Văn hóa / Thế giới văn hóa

Du hành muôn nơi với âm nhạc

Những năm gần đây, âm nhạc gắn với xê dịch cũng như những cảnh quan đẹp được nhiều nghệ sĩ quan tâm theo đuổi. Việc mang nhạc vào rừng, ghi hình ở các địa danh nổi tiếng hay tìm về các nền văn hóa bản địa đặc sắc… đã góp phần phản ánh mong muốn hòa hợp với tự nhiên của con người, sau thời gian dài “mắc kẹt” bởi dịch bệnh.

ÂM NHẠC VÀ XÊ DỊCH

Nhắc đến du ca dọc theo đất nước, không thể không nhắc đến Lê Cát Trọng Lý và các dự án đặc biệt của cô. Đó là Vui tour cũng như chuỗi đêm diễn Dreamers Concert được tổ chức ở các địa danh tuyệt đẹp, như trong hang động ở Quảng Ninh, ruộng bậc thang ở Sa Pa, vườn tre ở Đà Lạt, hay cả ở những vùng đất xa xôi như Bhutan, Kenya và Mông Cổ.

Với dự án này, Lê Cát Trọng Lý đã mang một ý niệm khác vào trong âm nhạc. Giờ đây, thông qua âm nhạc, những suy ngẫm về thái độ, cách nhìn nhận, sẻ chia cũng như thế giới quan cá nhân… sẽ mở rộng hơn, để ta biết rằng con người vô cùng nhỏ bé trước thế giới này.

âm nhạc lê cát trọng lý
Những khúc ca Việt cổ là dự án mới nhất của Lê Cát Trọng Lý và Nguyễn Thanh Tú, nhằm lưu giữ giai điệu của các dân tộc H’Mông, Giáy, Dao, Thái, Ba Na, Pa Cô…

Mới đây, Lý cùng Nguyễn Thanh Tú – người cộng sự lâu năm chuyên chuyển soạn phối khí cho dàn giao hưởng – đã đi dọc đất nước để thực hiện dự án Những khúc ca Việt cổ. Được biết, đây là hành trình tìm lại những bài đồng dao, những khúc hát ru… của các dân tộc anh em như H’Mông, Giáy, Dao, Thái, Ba Na, Pa Cô… Dựa trên giai điệu cũng như nội dung, Lý sẽ viết thêm phiên bản tiếng Kinh, và cùng với Tú chuyển soạn để giới thiệu đến đông đảo công chúng.

Chuỗi đêm nhạc ở Hà Nội và TP.HCM vừa qua chật kín chỗ là thước đo thành công cho dự án này. Lý đã tái hiện lại những hình ảnh bình dị như kiến mót lúa, như vịt ăn cơm, như tình thương giống cái kẹo bông… trong sự hồn nhiên của các nét văn hóa bản địa. Những khúc ca Việt cổ không chỉ cho thấy vẻ đẹp và sự phong phú của đất nước ta mà còn ẩn chứa những nỗi buồn các giá trị văn hóa đang mai một dần. Chính ở điểm này, trào lưu xê dịch ngày càng tiệm cận với lối sống chậm và song hành cùng âm nhạc, để qua những chuyến đi xa, các bài ca này sẽ được truyền lại, tiếp nối và giữ gìn. Có thể, từ dự án này, chúng ta sẽ thấy gắn kết và gần nhau hơn, khi biết tôn trọng sự đa dạng và khác biệt.

ÂM NHẠC VÀ CẢNH QUAN

Không theo hướng tìm về văn hóa như Lê Cát Trọng Lý, một trào lưu khác cũng được các nghệ sĩ trẻ theo đuổi gần đây là đặt âm nhạc vào trong không gian cảnh quan. Đây thường là các dự án trình diễn âm nhạc kết hợp với khai thác vẻ đẹp bằng góc quay, khung hình… có đầu tư và nhiều sáng tạo, ở các địa điểm nghỉ dưỡng như Đà Lạt, Côn Đảo, Phú Quốc, Vịnh Hạ Long…

Là một travel blogger được nhiều khán giả quan tâm yêu thích, Quang Vinh vừa qua cũng đã giới thiệu dự án Quang Vinh Retreat, nơi anh du lịch với một số khách mời để cùng trao đổi về những đề tài riêng biệt. Phần lớn chuỗi series này tập trung vào các resort, villa, cho phép khán giả đồng hành trải nghiệm thông qua màn ảnh, cũng như thưởng thức những màn trình diễn thú vị từ Quang Vinh và các khách mời mà đã rất lâu mới xuất hiện.

Với những người trẻ, du lịch trong thời đại mới hệt như “tẩu thoát” khỏi đời thường. Chủ nghĩa thoát ly (escapism) như lý tưởng mới, nơi ta cố gắng sống một cuộc đời khác so với hiện tại, ở một không gian mình thấy thoải mái, dù là tạm bợ. Với chủ nghĩa này, người trẻ “nhập vai” vào các tựa game, phim ảnh, nghệ thuật, sách vở… để làm những thứ mình thích, và du lịch thông qua âm nhạc cũng là một trong số đó.


