Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Review sách hay] Đối thoại với thiên thần: Đi tìm “khuôn mặt mộc” của mỗi chúng ta

[Tạp chí Phái đẹp ELLE - số tháng 11/2018] Không đi sâu lý giải các hiện tượng siêu nhiên hay bí ẩn, mà thông qua việc tường thuật lại những đoạn hội thoại thông minh, dí dỏm với vị thần hộ mệnh của mình, tác giả Kokusai Un dần giải quyết những thắc mắc của bản thân (và cũng là thắc mắc của tất cả chúng ta) về thế giới, về bản thể, về hạnh phúc… dưới góc nhìn triết học.

Kokusai Un là một creative planner (chuyên viên thiết kế sáng tạo). Sau khi mắc chứng mất trí nhớ do thiếu nồng độ serotonin – một dạng bệnh trầm cảm, hậu quả của stress, anh phải uống thuốc liều mạnh để điều trị. Loại thuốc này đã để lại tác dụng phụ mà không ai ngờ tới: làm thay đổi tần sóng não của Kokusai và khiến anh nghe được thiên thần hộ mệnh của mình. Với suy nghĩ khoa học của một người làm sáng tạo và vốn không quan tâm đến thế giới tâm linh, ban đầu, anh còn tưởng những câu nói vang lên trong đầu mình là sản phẩm của trí tưởng tượng hay ảo giác do tác dụng phụ của thuốc. Kokusai đã thực sự hoảng loạn và bối rối. Tuy nhiên, bằng sự dẫn dắt từ tốn, kiên nhẫn, vị thần hộ mệnh đã giúp anh làm quen với sự hiện diện của ngài. Và Kokusai bắt đầu cuộc Đối thoại với thiên thần.

Vị thần hộ mệnh có biệt danh “ngài Un” ban đầu chỉ là giọng nói hiện lên trong tâm trí Kokusai. Lần đầu tiên ngài xuất hiện trước mặt anh là khoảng tháng 8/2006. Tất nhiên, anh hoàn toàn bất ngờ vì ngài Un không như những gì chúng ta thường hay tưởng tượng về “thần”. “Ngài có dáng người nhỏ thó của một người đàn ông trung niên”, dung mạo có phần khắc khổ và mặc một chiếc áo cộc tay màu vàng bình dị. Mỗi người đều có một vị thần hộ mệnh, nhưng đó không phải là một thế lực siêu nhiên nào, mà chính là bản thân chúng ta ở những kiếp trước, tồn tại ở sâu thẳm bên trong ta – nơi gọi là tiềm thức – luôn ở bên cạnh để đưa cho chúng ta lời khuyên, giúp chúng ta hoàn thiện bản thân. Những giọng nói thoáng qua trong đầu khi chúng ta độc thoại nội tâm, những quyết định đúng đắn sau một hồi suy nghĩ cân nhắc hay những cảm hứng bất chợt nảy lên trong lúc làm việc… chính là sự dẫn dắt của vị thần hộ mệnh.

 

Đối thoại với thiên thần 1

Bằng hình thức hội thoại, các vấn đề trong Đối thoại với thiên thần được lý giải khá gần gũi, hóm hỉnh và dễ hiểu. Kokusai cũng giống như tất cả chúng ta, cũng có những thắc mắc rất… cơ bản. Khi đọc lý giải của ngài Un, trong đầu bạn nảy ra một câu hỏi. Ngay lập tức, Kokusai cũng đặt câu hỏi tương tự cho ngài, như thể chính chúng ta đang đối thoại với ngài vậy. Hay nói cách khác, con người có những vấn đề thật giống nhau.

Chúng ta vẫn hay than thân trách phận, trách ông trời sao không chiều theo ý ta, trách cuộc đời không bao giờ đúng như mình mong ước. Nhưng, sự thật là, “vũ trụ luôn thành thật một cách ngốc nghếch”. “Khi ngươi nghĩ về một thứ gì đó, vũ trụ cũng sẽ phản chiếu chính thứ đó và biến nó thành hiện thực”. Vậy đấy, vũ trụ rất đơn thuần, chỉ có con người chúng ta là phức tạp. Vậy nên, “Mọi thứ rất đơn giản, người nghĩ mình hạnh phúc sẽ hạnh phúc, người nghĩ mình bất hạnh sẽ bất hạnh. Ước gì được nấy!”.

Điều này cuối cùng quy về một triết lý mà chúng ta đã nghe rất nhiều lần: thay đổi cách nhìn, bạn sẽ thấy cuộc sống khác đi. Một người hạnh phúc có thể nhìn thấy niềm vui trong mọi sự, còn kẻ bất hạnh lại đi tìm khổ đau trong mọi thứ. Ở khía cạnh nào đó, hạnh phúc là một loại tài năng, mà tài năng có thể bẩm sinh, cũng có thể được rèn luyện mà thành.

Nhưng, làm sao có thể lờ đi những thử thách, chướng ngại trong đời để lúc nào cũng cảm thấy hạnh phúc? Ở chương cuối cùng, Kokusai Un ngộ ra rằng: “Sự bất an, nỗi sợ hãi, việc cố gắng gồng lên tỏ ra mạnh mẽ, bản ngã hay ý thức phân biệt “người” và “ta”… nếu rũ bỏ tất cả, ta sẽ đối mặt với hình dáng (hay suy nghĩ) thực sự của mình. Việc đắp lên một lớp trang điểm để che giấu chính mình và sống dưới lớp trang điểm đó chính là một nỗi khổ, một sự phiền não. Ngược lại, nếu đón nhận dáng vẻ tự nhiên của bản thân thì sẽ tìm được hạnh phúc”. Vậy, làm sao để tẩy đi lớp trang điểm đó?

Câu trả lời của ngài Un là: “Đừng dặm lại lớp trang điểm”.

Con người ta vì sợ những nhận định và ý kiến chủ quan của người khác mà liên tục dặm thêm lớp trang điểm để che giấu khuôn mặt mộc của mình. Nỗ lực trang điểm này cũng đồng thời biến họ thành con người khác và phải gò ép bản thân để duy trì vỏ bọc ấy. Nhưng trở về với bản chất thì lại không đòi hỏi sự cố gắng nào, giống như một ngày không phải trang điểm, bạn có nhiều thời gian và tự do hơn để tận hưởng cuộc sống. Để cố chấp giữ khư khư một thứ gì đó, người ta sẽ phải làm rất nhiều điều, nhưng buông nó ra thì chỉ cần ngừng theo đuổi mà thôi. Đây chính là khái niệm “buông bỏ” vẫn thường thấy trong các tôn giáo.

Vậy nên, chấp nhận “khuôn mặt mộc” của mình, bạn sẽ hạnh phúc.

Xem thêm:

[Review sách hay] Muốn ít đi, hạnh phúc nhiều hơn – Tối giản cùng gia đình mình, tại sao không?

[Review sách hay] Hae Min dạy Yêu

Nhóm thực hiện

Bài & ảnh: Đoàn Trúc Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)