Văn hóa / Thế giới văn hóa

Đổi mới sáng tạo và vai trò của phụ nữ

Trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu do WIPO công bố 7/2019, Thụy Điển đứng thứ 2 về năng lực đổi mới sáng tạo, nhờ vào văn hóa khuyến khích lối tư duy tiên phong, suy nghĩ cởi mở và tư duy phản biện. Cuộc trao đổi với bà Ann Måwe - tân Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam - đưa đến góc nhìn sâu sắc hơn về vấn đề này.

đổi mới sáng tạo tân đại sú Thụy Điển chụp trực diện

Xin chúc mừng bà với vai trò tân Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam. Bà có thể chia sẻ cảm xúc khi tham dự buổi lễ công bố cuộc thi “Sáng tạo như người Thụy Điển” lần thứ 3 vừa được tổ chức tại Hà Nội?

“Đổi mới sáng tạo” là một chủ đề rất quan trọng, có nhiều tiềm năng mà chúng tôi muốn thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước. Đây cũng là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Thụy Điển – Việt Nam. Tôi rất vui, háo hức được tiếp nối những thành quả từ người tiền nhiệm đã làm trong những năm qua. Trong suốt 50 năm, hai đất nước đã có sự hợp tác hết sức tốt đẹp. Chắc chắn tôi rất muốn tiếp tục xây dựng và tiếp nối những thành quả đó.

đổi mới sáng tạo tân đại sứ Thụy Điển

“Đổi mới sáng tạo” là cụm từ được nhắc tới rất nhiều khi người ta nói đến đất nước Thụy Điển, bà có thể chia sẻ lý do vì sao không?

Tôi muốn nhấn mạnh rằng: Đổi mới sáng tạo là chìa khóa đóng góp cho sự thành công, thịnh vượng của đất nước Thụy Điển. Với dân số 10 triệu người (chiếm 0,13% dân số thế giới), chúng tôi buộc phải đổi mới sáng tạo, phối hợp với các quốc gia khác tạo ra các ý tưởng đột phá và tạo ra các giá trị. Khoảng 100 năm trở lại đây, chúng tôi đã mạnh dạn áp dụng các ý tưởng vào thực tiễn, thu được thành quả. Điều đó chứng tỏ đổi mới sáng tạo có vai trò rất quan trọng, giúp Thụy Điển xây dựng một trong những nền kinh tế phát triển và cạnh tranh nhất.

đổi mới sáng tạo các cuộn chỉ

Những thành tựu đổi mới sáng tạo có thể kể đến, được coi là niềm tự hào của người Thụy Điển là gì, thưa bà?

Thành tựu của nền văn hóa “đổi mới sáng tạo” có thể kể đến như: hộp đựng sữa hoặc nước trái cây quen thuộc, dây đeo an toàn trên xe ô tô, khóa phéc-mơ-tuya, phần mềm nghe nhạc Spotify, máy tạo nhịp tim… Văn hóa này giúp các công ty Thụy Điển liên tục thay đổi, đổi mới phương thức kinh doanh, kể cả khi họ đã có những sáng tạo được đưa vào đời sống với bề dày lịch sử hơn 100 năm. Họ rất biết tận dụng các yếu tố sáng tạo để thích nghi hơn với bối cảnh thế giới phẳng, được kết nối mạnh mẽ.

Bà có đánh giá ra sao về những ảnh hưởng của kết quả đổi mới, sáng tạo mà đất nước Thụy Điển đang đem đến cho cộng đồng thế giới?

Có ba khía cạnh về những giá trị đổi mới sáng tạo mà các công ty Thụy Điển đang mang lại, đó là chia sẻ giải pháp, tri thức và công nghệ. Một điểm nữa khi nói về đổi mới sáng tạo còn là những kết quả của quá trình khuyến khích sự tham gia một cách bình đẳng của cả nam và nữ. Chỉ khi chúng ta có sự tham gia bình đẳng, hiệu suất mới đạt được tối ưu. Với kinh nghiệm từ nhiều dự án trong thời gian dài, chúng tôi mong muốn thúc đẩy sự tham gia đầy đủ của phụ nữ, không chỉ là các CEO ở doanh nghiệp mà còn là sự tham gia của phụ nữ trong vai trò là thành viên nội các chính phủ để đạt hiệu quả cao nhất.

đổi mới sáng tạo gia đình đang nhặt rác tại vườn hoa
Stockholm, thủ đô của Thụy Điển được xem là trung tâm phát triển và ươm mầm những ý tưởng đổi mới sáng tạo.

Ngoài đổi mới sáng tạo, Thụy Điển cũng là một đất nước quan tâm đến sự phát triển bền vững, bà có thể chia sẻ rõ hơn về khía cạnh này?

Các công ty Thụy Điển rất có trách nhiệm, thường dẫn đầu trong việc định hình mô hình phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực thời trang. Vai trò, nhận thức của người tiêu dùng ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Họ đòi hỏi những sản phẩm không chỉ đáp ứng được thị hiếu mà còn phải mang tiêu chí bền vững. Họ đặt câu hỏi: Liệu các sản phẩm ấy có phải được sản xuất từ các chất liệu an toàn, bền vững? Làm thế nào để kéo dài vòng đời của một sản phẩm? Làm cách nào để tái chế các sản phẩm thời trang ấy…? Các hãng thời trang cũng tạo ra các chương trình khuyến khích tiêu dùng bền vững, như đổi quần áo cũ lấy đồ mới, có chính sách tái sử dụng những sản phẩm cũ…

Đó là những hành động từ góc độ nhà nước và doanh nghiệp, còn với từng cá nhân người Thụy Điển đang thể hiện sự quan tâm cũng như hành động ra sao?

