Điện ảnh Việt Nam 2017 & Những điểm sáng lấp lánh

Đăng ngày:

[Tạp chí ELLE tháng 5/2017] Sau một năm “dội” về số lượng nhưng kém về chất lượng, điện ảnh Việt 2017 đương tràn đầy tín hiệu khởi sắc. Điều này không chỉ đến từ những dự án phim đầy cuốn hút ngay thời điểm khởi động mà còn đến từ những cái tên rất trẻ trong đam mê dài với điện ảnh.

Nỗ lực vượt thoát đề tài

Dạ cổ hoài lang

Ba tháng đầu năm 2017, điện ảnh Việt Nam chào đón hai bộ phim được sự quan tâm của đông đảo công chúng là Dạ cổ hoài lang, Lô tô. Một về người già lạc lỏng nơi xứ người, một về người chuyển giới trôi nổi theo gánh lô tô mà không chọc cười thô thiển, lạm dụng đồng bóng. Tiếp đó là Cha cõng con của Lương Đình Dũng (về tình thương của người cha làm nghề đánh cá nơi miền núi nghèo, quanh năm bão lũ dành cho đứa con chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo) và Có căn nhà nằm nghe nắng mưa của bộ đôi Mai Thế Hiệp, Bình Nguyên (kể về đứa con ngoan ngoãn, học hành giỏi giang của bà Tư đột nhiên bị nghi oan là kẻ giết người, phải bỏ nhà ra đi. Bà Tư ở lại, chịu mọi gièm pha của xóm giềng và mòn mỏi chờ con). Dù vẫn còn đấy một vài hạt sạn nhưng phải thừa nhận nỗ lực của các đạo diễn trong việc vượt thoát khỏi các đề tài quen thuộc. Không còn tấu hài vô thưởng vô phạt, kinh dị, sốc, sex để chạm vào trái tim khán giả bằng những thân phận đời thường, nhiều góc khuất. Hình ảnh, poster quảng bá cũng được đầu tư kỹ càng, thay vì qua quýt, sơ sài như trước đây.

Hậu trường phim Em chưa 18

Nếu như Em chưa 18 của Lê Thanh Sơn khai thác đề tài học đường vẫn còn là một ẩn số thì Phan Gia Nhật Linh tiếp tục gây xôn xao với dự án chuyển thể Cô gái đến từ hôm qua từ truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Với dàn diễn viên sáng giá, cốt truyện chắc tay, đạo diễn có nghề, Linh có thể sẽ tiếp tục lập kỷ lục phòng vé. Cảm quan này cũng tương tự khi nhắc đến Lôi báo của đạo diễn Victor Vũ, ra rạp vào tháng 9 năm nay.

Poster ấn tượng của Cô Ba Sài Gòn

Vân Ngô, mỗi lần xuất hiện đều trở thành tâm điểm truyền thông. Lần này, Vân đứng sau làm bà đỡ cho Kay Nguyễn với dự án phim thời trang đầy hứa hẹn. Tạo dựng được không khí Sài Gòn những năm 60s, thu hút sự quan tâm của khán giả với những tài danh như NSƯT Hồng Vân, Diễm My, Diễm My 9X, Ninh Dương Lan Ngọc,… ngay từ poster, Cô ba Sài Gòn quả tình rất đáng chờ đợi.

Sự đa dạng về đề tài, mỗi đề tài lại chọn một góc nhỏ, nhẹ nhàng khai thác từng số phận đời thường, giản dị mà nhân văn là hướng đi đúng đắn và là điểm sáng tích cực mà điện ảnh Việt, cụ thể là dòng phim dành cho đại đa số khán giả hướng đến.

