Khi thông tin DTAP và Đông Nhi kết hợp trong “Theater of Dreams” được công bố, không ít người đã tỏ ra nghi ngờ. Bởi lẽ, DTAP vốn nổi tiếng với phong cách dân gian đương đại có vẻ không ăn nhập gì với Đông Nhi – biểu tượng của dòng nhạc pop hiện đại với hình ảnh bay bổng và bắt mắt. Tuy nhiên, với vai trò nhà sản xuất, DTAP đã giúp cô tôn vinh và làm nổi bật chất riêng trong âm nhạc của mình, tạo ra một Theater of Dreams vừa mới mẻ, vừa vẫn giữ được bản sắc đặc trưng của nữ ca sĩ.

Âm nhạc là sự tôn vinh chất riêng của nghệ sĩ
Tạo dấu ấn mạnh mẽ trong làng nhạc Việt với phong cách kết hợp giữa nhạc dân gian và pop đương đại, DTAP là bộ ba nhà sản xuất gồm Kata Trần, Thịnh Kainz và Tùng Cedrus. “Ba chàng lính ngự lâm” từng đứng sau thành công của nhiều nghệ sĩ như Hoàng Thùy Linh hay Phương Mỹ Chi… Nhóm ghi dấu ấn ở khả năng khai thác triệt để cá tính của từng giọng ca.
Đối với DTAP, mỗi dự án âm nhạc đều là một hành trình riêng biệt, đi kèm với những thách thức không thể lặp lại. Nhóm chia sẻ rằng, trước khi bắt tay vào bất kỳ sản phẩm nào, họ đều dành thời gian phân tích sâu yếu tố cốt lõi trong âm nhạc của nghệ sĩ: từ quãng giọng, âm sắc, cách xử lý giai điệu, đến lựa chọn ngôn từ và âm tiết phù hợp với chất giọng đặc trưng. Đây được xem là bước tiền đề để đảm bảo sản phẩm cuối cùng vẫn giữ được bản sắc của nghệ sĩ, song song với dấu ấn sản xuất của DTAP.
Nếu với Hoàng Thùy Linh, DNA nằm ở chất văn hóa Bắc Bộ, cấu trúc ngũ cung và những hình ảnh dân gian được mã hóa trong từng ca từ; với Phương Mỹ Chi, đó là âm hưởng miền Nam – gần gũi, mộc mạc và đậm đặc bản sắc dân ca thì với Đông Nhi, nhóm xác định chất liệu đặc trưng nằm ở yếu tố giao hưởng, cổ điển, ở những bản phối giàu dàn dây và chiều sâu cảm xúc.
Với Theater of Dreams, cách tiếp cận này được áp dụng ở cấp độ rộng hơn: làm rõ bản thể âm nhạc hiện tại của Đông Nhi và tái cấu trúc hành trình hơn 17 năm hoạt động của cô dưới một lăng kính đương đại. Album trải dài qua nhiều thể loại như Future Bass, Hyper Pop, Disco Funk bên cạnh các dòng quen thuộc như Pop và EDM – điều được xem là mới mẻ trong hồ sơ âm nhạc của nữ ca sĩ.
Quyết định thử nghiệm với sự đa dạng thể loại không nhằm mục tiêu “đổi mới” đơn thuần. Theo DTAP, điều này xuất phát từ việc họ nhận thấy tiềm năng chưa được khai thác hết trong chất liệu giọng hát và cá tính âm nhạc của cô nàng. “Trước đây, chị Đông Nhi từng thử nghiệm nhiều thể loại như Ballad, R&B hay Dance, nhưng vẫn còn một khoảng trống chưa từng được khai phá trong âm nhạc của chị – đó là những lãnh địa mới như Future Bass, Hyper Pop, hay Disco Funk. Với định hướng mang đến một hình ảnh Đông Nhi vừa hoài niệm vừa thời thượng, chúng tôi đã kết hợp những chất liệu âm nhạc hiện đại với những yếu tố “rất Đông Nhi” – từ cách hát, lựa chọn từ ngữ đến cách xử lý giai điệu để tái hiện lại hành trình của chị trong một phiên bản đương đại và giàu cảm xúc”.
Nhóm nhấn mạnh, việc thể hiện bản sắc nghệ sĩ qua từng bài hát là mục tiêu xuyên suốt. Và nếu xem mỗi nghệ sĩ là một hệ DNA âm nhạc với cấu trúc riêng biệt, thì vai trò của producer không khác gì người giải mã: phải lắng nghe, quan sát, phân tích và lựa chọn phương án phù hợp nhất.
BÀI LIÊN QUAN
“Theater of Dreams”: Đông Nhi qua lăng kính của DTAP
Cú bắt tay giữa Đông Nhi – một biểu tượng V-pop của thập niên 2010s và DTAP – nhóm produce đại diện cho thế hệ sáng tạo mới, tạo nên một điểm giao thoa thú vị giữa hai thế hệ. Theater of Dreams do đó cũng là cơ hội để nhìn lại hành trình âm nhạc của một nghệ sĩ kỳ cựu qua lăng kính của một thế hệ nghệ sĩ trẻ.
Dù đến từ hai hệ quy chiếu khác nhau trong âm nhạc Việt, điểm gặp gỡ giữa Đông Nhi và DTAP lại khá rõ ràng: cả hai đều theo đuổi sự nghiêm túc, toàn tâm với nghề và không ngại thách thức giới hạn. Theo chia sẻ từ DTAP, chính sự tâm huyết đồng điệu này đã giúp họ xóa bỏ khoảng cách trong quá trình làm việc.
