Văn hóa / Thế giới văn hóa

Dzũng Yoko Artbook Mindfulness: Từ hữu sự đến vô sự, chánh niệm là tâm

Cuốn artbook thứ tư của Dzũng Yoko là sự diễn giải của cá nhân anh và 4 nhiếp ảnh gia trẻ về “chánh niệm”, thông qua ngôn ngữ thời trang.

Thiền Lâm Cú Tập có câu:

“Ngồi lặng yên, vô sự

Xuân đến, cỏ tự mọc”

Cái “tự” ở đây vốn là bản chất vận động của tự nhiên, không thể cưỡng cầu, cũng đừng nên mong đợi. Như khi mắt tự thấy, tai tự nghe, miệng tự mở mà không có sự trù tính, thân tâm thanh thản, nhẹ nhàng. Đó vốn là gốc rễ của Thiền đạo.

Tuy nhiên, “tự” không tự có. Muốn hiểu được “tự”, phải chấp nhận “vô tự”. Trong cuốn Zen in the Art of Archery (Thiền trong nghệ thuật bắn cung), tác giả Eugen Herrigel mất gần năm năm cố gắng tìm ra cách để buông dây cung, vì nó phải được thực hiện “không chủ ý”. Thực hành mà không hề cố gắng, rèn luyện nhưng phải chấm dứt nỗ lực, mũi tên chỉ có thể tự nó bắn đi khi dây cung được buông vô sự và vô niệm, không có lựa chọn, không có chủ đích. Đến một ngày nó cứ thế xảy ra, bằng cách nào hay tại sao, Herrigel không bao giờ hiểu được.

Học cách sử dụng bút để viết, cọ để vẽ hay máy ảnh để chụp cũng tương tự như vậy. Cây cọ phải tự vẽ, bút phải tự đi nét, ống kính phải tự hướng về đối tượng. Điều này không thể xảy ra nếu ta không thực hành liên tục. Nhưng cũng chẳng thể xảy ra nếu ta quá đặt tâm gượng ép. Vạn vật cần thời gian để chín muồi.

Và nếu nói rằng tâm Thiền đến với mỗi người vào khoảnh khắc đốn ngộ, nghĩa là đúng thời điểm, đủ trải nghiệm, suy nghĩ đã thấu đáo, “chánh niệm” đến với Dzũng Yoko cũng là một hành trình vô chủ ý như thế.

“Ở đây, bây giờ”

Trước kia, Dzũng Yoko là người hay u sầu. Anh nhạy cảm, tâm trạng dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố ngoại cảnh. Như thể tạo hóa ban cho người nghệ sĩ tài năng thì cũng lấy đi từ họ sự vô tư, khiến họ cứ mãi ấp ôm những nỗi buồn mà người khác không thể chia sẻ. Thời điểm đó, dẫu có quan tâm đến “mindfulness”, anh vẫn chưa có duyên tìm hiểu sâu hơn về khái niệm này. Giờ đây, khi đã tìm thấy sự an yên, tự tại, “mindfulness” đến với anh, tự nhiên, sáng rõ hơn bao giờ hết. Cuốn artbook thứ 4 mang tên Mindfulness (tạm dịch: Chánh niệm) ra đời, vì thế, cũng là một lẽ tất yếu.

bìa sách Dzũng Yoko Artbook

Khi tôi hỏi rằng, anh cần có chánh niệm để chụp một bộ ảnh chánh niệm hay nhờ chụp bộ ảnh đó mà anh đạt tới trạng thái chánh niệm, Dzũng Yoko đã chọn vế thứ hai. “Trước đó, tôi rất thích chữ “mindfulness” nhưng vẫn luôn cho rằng mình không có tố chất để hiểu ý niệm này. Tuy nhiên, khi sáng tạo, tôi nhận ra mình cũng có thể đạt được “mindfulness” đó chứ. Khi chụp ảnh hay vẽ tranh, tôi tập trung toàn bộ năng lượng vào thời điểm đó, không có hỉ nộ ái ố, không có lo lắng, nóng giận. Khoảnh khắc bấm máy, trong tôi thuần một cảm giác xúc động, không cần biết xung quanh mình đang diễn ra những gì” – anh chia sẻ. Đối với người nghệ sĩ, sáng tạo chính là phương thức để hiểu về chánh niệm, để lắng nghe tiếng nói bên trong và để tâm hồn được chữa lành.

Toàn bộ sự hiện diện của tâm trong mọi hành động được Thiền gọi là sự giải thoát khỏi thời gian. “Bởi nếu chúng ta mở rộng đôi mắt và thấy rõ, thì rõ ràng không có thời gian nào khác ngoài phút giây này, quá khứ và tương lai là những thứ trừu tượng, không có thực chất cụ thể nào” (Thiền đạo – Alan Watts).

