Cách đối phó với Gaslighting – Kỹ thuật thao túng
Gaslighting là một kỹ thuật thao túng lạm dụng mà người thao túng thuyết phục đối tượng rằng lỗi lầm thuộc về phía nạn nhân.
Tất cả chỉ để thay đổi quan điểm của đối phương và khiến họ cứ phải phân vân đâu là sự thật và mình đã làm gì sai. Gaslighters (người thao túng) sử dụng cảm giác tội lỗi đó như một vũ khí để gây nghi ngờ về những phân trần của nạn nhân, khiến họ nhầm lẫn đến mức không thể sử dụng trực giác của mình như một nguồn tin cậy, ngăn họ tin tưởng vào phán đoán về chính mình trong tương lai.
Mặc dù gaslighting có thể khó phát hiện, bài viết này sẽ đưa ra hướng dẫn cho những ai cảm thấy như thể mình đang bị thao túng bởi những người thân thiết nhất như người yêu hoặc bạn bè. Lưu ý, điều tốt nhất bạn có thể làm trong tình huống này là tự mình loại bỏ hoàn toàn mối quan hệ này và cắt liên lạc. Nếu điều này là không thể, hướng dẫn bên dưới có thể giúp bạn nhận biết được đâu là sự thật và mánh khóe của những người thao túng để phản ứng sáng suốt trước lời buộc tội của đối phương.
Nếu sự lạm dụng leo thang hoặc bao gồm các loại xâm phạm về thể chất, tinh thần hoặc các loại xâm hại khác, hãy tìm tới sự giúp đỡ của người thân và cơ quan chức năng ngay lập tức.
1. Chấp nhận rằng ai đó đang làm tổn thương bạn
Thật khó để chấp nhận chuyện người bạn yêu thương đang làm tổn thương mình. Bước đầu tiên và quan trọng nhất để đối phó với kỹ thuật thao túng chỉ đơn giản là chấp nhận rằng nó đang xảy ra. Nếu phát hiện ra mình liên tục cảm thấy tội lỗi xung quanh người này, rằng bạn không bao giờ có thể làm được điều gì đúng đắn cho họ, bạn có thể đang là nạn nhân. Nếu bạn thấy mình hối hận, thậm chí không làm gì hoặc không thể hiện bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào mà người kia cứ đổ lỗi và trách móc mình, có thể bạn đang bị thao túng.
2. Đánh giá tình hình từ góc nhìn khách quan
Một cách tốt để nhận ra mình có đang bị thao túng không là đứng trước gương, kể lại những câu chuyện và lo lắng của bạn, rồi lắng nghe những lời trực giác mách bảo. Không biện minh và không tự ti. Chỉ cần nêu ra những sự thật hoàn toàn khách quan và cách nhìn nhận xung quanh người kia. Điều này sẽ cho phép bạn loại bỏ cảm giác tội lỗi khỏi tình huống trước đó và nhìn nhận nó từ một quan điểm tương đối khách quan, không thiên vị.
3. Ghi lại những gì đã xảy ra (Ở nơi an toàn)
Cách tốt nhất để phân biệt đâu là sự thật (những gì bạn biết đã xảy ra) và đâu là dối trá (những gì người thao túng nói là đã xảy ra), đó là ghi lại các sự kiện thực sự trong một không gian an toàn. Hãy nghĩ về Umbridge trong Harry Potter. Cô đang cố gắng thuyết phục mọi người rằng Harry điên rồ và không đáng tin bằng cách bảo với họ rằng tất cả những gì cậu ấy nói là dối trá. Cô ấy đang cố gắng thao túng tất cả mọi người ở Hogwarts. Nhưng may mắn thay, thầy Dumbledore đã khiến những nỗ lực thao túng của cô bất thành, vì chân lý không thể bị bất kỳ điều gì lấp liếm. Sự thật là nguồn sức mạnh to lớn nhất mà chúng ta có thể dùng để chống lại gaslighting và các mánh khóe lừa lọc.