Xem thêm

• Phùng Khánh Linh: “Âm nhạc đã cứu rỗi tôi” 

• Hồ Trâm Anh – Lựa chọn ẩn náu trong âm nhạc

• Mèow Lạc: “Âm nhạc là tự do”


Một số dự án tương tự có thể kể đến gồm Hành trình của thanh âm của Andiez Nam Trương, Chill With Vicky Nhung hay Hợp âm gió của diva Mỹ Linh. Điểm chung của các dự án này là đều làm mới hay cover lại những bài nhạc xưa, các bản hit lớn… theo phong cách unplugged hay acoustic mộc mạc, thậm chí là phong cách lo-fi mà người nghe trẻ vốn dĩ yêu thích. Không khó để thấy rằng âm nhạc kết hợp với những cảnh quay có đầu tư đã đưa trải nghiệm nghe – nhìn lên tầm cao mới, nhất là với thế hệ trẻ đặc biệt như Gen Z. Triết gia Alain de Botton từng nói: “Du lịch không phải là rời khỏi nơi ta sống, mà là rời khỏi phiên bản hiện tại của ta”. Du lịch là để tìm lại chính mình, và còn gì tuyệt vời hơn là thực hiện điều đó qua âm nhạc?

âm nhạc của andiez
Hành trình của thanh âm của Andiez Nam Trương.
âm nhạc của vicky nhung
Dự án Chill With Vicky Nhung.

ÂM NHẠC VÀ GÌN GIỮ

Du lịch, xê dịch không chỉ hàm nghĩa nhận lấy một chiều từ tự nhiên, mà bảo tồn, gìn giữ cũng là nhiệm vụ thiết yếu của một công dân sống có trách nhiệm. Âm nhạc cũng có khả năng truyền cảm hứng về sự đổi mới ở mặt ý thức và văn hóa. Triết gia Thoreau từng bước dọc theo đường rừng bởi “muốn đối diện với những sự kiện tinh túy nhất của cuộc sống này […] và để không phải đến khi gần chết thì mới biết rằng mình chưa hề sống”. Giờ đây, người trẻ, thông qua âm nhạc, cũng đang tìm lại chính mình. Rừng là nguồn cảm hứng bất tận. Hoàng Thùy Linh trong buổi ra mắt MV Đánh đố cũng đã nói rằng rừng là nơi khởi nguồn cho những triết lý hòa hợp của cô: “Khi đi sâu vào trong rừng mỗi lần về Tam Đảo, Linh luôn cảm thấy được che chở bởi sự đan kết chặt chẽ của thảm thực vật nhiều tầng. Đứng trước hệ sinh thái trù phú và đa dạng của cây cỏ từ tầng trội, tầng tán, tầng dưới tán đến tầng cây bụi, tầng cỏ quyết, Linh cảm thấy vừa thư thái vừa ngưỡng mộ sự hài hòa này”.

Do đó, không ít nghệ sĩ tìm về với sự hòa hợp bằng cách mang nhạc vào rừng. Đó là Hà Anh Tuấn với thương hiệu See sing share mùa 4 hay chuỗi Tree Talks – đọc sách, kể chuyện và ca hát của Tùng. Nếu Hà Anh Tuấn hoàn toàn dẹp bỏ hết mọi tính toán để ngẫu hứng nương theo tiếng chim, tiếng suối và các nhạc cụ khác; thì Tùng, bằng những mảng cây, cánh đồng cỏ xanh, ngọn đồi đá đỏ… lại kể những chuyện không đầu không đuôi, như cách dẫn vào album Individualism của mình. Cả hai dự án đều giúp người nghe – người xem thoát khỏi thực tại, để đến với những trải nghiệm riêng biệt hòa vào tự nhiên mà rất lâu rồi ta chưa có lại.

âm nhạc của hà anh tuấn
Hà Anh Tuấn với thương hiệu See sing share mùa 4.

Không chỉ lấy rừng làm nguồn cảm hứng, dự án Rừng Việt Nam với mục tiêu trồng cây gây rừng, phủ xanh đồi trọc… từ doanh thu của các sản phẩm âm nhạc cũng được thực hiện suốt 3 năm qua. Trong dòng chảy này, Hoàng Dũng mới đây đã cho ra mắt Tôi muốn làm cái cây sau chuyến trồng rừng tại Tà Kóu, tỉnh Bình Thuận; còn Thịnh Suy thì có Vẫn thế với những cảm nghĩ về chuyến hành trình trở về thiên nhiên.


Xem thêm

• Nghệ thuật đưa ta khám phá mình, để rồi ta hồi sinh…

• Nghệ thuật và khả năng chữa lành trong mỗi chúng ta

• Tại sao cần có nghệ thuật trong cuộc sống?


âm nhạc của hoàng dũng
MV Tôi muốn làm cái cây của Hoàng Dũng có màn góp giọng “cameo” của ca sĩ Thu Phương.

Rõ ràng, âm nhạc cùng với du lịch, xê dịch và cảnh quan không chỉ góp phần tái khám phá lại những giá trị văn hóa xưa cũ, đặc sắc; mà thông qua đó, người trẻ còn tìm được nơi để lánh mình giữa đời sống bận rộn, được dung dưỡng tình yêu thiên nhiên, trách nhiệm bảo tồn và duy trì tính đa dạng, góp phần mang lại ý thức hành động tích cực và thiết thực hơn nữa trong mỗi chúng ta.  

Nhóm thực hiện

Bài: Ngô Minh

Ảnh: Tư liệu 

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)