Sự tiếp nối giữa NGHỆ THUẬT “truyền thống” và “đương đại”
“Đương đại” và “truyền thống” là hai khái niệm tưởng chừng đối lập nhưng trên thực tế không hề phủ nhận nhau mà luôn đồng hành và có sự tương tác, đặc biệt trong văn hóa nghệ thuật. Nhìn lại thập niên 30s, 40s, những thế hệ nghệ sĩ tiên phong của Việt Nam đã nỗ lực kết hợp tinh túy của truyền thống và ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại của phương Tây, mở con đường mới cho sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam, lấy văn hóa bản địa làm nòng cốt để tạo nên cái mới. Tác phẩm của những danh họa giai đoạn đó như Mai Trung Thứ, Nguyễn Gia Trí hay Lê Phổ… ngày nay đều được vang danh trong cộng đồng nghệ thuật quốc tế và có trị giá hàng tỷ đến hàng chục tỷ đồng.
Phòng tranh của nghệ sĩ graffiti nổi tiếng thế giới Cyril Kongo tọa lạc trên con phố Tràng Tiền lịch sử cũng được ra đời với mục đích là cầu nối giữa tinh hoa nghệ thuật đương đại thế giới với những di sản của văn hóa Việt Nam. “Tôi là một công dân toàn cầu, nhưng ở Việt Nam, tôi mong muốn tìm kiếm những giá trị bản sắc thuần Việt”, trích lời nghệ sĩ Kongo. Nếu như chúng ta có thể bắt gặp ở đâu đó trên thế giới những bữa tiệc nghệ thuật mới lạ, thì ngay giữa không gian ngập tràn sắc màu graffiti của Cyril Kongo, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng làn sóng nghệ thuật “truyền thống mới” với những trải nghiệm thú vị đến từ di sản nghệ thuật truyền thống.
“Âm – thanh sắc – màu” – âm vang của “truyền thống mới”
Với tinh thần trở về với văn hóa bản địa mạnh mẽ và tôn vinh quá trình sáng tạo những chất liệu mới, Cyril Kongo và 84NOISE đã cùng những nghệ sĩ trẻ chia sẻ chung tầm nhìn rằng: Chúng ta – người Việt Nam thế hệ mới – mở lòng đón nhận văn hóa toàn cầu nhưng sẽ ra thế giới với bản sắc văn hóa của mình.
Trong Âm – Thanh Sắc – Màu, các yếu tố nghệ thuật phương Tây như kèn trumpet, hiphop, kĩ thuật scratching của DJ sẽ hòa quyện cùng chất liệu bản địa lấy cảm hứng từ văn học, nghệ thuật dân gian và truyền thống Việt Nam như múa chèo, trống cơm, đàn tranh… Tất cả được trình diễn, thăng hoa trong không gian graffiti mang đậm dấu ấn của Cyril Kongo.
Graffiti là một trong bốn khía cạnh cơ bản của hiphop bên cạnh “turntable” (kĩ thuật DJ), “rap” (kĩ thuật hát rap) và “breakdance” (kĩ thuật nhảy). Trên thực tế, thuật ngữ graffiti chính thức trở thành một chủ đề văn hóa kể từ những năm 1970s tại Mỹ, xuất hiện trước cả hiphop. Graffiti sử dụng sự biến hóa từ chữ cái, ký tự để thể hiện góc nhìn của tác giả về cuộc sống xung quanh họ. Nhiều người cho rằng graffiti là hành động phá hoại của công để đấu tranh tư tưởng; nhiều người lại coi đây một loại hình nghệ thuật; hoặc đôi lúc là cả hai. Cyril Kongo không chỉ góp phần lớn trong quá trình đấu tranh bảo vệ graffiti dưới danh nghĩa nghệ thuật, mà còn không ngừng đổi mới và sáng tạo nền tảng graffiti vượt ngoài khuôn khổ đường phố. Chia sẻ chung tinh thần sáng tạo vượt mọi giới hạn trong nghệ thuật của Cyril Kongo, các nghệ sĩ mang tới màn trình diễn là minh chứng rõ ràng cho một làn sóng “truyền thống mới”, rằng tinh thần của văn hóa bản địa có thể đến từ bất cứ loại hình nghệ thuật nào, đặc biệt và giàu tính thẩm mỹ.