4. Chia sẻ với bạn bè
Nếu bạn nghĩ rằng ai đó thân thiết đang cố gắng thao túng để đối xử tệ bạc và thuyết phục bạn tự đổ lỗi cho mình, tốt nhất bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ ai đó. Nói với bạn bè, nói với người thân yêu, thậm chí nếu bạn lo lắng cho sự an toàn của mình, hãy nói với cảnh sát. Họ được đào tạo về các dấu hiệu gaslighting và sẽ giúp bạn trong trường hợp tồi tệ.
Mặc dù, đôi khi, gaslighting không đến nỗi trầm trọng và chỉ đơn giản là một trong những công cụ của người tự ái, dùng để dối trên lừa dưới. Nếu bạn đang nhận ra ai đó có dấu hiệu gaslighting được nhắc đến trong bài viết này, hãy lập tức nói với người mà bạn tin tưởng.
5. Tự hỏi bản thân xem người kia có lỗi không
Cách dễ nhất để biết bạn có phải là nạn nhân hay không là tự hỏi liệu người kia có đang tôn trọng bạn khi luôn nói về những sai trái, xấu xí, tội lỗi, ngu xuẩn của chính bạn. Hoặc đơn giản là khi nhầm lẫn với những nhận định đó, họ có bao giờ nhận lỗi hay không? Có bao giờ họ kết thúc sai lầm của một cuộc tranh luận bằng việc thừa nhận lỗi lầm? Họ có bao giờ xin lỗi về hành vi của mình hay mọi lời xin lỗi đều vặn vẹo theo cách đổ lỗi cho bạn. Nếu bạn thấy mình luôn bị khiển trách và họ không bao giờ có lỗi, bạn có thể đang bị thao túng rồi đó.
6. Cảnh giác với các kỹ thuật thao túng thông thường
Một trong những cách để ngăn chặn bản thân khỏi gaslighting là nhận biết các dấu hiệu. Nếu bạn đối đầu với họ và họ luôn phản ứng về việc bị buộc tội theo kiểu: “Tôi không thể tin rằng bạn sẽ tấn công tôi như thế này sau tất cả những gì tôi đã làm cho bạn”, bạn đang là nạn nhân. Nếu phản ứng của họ về việc bị bắt quả tang trong hành động sai lầm nào đó là: “Tôi không biết những gì bạn nghĩ rằng bạn đã thấy …”, bạn đang là nạn nhân. Nếu họ cố gắng tránh lỗi và đặt cảm giác tội lỗi lên bạn bằng cách nói những điều như: “Bạn biết rằng bạn nhạy cảm về những điều như thế này mà …” hoặc “Đó không phải là lỗi của tôi mà chỉ là bạn nghĩ như vậy thôi… “, bạn đang là nạn nhân!
7. Viết ra bạn là ai
Không một ai có thể thao túng được bạn khi bạn biết rõ mình là ai. Viết ra những điều mà bạn hiểu biết về bản thân: Bạn là gì và bạn không là gì; bạn có thói quen suy nghĩ như thế nào, bạn thường phản ứng như thế nào trước một số sự kiện nhất định… Không hẳn là những gì mọi người đã nói với bạn, trên đời này, sẽ không có ai hiểu thấu bản thân bằng chính mình. Không ai có thể thuyết phục rằng bạn thật ngu ngốc nếu bạn biết rõ rằng mình không hề. Nếu bạn hiểu rõ và yêu thương chính mình, người thao túng sẽ khó mà biến bạn thành một người khác.
8. hiểu rằng đó không phải lỗi của bạn nếu bị thao túng
Nếu bị thao túng, đó không phải là lỗi của bạn. Không phải vì bạn yếu đuối hay vì bạn là một mục tiêu dễ dàng. Chính những người lợi dụng bạn mới là người hành xử không đứng đắn. Họ là những người đã phản bội lòng tin của bạn. Họ là những người thao túng và lạm dụng bạn. Đừng giữ bất kỳ cảm giác tội lỗi nào xung quanh trải nghiệm khó chịu với những người này.
Lược dịch: Huyết Vy
Theo: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Nguồn: thetalko.com