Văn hóa / Thế giới văn hóa

Điện ảnh và công nghệ – Mối quan hệ thực tập

“Cinema” bắt nguồn từ gốc Hy Lạp “kinema” nghĩa là những hình ảnh chuyển động. Ngay từ trong từ nguyên, điện ảnh đã hàm chứa ý nghĩa của sự vận động không ngừng. Và quả đúng như thế, cinema chính là loại hình nghệ thuật gắn liền nhất với những bước chuyển phát triển mạnh nhất về công nghệ.

Phim bắt đầu bằng những thử nghiệm của Edison và anh em nhà Lumière, là một chiếc hộp đen hay căn phòng tối, nơi chiếu những loạt ảnh chuyển động hay những đoạn quay chỉ kéo dài vài chục giây tới vài phút. Phim ban đầu chỉ là một phần của hội chợ giải trí, phát tin tức, để thỏa mãn lòng hiếu kỳ của những ai muốn tụ tập nơi đông người để xem thứ “ảnh ảo như thật”. Khi ấy, chỉ xem được cảnh một đoàn tàu chạy tới, như sắp lao vào màn hình, đã khiến họ thấy phấn khích.

Và rồi, từ lúc nào chẳng hay, phim trở thành một phần của văn hóa loài người. Càng nhiều người yêu phim, càng nhiều người nghiên cứu công nghệ làm phim. Phim từ phim câm cần có âm nhạc thu rời đi kèm chuyển sang phim có thoại, từ những đoạn quay rời rạc trở thành những câu chuyện hoàn chỉnh. Phim đen trắng trở thành phim màu, từ 2D thành 3D, từ màn hình thông thường thành IMAX. Âm thanh mono dần được thay thế thành âm thanh stereo, và giờ đây khán giả khó mà hài lòng được nếu họ không có âm thanh surround trong rạp chiếu. Khái niệm 24 hình/giây dần trở thành quen thuộc với khán giả, dù trên thực tế những máy quay hiện nay có thể ghi lại tới 300 hình mỗi giây. Trong việc quay phim lẫn trình chiếu, các cuốn phim 35mm phim dần biến mất, thay vào đó là các máy quay và máy chiếu kỹ thuật số.

điện ảnh 1

Chỉ trong vòng vài thập niên, ngành công nghiệp điện ảnh đã thay đổi chóng mặt, đến mức người ta chưa kịp làm quen với kỹ thuật này, đã có ngay trải nghiệm với kỹ thuật mới. Kỹ thuật làm phim và trải nghiệm xem phim xuất hiện cả trước khi người ta nghĩ rằng mình cần phải biết đến những điều đó. Công nghệ từ việc tạo điều kiện cho nghệ thuật kể chuyện, dần trở thành một trợ thủ đắc lực biến điện ảnh thành một loại hình không quá phụ thuộc vào những câu chuyện hay mà là một hành trình trải nghiệm của âm thanh và thị giác.

Tuy nhiên, trong suốt quá trình ấy, cách xem phim của loài người không mấy thay đổi, chúng ta vẫn “đi xem phim” trong các rạp chiếu. Ngay cả khi truyền hình xuất hiện, các rạp chiếu vẫn là thánh đường của phim điện ảnh… cho đến ngày các dịch vụ chiếu phim trực tuyến xuất hiện.

điện ảnh 2

Cho đến nay, ông lớn trong ngành chiếu phim trực tuyến Netflix chỉ mới hoạt động 21 năm. Tuy nhiên, sự có mặt của họ và những nhà cung cấp khác (như Hulu hay Amazon Prime Video) đã mau chóng thay đổi thói quen giải trí với màn hình của con người. Cho tới năm 2018, đã có hơn 30% người Mỹ từ bỏ việc trả tiền cho các gói truyền hình. Còn với phim điện ảnh, dẫu chưa có một con số thống kê rõ ràng, nhưng với việc người dùng Netflix tăng lên 10% mỗi năm, người ta cũng phải tự hỏi ngành điện ảnh truyền thống đang phải đối mặt với những thử thách nào.

điện ảnh 3

Internet rõ ràng đã thay đổi cách loài người xem phim. Thay vì phải tiêu tốn thời gian, năng lượng để tới rạp chiếu, khán giả có thể xem phim bất cứ nơi đâu, trên màn hình điện thoại, máy tính, tivi. Nhờ sự trợ giúp đắc lực của ngành công nghệ, nếu chịu khó đầu tư, những chiếc tivi, máy chiếu và dàn âm thanh tại nhà bây giờ cũng có chất lượng chẳng thua kém gì một rạp chiếu chuyên nghiệp. Người ta có thể cùng con cái xem phim, ăn uống và… ngủ gật ngay trong nhà mình. Và quan trọng hơn, nhờ thuật toán, “đặc sản” chỉ có của thời internet, các trang chiếu phim trực tuyến mau chóng định vị được thị hiếu của từng người dùng. Chỉ sau vài bộ phim họ chọn xem, website chiếu phim đã mau chóng biết cách giới thiệu những bộ phim theo đúng thị hiếu.

điện ảnh 4

Trước đây, các hãng phim có thể tự hào rằng chỉ họ mới có thể sản xuất ra những bộ phim tiêu chuẩn cao, đầu tư lớn. Tuy nhiên, gần đây, sự thế đã thay đổi, từ việc chỉ phát lại những bộ phim do người khác sản xuất, các công ty chiếu phim trực tuyến giờ đã tự sản xuất sản phẩm của chính mình với số tiền đầu tư dao động từ vài chục tới hàng trăm triệu USD. Họ không chỉ đầu tư vào những bộ phim ăn khách, gọi “view” mà còn thẳng tiến vào dòng phim nghệ thuật. Mới năm 2017, khán giả vẫn còn la ó phản đối khi Liên hoan phim Cannes trình chiếu Okja – một bộ phim của đạo diễn Bong Joon-ho do Netflix đầu tư và phát hành. Đến năm 2019, Roma của Alfonso Cuarón cũng do Netflix đầu tư và phát hành đã mau mắn giành được Sư tử vàng của Liên hoan phim Venice.

điện ảnh 5
Công nghệ vừa là nền tảng, vừa là cơ sở phát triển, vừa là thử thách của điện ảnh. Khi cách chiếu phim thay đổi, cách làm phim cũng phải thay đổi theo.

Điện ảnh truyền thống sẽ đối đầu với các công ty chiếu phim trực tuyến bằng vũ khí nào? Câu trả lời rất đơn giản: công nghệ. Hơn bao giờ hết, các hãng phim phải đầu tư cật lực vào công nghệ và trình chiếu phim. Nếu người ta có thể xem phim với màn hình HD tại nhà, các rạp chiếu sẽ phải có 3D, Ultra-HD, 4DX… và có thể có thêm nhiều định dạng mới nữa trong tương lai gần. Điện ảnh và công nghệ, xét cho cùng vẫn là một mối quan hệ phức tạp, vừa như bạn, vừa như thù. Nhưng chính nhờ thế, chúng ta mới có một loại hình nghệ thuật phức tạp và đa dạng tới vậy.

Nhóm thực hiện

Bài: Huy Phương, Đoàn Trúc Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)