DTAP không giấu tham vọng kể lại câu chuyện 17 năm làm nghề của Đông Nhi theo một ngôn ngữ âm nhạc mới mẻ hơn, hiện đại hơn. Tuy nhiên, DTAP không có chủ đích “pha loãng” hay lược bỏ bất cứ phần nào trong bản sắc của nghệ sĩ. Ngược lại, họ xác định vai trò của mình là tối ưu hóa – làm nổi bật phần tinh túy nhất, đồng thời đặt bản sắc ấy vào không gian mới để vừa giữ được dấu ấn riêng, vừa bắt nhịp với thị hiếu đương thời. Từ Future Bass đến Disco Funk, từ Hyper Pop đến những bản phối cổ điển pha chất giao hưởng, xuyên suốt album là cả một hành trình tái kiến tạo hình ảnh Đông Nhi: quen thuộc nhưng không lặp lại, mới mẻ nhưng không xa lạ.
Bên cạnh khía cạnh kỹ thuật, yếu tố cảm xúc cũng đóng vai trò không nhỏ trong quá trình sản xuất. Với Đông Nhi, hành trình tìm hiểu ấy lại càng sâu sắc hơn. Không chỉ vì đây là một nghệ sĩ có hơn 17 năm tuổi nghề, mà bởi các thành viên DTAP với tư cách người hâm mộ từ những ngày đầu, đã có “17 năm nghiên cứu âm nhạc của chị” theo đúng nghĩa cá nhân nhất. “Âm nhạc của chị Đông Nhi là một phần thanh xuân của chúng tôi, vì thế, khi thực hiện album này, cảm xúc chiếm phần nhiều hơn áp lực”.
Xem thêm
•Hoàng Dũng tiếp tục tung MV “Cuối Tuần (1825)” sau bước chuyển mình trong âm nhạc
•Âm nhạc 2025: Ngắn hơn, “mở” hơn và cá nhân hơn
•Dòng chảy nhạy cảm & Đa dạng trong âm nhạc Gen Z
Tái cấu trúc âm nhạc bằng điện ảnh và tâm lý học
Trong bối cảnh thị trường âm nhạc đang ngày một ưu tiên yếu tố ngắn gọn, dễ lan truyền, Theater of Dreams lại chọn đi theo một hướng ngược dòng: kể chuyện bằng cấu trúc ba chương, với sự đầu tư bài bản về cảm xúc, thể loại và tư duy dàn dựng.
Ba chương trong album bao gồm: Hỗn loạn nội tâm, Chấp nhận nội tâm và Phục hồi nội tâm. Mỗi chương đóng vai trò như một hồi kịch, phản ánh các chuyển biến trong đời sống và tâm lý nghệ sĩ. DTAP cho biết họ đã chủ động tiếp cận các nguyên lý kể chuyện trong điện ảnh cũng như mô hình phân tầng cảm xúc trong tâm lý học để thiết kế album như một kịch bản có mở – cao trào – kết.
Ngay từ chương đầu tiên, “DNA của Đông Nhi” được tái hiện một cách có chọn lọc: từ cách xử lý giai điệu mang đậm dấu ấn Khóc, Ngọt ngào hay Lời thú tội ngọt ngào, cho tới tiết tấu nhịp 3/4, cách nhả chữ giàu cảm xúc, được đẩy lên trên nền phối future bass và old-school. Sự kết hợp giữa cũ và mới tạo nên một hình tượng Đông Nhi quen thuộc nhưng không lỗi thời.
Chương hai là nơi DTAP mạnh dạn đặt Đông Nhi vào những thử thách chưa từng có trong sự nghiệp: rap tiếng Anh, Auto-Tune, Disco Funk hay Hip Hop đều là những “vùng đất” mới. Thử nghiệm này lại đóng vai trò như hành trình “mở khóa” một chiều sâu khác trong nội lực của Đông Nhi.
Đến chương ba, album khép lại bằng những bản nhạc nhẹ nhàng, nữ tính – không ồn ào về thông điệp, không cầu kỳ trong dụng ý mà tập trung vào việc lắng lại những cảm xúc chân thành nhất. Đây là phần mà DTAP xem là “tầng bản ngã” nhằm chạm đến sự đồng cảm thuần túy của khán giả.
“Album là một thử nghiệm nghiêm túc nhưng cũng đầy hứng thú với DTAP. Chúng tôi hy vọng khi khán giả nghe album, họ không chỉ cảm nhận bằng tai, mà còn có thể đọc được những “ý đồ ngầm” mà chúng tôi cài cắm trong từng câu chữ, từng đoạn giai điệu, từng bản phối”, DTAP chia sẻ.
Trong khi nhiều nghệ sĩ hiện nay theo đuổi cấu trúc nhạc “viral-first”, rút gọn để bắt kịp thị hiếu nền tảng số, cách DTAP đi đường dài với Theater of Dreams có thể được xem như một hình mẫu đối trọng. Không thể phủ nhận tính rủi ro của nó, nhất là trong việc tiếp cận nhóm khán giả trẻ vốn quen nghe nhạc qua TikTok nhưng sự lựa chọn này cũng phản ánh bản lĩnh nghề nghiệp, cách làm nhạc mang tính học thuật cũng như một chiến lược kể chuyện tinh vi và đáng khen ngợi.
Nhóm thực hiện
Bài: Hoàng Thúy Vân
Ảnh: VMAS