Văn hóa / Thế giới văn hóa

Ghé thăm 5 địa điểm truyền cảm hứng cho những bức họa của Van Gogh

Vincent van Gogh là cái tên nhắc nhớ đến một con người tài hoa nhưng bạc mệnh. Cuộc đời ông, dù ngắn ngủi vỏn vẹn trong 37 năm trời, nhưng đã để lại cho thế giới nhiều tác phẩm quý giá.

Phong cảnh dường như là nguồn cảm hứng bất tận cho các họa sĩ, và Van Gogh cũng không ngoại lệ. Trong suốt khoảng thời gian sống của mình, ông đã đi qua khoảng 15 thành phố châu Âu. Chính những nơi này đã để lại trong ông rất nhiều ấn tượng. Chúng vừa là chất xúc tác cho cảm hứng nghệ thuật thăng hoa, vừa đóng góp vào cuộc hành trình để ông quên đi nỗi phiền muộn. Trong bức thư viết cho em trai Theo của mình, ông so sánh mình như “một kẻ du lịch đang đi đâu đó đến một cái đích”.

Hãy cùng ELLE khám phá 5 địa điểm có thực được miêu tả qua bàn tay nghệ thuật của danh họa người Hà Lan này nhé!

The Hague (Hà Lan)

Van Gogh đến thị trấn ven biển Hà Lan – The Hague – lần đầu tiên vào năm 1869. Khi đó, ông chỉ mới 16 tuổi và đến đây để học nghề tại phòng trưng bày Goupil. Tại nơi này, lần đầu tiên ông được giới thiệu về tác phẩm của các họa sĩ châu Âu thế kỷ 19 khác, một trong số những người đó đã truyền cảm hứng cho các bức tranh phong cảnh sau này của ông.

Van Gogh bị ảnh hưởng đặc biệt bởi Anthonij Rudolf Mauve, một họa sĩ hiện thực người Hà Lan, thành viên hàng đầu của trường Hague. Vào cuối năm 1881, khi Van Gogh ở tuổi đôi mươi, nghệ sĩ trẻ đã dành 3 tuần tại studio của Mauve.

View of the sea at Scheveningen
Bức tranh View of the sea at Scheveningen (1882)

Trong thời gian này, ông có cơ hội thử nghiệm màu sắc và kết cấu lần đầu tiên để cho ra đời những bức tranh sơn dầu trên nền giấy dày. Một trong những bức tranh ban đầu này bao gồm View of the Sea at Scheveningen (1882), mô tả một ngày xám xịt ở bãi biển. Trên thực tế, tại thời điểm đó, trời rất nhiều gió. Bằng chứng là những hạt cát vẫn còn đọng lại trên bề mặt tranh vẽ cho tới ngày nay.

Nuenen (Hà Lan)

Tháng 12/1883, Van Gogh chuyển đến sống tại ngôi nhà của gia đình tại làng Nuenen, Hà Lan. Lúc này, ông 30 tuổi. Dù mối quan hệ của ông và bố mẹ không được tốt cho lắm, nhưng chính cảnh vật làng quê thanh bình tại nơi này đã thu hút ông. Ông mở một studio nhỏ trong phòng giặt ủi và làm việc rất hăng say. Các nghiên cứu chính của Van Gogh vào thời điểm đó tập trung chủ yếu vào những người địa phương, phong cảnh nông thôn và kiến trúc nhà thờ nơi bố ông làm mục sư.

Mặc dù bận rộn với công việc nhưng Van Gogh không bán được tranh của mình. Do đó, ông phải phụ thuộc vào em trai Theo. Lúc ấy, em trai ông là một nhà môi giới tranh tại Pháp. Họ có một thỏa thuận rằng mỗi bức tranh của ông sẽ được trả 150 franc.

autumn landscape
Autumn Landscape (tạm dịch: Phong cảnh mùa Thu), được vẽ năm 1885

Do không bị vướng bận về nỗi lo tài chính, Van Gogh dành thời gian này để tập trung sáng tác tranh. Một trong những tác phẩm cuối cùng mà ông thực hiện khi còn ở Neuen là Autumn Landscape, tạm dịch là Phong cảnh mùa Thu (1885), thể hiện sự tự tin ngày càng tăng về bố cục, màu sắc và ánh sáng.

Paris (Pháp)

Danh họa đã dành 2 năm ở thủ đô hoa lệ này, từ tháng 2/1886 đến tháng 2/1888. Tại đây, ông đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều họa sĩ lớn và bị ảnh hưởng bởi phong cách của họ.

vincen van gogh
Một trong hai bức chân dung tự họa đã làm nên tên tuổi của Van Gogh

Đây cũng là thời điểm mà Van Gogh khám phá nhiều hơn về bản thân mình để tạo nên bản sắc riêng biệt. Các tác phẩm tiêu biểu khi ông ở Paris là 2 bức chân dung tự họa. Chúng đã làm nên tên tuổi cho Van Gogh, giúp ông định hình phong cách cá nhân.

Arles (Pháp)

Mặc dù Van Gogh làm việc rất năng suất lúc ông ở Paris, nhưng ông bị đè nặng bởi áp lực tài chính và dần dần trở nên nghiện rượu. Họa sĩ từng viết rằng: “tôi đã rời Paris rất, rất buồn bã, khá ốm yếu và gần như nghiện rượu vì làm việc quá sức”. Vì thế, ông rời Paris để đến Arles – một thị trấn yên tĩnh ở miền Nam nước Pháp.

thung lũng ở Arles
Bức họa về cánh đồng nho ở Arles được vẽ năm 1888

Có lẽ được truyền cảm hứng bởi phong cảnh yên bình mà ông đã vẽ đến… 200 bức tranh trong thời gian lưu trú 15 tháng tại nơi đây. Những cánh đồng hướng dương, đồng lúa mì hay vườn nho đều xuất hiện trong các bức vẽ của ông. Các tác phẩm như Harvest in Provence, The Sower The Red Vineyard at Arles (tất cả được vẽ vào năm 1888) trở nên đặc trưng bởi màu sắc táo bạo và nét vẽ năng động, biểu thị trạng thái hạnh phúc của ông.

Saint-Paul-De-Mausole, Saint-Rémi-De-Provence (Pháp)

Sau một loạt các biến cố cuộc đời, Van Gogh chuyển đến trại tâm thần Saint-Paul-De-Mausole, cách Arles 20 dặm về phía Bắc. Dù vậy, những ngày đẹp trời, ông vẫn mang khung vẽ vào khu vườn treo hay đi loanh quanh để vẽ cảnh vật.

Chính trong thời gian này, Van Gogh đã hoàn thành một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của mình, The Starry Night (1889). Bức tranh miêu tả lại bầu trời đêm với những ngôi sao lấp lành ông nhìn thấy từ khung cửa sổ phòng mình. Đây là mình chứng sống động cho thấy rằng, ngay cả trong những khoảnh khắc khó khăn nhất của cuộc đời, ông vẫn giữ niềm đam mê với cây cọ vẽ. Học giả Martin Bailey đã đưa ra nhận định rằng: “Bức tranh sống động này là minh chứng mạnh mẽ cho cuộc đấu tranh của họa sĩ để vượt qua những thách thức của việc sống và làm việc trong nhà tị nạn cho người điên”.

starry night
Bức họa nổi tiếng Starry Night (tạm dịch: Đêm đầy sao) được Van Gogh vẽ trong những năm tháng cuối đời

Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, vào năm 1890, Van Gogh quyết định chấm dứt sự đau khổ về tinh thần bằng cách tự kết liễu đời mình tại thị trấn nhỏ Auvers ở miền Bắc nước Pháp. Mặc dù cuộc đời của ông ngắn ngủi và đầy sóng gió, Van Gogh vẫn để lại cho đời hơn 2.000 bức tranh. Chúng đã thể hiện niềm đam mê và quyết tâm sáng tạo của ông đối với cuộc sống và nghệ thuật, khiến ông trở thành một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất mọi thời đại.

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Ánh Xuân Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: My Modern Met | Ảnh: Wikimedia Commons
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)