Nhiều người cho rằng, nhiếp ảnh gia là người bắt lại khoảnh khắc, nhưng đồng thời cũng bỏ lỡ khoảnh khắc ấy trong thực tại. Nói về vấn đề này, Trịnh Duy Linh – một trong bốn nhiếp ảnh gia hợp tác với Dzũng Yoko trong cuốn sách lần này – cho rằng nhận định trên vừa đúng vừa không đúng. Đúng, bởi vì ở khoảnh khắc bấm máy, anh đang lấy một lát cắt ra khỏi dòng chảy thời gian bằng ống kính, không phải bằng sự nhập vai của chính mình. Còn không đúng, vì khi ấy, thực tại đã trở thành thực tại của riêng anh, được giữ lại qua góc nhìn của anh. Trải nghiệm cuộc sống qua ống kính là một sự đánh đổi, nhưng với Linh, đó là một sự đánh đổi xứng đáng.

Trong khi đó, Dzũng Yoko lại cho rằng người làm nghệ thuật chỉ cần nhìn cuộc sống qua tác phẩm mà thôi: “Ống kính chính là đôi mắt của tôi. Khi chụp chân dung, tôi bảo người mẫu nhìn ống kính nghĩa là họ đang nhìn tôi. Tất cả cảm xúc, biểu hiện của họ đang hướng về tôi. Họ vui hay buồn, họ yêu quý tôi hay không, họ hiểu concept buổi chụp như thế nào, đều được thể hiện qua bức ảnh. Sự liên kết đó, dù chỉ thông qua ống kính, nhưng lại là sự thật hiện hữu”.

Anh Dzũng Yoko và diễn viên Tăng Thanh Hà
Dzũng Yoko và nữ diễn viên Tăng Thanh Hà tại buổi ra mắt sách

Tôi thường mường tượng quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ bằng hình ảnh họ bước vào một căn phòng. Căn phòng thiêng liêng ấy là nơi họ soi thấu chính bản thân mình, nơi họ đối thoại với cuộc sống, đối diện với trang giấy, đầu cọ, với ống kính máy ảnh hay với những ý tưởng khởi nguyên. Một không-thời gian riêng tư tuyệt đối và mênh mông, sâu thẳm. Ở đó, họ sở hữu từng khoảnh khắc, hân thưởng từng giác quan, bước qua một trải nghiệm đầy linh thiêng và cảm nhận sự xúc động khi thấu tỏ mình đang “ở đây, bây giờ”.

Tất cả những trải nghiệm tinh thần ấy được Dzũng Yoko thể hiện thông qua các bộ ảnh trong cuốn artbook, là diễn giải của anh về “mindfulness” bằng ngôn ngữ thời trang.

Thường tạo ra sự xung động giữa những đối tượng trái nghịch trong tác phẩm của mình, lần này, anh đặt thời trang bên cạnh chánh niệm; đặt cái xa xỉ, hào nhoáng bên cạnh cái giản dị, thuần túy; đặt sự chuyển dời không ngừng bên cạnh sự chậm rãi, vững chãi; đặt lớp vỏ bọc bên ngoài cạnh tiếng nói bên trong… Thế nhưng, ở cuối cuộc đối thoại, thời trang và chánh niệm lại có thể tìm thấy tiếng nói chung: Là cách nhìn của Dzũng Yoko về tinh thần Á Đông, cách anh thể hiện tình yêu dành cho nghệ thuật, cách anh nâng niu vẻ đẹp của niềm vui lẫn nỗi buồn, đón nhận cả những khía cạnh tươi sáng lẫn tối tăm của con người. Ở đây, văn hóa Thiền gặp gỡ những điểm nhấn Thiền trong sáng tạo của các nhà thiết kế Việt như Công Trí, Thủy Nguyễn, Hà Nhật Tiến, Vũ Việt Hà… thông qua các biểu tượng hoa sen, lá sen, rừng trúc, cành mai, áo dài, vải gấm, màu vàng hoàng kim, sắc đỏ truyền thống hay cả những câu chuyện cổ tích.

ảnh chánh niệm trong buổi ra mắt sách Dzũng Yoko Artbook 4

Trong ảnh của Dzũng Yoko, người mẫu động mà như tĩnh, trong tĩnh lại có động, mỗi dáng chụp là một thông điệp, đến cả màu sắc phông nền cũng chứa đầy ẩn ý. Thế nhưng, anh lại không cố tình tạo nên một Mindfulness triết lý nặng nề mà ngược lại, khá dễ hiểu và chân phương, tất nhiên, còn nhờ ngòi bút diễn giải khúc chiết, tỏ tường và đầy thấu cảm của biên tập viên – dịch giả Phương Huyên.

ảnh chánh niệm của Dzũng Yoko

Sự giao thoa

Thiền, hay chánh niệm, trên hết, là một kinh nghiệm, vô ảnh, vô ngôn, đơn giản là không thể tiếp cận thuần túy qua sách vở. Cách duy nhất để hiểu thế nào là chánh niệm chỉ có thể là thực hành và khám phá bằng trải nghiệm cá nhân. Mỗi người, với nền tảng văn hóa, đời sống tình cảm, ký ức tuổi thơ… khác nhau, lại có nhận thức khác nhau về chánh niệm. Đó cũng là một trong những lý do khiến Dzũng Yoko lần đầu hợp tác với 4 nghệ sĩ trẻ trong dự án nghệ thuật dài hơi của mình.

