Văn hóa / Thế giới văn hóa

Hành trình đấu tranh cho cộng đồng LGBTIQ ở Bhutan qua lời kể của người trong cuộc

Cùng lắng nghe câu chuyện của Tashi Tsheten, một người đồng tính 26 tuổi đến từ Bhutan, để hiểu thêm về chính sách dành cho cộng đồng LGBTIQ ở đất nước nhỏ bé trên dãy Himalaya này nhé.

Ngày 7/6 vừa qua, Hạ viện Bhutan đã bỏ phiếu để bãi bỏ các điều 213 và 214 của Bộ luật Hình sự Bhutan. Đây là một bước ngoặt rất lớn ở đất nước theo chế độ phụ hệ này. Hai điều trên quy định những hình phạt từ một tháng đến dưới một năm tù cho những mối quan hệ đồng giới, dù nó được thực hiện dưới sự đồng thuận và riêng tư. Bộ trưởng Bộ Tài chính của Bhutan đã gọi những luật này là một vết nhơ cho đất nước. Và thực tế, Quốc hội Bhutan vẫn tiếp tục làm việc để sửa đổi bộ luật của nước mình.

Mời bạn cùng ELLE tìm hiểu cuộc sống của những người đồng tính ở Bhutan thông qua trải nghiệm của Tashi Tsheten. Hiện tại, cậu đang là điều phối viên của tổ chức Rainbow Bhutan ở Thimphu và sẽ cho chúng ta biết việc bãi bỏ hai điều luật trên có ý nghĩa thế nào nhé!

câu chuyện của người LGBT ở Bhutan
Chân dung Tashi Tsheten. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khi bạn là gay, lớn lên ở Bhutan rất cô đơn

Tashi Tsheten chia sẻ: Thật sự việc trưởng thành ở đây không quá khó khăn, nhưng bạn sẽ hiếm thấy bất cứ dấu hiệu nào của cộng đồng LGBTIQ. Thật ra, Bhutan chỉ vừa được tiếp xúc với truyền hình trong khoảng… 20 năm trở lại đây. Thêm vào đó, xã hội ở Bhutan rất gia trưởng, điều đó có nghĩa là những chuẩn mực cho giới tính luôn được đặt ra sẵn: chỉ có bạn gái-bạn trai, vợ-chồng.

chàng trai áo cam
Ảnh: Unsplash

Nhiều lần, cậu bạn đã tự vấn bản thân, rằng mình có thực sự không thích phụ nữ không. Nhưng cuối cùng, xu hướng tính dục là thứ không thể thay đổi. Do đó, trong quá trình trưởng thành, Tsheten có rất ít bạn. Cậu không có nhiều thông tin về giới. Dù vẫn có những người bạn chuyển giới, nhưng việc bàn luận về vấn đề đó là cấm kỵ. Hơn nữa, những người đồng tính hay song tính thường không thể hiện bản thân nên việc tìm kiếm một người bạn trong cộng đồng LGBTIQ rất khó khăn.

Bạn sẽ bị bắt nạt vì đi ngược lại những tiêu chuẩn

“Tôi thực sự nhận ra mình là gay vào năm 2015, khi tôi 22 tuổi”, Tsheten chia sẻ. Trước đó, cậu thường bị bắt nạt vì bị cho là ẻo lả. “Họ cố gắng thay đổi hành vi của tôi, kể cả những người bạn, vì tôi thường chơi với các cô gái”, cậu nói thêm. Họ hỏi cậu vì sao không chơi thể thao và đưa ra ý kiến về dáng đi của cậu.

Tsheten chia sẻ, phản ứng đầu tiên của cậu với việc bị bắt nạt là hình thành cơ chế tự phòng thủ cho bản thân: Cậu phớt lờ tất cả. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được điều đó. Bằng chứng là người yêu của cậu phải trải qua nỗi lo lắng và cả trầm cảm vì bị bắt nạt. Do đó, việc bỏ qua những lời nhận xét và bước tiếp thật sự rất đáng ngưỡng mộ!

