Tham gia sự kiện “Innovation, Women In Tech 2020” lần thứ 7 được tổ chức tại Stockholm đầu tháng 3/2020, ELLE Việt Nam có cơ hội được gặp gỡ trực tiếp những nữ doanh nhân tài giỏi trong nhiều lĩnh vực tại Thụy Điển – nơi chính phủ luôn kỳ vọng ngày càng có nhiều hơn nữ giới tham gia chính trường và kinh doanh áp dụng nền tảng công nghệ.
Câu chuyện truyền cảm hứng của hai người phụ nữ dưới đây không còn là câu chuyện của thế giới mà nên được coi là của mỗi một quốc gia, khi vấn đề bảo vệ bản quyền tác phẩm cho những sáng tạo âm nhạc nói riêng, nghệ thuật nói chung cần được thực hiện nghiêm túc hơn bao giờ hết; đồng thời đề cao việc bảo vệ nguồn thực phẩm và chuỗi giá trị tạo ra những thực phẩm ấy.
Linda Portnoff và Riteband – Sàn giao dịch âm nhạc đầu tiên trên thế giới
Để thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc và tài chính, Linda Portnoff – một nhạc sĩ đã bắt đầu khởi nghiệp bằng việc tạo ra nền tảng công nghệ “sàn giao dịch âm nhạc trực tuyến” với tên gọi Riteband. Đây là nền tảng giao dịch trực tuyến âm nhạc đầu tiên trên thế giới được phát triển bởi một phụ nữ Thụy Điển – nơi cho phép bất cứ ai đều có thể đầu tư vào các bài hát và thu lợi nhuận cùng các nghệ sĩ giống như trên sàn giao dịch chứng khoán, đồng thời khuyến khích phong trào nghe nhạc có bản quyền.
Xuất phát từ thực tế doanh thu của ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu đang tăng vọt, nhưng đối với nhiều nghệ sĩ, tài chính là một cuộc đấu tranh. Họ có thể không mất nhiều thời gian để viết một bản nhạc thành hit chỉ qua một đêm, tuy nhiên chu kỳ chuyển đổi để nhận phí lại là một vấn đề. Điều gì xảy ra nếu các nghệ sĩ được trả tiền ngay lập tức thay vì phải chờ đợi trong nhiều năm? Điều gì xảy ra nếu bạn đầu tư và mời thêm các nhà đầu tư khác vào các bài hát bạn thích và nhận được tiền lãi từ khoản đầu tư của mình? Điều đó có đóng góp cho ngành công nghiệp âm nhạc phát triển bền vững, nơi các nghệ sĩ được trả tiền nhanh hơn, công bằng hơn và bảo hộ được bản quyền tác phẩm không? Tất cả những câu hỏi này đã truyền cảm hứng để Linda phát triển Riteband (Riteband có nghĩa là Nhận tiền ngay/Tiền từ bản quyền âm nhạc).
Bắt đầu với 20 bài hát trong kho ứng dụng, ra mắt cùng các nhạc sĩ Thụy Điển, nhóm làm việc của Linda gồm 5 thành viên giúp mở rộng mạng lưới đến các nghệ sĩ và người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới, với mục tiêu 4 triệu tác giả, liên kết với 239 nền tảng âm nhạc trực tuyến trên khắp thế giới.
Cân bằng giữa âm nhạc và tài chính, theo Linda không phải là thách thức bởi cô cảm thấy mình được sống khi nuôi dưỡng cùng lúc hai niềm đam mê. Vì vậy, ngoài Riteband, cô còn dành thời gian để viết báo cáo thống kê hằng năm về ngành công nghiệp âm nhạc Thụy Điển; hỗ trợ chính phủ về chiến lược xuất khẩu các sản phẩm của ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo; là diễn giả chia sẻ chuyên môn tại các nước Bắc Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Kenya và Colombia.
Được vinh danh là 1 trong 3 công ty khởi nghiệp hàng đầu tại cuộc thi SxSX 2019, Riteband là động lực để Linda tự tin đi tiếp con đường của mình trong việc phát triển Nền tảng giao dịch đầu tiên trên thế giới về âm nhạc.
