Văn hóa / Thế giới văn hóa

Day Zero: Hệ quả khắc nghiệt của biến đổi khí hậu

Day Zero - nghe như một cái tên câu dẫn của một bộ phim bom tấn chiếu rạp nói về chủ đề thiên tai hay thảm họa diệt vong của Hollywood. Nhưng có lẽ chẳng ai muốn trở thành khán giả của một bộ phim dựa trên một thực tế khắc nghiệt như vậy.

DAY ZERO LÀ GÌ?

Day Zero, ngày 12/4, sẽ là ngày mà toàn bộ thành phố Cape Town lâm vào tình cảnh hoàn toàn cạn kiệt nước. Người dân ở đây đang đếm ngược về ngày mà các nhà chức trách phải cắt nước sinh hoạt cho đến khi trời mưa. Theo tự nhiên thì chu kỳ hạn hán cực điểm này chỉ xảy ra mỗi 384 năm, nhưng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện trạng hạn hán kéo dài đã dần trở thành hình thái thời tiết mới thành phố phát triển nhất Nam Phi này. Chính vì sự kiện kỳ lạ và nghiêm trọng này mà truyền thông Nam Phi đã đặt cho nó cái tên DAY ZERO – ngày không còn gì.

Mức độ trầm trọng của Day Zero?

Cái tên DAY ZERO ám chỉ một điều còn kinh khủng hơn cả thực trạng thiếu nước, đó là việc những dịch bệnh như kiết lị, tiêu chảy, thương hàn… chắc chắn sẽ bùng phát tại Cape Town vì tình trạng hạn hán kéo dài.

Tại Châu Phi, lâu nay Kenya là nước được ghi nhận luôn thiếu nước sạch trầm trọng. Theo thống kê của tổ chức phi chính phủ WATERAID, cứ 5 đứa trẻ tại đây lại sẽ có 1 bé qua đời bởi vì kiết lị, thậm chí nhiều em còn không thể đón sinh nhật lần thứ năm.

Tưởng chừng bệnh dịch và hạn hán chỉ hoành hành tại cái quốc gia nghèo, nhưng thành phố duyên hải Cape Town ở Nam Phi cũng đang phải chuẩn bị tâm lý đối mặt với thảm cảnh này. Trong suốt mấy thập kỷ, con đập Theewaterskloof đã cung cấp nửa lượng nước sinh hoạt hàng ngày cho hơn 4 triệu người tại Cape Town và các khu vực lân cận. Tuy nhiên, sau 3 năm hạn hán kéo dài, nguồn nước dự trữ trong đập đã gần hết. Chính quyền thành phố buộc phải cắt lượng nước sử dụng của người dân để chờ mùa mưa. Cape Town là một trong những quốc gia giàu mạnh tại khu vực Nam Phi, chủ yếu đến từ dịch vụ du lịch, khai thác khoáng sản và nguyên liệu thô tự nhiên như dầu mỏ, khí đốt… Trớ trêu thay, tiền bây giờ cũng không thể giúp họ nhập khẩu nước từ các nước lân cận.

Để tránh cơn khủng hoảng, chính phủ đã liên tục tuyên truyền người dân hiểu rằng họ cần phải cắt giảm lượng nước sinh hoạt xuống mức tối thiểu. Lượng nước tiêu thụ hàng ngày của thành phố đã giảm từ 1.200 lít xuống còn 540 lít.

CHÚNG TA CÓ BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI DAY ZERO?

Ngay cả một thành phố giàu mạnh như Cape Town cũng đang chật vật vô cùng để vượt qua cơn khủng hoảng thiếu nước sinh hoạt. Tình trạng hạn hán và ít mưa ở thời điểm hiện tại so với cùng kì năm 2015 khiến cho nhiều nhà khoa học cảm thấy quan ngại; họ chưa từng thấy một thành phố duyên hải nào lâm phải hiện trạng này trước đây. Biến đổi khí hậu đã tác động mạnh mẽ vào chu kỳ thời tiết tự nhiên của Cape Town, với xu hướng nóng lên toàn cầu ngày càng tăng, đây có thể trở thành một hình thái thời tiết mới.

