Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến nền công nghiệp âm nhạc như thế nào?
Ngoài việc tác động đến lợi ích kinh tế của các ngành du lịch, tài chính, ngân hàng, y tế, hàng không… của nhiều quốc gia, dịch bệnh COVID-19 còn đem lại những thay đổi không nhỏ cho ngành công nghiệp âm nhạc thế giới.
Bởi sự bùng phát ngoài kiểm soát của dịch bệnh COVID-19, các chính phủ đã phải ra lệnh hạn chế tập trung đám đông, dẫn đến nhiều sự kiện lớn phải tạm hoãn, từ Liên hoan phim Cannes (Pháp), Thế vận hội Olympic 2020 (Tokyo) cho đến các Lễ hội Âm nhạc với quy mô toàn cầu như Coachella, Wired Music Week (Malaysia), Ultra Miami (Miami). Điều này có thể dẫn đến nhiều thay đổi về sau.
Nền công nghiệp âm nhạc đã phải chịu những ảnh hưởng gì
Tốc độ bùng phát của dịch bệnh đã gây ra xáo trộn trong mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp giải trí. Lần lượt các sự kiện và hội nghị âm nhạc phải hủy bỏ hoặc có thể hoãn vô thời hạn. Không ai biết trước được thời gian khủng hoảng này sẽ kéo dài bao lâu, nhưng một điều chắc chắn rằng là “miếng cơm manh áo” của những người hoạt động trong lĩnh vực này đang bị đe dọa. Nếu phải hủy sự kiện, chưa kể đến việc tính toán lợi nhuận, đến cả chi phí bỏ ra họ cũng không thể thu hồi được.
Để có thể tổ chức được một sự kiện âm nhạc với quy mô từ 500 người trở lên, ban tổ chức phải mất từ một đến hai tháng tối thiểu lên kế hoạch và đảm bảo các khâu được diễn ra một cách trơn tru. Cho nên tuyên bố hoãn lại sự kiện là lựa chọn cuối cùng mà họ phải đưa ra.
Hội nghị Âm nhạc lớn nhất Châu Á – Wired Music Week (Malaysia) – thông báo hủy hội nghị vào hai tuần trước.
Lễ hội Âm nhạc lớn nhất hành tinh Coachella diễn ra tại California, Mỹ cũng phải thông báo hoãn do dịch bệnh COVID-19.
Lễ hội âm nhạc điện tử Ultra Miami diễn ra vào tháng 3 tại thành phố Miami, Florida hoãn đến tháng 3/2021.
Không một đất nước nào là ngoại lệ. Xét trong khu vực châu Á, Trung Quốc đã phải hủy bỏ hơn 20.000 buổi hòa nhạc và Hàn Quốc thì đang đang phải đối mặt với bài toán về doanh thu từ các sự kiện giải trí. Ngoài Lễ trao giải The Fact Music Awards (Hàn Quốc) bị hủy bỏ, các đêm nhạc trong tour diễn vòng quanh thế giới của BTS và các tour diễn của Super Junior tại Nhật Bản vào tháng 3 này cũng không thể thực hiện…
Tại Việt Nam, nhiều buổi biển diễn của các nghệ sĩ: Đan Trường, Suni Hạ Linh, Erik, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng… cũng bị hoãn lại. Và mới đây, lễ hội Âm nhạc EDM Ravolution lớn nhất Việt Nam đã phải thay đổi kế hoạch vì tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19.
Rõ ràng, sự tăng trưởng đầy hứa hẹn trong doanh thu chung của ngành công nghiệp âm nhạc trong vài năm qua có thể dễ dàng bị xì hơi trong giai đoạn mất mát kéo dài như hiện tại. Một sự thật hiển nhiên là nếu những nghệ sĩ không có thu nhập, chúng ta sẽ khó mà có nhạc để nghe.
Hiệu ứng Domino trong nền kinh tế
Đặt bối cảnh các lễ hội âm nhạc bị hủy bỏ là gốc của một hệ, vậy hiệu ứng Domino được gây ra cho hệ này là gì? Xét về lý thuyết, hiệu ứng Domino là phản ứng chuỗi mà trong đó, một sự thay đổi đến từ điểm gốc sẽ gây ra ảnh hưởng đối với các điểm lân cận. Chẳng hạn, đối với những lễ hội lớn như Thế vận hội Olympic, việc đứng ra chủ trì Thế vận hội không những giúp đất nước đó quảng bá hình ảnh quốc gia mà còn thu hút khách du lịch đến tham quan và được các nhà đầu tư nước ngoài chú ý đến…
Đặc biệt, đối với các sự kiện âm nhạc lớn với quy mô 300.000 người đến từ các quốc gia khác nhau sẽ đem lại cho ngành dịch vụ – điển hình là các lĩnh vực liên quan đến nhà hàng, khách sạn, cửa hàng lưu niệm, quán bar, hàng không – một khoản lợi nhuận không hề nhỏ. Do đó, một sự kiện bị ngừng hủy sẽ gây ra tác động lớn đến doanh thu của các ngành trên. Thời gian trì hoãn càng lâu, nền kinh tế càng dễ rơi vào trạng thái trì trệ và rất khó hoặc mất nhiều thời gian phục hồi về sau.
Cơ hội cho nền tảng âm nhạc trực tuyến
Mới đây, theo báo cáo dữ liệu từ ứng dụng nghe nhạc trực tuyến Spotify, playlist Top 200 bài hát hay nhất của ứng dụng này đạt 1,31 tỷ lượt nghe chỉ trong 5 ngày (13/3/2020-17/3/2020), với trung bình một ngày là 262 triệu lượt nghe. Nếu cuối tuần, ứng dụng này đạt được hơn 1,8 tỷ lượt nghe, chưa xét đến phí bản quyền, số tiền 8 triệu USD tương đương sẽ được trả cho các nghệ sĩ. Lượt nghe trên Spotify tăng mạnh so với cuối năm 2019 cho thấy rằng trong thời gian cách ly do dịch bệnh COVID-19, mọi người có xu hướng thay đổi thói quen tiếp cận nền tảng kỹ thuật số. Đối với các nội dung trực tuyến, thời gian chúng ta bỏ ra tăng 1,6 lần so với những ngày bình thường.
Các nền tảng nghe nhạc trực tuyến khác như Apple Music, Amazon Music, YouTube Music (audio) và Pandora cũng đạt được lượt người xem cao nhất trong năm nay. Trong thời đại công nghệ 4.0, với sự hỗ trợ của chức năng Livestream và công nghệ VR, người nghe có thể thoải mái tận hưởng âm nhạc ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào. Thay vì phải đến nơi đông người và đặt bản thân mình vào nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, mọi người dễ dàng tìm được sự tiện nghi khi tổ chức các buổi tiệc tại gia.
Những điều chúng ta có thể làm
Dịch bệnh COVID-19 là kịch bản ác mộng đe dọa đến khả năng tồn tại của ngành công nghiệp âm nhạc. Những nghệ sĩ và người làm sự kiện với nguồn thu nhập dựa vào việc lưu diễn sẽ phải chịu thiệt hại kinh tế nặng nề. Hãy thể hiện tình yêu với những nghệ sĩ mà bạn yêu thích bằng cách ủng hộ các album họ phát hành trên các nền tảng nghe nhạc trực tuyến. Chẳng hạn với BANDCAMP, một trang web nghe nhạc cho phép các nghệ sĩ tải nhạc lên và bán với giá tùy ý, người nghe có thể ủng hộ thêm cho các nghệ sĩ mà họ yêu mến.
Ngoài ra, để các sự kiện âm nhạc không bị trì hoãn thêm nữa, hành động thiết thực của mỗi người ngay lúc này là hạn chế ra đường, bảo vệ bản thân và gia đình để ngăn chặn tốc độ lây lan của dịch bệnh, góp phần đẩy nhanh thời gian kiểm soát và chấm dứt dịch bệnh.
Bài: Vi Tường
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE