Quay về với Pop
Một năm qua là khoảng thời gian vô cùng biến động với “mẹ quái vật”. Trong khi dự án điện ảnh Joker: Folie à Deux gây nhiều ý kiến trái chiều, ca khúc ngẫu hứng hợp tác cùng Bruno Mars – Die with a Smile – lại có thành tích vô cùng rực rỡ. Bài hát đã xô đổ hàng loạt kỷ lục, trở thành một trong những single thành công nhất năm nay. Có thể nói, các bản ballad từ Shallow, Always Remember Us This Way trong A Star is Born đến Hold My Hand trong Top Gun: Maverick và mới đây nhất là sản phẩm hợp tác với giọng ca Uptown Funk đã trở thành trọng tâm trong sự nghiệp âm nhạc của Lady Gaga.
BÀI LIÊN QUAN
Tuy nhiên, giọng ca Poker Face sẽ trở lại với địa hạt pop trong thời gian tới với album phòng thu mới, mở màn bằng ca khúc Disease. Vẫn ngập tràn chất pop, nhưng bài hát mới lại mang màu sắc khác hẳn so với các ca khúc đã làm nên tên tuổi của Lady Gaga trong giai đoạn trước như The Fame Monster, Artpop, Chromatica. Đơn cử, phần phối khí được thực hiện phức tạp hơn và mới lạ hơn so với album đời đầu, giai điệu cũng được chú ý phát triển để dễ nhớ hơn. Có lẽ, album phòng thu thứ 7 của Lady Gaga sẽ kế thừa di sản của những dự án trước đó, đồng thời kèm theo những yếu tố mới mẻ, thể hiện chất riêng của nữ ca sĩ ở giai đoạn hiện tại.
Về mặt nội dung, bài hát vẫn thể hiện những cảm xúc, yếu tố đặc trưng của Gaga khi xoay quanh 2 chủ đề chính là tình yêu và tôn giáo. Có khả năng ca khúc được lấy cảm hứng từ bộ phim điện ảnh Joker: Folie à Deux cô vừa tham gia khi màu sắc âm nhạc, phong cách kể chuyện đều mang tính hoang dại. Nếu trong Joker: Folie à Deux nữ ca sĩ vào vai một nhà trị liệu âm nhạc, ở single này, cô lại trở thành một “liều thuốc giải” cho một bệnh nhân đang phải trải qua những cơn tra tấn. Ngay đầu bài hát, Gaga kể câu chuyện về một người không còn nước mắt để khóc, một người không có phương thuốc nào chữa được… dẫn đến những cơn tra khảo trong giấc ngủ và những ký ức bị nhuộm đen…
Giống như bản hit Judas, Gaga cũng mang vào các yếu tố liên quan đến đức tin vào Disease. Trong đó, tình yêu chính là sự cứu rỗi mà nhân vật trong ca khúc vin vào để tồn tại. Anh không ngừng cầu xin một sự giải thoát để rồi nhận ra bản thân cô độc như một vị thánh không có con chiên nào phụng sự. Trong hoàn cảnh đó, nữ ca sĩ và tình yêu của mình xuất hiện như một phương thuốc chữa lành, khiến con người vốn đang chìm đắm trong khổ đau kia có thể bừng tỉnh. Nhìn chung, Disease có nội dung không quá khác lạ với ca khúc The Cure trước đó của Lady Gaga với thông điệp đơn giản, nhưng phần âm nhạc chính là yếu tố giúp ca khúc này trở nên đặc biệt và đáng nhớ.
Ngay từ những đoạn đầu tiên, người nghe có thể nhận thấy một chút màu sắc rock thể hiện cá tính, sự hoang dại trong nội dung câu chuyện. Trước đó, Lady Gaga đã từng thể hiện sự linh hoạt của mình khi biểu diễn dòng nhạc rock trong ca khúc Perfect Illusion hay ở những màn trình diễn cùng Metallica. Cách hát gằn giọng cùng việc sử dụng giọng ngực để phơi bày hết sức mạnh và sự trầm, khàn trong chất giọng smoky cho thấy một Gaga có phần u tối. Bản phối càng hậu thuẫn cho điều này khi không có những dải synth mỏng mà thay vào đó là tiếng bass dồn dập có chút industrial vị lai cùng âm thanh trống chiếm thế thượng phong. Tính pop cũng được thêm vào qua các đoạn bè và những điểm nhấn có giai điệu bắt tai, dễ thuộc.