Với những người trẻ, có nhiều tấm gương đã tạo ra lối sống bền vững. Họ biết lựa chọn nhiều hình thức để tham gia phong trào, chẳng hạn các câu lạc bộ đổi quần áo giúp sản phẩm được xoay vòng, mua sắm tại các siêu thị bán các sản phẩm tái chế… Chính vì xu hướng này, các công ty cũng phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu của khách hàng có ý thức cao về môi trường, bền vững.

đổi mới sáng tạo người dân tái chế quần áo cũ

Bà kỳ vọng những tác động cụ thể gì từ sự kiện “Sáng tạo như người Thụy Điển” năm nay?

Đây là năm thứ 3 sự kiện này được tổ chức tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy có những kết quả tích cực. Trong bối cảnh chung, Việt Nam rất quan tâm đến “đổi mới sáng tạo”, có những tiến bộ trong năm vừa qua, như tăng 3 bậc lên vị trí thứ 42 trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Đây là một con số tương đối cao với một đất nước có nền kinh tế đang phát triển. Thụy Điển – Việt Nam là hai quốc gia phụ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu. Cuộc thi này nhằm tạo ra động lực giúp các bạn trẻ tăng nhận thức về đổi mới sáng tạo, xây dựng nên sân chơi để các bạn trẻ tự tạo ra những giải pháp xử lý vấn đề của ngày hôm nay và cho cả tương lai.

Với tư cách là Đại sứ Thụy Điển mới tại Việt Nam, bà có thể chia sẻ về những nhiệm vụ và mục tiêu bà muốn hướng đến trong thời gian tới?

Nhiệm vụ chính của tôi là duy trì và tăng cường sâu sắc hơn nữa mối quan hệ tuyệt vời giữa hai chính phủ và đất nước của chúng ta. Kỷ niệm 50 năm quan hệ song phương giữa Việt Nam và Thụy Điển (1969 – 2019) sẽ mang đến những cơ hội tốt để chúng ta cùng nói về lịch sử, hiện tại và tương lai. Tôi mong được gặp gỡ với nhiều đối tác chính thức của Việt Nam để thảo luận về các vấn đề lợi ích chung. Tôi cũng từng du lịch đến Huế, Hội An, hy vọng có thể thăm thú nhiều địa danh hơn nữa.

đổi mới sáng tạo người dân tái chế chai nhựa cũ

Những lợi thế cũng như bất lợi của phụ nữ khi tham gia vào lĩnh vực ngoại giao, theo bà là gì?

Lợi thế phải kể đến là bạn được đối xử đặc biệt, được chú ý nhiều hơn bởi bạn là một trong số ít phụ nữ làm việc trong môi trường mang tính chất đặc thù. Nhưng bất lợi là bạn dễ bị loại ra khỏi “đội ngũ” của các nhóm đang gồm nhiều nam giới. Tại Thụy Điển, số lượng phụ nữ làm việc trong Bộ Ngoại giao đang tăng lên trong những năm gần đây. Xu hướng này thể hiện đặc biệt rõ ràng hơn trong các bộ phận quản lý. Hai mươi năm trước, chỉ 10% đại sứ là phụ nữ. Mười năm sau, tỷ lệ này đã tăng lên 32% và ngày nay có 40% người đứng đầu cơ quan ngoại giao tại nước ngoài là phụ nữ.

Có lẽ bà cũng nhận thấy Việt Nam được đón tiếp nhiều nữ đại sứ đến Việt Nam làm việc hơn? Bà cảm nhận sao về điều này?

Tôi luôn tin tưởng rằng cân bằng về giới sẽ thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ tốt nhất ở bất cứ môi trường làm việc nào. Tôi nghĩ bất kỳ nơi làm việc nào cũng sẽ được cải thiện khi tỷ lệ giới tính giữa nam và nữ được cân bằng ở mức 50/50. Phụ nữ nên được đại diện trong tất cả các lĩnh vực, và chắc chắn các nhà lãnh đạo nữ sẽ đóng vai trò kiến tạo hình mẫu cho những phụ nữ trẻ hướng tới.

Bà Ann Måwe

• Bà là một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, tập trung chủ yếu về các vấn đề Trung Đông và Liên Hợp Quốc, với các vị trí công tác trước đây ở Jerusalem, New York và Stockholm.

• Bà có bằng Thạc sĩ Quan hệ quốc tế của Trường nghiên cứu Phương Đông và châu Phi, Đại học London (Anh) và Cử nhân Khoa học Chính trị về Trung Đông và tiếng Ả-rập tại Đại học Uppsala (Thụy Điển).

• Bà có thể sử dụng các ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ả Rập và tiếng Thụy Điển.

• Bà thích các hoạt động ngoài trời như đi bộ địa hình đường trường và chèo thuyền kayak, văn học và điện ảnh.

Nhóm thực hiện

Bài: Ngọc Anh Biên dịch: Tùng Lâm Ảnh: SQ Thụy Điển Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)