São Paulo (Brazil) từng phải trải qua giai đoạn 3 năm (từ 2014-2016) thiếu hụt nước sinh hoạt trầm trọng. Nguyên nhân cũng bởi mùa mưa thất thường, quản lý nguồn nước sinh hoạt kém, nạn phá rừng, ô nhiễm môi trường và chính quyền ưu tiên lợi ích kinh tế ngắn hạn đối với các giải pháp môi trường dài hạn. Cũng theo những nghiên cứu dài hạn của thạc sĩ chuyên ngành phát triển công nghiệp bền vững tại trường đại học Melbourne (Úc) – Seona Candy thì thành phố Melbourne chỉ còn có đủ lượng nước sinh hoạt dự trữ trong vòng một năm tới, và nếu như những cơn hạn hán tiếp tục kéo dài như vậy thì sẽ có thêm một Day Zero tại Melbourne, một trong những thành phố cường thịnh bậc nhất tại Úc. Và cứ thế, điều tương tự cũng có thể xảy đến với bất kỳ một khu vực nào nếu chúng ta không có những hành động thiết thực và cương quyết hơn để làm suy giảm hiệu ứng nhà kính.

Tình hình thời tiết khí hậu của Việt Nam thời gian gần đây cũng rất khó đoán. Tại TP.HCM, nơi mà khí hậu phải nóng ẩm quanh năm thì đôi lúc cũng trở lạnh như Đà Lạt. Và ngược lại, mùa Đông Hà Nội những năm trở lại đây có lúc thời tiết rất nóng. Hay ở Bình Thuận, năm 2015, người dân đã phải gánh chịu trận hạn hán khắc nghiệt nhất, kéo dài suốt nhiều tháng liền và dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về nền kinh tế của địa phương. Vào tháng 3 năm 2016, tại thành phố Cà Mau, hạn hán do El Nino diễn ở mức đỉnh điểm, gây thiệt hại nghiêm trọng, khiến cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau ra quyết định công bố thiên tai do hạn hán ở cấp độ I. Có thể điều này không nằm trong nhận thức của bạn bởi trước giờ ai cũng nghĩ “nắng mưa là chuyện của trời” nhưng rất nhiều khả năng bạn sẽ trở thành nạn nhân của việc thiếu nguồn nước sinh hoạt trong tương lai. Điều đó là hệ quả tất yếu của những hành động hủy hoại môi trường.

Phải làm thế nào để khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu?

Nước là nguồn tài nguyên vô giá nhưng lại không vô tận, chính vì thế, tiết kiệm nước luôn rất cần thiết ngay cả ở những nơi có nguồn nước dồi dào. Ngoài việc tiết kiệm chi tiêu trong gia đình, tiết kiệm nước còn giúp ngăn ngừa cạn kiệt nguồn nước ngầm, ngăn ngừa ô nhiễm nước ở các lưu vực và gián tiếp tiết kiệm điện năng sản xuất ra nước sạch. Mỗi người trong chúng ta có thể áp dụng những phương cách tiết kiệm nước tại gia như sau:

– Thay thế những đường ống dẫn nước đã cũ, bị rò rỉ (dù ít hay nhiều) nước tại gia đình để tránh hao phí nước. Để kiểm tra, ta đọc số nước trên công tơ trước và sau khoảng thời gian hai giờ không sử dụng nước. Nếu công tơ không cho cùng một số nước, thì hệ thống cấp nước đã bị rò rỉ. Hãy nhờ các chuyên gia để xác định và khắc phục ngay hiện trạng này.

– Tận dụng các nguồn nước một cách hợp lý. Ví dụ, đối với nước dùng để rửa chén bát, nước rửa lần cuối có thể dùng lại vào việc khác như cọ rửa hoặc lau nhà. Còn nước bẩn (không có xà phòng) có thể được dùng để tưới cây, tưới đất cho ít bụi. Quần áo bẩn nên gom lại và giặt theo từng đợt từ hai hay ba lần một tuần. Tránh giặt quần áo liên tục để không lãng phí nước.

– Không cho trẻ em nghịch nước trong phòng tắm một mình. Chúng sẽ mở vòi nước xối xả mà có khi chỉ tắm qua loa. Hãy dạy trẻ ý thức tiết kiệm nước ngay từ nhỏ.

– Hạn chế tắm bồn, thay vào đó sử dụng vòi hoa sen để tiết kiệm nước tốt hơn. Hãy tắt nước khi đang chà xà phòng. Nếu có thể, hãy đứng tắm trên 1 cái chậu nước. Lượng nước đó có thể dùng để xả bồn cầu, rửa sàn nhà tắm…

– Hãy phủ một lớp mùn xung quanh cây và cây cảnh bởi mùn có thể làm chậm sự thoát hơi nước và hạn chế sự phát triển của cỏ dại. Bổ sung 5 – 10 cm chất hữu cơ như phân trộn hoặc lớp mùn cứng có thể tăng khả năng giữ hơi nước của đất. Đây chính là tiền đề giúp cho lượng nước ngầm trở nên dồi dào và ít hao tổn hơn.