Giữ bí mật danh tính để bảo vệ bản thân

Vào năm 2015, Tsheten tạo một tài khoản Facebook giả với mục đích hẹn hò. Nhưng bất ngờ thay, cậu lại khám phá ra một diễn đàn về HIV mà một nhóm LGBTIQ đang tổ chức tại Thimphu. Đó cũng chính là thời điểm mà Tsheten quyết định sẽ tham gia vào cộng đồng. Cậu đã gặp rất nhiều người bạn của mình ở đấy – những ngươi sống đúng với giới tính của mình.

chàng trai cầm điện thoại
Ảnh: Unsplash

Bên cạnh đó, Tsheten chia sẻ thêm, rằng cậu gặp bạn trai hiện tại của mình cũng bằng chính tài khoản Facebook giả đó. Và bạn biết không, có rất nhiều tài khoản giả như thế ở Bhutan. Lí do để giải thích cho việc này là cộng đồng LGBTIQ rất ngại thể hiện mình trên mạng xã hội.

Dù Bhutan là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất hiện nay, và người dân cũng quen dần với các nền tảng công nghệ, nhưng những ứng dụng như Grindr chưa bao giờ thực sự phổ biến. Họ e sợ một phần vì những suy nghĩ truyền thống, phần vì mối hiểm họa bị đe dọa hoặc tấn công như những thành viên của cộng đồng LGBTIQ ở những nước khác.

Khi bạn không thể chủ động đấu tranh, sẽ có người giúp bạn

Phong trào LGBTIQ thực sự bắt đầu vào năm 2015. Khi đó, Tsheten đang tổ chức những chương trình về HIV. Đến năm 2017, khi nhận ra HIV không phải là mối quan tâm duy nhất, cậu và các nhóm khác đã quyết định thành lập Rainbow Bhutan.

Cậu chia sẻ: “Mặc dù chúng tôi không chủ động vận động để loại bỏ luật này, chúng tôi hạnh phúc vì những người thực sự lắng nghe chúng tôi. Việc đó dẫn đến đề nghị hủy bỏ phần 213 và 214 của Quốc hội. Bộ trưởng Tài chính đã đứng lên bảo vệ chúng tôi và cầu xin Quốc hội. Ý tôi là, không ai từng làm thế! Không có bộ trưởng của bất kỳ nước nào lên tiếng cho cộng đồng bé nhỏ này. Vì vậy, đó là một bước ngoặt!”.

Đến ngày 10/6 vừa qua, Ủy ban Lập pháp nhất trí về việc loại bỏ các phần trên.

Xóa bỏ luật cấm đồng tính là một bất ngờ quá lớn!

Nếu mọi người để ý, có vẻ Bhutan là một quốc gia có bước tiến khá chậm trên con đường xóa bỏ kỳ thị đồng tính. Nhưng không sao, bây giờ điều đó đã thành hiện thực. Ở Ấn Độ, cộng đồng LGBTIQ phải chờ đến hai thập kỷ để được hợp pháp hóa quan hệ của mình, trong khi ở Đài Loan là 30 năm.

cờ lgbt tung bay
Ảnh: Unsplash

Đến khi hai điều luật kia bị xóa bỏ, mọi người dường như có cảm xúc dâng trào. Theo Tsheten, “bạn bè của cậu xúc động đến rơi nước mắt, còn cậu không nói nên lời”. Và sau tất cả, họ cảm thấy vô cùng biết ơn.

Sẽ không và không-bao-giờ có cuộc diễu hành tự hào

Cậu bạn của chúng ta chia sẻ, cậu tin rằng không ai muốn phân biệt đối xử hoặc ghét người đồng tính cả. Vấn đề ở đây là họ chưa hiểu rõ về LGBTIQ.

cờ lgbt
Ảnh: Unsplash

Bhutan chưa bao giờ có một cuộc diễu hành nào và Rainbow Bhutan cũng không có kế hoạch tổ chức một cuộc diễu hành. Diễu hành là một hình thức tuyên truyền và vận động thay đổi chính sách công khai. Tuy nhiên, điều này không phù hợp với văn hóa ở Bhutan. Ngay cả khi bị thiệt thòi, cộng đồng LGBTIQ ở đây không tin vào sự thay đổi nếu chỉ bước ra đường. Thay vào đó, họ muốn xây dựng mối quan hệ với những người khác theo hình thức một đối một. Do đó, tổ chức của cậu luôn cố gắng đi đến các trường học và các học viện để đem kiến thức đến cho họ. Vì trên hết, cậu tin rằng, kết nối cần thiết nhất là kết nối từ trái tim đến trái tim. Cho nên, nhận thức là cái quan trọng nhất cần thay đổi.

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Ánh Xuân Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Vice
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)