Elin Aronsen Beis và Foodloopz – Trang thương mại điện tử tránh lãng phí thực phẩm
Chúng tôi gặp Elin Aronsen Beis, người sáng lập Foodloopz, trang thương mại điện tử hội tụ những chuyên gia tư vấn giúp các công ty giảm chất thải thực phẩm, tại 1 trong chuỗi 7 nhà hàng K-Mart của đầu bếp người Anh Jens Dolk. Tại Thụy Điển, K-Mart nổi lên như một nhà hàng tiên phong theo lối phát triển bền vững. Đây cũng là nơi áp dụng phương pháp tính toán lượng thực phẩm trong ngày bằng cách nghiên cứu thói quen của thực khách và trực tiếp làm việc với những nhà cung cấp thực phẩm để nhập hàng, lên thực đơn theo mùa… hạn chế lượng thực phẩm thừa thải ra môi trường.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), ước tính 1,3 tỷ tấn thực phẩm bị lãng phí trên toàn cầu mỗi năm, chiếm khoảng 1/3 lượng thực phẩm được sản xuất hằng năm cho nhân loại. Lãng phí thực phẩm không chỉ đơn giản là việc bạn vứt bỏ thực phẩm đó vào thùng rác, đó còn là lãng phí cả chuỗi giá trị tạo ra nó: gieo trồng, tưới bón, thu hoạch, đóng gói, vận chuyển, chế biến…
Elin vốn có kinh nghiệm làm việc tại một công ty bán lẻ thực phẩm toàn cầu, đã sớm nhìn nhận vấn đề và dành phần lớn thời gian của mình để tìm hiểu câu chuyện chất thải thực phẩm. Foodloopz ra đời tháng 11/2016 cùng với một cộng sự. Trải qua nhiều thăng trầm, một năm trở lại đây Elin mới có thể dồn toàn tâm sức một mình gây dựng lại. Sứ mệnh của Foodloopz là giúp các công ty giảm chất thải thực phẩm và tăng hiệu quả bằng cách thay đổi quy trình nội bộ, phát triển kinh doanh và truyền thông.
Foodloopz làm việc với tất cả thành viên tham gia vào chuỗi giá trị thực phẩm: từ nông dân, nhà bán buôn, nhà sản xuất, nhà hàng, khách sạn, các tổ chức từ thiện, các tổ chức phi lợi nhuận và khu vực công… để đảm bảo quy trình cung ứng, phân phối, sử dụng mỗi loại thực phẩm được hoàn thiện nhất. Trong đó không có một thực phẩm nào bị bỏ đi vì sắp hết hạn, hoặc dập nát do vận chuyển. Có rất nhiều nhà hàng, đơn cử như K-Mart công khai việc họ nhập những thực phẩm cận hạn sử dụng để nấu những bữa ăn cho thực khách của mình. Cần nhìn nhận đó không phải là việc sử dụng thực phẩm kém chất lượng mà là tránh lãng phí thực phẩm. Nói một cách khác, phát triển bền vững cần tập trung vào những yếu tố nhỏ nhưng lại có tác động lớn đến nền kinh tế cũng như Trái đất.
Dù việc kêu gọi vốn và chứng minh mô hình phát triển bền vững của mình với những đối tác khác là thách thức không hề nhỏ, Elin đã thành công khi đưa Foodloopz vào Chung kết của cuộc thi khởi nghiệp công nghệ Tele2 End-Up 2018 dành cho khoảng 4.000 doanh nghiệp tham gia. Song song đó, Foodloopz cũng giành giải thưởng People tại Ngày giới thiệu Thụy Điển 2018 và vào vòng Chung kết cuộc thi Tái chế cho các công ty vừa và nhỏ 2019.
Với niềm đam mê cùng nhiều nỗ lực, Elin hiện đang phát triển Foodloopz không chỉ dừng lại là một trang thương mại điện tử mà còn trở thành một công ty tư vấn tránh lãng phí thực phẩm ở Thụy Điển và vươn xa trên toàn cầu.
Nhóm thực hiện
Bài: Ngọc Anh Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE