Những món đồ nhựa bạn có thể loại bỏ để góp phần bảo vệ môi trường
Có một số món đồ nhựa bạn sử dụng hàng ngày trong vô thức nhưng lại có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho sinh vật ngoài đại dương.
Khi xã hội và tốc độ công nghiệp hóa ngày càng phát triển thì lối sống xanh, tìm về với thiên nhiên, quan tâm đến môi trường sống xung quanh lại càng trở nên tất yếu. Không chỉ giúp cân bằng cuộc sống, sống xanh còn là cách để ta giúp đỡ cộng đồng và sinh vật cùng sống trên hành tinh xinh đẹp này. Đôi khi, chẳng cần những hành động quá vĩ mô, to tát, bạn có thể chung tay bảo vệ môi trường và sinh vật sống chỉ bằng cách đơn giản nhìn lại và loại bỏ một số món đồ nhựa thường dùng dưới đây.
Microfibers
Một số món đồ nhựa có chứa microfibers
- Khăn lông (khăn tắm, khăn mặt, khăn lau bếp…)
- Trang phục thể thao
- Chăn ga gối đệm…
Microfibers còn có tên gọi khác là sợi Microtex – sợi nhân tạo tổng hợp từ 80% nhựa polyester và 20% chất polyamide. Với đường kính nhỏ hơn 10 micromet (tương đương 1/5 sợi tóc của chúng ta), Microfibers được sử dụng rộng rãi trong nền công nghiệp dệt may vì khả năng thấm hút tốt lại mau khô, kháng khuẩn, chống cháy cùng độ bền cao. Loại sợi tiên tiến này được sử dụng để sản xuất khăn tắm, khăn lau, trang phục thể thao, chăn ga gối nệm… chúng ta sử dụng hằng ngày.
Nhưng cũng chính vì thành phần nhựa cấu thành nên loại sợi này đã góp phần làm môi trường sống của chúng ta bị ô nhiễm ngày càng nặng nề. Khi được giặt, những sợi vải Microfibers li ti này dễ dàng theo nước giặt đi qua các nhà máy xử lý nước thải vào các tuyến đường thủy và làm gia tăng lượng nhựa trong nước biển. Chúng sẽ trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đến các sinh vật vô tội ngoài biển khơi. Mặt khác, không chỉ có sinh vật biển mới có thể ăn phải microfibers, thậm chí chính con người chúng ta cũng sẽ trở thành nạn nhân dựa theo hiện tượng tự nhiên “cá lớn nuốt cá bé”. Một số sinh vật phù du sẽ ăn những sợi siêu nhỏ này, sau đó chúng trở thành thức ăn cho cá rồi động vật ăn thịt và cuối cùng đến bao tử con người.
Đồ nhựa dùng một lần
Một số món đồ nhựa dùng một lần
- Túi nylon
- Túi mua sắm (túi có in logo của cửa hàng)
- Ống hút nhựa
- Chai nhựa
- Bao bì nhựa
- Ly nhựa dùng một lần (ly trà sữa, ly cà phê take a way)…
Không thể phủ nhận sự tiện lợi của những món đồ nhựa mang tính thời đại này nhưng hậu quả chúng gây ra cho sinh vật, môi trường sống và cả con người lại khiến chúng ta đau lòng hơn.
Chắc hẳn bạn đã vô cùng xót xa khi trông thấy hình ảnh những chú chim và chú voi khổng lồ ngoài đại dương chết vì ăn phải rác nhựa con người thải ra. Trong bao tử của chúng chỉ toàn là đồ nhựa mà không có chút thức ăn hữu cơ nào. Vì thế, thay vì thải ra một (hay nhiều hơn) đồ nhựa dùng một lần mỗi ngày, bạn có thể thay thế bằng vật đựng được làm bằng chất liệu khác. Ví dụ, túi vải thay cho túi nylon; ống hút giấy, ống hút tre, ống hút kim loại thay cho ống hút nhựa… Chỉ với một hành động tuy nhỏ bé này, bạn đang góp phần cứu sống hàng nghìn mạng sống của các sinh vật vô tội xung quanh mình.
