Văn hóa / Thế giới văn hóa

Đồng Thủy Tiên – Khi phụ nữ yêu bóng đá

Không chỉ là Giám đốc Kinh doanh của tạp chí ELLE Việt Nam, Đồng Thủy Tiên còn thường xuyên được mời tham gia các chương trình bình luận bóng đá. Chị là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy bóng đá không phải chỉ dành cho đàn ông. 

Chào chị Tiên. Chị bắt đầu quan tâm và yêu bóng đá từ khi nào vậy?

Thực ra bóng đá đến với tôi giống như một cái duyên. Lúc tôi còn nhỏ, mẹ tôi làm công việc nhà nước nên hầu hết thời gian tôi đều ở bên cạnh bố. Bố tôi lại rất mê bóng đá nên tôi thường được dắt đến sân bóng đá “chơi”. Ngày xưa câu lạc bộ Lâm Đồng là một đội rất mạnh, đá rất hay, sân vận động lúc nào cũng đông người xem. Tôi và bố là hai cổ động viên có mặt thường xuyên nhất ở sân vận động khi ấy. Lúc đó, tôi chưa biết gì về bóng đá hết, nhưng những ký ức về sân cỏ thì ấn tượng lắm. Tôi còn nhớ, bố tôi khi ấy không có nhiều tiền, hai bố con chỉ mua hai cái bánh tiêu vào sân vừa ăn vừa xem say sưa, vậy mà đối với tôi bây giờ, đó là những ký ức vui vẻ nhất. Nếu không ra sân vận động xem thì ở nhà, bố tôi cũng hay mở tivi xem các giải bóng đá nước ngoài. Cuộc sống của tôi gắn với bóng đá từ nhỏ nên tôi có cảm tình rất đặc biệt đối với trái bóng. Tuy nhiên, phải đến khoảng năm lớp 6, lớp 7, tôi mới tìm hiểu và yêu bóng đá nhiều hơn.

khi phụ nữ yêu bóng đá 5

Chị tìm hiểu kiến thức về bóng đá bằng cách nào?

Tôi nghĩ, một người muốn hiểu và yêu bóng đá thì trước tiên phải yêu một đội tuyển/câu lạc bộ (CLB) nào đó. Khi bạn yêu thích một đội tuyển/CLB, bạn sẽ dành thời gian tìm hiểu về đội tuyển/CLB đó. Từ từ, bạn mới bắt đầu có kiến thức, có cái nhìn tổng thể, sâu rộng hơn về cả nền bóng đá.

Lúc nhỏ, mặc dù không biết gì về bóng đá nhưng tôi vẫn ủng hộ đội tuyển Việt Nam. Khi lớn hơn một chút, tôi bắt đầu thích CLB Manchester United (MU) và tìm hiểu nhiều về CLB này. Tôi yêu CLB này tới mức dù đang học lớp 11, 12, việc học rất nặng nhưng cứ đến 1h45, tôi vẫn thức dậy để xem cúp C1. Thời điểm đó không có nhiều phương tiện truyền thông, internet như bây giờ. Tôi hay vào các sạp báo cũ. Ở đó thường có những cuốn kỷ yếu về các CLB và cầu thủ. Tất cả những gì liên quan đến MU, tôi mua về hết. Tôi cứ đọc đi đọc lại tới mức thuộc tất cả mọi thông tin của cầu thủ. Tôi cũng hay đọc báo nữa. Phải công nhận là khi đọc báo, kiến thức vào đầu mình sâu và lâu hơn so với đọc thông tin trên mạng như bây giờ. Tôi đọc Thể thao & Văn hóa, báo Bóng đá rất thường xuyên, rồi báo Công an TP.HCM, Tuổi Trẻ, Thanh Niên… Những báo đó ngày nào bố tôi cũng mua về. Trang đầu tiên tôi mở ra xem luôn luôn là chuyên mục Bóng đá.

Bây giờ kiến thức về bóng đá của chị đã ở mức độ như thế nào rồi?

Khi tham gia các chương trình bình luận về bóng đá, ngồi cùng với những người có chuyên môn cao, những người rất giỏi và am hiểu về bóng đá, tôi thấy mình chỉ là một người đang thể hiện tình yêu bóng đá thôi chứ không dám nhận mình có nhiều kiến thức chuyên môn. Bóng đá có nhiều khía cạnh lắm. Mặc dù vẫn có mẫu số chung nhưng cảm xúc của mỗi người với một cầu thủ, với một CLB, với một pha bóng đẹp lại rất khác nhau. Thường thì những chuyên gia sẽ phân tích về mặt kỹ thuật còn tôi sẽ nói nhiều hơn về cảm giác của mình khi được thưởng thức những pha ghi bàn hay những pha bóng đẹp. Nếu so sánh tôi với họ thì cũng chỉ là ếch ngồi đáy giếng thôi.