– Ngành chăn nuôi, nông nghiệp là một trong những ngành tiêu tốn nước sạch nhiều nhất. Chính vì nhiều nông hộ chưa phát triển được hệ thống tưới tiêu cây trồng hay vệ sinh chuồng trại, sử dụng nước mưa hay nước không sạch nên họ sẽ sử dụng nước đã qua xử lý (có thể dùng để nấu ăn) để tưới tiêu. Nếu nhiều người trong chúng ta chuyển qua ăn chay trường thì cũng phần nào làm giảm thiểu việc hao tổn nước sạch dùng trong ngành công nghiệp chăn nuôi và nông nghiệp.

– Hạn chế xả rác thải gây ô nhiễm môi trường. Ủng hộ những dự án quy mô đô thị không đốn cây, phá rừng. Cây xanh giúp giảm thiểu hiệu ứng nhà kính – vốn dĩ luôn là tác nhân chính gây biến đổi khí hậu. Không ủng hộ những doanh nghiệp khai thác lậu tài nguyên rừng, cát, đất, đá… gây sói mòn, sụt lún, sạt lở đất nghiêm trọng.

Trên phạm vi diện rộng, đây là những gì mà chính phủ có thể làm để hỗ trợ người dân tiết kiệm nguồn nước sinh hoạt:

– Khuyến khích và hỗ trợ người dân nên xây dựng những hồ chứa nước lớn để tích trữ lượng nước mưa. Trữ nước mưa sẽ giúp cho các hộ cư dân có được nguồn nước sinh hoạt đảm bảo để sử dụng trong hoàn cảnh bị cách li hay không có nguồn nước tiếp trợ. Mỗi hộ dân nên có hai đường ống dẫn nước khác biệt, một là nước đã được xử lý an toàn – có thể uống, dùng để phục vụ cho nhu cầu nấu nướng, tắm rửa hay giặt giũ; nước mưa/ nước đã qua sử dụng có thể được dùng để xả nước bồn vệ sinh, tưới tiêu vườn…

– Chính phủ nên đầu tư xây dựng những nhà máy lọc nước có dung tích chứa lớn, ở những khu vực có lượng nước mưa đều đặn. đồng thời xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước để lưu chuyển nước đến các khu vực có địa hình hay hình thái khí hậu khô hanh, ít mưa.

– Tiếp tục nghiên cứu cách thức để xử lý nguồn nước thải hàng ngày bằng nhiều hình thức khác hiệu quả hơn vì các nhà máy lọc nước thải hiện nay vẫn còn tiêu tốn nhiều năng lượng và lượng nước thu được còn hạn chế sau mỗi lần lọc thải.

– Chính phủ các nước láng giềng nên hỗ trợ nhau, cùng chung tay xây dựng các hệ thống dẫn nước vì lợi ích chung lâu dài. Ví dụ: Singapore và Malaysia, 2 đất nước gần kề có thể hỗ trợ nhau nếu một trong hai nước buộc phải ngừng cung cấp nước sinh hoạt đến người dân như trường hợp của Cape Town.

– Quan trọng nhất, chính phủ nên tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân trong việc tiết kiệm nước sinh hoạt. Thậm chí là nên dùng các biện pháp gay gắt, hiệu quả và có tính răn đe hơn đối với những hộ dân lãng phí nước, chẳng hạn như phạt gấp đôi tiền họ phải trả nếu lượng nước tiêu thụ vượt quá một định mức nhất định.

– Bảo vệ môi trường, áp dụng những biện pháp nhằm giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, hạn chế sự bùng nổ gia tăng dân số cũng là những cách thức hiệu quả nhằm bảo vệ nguồn nước sinh hoạt của con người.

Hãy để những gì đang diễn ra tại Cape Town trở thành một cuộc cách mạng để khiến chúng ta phải giác ngộ về tầm quan trọng của nguồn nước sinh hoạt hàng ngày.

Xem thêm:

BÓI THẦN SỐ HỌC DỰA VÀO NGÀY SINH: THÁNG 3/2018 CỦA BẠN SẼ NHƯ THẾ NÀO?

Chủ nghĩa tối giản trong lối sống Nhật.

Nhóm thực hiện

Fellini Rose (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE) Thiết kế hình ảnh: Quân Nguyễn
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)