Gaga cũng gây dấu ấn trong single lần này thông qua cách xử lý, khi ở đoạn bridge gần cuối, việc chuyển sang falsetto đã khiến ca khúc đối lập hoàn toàn với cách hát gằn giọng trong phần lớn bài hát. Điều này bù lại cho một bản phối tuy ấn tượng về màu sắc nhưng lại thiếu đi cảm giác bất ngờ. Ngoài ra, sự đơn giản trong thông điệp cũng khiến ca khúc chưa bật hẳn lên, dù Gaga chắc chắn có thể mang đến những ca từ sâu sắc hơn nữa.
Xem thêm
• Lisa (Blackpink) khẳng định cá tính âm nhạc vượt khuôn khổ K-pop qua MV “Rockstar”
• Rosé, Jennie và Lisa – Những mảnh ghép đa sắc “hậu” Blackpink
• “Harlequin”: Âm hưởng Jazz mang sắc màu “Lady Gaga”
Những điều đáng mong đợi ở tương lai
Xét về khía cạnh nhạc pop, không thể phủ nhận Gaga vẫn là một hitmaker thực thụ khi truyền tải một thông điệp thẳng thắn, trực tiếp qua những âm thanh bắt tai và đầy sức mạnh. Không chủ trương khai phá những lãnh địa mới như ở Artpop hay Chromatica, ở Disease và album sắp tới, nhiều khả năng Gaga sẽ tập trung hơn vào việc kết hợp các dòng nhạc có thể phơi bày những câu chuyện cá nhân.
Theo nhiều nguồn tin, album phòng thu thứ 7 sẽ mang màu sắc đen tối, kết hợp phong cách của Michael Jackson trong album Thriller vào nhạc pop hiện đại. Disease đã phần nào khẳng định điều này. Nếu “ông vua nhạc Pop” chủ trương gợi ra không gian đen tối bằng các giai điệu của R&B, Soul, Funk, Rock…, Gaga mang đến không gian vị lai trong các âm thanh industrial điện tử vốn luôn tạo ra cảm giác hoài nghi về những điều chưa biết. Trong nội dung, ca khúc cũng gợi nhớ hình tượng Dracula, ma cà rồng cùng việc săn mồi để rồi vướng vào tình yêu và những mối quan hệ phức tạp.
Nói riêng về sản phẩm này, Gaga cho biết chính vị hôn phu hiện tại là người đã khuyến khích cô cho ra mắt album mới sau gần 4 năm. Cô cho biết nếu Chromatica khắc họa lại quãng đời đau đớn với chấn thương cơ thể (mà 911 – một MV đậm tính nghệ thuật – đã phơi bày rất thành công) cũng như thời điểm đại dịch, thì album mới thể hiện những cảm xúc viên mãn, như nữ ca sĩ chia sẻ: “Tôi cảm thấy rằng album mới này, theo nhiều cách, nói về những khoảng đen tối, nhưng chúng đến từ một nơi hạnh phúc thay vì một nơi đầy khổ đau […] Khi tôi bắt đầu khám phá nỗi đau, nó có thể mang lại một khía cạnh khác cho nghệ thuật của tôi. Khi tôi ở đây, tại phòng thu này, tôi cảm thấy thoải mái và có thể đối mặt với những con quỷ của mình. Tôi có thể nghe thấy nó trở lại”.
Có thể nói Disease là một lead single không chỉ ấn tượng về mặt âm nhạc, mà còn thành công trong việc giới thiệu một Gaga mới ra thế giới. Đó là một nữ nghệ sĩ hát về sự tự do, hoang dại và không điều gì có thể thay đổi được dấu ấn riêng. Từ ca khúc này, người hâm mộ có thể tin vào một chặng đường mới trong hành trình của “mẹ quái vật” khi phong cách và hình ảnh mới hứa hẹn sẽ bùng nổ hơn.
Nhóm thực hiện
Bài: Đoàn Tuấn Anh