Tôi chỉ là một người phụ nữ yêu bóng đá và muốn tìm hiểu về bóng đá chứ không phải là một chuyên gia để đưa ra những nhận định khiến người khác phải nghe theo. Cũng chính vì vậy mà tôi luôn xem bóng đá với tâm trạng thoải mái của một người hâm mộ thưởng thức môn thể thao mình yêu thích; luôn thể hiện tình cảm, cảm xúc của mình một cách tự nhiên chứ không phải gò ép bản thân theo một khuôn khổ nào hết.

khi phụ nữ yêu bóng đá 4

Công việc đầu tiên mà chị làm liên quan đến bóng đá là gì?

Thực ra, bây giờ tôi cũng không thể nhớ được công việc đầu tiên mà tôi làm liên quan đến bóng đá là gì nữa. Nhưng để lại ấn tượng sâu sắc nhất có lẽ là công việc tại HTV. Mùa Euro cách đây 6 năm, tôi được HTV mời đến để bình luận trước trận đấu với tư cách là khán giả, nói lên quan điểm của một người phụ nữ yêu bóng đá. Tôi còn nhớ đó là trận có Thụy Điển vì tôi mặc áo vàng. Sau đó, tôi được mời tham gia nhiều chương trình hơn, nhưng nhiều nhất vẫn là với HTV.

Hầu hết các chương trình chị tham gia bình luận đều có các chuyên gia là đàn ông?

Hầu hết là vậy. Vẫn có phụ nữ nhưng rất ít. Như chương trình bình luận trận chung kết World Cup 2018 vừa rồi của HTV, tôi có dịp ngồi chung với chị Thoa Nguyễn. Chị ấy rất giỏi, có kiến thức xã hội nhiều và cũng là người phụ nữ yêu bóng đá. Tuy nhiên, không phải vì ít phụ nữ hiểu về bóng đá mà nói rằng bóng đá chỉ dành cho đàn ông. Điều đó là không đúng.

khi phụ nữ yêu bóng đá 7

phụ nữ yêu bóng đá

Chị nói rõ hơn một chút về sự khác nhau trong cách tiếp cận bóng đá của phụ nữ và đàn ông nhé.

Nói một cách công bằng thì đàn ông cũng có người này người kia. Có người nói về bóng đá một cách khô khan, đậm chất kỹ thuật, có người vẫn nói về kỹ thuật nhưng đồng thời còn đan xen kiến thức về văn hóa, khiến cho câu chuyện trở nên thú vị hơn. Phụ nữ yêu bóng đá tất nhiên sẽ rất khác với cách yêu bóng đá của đàn ông. Họ có cái nhìn nhẹ nhàng, bay bổng, đáng yêu và mềm mại hơn đàn ông. Đặc biệt, phụ nữ rất dễ xúc động. Khi cầu thủ bị chấn thương hay khóc, chắc chắn phụ nữ sẽ là người rơi lệ. Phụ nữ cũng có những nhận định của riêng mình trước các trận bóng chứ không phải chỉ vì cầu thủ đẹp trai hay hưởng ứng theo phong trào.

Vậy, đối với cá nhân chị, sức hút của bóng đá đến từ đâu?

Lúc trước, tôi xem bóng đá vì có CLB mình thích. Phải dõi theo trái bóng để mong CLB ấy ghi bàn và giành chiến thắng. Sau này, khi đã gắn bó với bóng đá hơn, tôi lại muốn xem các đội tuyển hoặc CLB có tên tuổi thể hiện những pha bóng đẹp, xem cách các cầu thủ xử lý trên sân như thế nào. Ngay cả khi CLB mình thích không giành được chiến thắng, tôi vẫn chấp nhận. Ở một khía cạnh khác, tôi thiên về thưởng thức bóng đá nhiều hơn. Khi xem những màn trình diễn đẹp trên sân cỏ, tôi thấy xúc động lắm. Thật khó để diễn tả bằng lời. Bóng đá có rất nhiều khoảnh khắc chạm đến trái tim người hâm mộ.

Nhiều người không quan tâm có thể sẽ cảm thấy môn thể thao này thật vô bổ. Tại sao hàng chục con người lại phải chạy theo một quả bóng? Nhưng đó lại là điều làm nên sức hút của bóng đá: tinh thần tập thể. Để có thể đưa bóng vào lưới đối phương, toàn đội bóng phải hợp sức cùng nhau, phải có sự ăn ý, đoàn kết, phải có chiến lược, và quan trọng nhất là phải có tinh thần fair-play nữa.

khi phụ nữ yêu bóng đá 2

Tôi còn yêu bóng đá ở một điều, đó là những cầu thủ muốn lên tới đỉnh cao đều phải trải qua quá trình rèn luyện vô cùng gian khổ. Những cầu thủ nổi tiếng mà tôi biết đều xuất thân nghèo khó, và bóng đá đã cứu rỗi cuộc đời họ. Ví dụ như Lukaku, cầu thủ người Bỉ đang chơi vị trí tiền đạo cho CLB MU và đội tuyển Bỉ. Gia đình Lukaku nghèo đến nỗi mẹ anh phải pha nước lã với sữa cho anh ấy uống khi còn bé. Hay Luka Modrić, cầu thủ thi đấu cho CLB Real Madrid và đội tuyển Croatia, người vừa được trao giải Quả bóng vàng tại World Cup 2018. Croatia từng trải qua giai đoạn chiến tranh khốc liệt, tối nay đi ngủ mà không biết sáng mai mình sống hay chết. Bom rơi, đạn lạc, di dân khắp nơi. Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh như vậy nên Luka Modrić có một sức sống rất mãnh liệt, chẳng bao giờ chùn bước trước các trận đấu. Chính những tinh thần được trui rèn qua điều kiện khắc nghiệt như vậy mới tạo nên những cú lội ngược dòng trong bóng đá.

Bóng đá cũng là môn thể thao có thể PR cho cả một quốc gia. Có những quốc gia chẳng ai biết đến nhưng chỉ cần ghi được bàn thắng vào lưới của đội đương kim vô địch hay thậm chí giành chiến thắng chung cuộc, ngay lập tức cả thế giới sẽ biết tên đội tuyển đó, đất nước đó. Bóng đá là một cách PR rất tốt, và PR một cách hòa bình. Nhất là những quốc gia đang phát triển. Ví dụ như Việt Nam, từ khi là Á quân châu Á và mới đây là vô địch AFF Suzuki Cup, tất cả các nước khác đều ngưỡng mộ và nhắc đến với một vị thế khác.

Đối với tôi, bóng đá không chỉ là môn thể thao giải trí. Nếu thực sự yêu bóng đá, bạn sẽ thấy bóng đá cũng giống như cuộc đời. Nền văn minh bóng đá ở các nước phát triển không chỉ xoay quanh khía cạnh chuyên môn mà còn được đánh giá thông qua cách quản lý của HLV, cách ứng xử với truyền thông, cách chịu đựng áp lực của cầu thủ… Có rất nhiều bài học từ bóng đá mà chúng ta có thể ứng dụng trong cuộc sống.

khi phụ nữ yêu bóng đá 1

Chị nghĩ như thế nào về việc ngày càng có nhiều bạn nữ tham gia ủng hộ bóng đá, nhất là trong trận chung kết AFF Suzuki Cup vừa rồi?

Có thể sẽ có nhiều bạn nữ yêu bóng đá thật sự nhưng cũng sẽ có những bạn ủng hộ theo phong trào. Tuy nhiên, vì yêu nước mà ủng hộ đội tuyển nước nhà thì đâu có gì sai, đó là một điều hiển nhiên và đáng mừng. Nếu các bạn nữ này bắt đầu yêu một đội bóng – ở đây là đội tuyển Việt Nam – rất có thể họ sẽ nuôi dưỡng tình yêu bóng đá và từ từ phát triển lên những mức cao hơn.

Vậy, còn việc mời các “hotgirl” hoàn toàn không hiểu gì về bóng đá lên tham gia cùng các chuyên gia, bình luận viên, chị nghĩ sao về việc này? Có phải truyền thông vẫn đang đặt phụ nữ bên cạnh bóng đá để gây chú ý, mang tính chiêu trò nhiều hơn là tôn trọng đam mê, sở thích của phụ nữ đối với bóng đá?

Cá nhân tôi nghĩ phụ nữ đẹp xuất hiện bên cạnh trái bóng vẫn là một hình ảnh đẹp, giúp giảm không khí căng thẳng và khiến cho những buổi bình luận trở nên “mềm mại” hơn. Không phải những cầu thủ nổi tiếng vẫn luôn có các bóng hồng xinh đẹp vây quanh đấy sao? Quan trọng là người phụ nữ ấy có tình yêu với trái bóng tròn hay không. Phụ nữ không cần quá giỏi về bóng đá, nhưng phụ nữ hãy cứ yêu bóng đá theo cách của riêng mình. Nếu họ thể hiện được tình yêu đó, tôi chắc chắn mọi người sẽ cảm nhận được và sẽ thấy dễ chịu hơn.

Chị có muốn gửi gắm điều gì cho những người phụ nữ yêu bóng đá không?

Cái gì xuất phát từ tình yêu sẽ phát triển một cách tự nhiên. Nếu bạn thực sự yêu bóng đá, bạn sẽ càng muốn tìm hiểu, và càng hiểu sẽ lại càng yêu nhiều hơn. Hãy cứ nuôi dưỡng tình yêu của mình, dù bạn là đàn ông hay phụ nữ.

Cảm ơn những chia sẻ thú vị của chị. 

Xem thêm

Thời trang của các cầu thủ U23 Việt Nam: Ai là “hot boy” phong cách?

Nhìn lại những phong cách làm đẹp được bạn gái cầu thủ tuyển quốc gia yêu thích

Nhóm thực hiện

Bài: Đ.T Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Ảnh: Daingo Studio, NVCC
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)