Những cú nhảy của dòng phim tác giả

6 năm sau Đường đua (2011), Hồng Ánh trình làng Đảo của dân ngụ cư, dựa theo truyện ngắn cùng tên của Đỗ Phước Tiến, Nguyễn Quang Lập chuyển thể. Bối cảnh phim gói gọn trong nhà hàng Đêm Trắng – phục vụ nhiều món ăn mang phong vị tứ xứ, tương tự xuất thân đa dạng về dân tộc, văn hóa của những người sống trong  không gian này. Đêm Trắng mang trong mình màu sắc của người chủ, sự cũ kỹ của tư duy độc đoán, tính phức tạp và bề bộn của đám người ngụ cư đến từ khắp nơi. Những gương mặt trẻ qua chọn lựa của Hồng Ánh như Nhan Phúc Vinh, Ngọc Thanh Tâm, Phạm Hồng Phước,… khiến khán giả vừa thắc thỏm, vừa háo hức. Trần Dũng Thanh Huy đã khởi quay dự án phim dài Thằng Ròm sau dự án phim ngắn rất được chú ý 16:30 (đoạt 4 giải tại YxineFF và chiếu trong hạng mục Góc phim ngắn của LHP Cannes 2013), xoay quanh cuộc sống của những đứa trẻ bụi đời trên đường phố Sài Gòn.

Hai dự án phim khác Culi không bao giờ khóc của Phạm Ngọc Lân, và Vị của Lê Bảo có mặt cùng 14 dự án khác tham dự giải L’Atelier – Quỹ điện ảnh Cinéfondation, hạng mục giới thiệu các dự án phim mới đến từ khắp nơi trên thế giới tại Cannes để gặp gỡ các nhà làm phim và đầu tư uy tín. Các dự án được chọn sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm nguồn tài chính tốt cũng như cơ hội xuất hiện tại các LHP uy tín thế giới khi hoàn thành. Kể từ khi được thành lập vào năm 2005, giải thưởng này đã lựa chọn 186 dự án tham dự. Tính đến nay, có 145 dự án đã hoàn thành và 14 dự án đang ở giai đoạn tiền kỳ. Trước đây, Việt Nam mới chỉ có một đại diện duy nhất có mặt ở hạng mục này là dự án Bi, đừng sợ! của Phan Đăng Di. Vị kể về Bassley – cầu thủ bóng đá người Nigeria bị chấn thương, vất vả mưu sinh giữa Sài Gòn và vướng víu trong mối quan hệ rời rạc với những người phụ nữ Việt Nam. Culi không bao giờ khóc là câu chuyện về người vợ Việt lặn lội sang châu Âu đưa xác chồng là nhân viên bảo vệ của một vườn thú về nước. Vườn thú này rơi vào cảnh phá sản, chỉ còn duy nhất một con culi. Cả Bảo và Lân đều là hai tay ngang, đam mê phim ảnh rồi rẽ vào, mày mò, học hỏi, trưởng thành từ Yxineff và Gặp gỡ mùa Thu. Nếu như trước Vị, Bảo có Cục than, có Mùi (giải Trái tim vàng YxineFF 2014, phim truyện hay nhất, hạng mục quốc tế) thì Lân có Chuyện của mọi nhà, Another City (đoạt giải “Special Metion” hạng mục phim ngắn LHP độc lập Lisbon). Sự xuất hiện của Bảo và Lân là khởi sinh đầy hy vọng cho một dấu nối dài của những nhà làm phim trẻ.

Nguyễn Hoàng Điệp tiếp tục hành trình của chị với dự án mang cái tên rất thơ, đầy nữ tính: Câu chuyện buồn nhất thế gian, Nguyễn Thị Thắm, đạo diễn phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng cũng đang rục rịch dự án mới. Tất cả không chỉ tạo thành vệt sáng muôn màu cho điện ảnh Việt Nam mà còn lấp lánh vẻ đẹp của niềm hy vọng, tràn đầy tự tin, những tiếng nói cá nhân mới mẻ. Và đáng mừng hơn, tiếng nói ấy vượt ra phạm vi trong nước, hòa vào dòng chảy chung của điện ảnh thế giới ngày một nhiều.

Xem thêm

Diễn viên Hồng Ánh: “Kể một câu chuyện buồn phù hợp với tôi”

Miu Lê: “Nếu không yêu thì không làm được người nổi tiếng đâu”

Phim điện ảnh Việt Nam: Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh

Nhóm thực hiện

Hoàng Linh Lan – Nguồn Tạp chí Phái Đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more