Điện ảnh Việt liệu có còn “bên trong vỏ kén vàng”?

Đăng ngày:

Đứng trước những dự án điện ảnh sẽ khởi chiếu nửa cuối năm 2023, thật khó để không mộng mơ rằng phim Việt sẽ phá vỡ “vỏ kén vàng” để một lần nữa tỏa sáng.

NHƯ MỘNG NHƯ HUYỄN

Còn nhớ cảnh cuối của Bên trong vỏ kén vàng, bộ phim của Phạm Thiên Ân nhận giải Camera Vàng cho tác phẩm đầu tay xuất sắc tại LHP Cannes mùa Hè vừa qua, khi nhân vật chính vượt qua một hành trình dài đi tìm người anh trai đã bỏ đi biền biệt, để rồi sau một lần chợp mắt tỉnh dậy, nhận ra tất cả chỉ là một giấc mơ. Không có anh trai nào cả, chỉ có những đàn bươm bướm trắng bay lượn vờn quanh.

Cảnh phim ấy, một cách tình cờ, lại mô tả thật đúng trạng thái của điện ảnh Việt những năm qua. Có kỳ vọng không? Có. Có rất nhiều kỳ vọng, khi thi thoảng một vài viên ngọc nhỏ lộ diện hay một vài tác phẩm càn quét phòng vé cho thấy người làm phim Việt cũng tài hoa lắm và khán giả thì vẫn còn yêu phim Việt lắm. Nhưng rồi, cứ khi kỳ vọng lên cao nhất và ta bắt đầu mơ về một viễn cảnh lớn lao hơn, thì thể nào cũng có điều gì đó xuất hiện – như một loạt tác phẩm kém chất lượng hoặc dịch bệnh, khiến ta tỉnh mộng và quay trở về với thực tế ảm đạm của phim Việt.

điện ảnh việt cổ trang

Trong nửa đầu năm 2023, 10 dự án phim Việt trong đó có Nhà bà Nữ của Trấn Thành, Lật mặt 6 của Lý Hải, Chị chị em em 2 của Vũ Ngọc Đãng, Siêu lừa gặp siêu lầy của Võ Thanh Hòa… đã thu về đến hơn 1.000 tỷ VNĐ, trong khi ở mảng phim nghệ thuật, ngoài Bên trong vỏ kén vàng còn có Những đứa trẻ trong sương của Hà Lệ Diễm được lựa chọn vào danh sách 15 phim cuối cùng tham gia tranh giải hạng mục Phim tài liệu tại Oscar 2023.

Dấu hiệu của một nền điện ảnh đang tiến bộ từng ngày là khi sự đa dạng được nhân lên. Mấy năm trước, làm sao tưởng tượng được Việt Nam sẽ có một tác phẩm điện ảnh chậm, dài tận 3 tiếng theo trường phái của những bậc thầy xi-nê như Andrei Tarkovsky, Theo Angelopoulos, Apichatpong Weerasethakul, Lav Diaz… – nghĩa là triệt tiêu hoàn toàn yếu tố hào nhoáng và tính giải trí cố hữu của môn nghệ thuật thứ 7 để bắt người xem vật vã trong một cuộc hành hương đi tìm bản ngã của mình, như Bên trong vỏ kén vàng? Trước đây, làm sao có thể nghĩ rằng một phim tài liệu nặng tính chính luận xã hội như Những đứa trẻ trong sương lại được đón nhận, dù không quá nhiệt liệt nhưng cũng không đến nỗi lãnh cảm, thờ ơ? Hay làm sao có thể nghĩ rằng cột mốc 450 tỷ VNĐ doanh thu nội địa cho một phim điện ảnh Việt có thể đến nhanh tới thế khi nền kinh tế còn chưa trở về nguyên trạng hậu COVID-19, thổi bay mọi bom tấn Hollywood khác tại sân nhà? Và làm sao nghĩ được Việt Nam cũng có thể có một thương hiệu phim làm đến 6 phần vẫn còn chưa nhạt?

KỲ VỌNG BỨT KÉN

Có quá nhiều tin tức tốt lành khiến cho một lần nữa, kỳ vọng bứt kén của người quan tâm đến điện ảnh trong nước lại bắt đầu động cựa. Liệu điện ảnh Việt sẽ nhân đà ấy để một đường đi lên, hay lại bị đánh thức khỏi giấc chiêm bao đẹp? Sau vài tháng Hè tránh đối đầu các bom tấn nước ngoài, mùa Thu – Đông này, màn ảnh rộng sẽ lần lượt giới thiệu một “bộ sưu tập” các tác phẩm điện ảnh Việt. Tác phẩm nào, nếu thành công, dường như cũng có thể truyền cảm hứng cho những trào lưu làm phim quan trọng.

đất phương nam

Đầu tiên là trào lưu chuyển thể văn học kinh điển, với Đất rừng phương Nam của Nguyễn Quang Dũng, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Đoàn Giỏi. Đã 26 năm kể từ khi tiểu thuyết này được dựng thành phim truyền hình Đất phương Nam – và những đứa trẻ năm đó từng say mê cuộc phiêu lưu giữa thiên nhiên Nam Bộ với những rừng đước, rừng tràm, với những con kênh chằng chịt của U Minh Thượng, U Minh Hạ giờ đều đã lớn. Có lẽ cũng đã đến lúc họ được ôn lại tuổi thơ, và con cái họ được tận hưởng những ký ức tuổi thơ mới. Những tranh cãi về mức độ chính xác của bối cảnh phim, về… bộ râu của Trấn Thành trong vai nhân vật bác Ba Phi cũng không thể phủ nhận được đồ án công phu của ê-kíp. Trong những thước phim đã được tung ra, miền sông nước Nam Bộ đẹp lấp lánh, các phân cảnh quan trọng như cảnh An bị rơi xuống sông, cảnh Võ Tòng nhảy khỏi bục treo cổ, cảnh chiến đấu với lính Pháp đều ngùn ngụt cảm xúc, và người ta có quyền trông chờ một tác phẩm đáng xem.