Trịnh Duy Linh, Trương Tùng Lâm, Monkey Minh, Thy Tran không hẳn là những người thân với Dzũng Yoko nhất, nhưng lại là những người khiến Dzũng Yoko ấn tượng nhất, sở hữu nét riêng khó bị trộn lẫn nhất. Anh muốn họ dùng thế giới quan của riêng mình để thể hiện ý nghĩa của “mindfulness”.

buổi ra mắt sách Dzũng Yoko Artbook 4

Đối với Trịnh Duy Linh, “mindfulness” là cảm giác anh hiểu được bản thân mình, biết mình là ai, biết mình đang ở đâu và bằng lòng với bản thân, ở cả bên trong lẫn bên ngoài. Anh thể hiện suy nghĩ đó trong một bộ ảnh thuật lại hành trình đời người, từ khi còn là cậu bé cho đến khi trưởng thành và già đi. Trong hành trình đó, chủ thể không ngừng tìm kiếm cái ta, tự vấn bản thân, để rồi nhận ra “mỗi một khoảnh khắc, ta lại là một con người mới”.

Có suy nghĩ gần giống với Duy Linh, Trương Tùng Lâm nhìn nhận “mindfulness” thông qua 4 giai đoạn của con người: trải nghiệm cuộc sống, lĩnh hội, giác ngộ và buông bỏ. 4 giai đoạn đó không hiển hiện ở cõi Niết Bàn xa vời nào mà tồn tại ngay trong chính đời sống hàng ngày. Khác những bộ ảnh Thiền thường thấy – với gam màu trầm hoặc trung tính, bối cảnh tối giản và chủ thể tĩnh, Trương Tùng Lâm lại tái hiện khung cảnh sinh hoạt của một con người bình thường, trong không gian chật chội của những hẻm nhỏ Sài Gòn, nơi bộn bề những món đồ cũ kỹ cùng gam màu đỏ rực rỡ pha lẫn sắc xanh u tịch. Ở đây, anh chọn thể hiện cảm xúc bình yên qua một bộ hình “có concept mà không có concept”. Đối tượng như đang thực hiện một hành động dang dở, nhưng cũng như đang ngồi mơ trong suy nghĩ của riêng mình. Tìm thấy tĩnh tại ở nơi xao động, chẳng phải đó chính là cội rễ của tâm Thiền đấy sao?

ảnh chánh niệm của Trương Tùng Lâm

Thy Tran, nữ nhiếp ảnh gia duy nhất trong cuốn sách này, lại nghĩ về “mindfulness” dưới đặc tính của Đất, Nước, Lửa, Khí – 4 nguyên tố tạo nên sự sống. Nếu mỗi con người đều là một tiểu hành tinh thì chánh niệm chính là cân bằng 4 nguyên tố trong hành tinh ấy. Lắng nghe từng tiếng nói vang vọng bên trong để trân trọng cái mình đang có, nữ nghệ sĩ muốn chúng ta nhận ra ý nghĩa của sự tồn tại và giới hạn của chính mình.

Trong khi đó, nhiếp ảnh gia Monkey Minh lại khiến tôi vô cùng bất ngờ với bộ ảnh mang tên Cân bằng. Chánh niệm sẽ xuất hiện trong trạng thái cân bằng, cũng như hạnh phúc sẽ đến khi ta biết đủ. Thông điệp được thể hiện rõ ràng qua ngôn ngữ hình ảnh, với các tác phẩm sắp đặt tinh giản nhưng lại khiến người xem phải ngừng lại thật lâu để ngẫm nghĩ. Monkey Minh chọn những đối tượng quen thuộc như hoa quả thuần Việt, chiếc hài rơm, củ gừng, đôi đũa, bát sành, áo dài… để diễn tả sự cân bằng một cách vô cùng sáng tạo, đưa chúng ta đến với một thế giới vừa gần gũi, vừa siêu thực; vừa dân dã, quê mùa lại vừa đậm tính sắp đặt đương đại, nơi tương quan về kích thước và trọng lượng của vật thể bị phá vỡ. Thế giới đó, chỉ có thể là thế giới tâm tưởng của mỗi chúng ta trong khoảnh khắc chánh niệm.

ảnh chánh niệm của Monkey Minh

Gấp cuốn sách lại, tôi nhận ra Mindfulness không hẳn là cuốn artbook lý giải về chánh niệm. Đúng hơn, cuốn sách là một lời nhắc nhở, cũng giống như một câu hỏi, khiến chúng ta phải tự đi tìm ý nghĩa chánh niệm của riêng mình. Dzũng Yoko chỉ muốn bạn hiểu rằng, chánh niệm không phải là một thứ xa vời chỉ dành cho người học đạo hay mang màu sắc tôn giáo. Chánh niệm là trạng thái tinh thần đẹp đẽ mà mỗi chúng ta đều có thể trải nghiệm, dù là khi sáng tạo hay khi chỉ “ngồi lặng yên, vô sự”.

Nhóm thực hiện

Bài: Đoàn Trúc Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Ảnh: Dzũng Yoko Artbook
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)