Chất liệu nghệ thuật của Âm – Thanh Sắc – Màu đã được tích lũy nhiều năm trong hành trình tìm hiểu di sản văn hóa, nghệ thuật dân gian và truyền thống Việt Nam của giám đốc sáng tạo Nguyễn Quốc Hoàng Anh. Ý tưởng nguyên bản của dự án được hình thành qua những buổi đối thoại trực tuyến với Cyril Kongo, khi ông chia sẻ rằng quá trình sáng tạo tác phẩm mới của ông giống như nhạc thể nghiệm: vừa đòi kỹ thuật chính xác, nhưng cũng mang nhiều tính ngẫu hứng trong cách thể hiện, giống như cách ông biến hóa màu sắc và chữ cái trên bất kì bề mặt nào. Cách mà Hoàng Anh đi tìm phương thức kết hợp giữa các chất liệu nghệ thuật khác nhau cũng hoàn toàn tương đồng với quá trình sáng tạo graffiti của Kongo trên những chất liệu và phông văn hóa khác nhau. Đó là sự kết nối giữa màu sắc và âm thanh, giữa chuyển động và âm nhạc.
Dự án được lên ý tưởng trong 2 tháng và sản xuất trong 1 tháng. Đại dịch COVID-19 khiến quá trình làm việc và luyện tập cũng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt khi nhóm nghệ sĩ đến từ nhiều địa điểm khác nhau như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Paris. Trong quá trình sáng tác và dựng bài, các nghệ sĩ đã trải qua rất nhiều khó khăn trong việc kết hợp các yếu tố nghệ thuật cá nhân của mình cùng với nhau, thể hiện qua những ngôn ngữ mới, cả về nội dung, hình ảnh và âm nhạc mà vẫn phải giữ được tinh thần của nghệ thuật truyền thống Việt Nam đó là sự tinh tế, chân thành và sâu sắc.
Âm – Thanh Sắc – Màu không chỉ là một thử nghiệm táo bạo mà còn là cách tân đầy thú vị, cho thấy ngay cả những loại hình nghệ thuật cổ xưa bậc nhất của Việt Nam nay có thể bảo tồn bằng cách phát triển và hòa quyện với dòng chảy âm nhạc đương đại mà vẫn giữ được những bản sắc đặc trưng riêng của mình.
Bạn đọc có thể thưởng thức miễn phí các sản phẩm nghệ thuật của dự án này trên nền tảng Facebook – kênh chính thức Cyril Kongo Vietnam Gallery: https://www.facebook.com/
BÀI LIÊN QUAN
Cyril Kongo – Mang graffiti vươn ra ngoài khuôn khổ đường phố
Cyril Phan, nghệ danh Kongo, là nghệ sĩ graffiti nổi tiếng mang trong mình hai dòng máu Pháp – Việt. Năm 1986, Cyril Phan quyết định bỏ học để theo đuổi graffiti với hai bàn tay trắng, hoạt động dưới tư cách nghệ sĩ tự do và bắt đầu ký nghệ danh Kongo lên khắp các bức tường ở Paris. Hai năm sau, cơ duyên đưa ông đến với nhóm Mort aux Cons (M.A.C) và cùng nhau, họ cống hiến hết mình cho nghệ thuật đường phố trong những năm 1988 – 2000. Đây cũng là giai đoạn nở rộ của một thế hệ nghệ sĩ mới tại Pháp, với những tư tưởng đột phá về nghệ thuật đường phố. Chính quá trình bảo vệ và phát triển hình ảnh của graffiti cùng M.A.C đã khiến công chúng đón nhận Kongo như một trong những tay vẽ graffiti có tầm ảnh hưởng lớn tại Paris giai đoạn cuối thế kỉ 20.
Kể từ năm 2000, Cyril Kongo bắt đầu nghĩ tới những tiềm năng ngoài khuôn khổ đường phố. Năm 2009 đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp của Kongo khi nhà giám tuyển nổi tiếng Alain-Dominique Gallizia lựa chọn hai bức tranh của ông để trưng bày tại Grand Palais Paris – bảo tàng nghệ thuật danh giá của Pháp. Kongo là nghệ sĩ được nhiều thương hiệu lớn như Hermès, Chanel hay Richard Mille mời hợp tác và chia sẻ tầm nhìn sáng tạo của mình. Năm 2020, ông trở thành nghệ sĩ đường phố đầu tiên có triển lãm cá nhân trưng bày tại Grande Arche De La Defense – không gian văn hóa, nghệ thuật đương đại tiêu biểu của thế giới. Từ con số không tròn trịa, tranh của ông ngày nay được định giá trung bình khoảng 400 triệu VNĐ trên một mét vuông, trở thành một biểu tượng trong cả nghệ thuật lẫn thương mại.
