Văn hóa / Thế giới văn hóa

Cháy rừng Amazon khiến động vật hoang dã tại đây phải hứng chịu những gì?

“Ở Amazon, không thứ gì có thể thích nghi với lửa”, dẫn lời William Magnusson, một nhà nghiên cứu đa dạng sinh học tại Viện Nghiên cứu Quốc gia về Amazon (INPA), Brazil. Nhưng điều đó cuối cùng đã xảy ra, vụ cháy rừng lịch sử tại Amazon khiến cả thế giới không khỏi sửng sốt.

Hàng nghìn sinh vật bao gồm động vật có vú, bò sát, lưỡng cư, các loài chim đang sinh sống trong khu rừng Amazon phải hứng chịu tác động mà đám cháy gây ra. Có thể tạm chia thành 2 dạng: hậu quả tức thì và hậu quả lâu dài.

Rừng mưa Amazon – lá phổi của Trái Đất – đang bị bốc cháy. Tính đến tuần rồi, 9.000 vụ cháy đã xảy ra đồng thời trên diện rộng tại rừng mưa nhiệt đới bắt đầu từ Brazil và sau đó lan đến Bolivia, Paraguay và Peru. Những vụ phá rừng, phần lớn được tiến hành với chủ đích khai hoang lấy đất cho chăn nuôi, trồng trọt và khai thác gỗ… khiến tình trạng cháy càng nghiêm trọng hơn khi vào mùa khô. Theo Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil (INPE), khu rừng đã bị thiêu đốt với sức hủy diệt lớn, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Đám cháy thậm chí còn có thể được trông thấy từ bên ngoài không gian.

cháy rừng amzon
Ảnh: greanpeace

Ở một vài nơi, cháy rừng là một hiện tượng tất yếu đề duy trì sự sống của hệ sinh thái. Động vật tại đó có thể thích nghi và đối phó với hiện tượng trên, thậm chí chúng còn dựa vào đó để phát triển. Ví dụ như, chim gõ kiến bụng đen của miền Tây nước Mỹ chỉ làm tổ trên những cây bị cháy và ăn những con bọ cánh cứng trên các cây gỗ cháy ấy. Nhưng đó là rừng mưa ngắn hạn, là loại rừng cũng có lượng mưa nhiều mang độ ẩm cao. Tuy vậy, loại rừng này thường có 2 mùa: một mùa mưa ẩm ướt kèo dài và một mùa khô ngắn hạn.

Amazon thì khác! Đây là khu rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới, luôn ẩm ướt quanh năm, nhiệt độ duy trì cả ngày và đêm không mấy khác biệt bởi mật độ dày đặc của hệ thống sinh vật nơi đây. Tuy cũng có vài đám cháy tự nhiên thật sự xảy ra ở Amazon nhưng chúng chỉ như những đốm lửa nhỏ và cháy thấp dưới mặt đất rồi nhanh chóng được dập tắt bằng những cơn mưa thường xuyên tại đây.

Nhà nghiên cứu Magnusson tiếp tục chia sẻ: “Căn bản mà nói, Amazon chưa từng bị cháy trong hơn hàng trăm nghìn hoặc hàng triệu năm nay”. Không giống như ở Úc, nơi những cây bạch đàn sẽ chết nếu không có một vài vụ cháy, Amazon – rừng mưa nhiệt đới – không được hình thành để phục hồi bất cứ thứ gì sau vụ cháy.

Giờ đây, các cá thể động vật đã bị ảnh hưởng thế nào?

Nhìn chung, khi cháy rừng xảy ra, phần lớn các loài động vật có rất ít sự lựa chọn để sinh tồn. Chúng có thể cố gắng trốn dưới hang hoặc nhảy vào nước. Nhưng điều đó cũng không khả quan khi giữa đám cháy, nhiệt độ có thể hủy diệt chúng. Hoặc trước đó, chúng đã chết vì hít phải khí độc từ đám cháy và sau đó là bị thiêu rụi.

Thực tế những ngày qua cho thấy, rất nhiều loài động vật từ lớn đến nhỏ với đa dạng chủng loài đã bị ngọn lửa “nuốt chửng”. Các loài động vật sống tại Amazon chính là những sinh vật chịu tác động đầu tiên và trực tiếp từ thảm họa vừa qua.

con bò trong đám cháy
Ảnh: nationalgeographic

Cháy rừng là một màn đánh cược vì lợi ích song hành ở vài nơi nhưng một lần nữa, các nhà khoa học phải khẳng định rằng, với Amazon thì không. Chỉ có càng nhiều hơn sự mất mát khi đám cháy bùng phát tại một khu rừng mưa nhiệt đới. Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với những nhà quy hoạch và mật thiết hơn với từng người đang sinh sống trên Trái Đất này.