Lâu nay, khán giả Việt vẫn ao ước một ngày nào đó mình cũng có những tác phẩm lịch sử – cổ trang mà ngày ngày điện ảnh Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn chiêu đãi chúng ta. Khi những thước phim đầu tiên với Kaity Nguyễn trong trang phục Bắc Bộ thế kỷ 19 được đoàn làm phim Người vợ cuối cùng giới thiệu, khán giả đã phải thực sự trầm trồ trước những khung hình có phần lộng lẫy một cách liêu trai, bí ẩn. Hình ảnh những mâm cỗ nhà quan, những đình làng cổ kính, những cánh cửa gỗ gụ như đóng kín những bí mật hay sân khấu rối nước dưới ánh đèn lồng lần lượt hiện lên trong một bản phối mới cho ca khúc Góc tối của Nguyễn Hải Phong, tất cả đều khiến ta tin vào một sự “phục thù” của Victor Vũ sau Người bất tử, dù là một tác phẩm tốt nhưng lại không thành công ở phòng vé.

điện ảnh công tử bạc liêu

Bên cạnh đó, một dự án đã được công bố từ khá lâu của Thanh Hằng là Quỳnh Hoa Nhất Dạ cũng đã xuất hiện trên danh sách phim sắp chiếu của các rạp phim. Câu chuyện về Dương Vân Nga – vị hoàng hậu của hai triều vua Đinh Tiên Hoàng – Lê Đại Hành, người phụ nữ với dung nhan được tụng ca “đồi đông điểm ngọc, đồi tây mây vàng/Suối trong tựa ánh nguyệt tràn/ Mây ngồi xổm, cá lượn đàn lên mây” vốn đã luôn là một huyền thoại ly kỳ, là nguồn cảm hứng cho vô số tác phẩm nghệ thuật thuộc đủ mọi lĩnh vực từ thi ca, tiểu thuyết, hội họa, chèo, cải lương… và giờ là điện ảnh. Những tiết lộ của Thanh Hằng về 200 bộ phục trang cho dàn diễn viên và 30 bộ phục trang cho riêng Dương Vân Nga, tất cả được thực hiện trong 1.000 giờ lao động của các thợ may, thực sự khiến khán giả mơ về một bộ phim nữ chủ với phần sản xuất tinh xảo như Hậu cung Như Ý truyện của Trung Quốc. Có lẽ hiện nay, cũng không một ngôi sao điện ảnh nào có thể “cân” được vai diễn Dương Vân Nga ngoài Thanh Hằng – một minh tinh với thần thái quyền lực, một người phụ nữ hẳn đã nếm trải cả hào quang lẫn hư vinh. Sau những tác phẩm cổ trang điệu đà về hình thức nhưng thảm họa về nội dung như Kiều, các bộ phim của Thanh Hằng hay Victor Vũ hẳn sẽ chịu nhiều sự soi xét từ khán giả, nhưng nếu có thể kể được một câu chuyện đủ hấp dẫn thì định kiến phim lịch sử Việt sẽ nhanh chóng bị xóa mờ, tạo đà cho các dự án lịch sử kế tiếp.

Tiếp tục cảm hứng cổ trang – lịch sử, bộ phim Công tử Bạc Liêu lại không xoay quanh thế giới cung đình mà khai thác nhân vật chàng công tử Trần Trinh Huy với các giai thoại khét tiếng. Đầu năm nay, Chị chị em em 2 ra mắt với câu chuyện về cuộc đời cô Ba Trà và Tư Nhị – hai giai nhân Nam Kỳ Lục Tỉnh một thuở. Ba Trà cũng từng là người tình của cậu ấm Trần Trinh Huy với chuyện đốt tiền làm vừa lòng người đẹp. Dự án Công tử Bạc Liêu “chơi lớn” với video giới thiệu mang phong cách stop-motion quá đỗi kỳ công, nào là những tòa nhà bề thế mà u ám của các điền chủ thời xưa, nào là những vũ nữ xinh đẹp nhưng gương mặt không chút sức sống, nào là cảnh cơn mưa tiền rơi xuống hay biết bao tài sản vùi chôn trong biển lửa, khiến cho khán giả thậm chí còn mơ về một ngày nào đó, Việt Nam cũng sẽ có một bộ phim hoạt hình ăn khách, xóa bỏ định kiến về một nền hoạt hình Việt Nam vừa cứng nhắc, vừa cũ kỹ. Người Việt thường bảo “nói trước bước không qua”, nhưng khi xem những teaser, trailer hay first look của các dự án sẽ khởi chiếu nửa cuối năm 2023, thật khó có thể không mộng mơ rằng phim Việt sẽ không còn ở “bên trong vỏ kén vàng” nữa, mà sẽ tách vỏ, đường hoàng bước ra ngoài.

Nhóm thực hiện

Bài: Hiền Trang 

Ảnh: Tư liệu 

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more