Ý tưởng xung quanh tranh của Kongo thường tới từ dòng chảy thời gian. Ông không cố gắng để tiếp cận nghệ thuật dưới góc độ ý niệm hay thể nghiệm, mà trái lại là những cảm xúc mộc mạc, những kí ức rất con người. Lấy ví dụ với bức Graffiti Parisien – tác phẩm khổ lớn nhất được trưng bày tại phòng tranh Kongo – là lời tri ân của Kongo tới những người anh em đã sát cánh bên ông trong suốt quãng đời hoạt động nghệ thuật đường phố. Ông chọn cách tái hiện lại những kí ức của mình bằng màu sắc rực rỡ. Chúng cho thấy một thế giới quan tràn ngập năng lượng tích cực, toát lên đam mê của anh chàng tuổi đôi mươi sẵn sàng từ bỏ tất cả để theo đuổi nghệ thuật năm nào.
Khía cạnh tiêu biểu nhất trong nghệ thuật của Kongo chính là khả năng đưa graffiti đi xuyên ngành, đa chất liệu. Ông không ngừng vận dụng những hiểu biết và sáng tạo để tìm giải pháp vẽ lên nhiều bề mặt có tính chất khác nhau. Chẳng hạn, Kongo là nghệ sĩ graffiti duy nhất từng vẽ lên bộ truyền động Tourbillon hàng hàng chục tỉ đồng của một chiếc đồng hồ đeo tay – một điều tưởng chừng không thể. Ông đã chế tạo công cụ vẽ riêng cho không gian cơ học siêu nhỏ và quá trình nghiên cứu mất tới hơn một năm để biến điều không thể thành có thể. Tư tưởng đó kết hợp cùng ngôn ngữ hình ảnh trau dồi hơn nửa cuộc đời với graffiti đã đem lại cho ông tính nguyên bản, không trùng lặp trong thời đại mà những ý tưởng mới ngày càng khan hiếm. Bởi vậy, các thương hiệu tinh hoa tìm thấy ở Kongo những giá trị hoàn toàn khác biệt so với mục đích thuần thương mại hay bài toán lan tỏa trên mạng xã hội.
BÀI LIÊN QUAN
Các nghệ sĩ tham gia
Giám đốc sáng tạo & Sản xuất âm nhạc: Nguyễn Quốc Hoàng Anh
Nguyễn Quốc Hoàng Anh sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, anh từng theo học chuyên ngành âm nhạc cổ điển tại Đại học Văn hóa và Nghệ thuật Quân đội và phim tài liệu tại DocLab. Anh còn là thành viên của Trung tâm Âm nhạc và Nghệ thuật thể nghiệm DomDom dưới sự hướng dẫn của nhạc sĩ Trần Kim Ngọc. Cùng sự hướng dẫn của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Sơn, Hoàng Anh tìm hiểu cấu trúc đơn giản của điệu thức ngũ cung và những âm thanh riêng biệt của người Việt để hình thành nên phong cách âm nhạc cá nhân, có tiết tấu mang tinh thần bản địa kết hợp với lối chơi nhạc thể nghiệm và âm thanh điện tử. Anh bắt đầu sáng tác các tác phẩm âm nhạc thể nghiệm và được giới thiệu lần đầu tại Viện Pháp trong chương trình Những chân trời bụi đỏ.