Liệu có loài vật nào đủ khả năng xoay sở để sinh tồn?

con nai trong đám cháy
Loài vật nào có thể sinh tồn trong đám cháy? Ảnh: achingingwildworld

Sự thật là vẫn có một vài loài động vật được thiên nhiên ưu đãi cho khả năng ứng phó khá tốt với cháy rừng. Đó là tính linh động. Những con vật to lớn, di chuyển nhanh như báo đốm hoặc sư tử cũng như vài loài chim có thể trốn chạy. Nhưng đối với những sinh vật nhỏ hơn như con lười, thú ăn kiến đến những loài bò sát hoặc lưỡng cư như ếch, thằn lằn, chỉ có thể gánh chịu cái chết vì không đủ nhanh nhẹn để di chuyển khỏi phạm vi đám cháy. Chúng có thể chọn cách ẩn dưới những tán cây như một chỗ dựa sai lầm để rồi cuối cùng bị dẫn đến cái chết.

Đã có sinh vật nào thật sự tuyệt chủng sau vụ cháy?

Khi cả Thế giới vẫn còn bàng hoàng sau cuộc chiến khốc liệt với ngọn lửa dữ, với diện tích rừng bị tàn phá rộng lớn, các nhà khoa học vẫn chưa thể thống kê cụ thể rằng, đã có loài vật nào bị đưa vào danh sách tuyệt chủng hay chưa. Hơn nữa, thiên nhiên hoang dã tại Amazon hoàn toàn rất khác biệt, khu rừng nuôi dưỡng những chủng loại sinh vật đa dạng và một số là độc nhất trên thế giới. Việc thấu hiểu một cách chi tiết bên trong cánh rừng này hiện tại vẫn là bất khả thi.

khỉ titi
Ảnh: phys

Thế nhưng, vẫn có một số loài vật đang nằm trong diện đáng quan ngại. Điển hình như Milton, một giống khỉ thuộc loài titi. Chú khỉ này chỉ vừa được phát hiện vào năm 2011 tại phía Nam rừng Amazon thuộc Brazil, khu vực bị tàn phá bởi ngọn lửa gần đây. Một loài khác cũng vừa được tìm ra tại trung tâm Brazil, khỉ sóc đầu bông yên ngựa Mura, tiếp tục là mối e ngại của Carlos César Durigan, giám đốc Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã Barzil. Ông lo rằng, chúng ta có lẽ sẽ mất đi nhiều loài vật đặc hữu như vậy.

Vậy còn sự sống của các loài thủy sinh?

Chúng ta biết rằng khi cơ thể chứa đựng phần lớn nước, sinh vật sẽ được an toàn trong một thời gian nhất định ở đám cháy. Nhưng các loài động vật ở các con lạch hay sông ngòi nhỏ cũng có thể rơi vào tình trạng nguy hiểm. Tuy có khả năng sinh sống trong nước nhưng các loài lưỡng cư vẫn phải vươn lên mặt nước để hít thở, khi ấy, chúng sẽ bị không khí độc hại từ đám cháy tấn công. Ngoài ra, ngọn lửa cũng làm thay đổi các thành phần hóa học của nước cũng như nhiệt độ mát mẻ vốn có của chúng. Không chỉ các loài trên cạn, những con vật thủy sinh cũng không thể chống chọi hoàn toàn khi cháy lớn xảy ra.

Hậu quả nào sẽ đến khi đám cháy qua đi?

Như Sullivan cảnh báo, đây là vấn nạn chính: “Hậu quả lâu dài sẽ còn khủng khiếp hơn nữa”. Toàn bộ hệ sinh thái ở những khu vực đã cháy sẽ thay đổi hoàn toàn. Những tán cây vĩ đại nơi Amazon từng là lá chắn phong tỏa ánh sáng từ bên trên xuống mặt đất. Nhưng giờ đây, vụ cháy đã mở đường cho những thứ trước giờ chưa từng hiện diện bên dưới bắt đầu ló dạng, mang ánh sáng đến và hiển nhiên, làm thay đổi toàn diện “nguồn năng lượng” của toàn bộ hệ sinh thái. Từ đây, chuỗi thức ăn của cả động, thực vật nơi đây cũng chắc chắn bị biến đổi.

Chim Toucan
Chim Toucan đứng trước nguy cơ mất đi nguồn thực phẩm sau vụ cháy. Ảnh: animalspot

Sinh tồn trong một môi trường đã thay đổi diện mạo là một cuộc chiến vô cùng khốc liệt. Nhiều loài lưỡng cư, vốn sở hữu cấu trúc da tựa màu cây để ngụy trang tìm mồi và tránh nguy hiểm, giờ đây buộc phải tìm cách khác để thích ứng với môi trường mới, một thử thách không thể vượt qua trong một sớm, một chiều.

khỉ nhện
Khỉ nhện giờ đây sẽ phải xoay sở để sinh tồn khi nơi trú ngụ quen thuộc đã biến mất. Ảnh: wikipedia

Rất nhiều loài vật tại Amazon được sản sinh tại đây với các đặc tính giúp chúng hoàn toàn có thể sinh tồn. Toucan là giống chim có thể tiếp cận những loại quả vỏ dày mà các loài khác không thể nhờ vào cái mỏ đặc trưng. Giờ đây, khi cháy rừng đã tiêu diệt giống cây chúng phụ thuộc vào, chim Toucan còn có thể làm gì để cạnh tranh với những động vật khác? Hay như loài khỉ nhện với đặc trưng sinh sống trên các tán cây cao để hạn chế tranh giành với những loài dưới mặt đất, nếu mất đi những tán cây ấy, chúng ta hẳn đều có thể tưởng tượng được viễn cảnh khốc liệt khỉ nhện có thể phải đối mặt.

Ngoài chiến đấu lẫn nhau, các loài động vật còn phải chiến đấu với cả mối hiểm nguy bên ngoài. Khi diện tích rừng thu hẹp, cảnh quan trống trải hơn, đây sẽ là thời cơ cho nạn săn bắn hoành hành. Chống chọi với thiên nhiên biến đổi và sự khắc nghiệt của con người rồi sẽ dẫn đến, có lẽ chăng, là sự tuyệt chủng của một vài giống loài trong tương lai.

Hướng đi nào cho động vật hoang dã tại Brazil?

Sau khi thảm họa xảy ra, người hứng chịu nhiều chỉ trích nhất là Jair Bolsonaro, vị tổng thống Barzil bị cáo buộc đã ban hành chính sách khuyến khích phá rừng cho mục đích kinh tế. Cháy rừng tại Amazon không còn là câu chuyện nội bộ của một quốc gia, khi đề cập đến môi trường sống. Khu rừng cung cấp hơn 20% ôxy (O2) và giúp hấp thụ carbon dioxide (CO2) cho Trái Đất. Vụ cháy diễn ra khiến dư luận thế giới bàng hoàng, đặc biệt người dân Brazil rất đỗi phẫn nộ, họ dẫn đầu xu hướng trên mạng xã hội Twitter với các hashtag #PrayForAmazonas (Cầu nguyện cho Amazonas – một bang của Brazil) và kiến nghị chung tay bằng hashtag #ActForAmazonas (Hành động vì Amazonas).

vẹt amazon
Ảnh: lovethesepics

Cuối tuần này, các lãnh đạo trong khối G7 (Tập hợp 7 nước có nền công nghiệp phát triển trên thế giới) sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh. Trong khi đó, Pháp và Ireland vừa tuyên bố sẽ không đồng ý thỏa thuận thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) với khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) nếu Brazil không có hành động ngăn chặn các vụ cháy rừng Amazon. Sau vụ cháy, chính phủ Đức và Na Uy, cũng đã tạm dừng quyên góp cho quỹ của chính phủ Brazil.

Các lãnh đạo các nước trên thế giới đặc biệt quan tâm về vấn đề toàn cầu này khi đưa ra các chính sách quyết liệt. Vậy, là một công dân, chúng ta có thể làm được gì? Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã tổ chức quyên góp tại trang web chính thức cũng như ký đơn kiến nghị đưa trường hợp này vào hội bàn trong kỳ họp G7 sắp tới. Vì bảo vệ môi trường là câu chuyện không của riêng ai và cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Và nói như “chiến binh xanh” Hoàng Thị Minh Hồng: Chỉ khi mỗi người dám thay đổi thói quen, hành vi của mình, họ sẽ có đủ cảm hứng và năng lực để cùng nhau tạo ra những thay đổi lớn hơn, lâu dài hơn.

Nhóm thực hiện

Bài: Diễm Ái Nguồn: Tạp chí phái đẹp ELLE Tham khảo: National Geographic
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)