Vòng dây đai bằng nhựa giữ chai lọ trong quá trình vận chuyển
- Vòng đai nhựa liên tiếp nhiều vòng tròn
- Vòng tròn nhựa cố định nắp chai
Những vòng dây đai bằng nhựa giữ chai lọ đứng thẳng trong quy trình đóng gói hàng hóa tưởng chừng như vô hại lại có thể trở thành nỗi ám ảnh đến tận lúc chết của các sinh vật ngoài đại dương. Chúng có thể mắc kẹt vào bộ phận nào đó của những sinh vật này khi còn bé và trở thành “chiếc vòng kim cô” siết chặt chúng khi lớn lên. “Chiếc vòng kim cô” ác nghiệt này có thể khiến chúng lớn lên trong dị tật hay xấu số hơn, nhiều sinh vật không cầm cự nổi mà chết trước khi kịp trưởng thành. Vì thế, trước khi vứt bỏ món đồ nhựa này, bạn nên cắt đôi chúng, hoặc tốt nhất là hạn chế sử dụng để giảm thiểu thải ra môi trường.
Nhựa bọc thực phẩm
- Nhựa bọc thực phẩm
- Nhựa bọc hành lý sân bay
Những màng bọc nhựa siêu mỏng và trong suốt này giúp ta bảo quản thức ăn, vật dụng tránh tác động của vi khuẩn, bụi bẩn hay trầy xước do tác động mạnh. Điều này ai cũng biết. Thế nhưng, “hành trình” tiếp theo của nó sau khi vứt vào thùng rác lại ít người biết được. Chúng sẽ trở thành “món ăn” bất đắc dĩ cho cho các sinh vật biển hay bám chặt vào mũi chặn đường hô hấp của chúng…
Video dưới đây sẽ giải thích lý do về sự lầm tưởng của các chú rùa
Sản phẩm chăm sóc sức khỏe cá nhân từ nhựa plastic
- Sửa rửa mặt và sữa tắm có chứa các hạt vi nhựa
- Sơn móng tay, chân
- Tăm bông với trục làm bằng nhựa
- Tăm xỉa răng bằng nhựa
- Bàn chải đánh răng bằng nhựa…
Hiện nay, trên thị trường, có một số sửa rửa mặt và sữa tắm có chứa các hạt vi nhựa được thêm vào thành phần để tẩy tế bào chết cho da. Thế nhưng khi bạn rửa sạch mặt, những hạt này sẽ trôi qua ống thoát nước đến đại dương và gây hại các sinh vật biển. Bạn có thể kiểm tra các món mỹ phẩm mình dùng có chứa các hạt vi nhựa không bằng cách tìm các thành phần có tên sau: microbeads, microabrasives, polypropylene hoặc polyethylene.
Các sản phẩm khác như sơn móng tay đã được cảnh báo độc hại từ lâu. Những lọ sơn xinh đẹp này chứa Phthalates. Đây là chất cực kỳ gây hại gan, thậm chí gây quái thai và gây ung thư. Bên cạnh đó, người ta đã cải tiến một số sản phẩm chăm sóc sức khỏe cá nhân thành chất liệu nhựa như tăm xỉa răng, tăm bông ngoáy tai hay bàn chải đánh răng. Để thân thiện với môi trường hơn, bạn có thể thay thế bằng chúng bằng chất liệu xanh hơn như tre, gỗ…
Hộp, cốc xốp đựng thức ăn
Những hộp xốp trắng đựng thức ăn mà chúng ta vô tư dùng hằng ngày có thể tiết ra chất styrene – một hoạt chất độc hại xâm nhập vào cơ thể chúng ta gây ung thư và một số bệnh về thần kinh như giảm trí nhớ, giảm thính giác, thị giác… Khi cho thức ăn nóng, nhiều dầu mỡ hay tính chua mạnh (chứa nhiều axit) vào các hộp xốp này, chất này sẽ dễ thoát ra và bám vào thức ăn. Không những gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của bản thân, các hộp xốp này còn mất hàng năm mới có thể phân hủy hoàn toàn và trở thành “gánh nặng” cho môi trường sống của cộng đồng chúng ta.
Vậy giải pháp thay thế là gì?
Bạn có thể sẽ thắc mắc, vậy nếu không sử dụng những đồ dùng nhựa kể trên, chúng ta sẽ thay thế bằng sản phẩm gì? Video của cô nàng lifestyle blogger Lavendaire dưới đây sẽ gợi ý cho bạn những cách hay ho để sống xanh hơn nhé.
—
Xem thêm:
Ngày Môi trường Thế giới và chiến dịch hạn chế chất thải nhựa trên phạm vi toàn cầu
Lược dịch: Ngọc Võ
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ ideas.ted