Điện ảnh và Sự an ủi của thiên nhiên
Ai từ thiên nhiên trở về cũng mang theo một báu vật gì đó của trí tuệ. Những bộ phim sau đây là minh chứng hùng hồn nhất.
CHỨNG NHÂN CỦA TÌNH YÊU
Mối tình đầu của Maurice Kraft là ngọn núi lửa Vesuvius. Mối tình thứ hai là Katia Conrad. Bỏ lại một thế giới vừa buồn chán vừa bạo lực vì chiến tranh, Katia và Maurice lên đường theo đuổi những ngọn núi lửa của mình. Chuyện tình có thật bên những bờ miệng núi lửa phun trào của hai người khiến bộ phim về họ, Fire of Love, từng được đề cử tại Oscar ở hạng mục phim tài liệu xuất sắc vào năm ngoái, còn đẹp hơn mọi phim tình hư cấu nào khác. Có lẽ hiện thực lúc nào cũng đáng kinh ngạc hơn giả tưởng.
Núi lửa ư? Có quá “hardcore” không vậy? Có cần thiết phải liều mình dấn thân vào những miền đất dữ như thế chăng? Nhưng khi xem những thước phim đôi vợ chồng mặc chiếc áo bảo hộ kín mít từ đầu tới chân và đội chiếc mũ trùm như một phi hành gia đang ở ngoài vũ trụ, đằng sau họ, bức tường lửa ngùn ngụt và đỏ rực như một bức tranh trừu tượng của Mark Rothko, còn họ nhảy múa như đón mừng thần lửa giá lâm, thì ta biết họ đã hạnh phúc hơn bất cứ ai. Họ đã được thấy những điều chẳng mấy ai được thấy, và tình yêu của họ là một tình yêu được chứng giám bởi thần lửa.
Maurice và Katia gợi nhắc đến nhiều cặp tình nhân kinh điển trong điện ảnh Làn Sóng Mới của Pháp, những người với lý tưởng tự do tận cùng, muốn buông bỏ đời sống xã hội giả tạo và buồn tẻ với mộng ước dựng nên một cuộc sống theo chủ nghĩa tự nhiên, hòa lẫn vào biển, rừng, vào những miền hoang vô nhiễm, những người đứng trong những tàng cây mà đọc câu thoại rằng: “Chúng ta được làm từ những giấc mơ và những giấc mơ được làm từ chúng ta”.
TÌM THẤY CHÍNH MÌNH
Đời sống giao tế xã hội không phải lúc nào cũng có chỗ cho tất cả mọi người. Nhưng thiên nhiên thì có. Dù đó là người có tiền hay không có nhiều tiền lắm, dù đó là người già hay người trẻ, dù đó là những nhà khoa học hay những người mắc hội chứng chậm phát triển trí tuệ. Trong bộ phim The Peanut Butter Falcon của bộ đôi đạo diễn Tyler Nilson và Michael Schwartz, một trong những tác phẩm độc lập ăn khách nhất vào thời điểm ra mắt, Zak là một anh chàng mắc chứng Down mà không ai muốn chăm sóc. Anh được gửi đến một trung tâm bảo trợ, nơi anh sống chung với một cụ già và ngày ngày dán mắt xem chương trình đấu vật trên tivi.
Một ngày, Zak trốn trại và run rủi gặp được “cạ” của mình, một anh chàng chuyên bắt cua lậu trên sông và bị đám ngư dân trong vùng liên tục xua đuổi. Hành trình hai thành phần “bất hảo” bị gạt ra lề xã hội cùng lênh đênh trên con thuyền dọc theo dòng sông, đi qua những khu rừng ngập mặn, đêm đêm cắm trại trong lều, bắt cá để ăn là hành trình cả hai dần rũ bỏ những mặc cảm để đi tìm bản ngã. Và mỗi tối, Zak sẽ nuôi dưỡng giấc mơ làm đô vật của mình bằng cách vật những khúc cây mục tìm thấy trong rừng. Chẳng người nào nghĩ cậu có thể trở thành một người hùng thể thao, nhưng thiên nhiên thì luôn trao cơ hội cho bất cứ ai tìm đến nó. Trong đêm tối, giữa rừng khuya, Zak mặc độc chiếc quần lót, trên lưng vác những khúc cây như một vị thần rừng, cố gắng vật lộn với một thân gỗ, bên cạnh là sự cổ vũ nhiệt liệt của người bạn… là một cảnh phim khiến người xem cảm thấy ấm lòng.