Nghệ sĩ trumpet: Phạm Hoành
Phạm Hoành là nghệ sĩ kèn Trumpet, nhà sản xuất âm nhạc. Anh bắt đầu chơi kèn Trumpet từ năm 2003 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Anh đã làm việc với nhiều dàn nhạc khác nhau như Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội. Cùng với sự nghiên cứu và thử nghiệm kết hợp văn hóa truyền thống Việt Nam với cây kèn của mình, Phạm Thế Hoành đã từng hợp tác với Quỹ Giáo dục Châu Á của Đại học Melbourne để kết hợp sáng tác nhạc lấy cảm hứng từ truyền thống để sử dụng trong chuỗi podcast Building BRIDGES cho Ngày Nhà giáo Thế giới. Năm 2020, anh cùng những người bạn của mình từ các dàn nhạc khác nhau thành lập Cộng đồng kèn Brass Hà Nội nhằm tạo ra sân chơi cho những người yêu thích kèn nói chung. Bên cạnh việc biểu diễn các chương trình của dàn nhạc và với Hanoi Brass Quintet, anh đang là giảng viên Trumpet tại Trường song ngữ Anh Việt, Trường Quốc tế Anh Quốc và Trường Quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội (UNIS Hanoi).
Nghệ sĩ đàn tranh: Hoài Anh
Hoài Anh là nghệ sĩ nhạc thể nghiệm được sinh ra trong gia đình giàu truyền thống âm nhạc. Cô được đào tạo sâu rộng về các nhạc cụ dân gian như đàn tranh, đàn bầu, đàn T’rưng ở Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội; dương cầm và hạc cầm tại Học viện Âm nhạc quốc gia thành phố Bordeaux; nhạc acoustic điện tử tại Học viện âm nhạc George Bizet tại Paris. Dưới sự dẫn dắt và chỉ bảo của nhà nghiên cứu văn hóa, cố giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Khê, Hoài Anh đã đạt được bằng thạc sĩ Dân tộc nhạc học, chuyên ngành sân khấu chèo tại Đại học Sorbonne Paris năm 2009. Kể từ đó, Hoài Anh trở về Việt Nam, hoạt động song ngành giữa báo chí và nghệ thuật và đã từng biểu diễn các tác phẩm thể nghiệm, đương đại mang âm hưởng truyền thống ở Việt Nam và quốc tế. Hiện tại, Hoài Anh là phóng viên chuyên mục âm nhạc của Đài tiếng nói Việt Nam.
Vũ công Hiphop: Lại Sao Mai
Lại Sao Mai, được biết đến với nghệ danh “Mai Tinh Vi” là vũ công xuất sắc tại Việt Nam trong nhiều kĩ thuật nhảy hiphop khác nhau như: Waacking, Soul dance, Hip Hop, House. Trong suốt hơn 15 năm theo đuổi hiphop, Mai Tinh Vi đã chiến thắng gần 30 giải đấu quy mô trong cả Việt Nam lẫn quốc tế. Gần đây nhất, Mai đã vượt qua rất nhiều vũ công đến từ Trung Quốc, Đức, Cộng hòa Séc, Malaysia, Singapore để lên ngôi vô địch Hip hop tại giải Urban Jam 2019 do sở du lịch Thừa Thiên Huế tổ chức. Mai Tinh Vi hiện tại là giám khảo chuyên môn, đa thể loại tại các cuộc thi trong và ngoài nước. Cô cũng bắt đầu thử nghiệm với các lĩnh vực mới như múa đương đại, tiêu biểu có vở Yes yes, No no biên đạo bởi Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, NSƯT Trần Ly Ly.
DJ: Nguyễn Quang Việt (DJ Jin)
Nguyễn Quang Việt, còn được giới Hiphop biết đến với cái tên DJ Jin, là một trong những tài năng quan trọng trong thế giới Hiphop underground, dẫn đầu trong cộng đồng “scratching”, “beat-juggling” tại Việt Nam. Anh chính là một trong những thành viên chủ chốt của nhóm Street Doktorz Records, đồng hành cùng những rapper gạo cội như DSK, KraziNoyse hay Blak Ray trong những ngày hiphop còn chưa được công nhận rộng rãi ở Việt Nam.
Nghệ sĩ VFX: Vũ An Linh
Vũ An Linh là nghệ sĩ thị giác triển vọng giàu đam mê với bản sắc truyền thống Việt Nam. Hiện anh là nhà sáng lập của studio sáng tạo Collect and Fuse, chuyên xử lý hậu kì cho các dự án phim và âm nhạc cho đa dạng nghệ sĩ, từ các rapper đương thời Rhymastic, Binz cho tới các ca sĩ như Tân Nhàn hay Anh Thơ.
Nhóm thực hiện
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE