình sản xuất phim độc lập mới mẻ và đầy sáng tạo ở Việt Nam. Chọn một ngách cửa hẹp, không chịu thỏa hiệp dù khó khăn và “chấp nhận sự thách thức từ phía khán giả” như chia sẻ của Cao Thúy Nhi, Nhắm mắt thấy mùa Hè không phải là một bộ phim hoàn hảo, nhưng vẫn là tác phẩm đầu tay của một nữ đạo diễn khiến giới làm phim phải ngưỡng mộ. Hình mẫu nhân vật Nhật Hạ qua diễn xuất của Phương Anh Đào phần nào thể hiện hình ảnh của những cô gái Việt trẻ ngày nay: bồng bột, xốc nổi nhưng cũng rất chân thành và dám sống với cảm xúc của mình.
Đa dạng, nhiều dòng và mang đến nhiều sắc thái khác biệt về hình ảnh người phụ nữ, dù là truyền thống hay đương đại, các nữ đạo diễn Việt Nam không cần phải “ví đây đổi phận làm trai được” như bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Họ vẫn trở thành những người “anh hùng” trong lãnh địa của họ, nơi các đạo diễn nam khó có thể khai phá hết: nữ giới.
—
Xem thêm:
Liên hoan phim Cannes đồng hành cùng chủ nghĩa nữ quyền
7 phụ nữ hiện đại đi đầu trong phong trào nữ quyền
Nhóm thực hiện
Bài: Lâm Lê Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE