Đĩa than Vinyl “rùng mình” trở lại
Theo một khảo sát gần đây bởi MRC Data, Gen Z có xu hướng mua đĩa than nhiều hơn thế hệ Millennials. Và giới trẻ Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.
THỊ TRƯỜNG NHỘN NHỊP
Chưa đầy một thập kỷ trước khi đĩa than Lặng lẽ tiếng dương cầm bao gồm các sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 được ra mắt, chắc hẳn, chưa bao giờ những nhà sản xuất trong nước nghĩ rằng đây sẽ là thị trường lớn mạnh nhanh chóng. Ở thời điểm ấy, đĩa than vẫn còn là một khái niệm xa lạ trước sự phủ sóng của CD và DVD. Đĩa than, trong định nghĩa dễ hiểu nhất chính là nâng chất lượng âm thanh lên một bậc, để những giọng hát được tuyển chọn thuộc kiểu audiophile có thể đem lại trải nghiệm tốt nhất.
Từ đó, hàng loạt sản phẩm tiếp theo được nhạc sĩ Đức Trí giới thiệu. Ngoài mặt nâng cao trải nghiệm nghe, ê-kíp của ca sĩ Mỹ Linh cũng cho ra mắt đĩa than Một ngày với mục đích sưu tầm, hay quan trọng hơn, là để “tuyên chiến” với nạn nghe lậu thời bấy giờ. Từ đó, đĩa than của những nghệ sĩ gạo cội như Quang Dũng, Lệ Quyên, Mỹ Tâm, Phạm Thu Hà… lần lượt ra đời, báo hiệu một thị trường nhộn nhịp.
Chỉ trong một thời gian ngắn, riêng nhạc sĩ Đức Trí đã đảm nhận 6 dự án sản xuất dưới dạng đĩa than, bao gồm 2 dự án nhạc thời Làn Sóng Xanh (Một thời đã xa, Lối cũ ta về), tuyển tập nhạc trữ tình (Chuyện hẹn hò, Một chiều Thu) và 2 dự án giới thiệu giọng hát (Tình vẫn còn xanh với Thanh Hà và Nỗi yêu bé dại với Thùy Chi). Với tần suất xuất hiện liên tục cũng như ngày càng đa dạng và trẻ hóa trong các giọng ca, có thể thấy, giờ đây, đĩa than được xem như một cách mở rộng các phương thức phát hành. Thế nhưng, vì sao nó lại trở nên phổ biến?
TỪ PHÍA NHỮNG NGƯỜI SÁNG TẠO
Nếu trước đây, những phong trào như “Nghe có ý thức” ra đời để vận động mọi người quan tâm đến vấn đề bản quyền âm nhạc hay thậm chí như trường hợp của ca sĩ Mỹ Linh, phải phát hành đĩa than để không bị khai thác vi phạm bản quyền; thì giờ đây, với sự tham gia của các tập đoàn streaming cũng như các dịch vụ trả phí, người nghe đã dần quen với việc trả tiền cho những trải nghiệm của mình. Như cuộc trò chuyện gần đây của Tóc Tiên hay Trung Quân Idol, khi những nghệ sĩ cảm nhận sáng tạo của họ đã được công nhận đúng đắn, việc làm CD hay những định dạng lưu trữ vật lý khác là hoàn toàn khả thi. Bên cạnh đó, ngành phát hành âm nhạc của Việt Nam trong những năm gần đây đã rất tiệm cận với những “ông lớn” trên thế giới. Sự đầu tư của các hãng đĩa lớn như Warner Music hay các hãng độc lập như hãng đĩa Thời Đại… đã giúp thị trường trong nước tưởng “chết yểu” bỗng sống dậy. Giờ đây, bên cạnh streaming, các định dạng vật lý như CD, cassette hay vinyl cũng được phát hành trong “hệ sinh thái” dự án của nghệ sĩ, như cách nối dài và phát triển rộng khắp.
Các dự án lớn trong những năm qua như Hoàng (Hoàng Thùy Linh), Dzanca (Dzũng), yesteryear (Phùng Khánh Linh), Tỉnh giấc khi ông trời đang ngủ (Trang)… đều xuất hiện dưới ấn bản đĩa than được gia công đặc biệt ở nước ngoài, khiến sự tiếp cận của giới trẻ ngày càng dễ dàng và nhanh chóng hơn. Những tên tuổi gạo cội theo đó cũng xem đây như một hướng đi hợp lý với di sản từ quá khứ của mình, như ca sĩ Phương Thanh cũng từng thừa nhận trong các cuộc trò chuyện trên truyền hình.
NHỮNG KHÁCH HÀNG TRẺ
Đối với giới trẻ, đĩa than hay vinyl quay lại như một xu hướng retro đang thịnh hành trên toàn thế giới. Nếu suốt năm qua người ta nghe disco của thập niên 80 cùng Lady Gaga, Kylie Minogue hay Dua Lipa thì từ 2019, làn sóng này đã dần trở lại với những số liệu đôi khi gây bất ngờ bởi doanh thu đĩa than vượt qua cả CD. Đóng góp không nhỏ cho số liệu này không thể không nhắc đến giới trẻ, Gen Z, nhưng liệu có nghịch lý không khi một trào lưu xưa cũ bỗng trở lại?
Trước hết, trải nghiệm của việc mua một chiếc đĩa có artwork ấn tượng, bóc đĩa khỏi vỏ, đặt vào mâm xoay, cân chỉnh kim rồi kết nối với loa… luôn có một ấn tượng nhất định, mà những “tương tác vật lý” trong đời sống ngày nay người ta không còn thấy được ở các nền tảng streaming với vài cú lướt đơn giản. Nền văn hóa kỹ thuật số kỳ lạ là khi nó càng phát triển thì nỗi hoài nhớ lại càng được đẩy lên cao hơn, và rất có thể là một nguyên nhân lớn khiến giới trẻ quay lại với định dạng này.
Tiếp theo, việc sở hữu một chiếc máy quay đĩa thời nay không còn quá khó trong thời buổi mua sắm trực tuyến. Nếu trước đó, “dân chơi âm thanh” đòi hỏi loa, mâm quay nhất thiết phải phù hợp thì Gen Z thời nay, dẫu với câu bông đùa như thể “mua một chiếc va li mâm quay Crosley để chạy đĩa than phiên bản giới hạn”, thì cũng chẳng sao, quan trọng đó là đĩa than và… đẹp. Chưa kể, các thiết bị bây giờ còn được tích hợp thêm nhiều chức năng như phát qua bluetooth, ghi lại bản thu âm… vô cùng thuận tiện và có thể dùng cho nhiều thiết bị.
Mặc dù chất lượng nghe đĩa vượt trội có thể không làm người trẻ chú ý nhưng tính hình thức của loại đĩa này đã tiệm cận gần đến độ hoàn hảo. Bìa đĩa lớn cộng với việc xu hướng artwork thời gian gần đây trở về retro giúp những bức ảnh chụp bên cạnh đĩa than hay những story ngắn trở nên cổ điển và vô cùng thanh lịch. Tính “instagrammable” của trải nghiệm sở hữu, chụp ảnh và đăng lên mạng xã hội chưa khi nào bỏ qua một trong những hình thức tối ưu nhất, khi cassette và CD khá nhỏ còn đĩa than ngược lại, có mọi ưu điểm mà các định dạng kia không có.
Cuối cùng, với sự cộng hưởng và nắm bắt nhanh nhạy thị hiếu giới trẻ, các nhà sản xuất gần đây ngày càng “trẻ hóa” giọng hát trong phương thức này. Mới đây, trong đĩa vinyl Cơn mưa phùn, Lân Nhã và Nguyên Hà tuy không hẳn là những giọng ca có âm sắc đẹp chuẩn audiophile nhưng vẫn được mời ghi âm lại những bài tình ca nhiều thập kỷ trước, như cách để mang âm nhạc hoài cổ đến gần hơn với giới trẻ. Điều này tương tự với hai dự án Làn Sóng Xanh của Đức Trí, giúp kết nối dòng nhạc và phương thức có phần cũ kỹ với cách thể hiện mới, sáng rõ và gần gũi hơn.
KẾT
Có thể thấy, bởi tính biểu trưng, hình tượng cũng như sự thúc đẩy của các nghệ sĩ và những “ông lớn” trong ngành âm nhạc, chưa khi nào thị trường đĩa vinyl ở Việt Nam đa dạng và phong phú như lúc này. Gen Z, một thế hệ mới đầy ham muốn khám phá với trào lưu hoài cổ, đang nắm giữ chìa khóa trở lại của âm thanh trung thực và sống động nhất. Với tư duy ngày càng văn minh là trả phí cho các sáng tạo mà những nghệ sĩ làm ra, vinyl chắc hẳn sẽ có sức sống lâu bền hơn nữa.
Bài: Ngô Minh
Ảnh: Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE