Điện ảnh và những chuyện kể về sinh thái

Đăng ngày:

Thông qua điện ảnh, nhà sáng tạo có thể kể những câu chuyện vĩ đại để thức tỉnh con người về mối quan hệ với thiên nhiên và sinh thái.

Năm 2007, phim tài liệu An Inconvenient Truth của Al Gore gây bất ngờ khi giành được hai tượng vàng Oscar. Sự thật phũ phàng về thực trạng nóng lên toàn cầu và con người tàn phá Trái đất đã được kể theo cách không thể trần trụi hơn. Bộ phim là một trong những dấu mốc vững chắc giúp đề tài môi trường tiến sâu vào sân chơi Oscar. Thế nhưng, thực tế là từ những thập kỷ trước đó, câu chuyện sinh thái đã len lỏi tới mọi ngóc ngách, trở thành một phần thiết yếu và tự nhiên của điện ảnh. Không dừng lại ở phạm vi phim tài liệu, đề tài môi trường cũng xuất hiện trong nhiều phim truyện nổi tiếng, được lồng ghép vào những câu chuyện đời thường, gần gũi với con người.

Điện ảnh – Phương tiện kể chuyện sinh thái ưu việt

Lịch sử loài người diễn ra cùng những câu chuyện, “ngay cả khi chúng ta ngủ, tâm trí vẫn thức suốt đêm để tự kể chuyện” (Jonathan Gottschall, sách The Storytelling Animal: How Stories Make Us Human). Khoa học xác nhận sự thật này. Các nhà thần kinh học tại Đại học Princeton đã thực hiện một nghiên cứu chứng minh rằng, khi nghe một câu chuyện hay, não bộ con người có phản ứng như thể đang được trực tiếp trải nghiệm sự việc. Sức mạnh kể chuyện ấy vươn lên tầm cao mới khi điện ảnh ra đời – một bộ môn nghệ thuật tích hợp phức tạp và vẫn đang được cải tiến mỗi ngày. Truyền thông bằng điện ảnh là phương pháp truyền thông hiệu quả cao và bền vững, đã được công nhận rộng rãi. Phối hợp tốt hình ảnh, âm thanh và diễn xuất, một truyện phim hay có thể dẫn dắt khán giả qua nhiều cung bậc trải nghiệm chân thật. Từ đó, thông điệp của bộ phim dễ dàng len lỏi vào tư duy, nhận thức và thúc đẩy hành vi cụ thể của người xem. Hiện tượng này được gọi là “transportation” (trong ngữ cảnh điện ảnh, có thể hiểu là “sự chuyển dịch trải nghiệm”) theo nghiên cứu Con Người và Thiên Nhiên do Wiley và British Ecological Society xuất bản.

sinh thái trong điện ảnh

Nhà Sinh vật học David Attenborough từng kết luận: “Không ai bảo vệ điều họ không quan tâm; và không ai quan tâm điều họ chưa từng có trải nghiệm”. Những đặc tính kể chuyện ưu việt giúp điện ảnh có thể đưa trải nghiệm thiên nhiên tới rất gần với con người, dù họ có đang náu mình giữa bốn bức tường của một thành phố công nghiệp hiện đại. Nếu đã dõi theo câu chuyện của anh chàng Christopher McCandless trong phim Into the Wild, hẳn bạn không thể phủ nhận cảm giác muốn khoác ngay ba lô lên và đi về nơi hoang dã. Tương tự vậy, ở phương Đông cũng có câu chuyện của Ichiko (phim Little Forest), một cô gái đã từ bỏ Tokyo nhộn nhịp để quay về sống thuận tự nhiên giữa núi rừng quê hương.

sinh thái trong phim dune

Avatar: The Way of Water và Dune là hai bom tấn đưa câu chuyện sinh thái ra ngoài vũ trụ.

Những biểu tượng phim sinh thái Đông – Tây thời kỳ đầu

Studio Ghibli, xưởng phim hoạt hình nổi tiếng hàng đầu Nhật Bản, thể hiện mối quan tâm với đề tài môi trường từ rất sớm. Năm 1994, Ghibli đã cho ra mắt một tác phẩm xoáy sâu vào đề tài này là Pom Poko. Truyện phim kể về hậu quả của quá trình đô thị hóa, lấn chiếm đất rừng để mở rộng diện tích đất thổ cư tại Tokyo cuối những năm 1960. Thông qua góc nhìn được nhân cách hóa của bầy tanuki – một động vật đặc hữu ở địa phương, đạo diễn Takahata Isao đã giúp khán giả dễ dàng thấu hiểu “nỗi đau” của thiên nhiên khi bị tàn phá. Sau đó không lâu, Ghibli tiếp tục mang đến một tác phẩm kể chuyện sinh thái thành công khác là Princess Mononoke (1997). Cuộc gặp gỡ giữa hai nhân vật Ashitaka và San như một ngọn gió mát lành, xoa dịu đi cơn thịnh nộ của rừng thiêng với nhân loại. Pom PokoMononoke đều cho thấy góc nhìn trung lập, khách quan, tiết chế của các nhà sáng tạo về mối quan hệ phức tạp giữa thiên nhiên và con người. Một tầm nhìn có thể nói là đi trước thời đại, không chỉ riêng với điện ảnh Nhật Bản mà xét trên quy mô toàn cầu.

Hơn 20 năm sau, hãng phim hoạt hình Pixar của Mỹ ra mắt một biểu tượng điện ảnh mang tên Wall-E (2008) – câu chuyện về chú robot duy nhất còn sót lại trên Trái đất đầy rác thải, nơi loài người từ bỏ để tìm ngôi nhà mới ngoài vũ trụ. Chú robot này đã mang lại hy vọng cho con người tương lai trong phim, đồng thời cũng nhắc nhở khán giả đương đại về hậu quả của chủ nghĩa tiêu dùng quá độ với môi sinh.

Từ những năm đầu 2000 trở đi, phương Đông có thêm Hàn Quốc bước hẳn hai chân vào lĩnh vực phim truyện sinh thái. Phim The Host (2006) kể về thảm họa quái vật sông Hàn – một sinh vật đột biến được tạo ra bởi chính hành động xả thải hóa chất bừa bãi của con người. Cùng lúc đó, điện ảnh Hollywood cũng liên tục mang đến các phim “bom tấn” lấy môi trường làm đề tài chủ đạo. Mang tầm vóc hành tinh, câu chuyện biến đổi khí hậu gây ra các trận siêu bão làm đóng băng toàn bộ Bắc bán cầu của The Day After Tomorrow từng gây “bão” phòng vé vào năm 2004. Băng giá do biến đổi khí hậu cũng bao phủ thế giới của Snowpiercer (2013), phim điện ảnh về chủ đề hậu tận thế của đạo diễn Bong Joon Ho; đó là khi con người phải chen chúc sinh tồn trên một con tàu chạy vĩnh cửu, đối mặt với những góc đen tối nhất của giống loài mình.

Chuyện phim sinh thái vượt khỏi địa cầu

Avatar (2009) có thể xem là phát pháo mở đầu cho kỷ nguyên phim truyện sinh thái ngoài Trái đất. Phần hai Avatar: The Way of Water cũng vừa ra mắt năm 2022. Trong tầm nhìn của đạo diễn James Cameron, khi Trái đất đứng trước nguy cơ bị khai thác đến cùng kiệt, con người sẽ lao ra không gian trong cơn khát tài nguyên. Hành tinh Pandora xanh tươi – nơi sinh sống của chủng người Na’vi – có nhiều điểm tương đồng với địa cầu thời nguyên thủy, ngay lập tức trở thành mục tiêu. Hành trình gian truân của nhân vật chính Jake Sully, người được cử đi do thám Pandora là hành trình con người khám phá và tái kết nối với thiên nhiên hoang dã. Một trong những lời chất vấn xuyên suốt bộ phim là: Chúng ta nhân danh điều gì để dám bạo tàn xâm lấn, giết chóc và phá vỡ hệ cân bằng sinh thái của một giống loài khác?

Vậy nên, ở hệ quy chiếu ngược lại, phim 3 Body Problem (2024) được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Lưu Từ Hân đã đặt Trái đất trong nguy cơ bị người ngoài hành tinh xâm lược. Từ góc nhìn của một nền văn minh cao cấp hơn, người Trái đất đáng bị hủy diệt vì không biết trân trọng đặc quyền được sống trên hành tinh xinh đẹp này. Vậy nhưng, viễn cảnh đáng buồn nhất trong 3 Body Problem là khi chính nội bộ loài người bị chia rẽ. Vì lý tưởng, một nhà đấu tranh cho môi trường cuối cùng đã chọn cách bán đứng loài người, đối đầu với chính đồng loại mình.

Tại những cồn cát Oregon, thập niên 1950, tác giả Frank Herbert đã có ý tưởng về một hành tinh sa mạc hóa do môi trường bị tàn phá. Ông gọi hành tinh giả tưởng ấy là Arrakis và từ đó xây dựng cả một vũ trụ văn học kinh điển mang tên Dune. Thông điệp sinh thái của Dune đã ảnh hưởng đến nhiều nhà văn và nhà vận động môi trường trong suốt những năm 1960-1970, được chuyển thể thành phim tới 3 lần. Thế nhưng, phải đến bản chuyển thể gần nhất của đạo diễn Denis Villeneuve, khán giả mới thật sự cảm nhận được tầm vóc của thông điệp này. Rót tới hàng trăm triệu đô la Mỹ chỉ riêng cho hai phần phim đầu (2021, 2024), nhà sản xuất đưa trọn vẹn vẻ đẹp hùng vĩ và tàn bạo của Arrakis lên màn ảnh. Câu chuyện trên hành tinh sa mạc viễn tưởng ấy thực ra là ẩn dụ cho những cuộc chiến chính trị, giai cấp, tôn giáo và vấn nạn khai thác tài nguyên bừa bãi ngay trên Trái đất.

sinh thái trong phim pom poko

Pom Poko kể về hậu quả của quá trình đô thị hóa, lấn chiếm đất rừng để mở rộng diện tích đất thổ cư tại Tokyo cuối những năm 1960.

Xu hướng không thể đi lùi

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đang gửi đi “báo động đỏ” về các chỉ số biến đổi khí hậu. Báo cáo mới nhất của WMO cho biết, nhiệt độ trung bình của Trái đất đã lên tới mức cao nhất trong 174 năm. Những con số biết nói này yêu cầu mỗi chúng ta phải đối diện và có trách nhiệm.

Với các nhà làm phim, kể chuyện sinh thái thông qua điện ảnh là phương tiện thuận tay nhất. Thế nhưng, không thể phủ nhận môi trường luôn là đề tài khó vì có bản chất gắn liền với chính trị – xã hội. Để cân bằng giữa tính giải trí và giáo dục, chuyện phim không thể quá lãng mạn, cũng không thể quá khô cứng; không thể quá tươi sáng, cũng không thể quá rùng rợn; không thể quá hài hước, cũng không thể quá u sầu. Chi phí sản xuất các dự án này thường cao, vì khi đã chọn bối cảnh và dàn cảnh là thiên nhiên hoang dã thì không thể tiết kiệm được. Quan trọng hơn hết, phim môi trường dù chọn cách kể chuyện nào đều phải dẫn tới mục tiêu là nâng cao nhận thức về thực trạng đáng báo động của hành tinh xanh. Những đòi hỏi này không dễ đáp ứng, có lẽ vì thế mà số lượng phim truyện về sinh thái vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, điện ảnh xa rời thực tế cũng không khác gì một cái cây bị cắt khỏi cội nguồn dưỡng chất. Đề tài môi trường rồi sẽ phủ sóng sâu rộng hơn như một lẽ tất yếu, bởi đây đang và sẽ là mối quan tâm hàng đầu của con người trong kỷ nguyên này.

Nhóm thực hiện

Bài: Hải Âu

Ảnh: Tư liệu 

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more