CỨU RỖI TÂM HỒN
Những chuyến hành hương vào thiên nhiên hoang dã cũng cứu rỗi cho tâm hồn của Fern, nhân vật chính trong tác phẩm đoạt giải Oscar cho phim xuất sắc nhất vài năm trước, bộ phim Nomadland của Chloé Zhao. Nhà máy nơi Fern làm việc đóng cửa vì suy thoái kinh tế, bị đẩy ra đường chỉ sau một đêm, Fern đối mặt với một tương lai bất định và u ám. Cô lên một chiếc xe van đi dọc những con đường cô độc của nước Mỹ, làm những công việc khiêm cung nhất để duy trì cuộc sống tối thiểu. Không có gì an ủi Fern ngoài vẻ đẹp vô tận của thiên nhiên hoang dã trùng trùng điệp điệp nơi miền Tây hùng vĩ.
Cảnh Fern đi giữa những rặng núi đá ở Badlands trong buổi chiều tà, ở chân trời xa xa là ráng chiều đang buông; cảnh Fern ở giữa sa mạc Nevada với quang cảnh ngoạn mục, cầm một viên đá thủng lên và nhìn thế giới qua lỗ thủng ấy; cảnh Fern rảo bước dọc một bờ biển hoang vắng, sóng đánh vào đá tung bọt trắng xóa; cảnh Fern đi xem đàn nhạn hoang đẻ trứng – khung cảnh mà một người bạn từng nói với cô rằng, kể từ sau khi chứng kiến cảnh ấy thì cuộc đời coi như đã trọn vẹn, không còn gì tiếc nuối… Từng cảnh từng cảnh, dẫu thoáng buồn, nhưng đều ủi an vô bờ bến. Thiên nhiên thì mênh mông rộng lớn, con người thì bé nhỏ yếu đuối. Thiên nhiên thì vĩnh cửu trường tồn, những mô hình kinh tế thì mong manh yếu ớt. Chỉ sự tương phản vậy thôi chẳng phải đã đủ để ta biết nên tìm đến nơi đâu để nương trú?
SUỐI NGUỒN SÁNG TẠO
Không kể về một con người di trú vào thiên nhiên hoang dã, bậc thầy phim tài liệu người Đức Werner Herzog từng thực hiện một bộ phim về những người sống ở Bakhta, một ngôi làng hẻo lánh nằm giữa những cánh rừng taiga bạt ngàn ở nước Nga, nơi gần như bị tách biệt khỏi thế giới văn minh, quanh năm tuyết phủ, mùa Xuân cũng giá buốt như mùa Đông, và muốn đến đó chỉ có hai đường, hoặc đi bằng trực thăng, hoặc chèo thuyền băng sông Bakhta vào mùa Hè. Nơi đây không có điện thoại, không có mạng internet, nơi đây chẳng có gì ngoài rừng, tuyết và những chú chó trung thành với chủ.
Bộ phim mang tên Happy People: A Year in the Taiga. Những con người ít ỏi bám lại ở Bakhta hạnh phúc đã đành, nhưng hình như, chính người làm phim cũng đã tìm thấy hạnh phúc khi được dấn thân vào miền hoang vu với chiếc máy quay, được sống cùng những con người mà mối lo lớn nhất là liệu họ có đủ thức ăn cho mùa Đông này.
Hàng chục năm trước, nhà làm phim vĩ đại bậc nhất của Nga, Andrei Tarkovsky, cũng đã có một thời gian đi theo những nhà địa lý học tới khám phá rừng taiga (một người cháu của ông giờ cũng là một trong những thợ săn trong số cư dân thưa thớt chỉ vài trăm người ở Bakhta). Trong hồi ký của mình, Tarkovsky kể rằng, chính vì sống ở vùng hoang vu này mà khi trở về, ông đã quyết tâm theo đuổi sự nghiệp làm phim. Ai biết điều gì ở nơi xa xôi chỉ có bạch dương và làm gì có nổi rạp chiếu phim nào lại khiến một con người muốn làm phim? Có thể là vì vẻ đẹp nguyên tuyền của thiên nhiên, một vẻ đẹp khiến người ta muốn dâng lên cuộc đời một thứ gì đó cũng nguyên tuyền và thành kính, như nghệ thuật?
Ta chẳng thể nào biết chắc được, chỉ biết rằng ai từ thiên nhiên trở về cũng mang theo một báu vật gì đó của trí tuệ.
Bài: Hiền Trang
Ảnh: Tư liệu