Văn hóa / Thế giới văn hóa

Em và Trịnh: Nỗ lực kéo gần di sản Trịnh Công Sơn

Sau thành công của "Cô gái đến từ hôm qua", "Em là bà nội của anh"… đạo diễn Phan Gia Nhật Linh mới đây đã quay trở lại với dự án "Em và Trịnh" sau hơn một năm gián đoạn vì đại dịch.

Được công bố có kinh phí khủng, điều gì khiến Em và Trịnh nhận được nhiều chú ý?

Nỗ lực đưa di sản Của Trịnh Công Sơn đến với người trẻ

Thời điểm Miu Lê cất tiếng hát Diễm xưaCòn tuổi nào cho em trong phim Em là bà nội của anh có thể đã là dấu hiệu cho thấy người trẻ giờ đây rất muốn quay về với những ký ức và hoài niệm từ thế hệ trước. Để nhắc tới ký ức đẹp và vàng son nhất, không biểu tượng nào thích hợp hơn Trịnh Công Sơn.

Được xem như một trong những tượng đài của âm nhạc Việt Nam, nhạc Trịnh tập trung chủ yếu vào hai đề tài: thân phận và tình yêu. Em và Trịnh hướng tới khắc họa “tình yêu” khi kể lại các “dòng sông nhỏ” của Trịnh Công Sơn: Bích Diễm, Dao Ánh, Khánh Ly và Michiko. Tuy nhiên, quẩn quanh đâu đó, kịch bản cũng đã chắt lọc thêm phần “thân phận” để cùng lồng ghép vào đề tài “tình yêu”.

Phim Em và Trịnh
Ảnh: Fanpage phim Em và Trịnh

Ở bộ phim này, Phan Gia Nhật Linh vẫn tiếp tục sử dụng thế mạnh của mình trong việc xây dựng cốt truyện đơn giản nhưng đánh mạnh vào yếu tố cảm xúc. Nếu Cô gái đến từ hôm qua cho thấy được sự hồn nhiên của tuổi thiếu thời thì Em và Trịnh tập trung kể lại những mối tình của tuổi xuân thì nhưng không trọn vẹn. Cách chọn diễn viên, khai thác kịch bản, sắp đặt cảnh quay, sử dụng âm nhạc… đều cho thấy đối tượng mong muốn tiếp cận là những người trẻ. Và xét ở riêng mặt này, Em và Trịnh có thể nói đã khá thành công.

Những điểm đáng chú ý

Không trung thành hoàn toàn với các dữ kiện lịch sử, Em và Trịnh sử dụng câu chuyện của Trịnh Công Sơn nhưng đã được hư cấu hóa để đến gần hơn với khán giả đại chúng. Việc bổ sung vào kịch bản nhóm bạn đồng hành với nhạc sĩ họ Trịnh là một sáng tạo khá hay, họ đều là những văn nghệ sĩ vô cùng tài năng nhưng lại không thường được người trẻ nhắc đến. Đó là nhà thơ Ngô Kha, nhà văn Bửu Ý, họa sĩ Định Công, nhiếp ảnh gia Văn Đỗ và họa sĩ Trịnh Cung – người được nhắc đến thông qua một số chi tiết.

Em và Trịnh: Trịnh Công Sơn cùng các bạn
Ảnh: VNExpress

Tiếp theo, có những khoảnh khắc Em và Trịnh làm khán giả vô cùng thích thú. Đó là những cảnh quay chậm của các nhân vật Bích Diễm, Dao Ánh và Trịnh Công Sơn dưới phông nền đặc trưng của từng người một. Phan Gia Nhật Linh cũng tận dụng một cách tối đa các cảnh quay góc rộng, lấy trọn bao quát hoặc flycam khung cảnh B’lao, Huế, Sài Gòn… vô cùng hoài niệm. Bối cảnh nhà hàng ven sông, những chiếc tàu hỏa, cầu Trường Tiền hay phong cách Indochine nơi khu nhà Huế của Trịnh… cũng được dựng lại vô cùng đẹp mắt. Đây là yếu tố vô cùng thành công của bộ phim.

Alvin Lu vai Trịnh Công Sơn trong phim Em và Trịnh
Ảnh: VNExpress

Các sáng tạo bên lề khác như phân đoạn nhảy thiết hài phía trên con dốc Đà Lạt, cánh đồng hướng dương và những nghĩa địa… cũng gây sự thích thú cho người xem. Đây là những hình tượng thường trở đi trở lại trong các bức thư mà Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh, nhưng bằng ngôn ngữ điện ảnh, ê-kíp đã hình tượng hóa khá tốt những chi tiết này nhằm gây ấn tượng và khiến khán giả nhớ mãi.

Về mặt diễn xuất, Dao Ánh (Hoàng Hà thủ vai) và Khánh Ly (Bùi Lan Hương đảm nhận) là hai nhân vật tạo được nhiều ấn tượng nhất xuyên suốt bộ phim. Nếu Hoàng Hà thu hút bởi một vẻ đẹp có phần thuần khiết và đầy dịu dàng như bước ra từ Cô gái đến từ hôm qua thì Bùi Lan Hương lại thâm trầm cùng những nỗi niềm khi hóa thân thành Khánh Ly.

Hoàng Hà vai Dao Ánh trong phim Em và Trịnh
Ảnh: VNExpress
Bùi Lan Hương vai Khánh Ly trong phim Em và Trịnh
Ảnh: VNExpress

Bùi Lan Hương có sự tự nhiên vô cùng bất ngờ, khi cô diễn như không diễn và có thể thấy cô rất tiềm năng cho con đường điện ảnh sau này. Avin Lu hóa thân thành Trịnh Công Sơn lúc trẻ cũng là một điểm sáng lớn, tuy không trung thành một cách hoàn toàn so với nguyên gốc nhưng lại khá vừa phải so với kịch bản đã được viết lại.

Những điểm thiếu sót

Tuy có nỗ lực kéo di sản Trịnh về gần giới trẻ, Em và Trịnh vẫn mắc phải một vài yếu điểm. Một trong số đó là quá ôm đồm ở khâu kịch bản. Khi chọn khai thác theo hướng “tình yêu”, bộ phim đã làm khá trọn vẹn, nhưng chính việc muốn lồng ghép thêm phần “thân phận” đã khiến tổng thể phim bị chia nhỏ và thiếu tập trung.

Các đoạn phim tài liệu về chiến tranh được thêm vào mà không dẫn dắt, dễ làm khán giả cảm thấy khó chịu khi đang thưởng thức ngôn ngữ điện ảnh. Trong khi đó, các đoạn nói về hành trình du ca cùng với Khánh Ly khi vào Sài Gòn cũng như ảnh hưởng của nhóm bạn, bối cảnh hiện sinh ở Huế… đã khiến Trịnh thay đổi thái độ đối với phong trào phản chiến… lại không được khai thác sâu sắc.

Dẫu biết Em Và Trịnh là một bộ phim được hư cấu hóa, thế nhưng, việc cuộc đời của Trịnh Công Sơn chưa từng được kể một cách toàn diện trước đây dễ khiến cho khán giả trẻ “tưởng nhầm” ông chỉ là người viết tình ca gặp nhiều bất hạnh trong chuyện tình cảm, trong khi đóng góp của ông cho phong trào phản chiến cũng như di sản để lại là các bài hát nặng tính triết lý lại bị bỏ qua. Tuy không cần thiết nhưng việc không có các bộ phim làm tiền đề dễ khiến sự sáng tạo của Em và Trịnh gây tranh cãi.

Trịnh Công Sơn và Dao Ánh trong Em và Trịnh
Ảnh: ĐPCC

Khi không hiểu rõ được cuộc đời ông, những “thay đổi”, “cải biên” so với đời thực càng gây nghi ngại. Trong suốt thời lượng phim, rất nhiều chi tiết khác với thực tế đã được đưa ra, ít nhiều ảnh hưởng đến hình tượng của người nhạc sĩ tài hoa. Chẳng hạn như ông và Khánh Ly là những tri kỷ vượt khỏi tình cảm thông thường (như bà chia sẻ trong cuốn hồi ký của mình), thế nhưng trong phim lại xây dựng bà như một “nàng thơ” và có đủ đầy diễn biến tâm trạng thương nhớ, ghen tuông, buồn thảm…

Các chi tiết khác như bài hát Nhìn những mùa thu đi không được viết cho Khánh Ly, Nắng thủy tinh không phải cho Dao Ánh, Cho đời chút ơn không dành cho Hồng Nhung… đôi khi trở nên khiên cưỡng. Trong một phân đoạn, bài thơ Cuối cùng cho một tình yêu được đốt chung với bức họa Bích Diễm của Định Công, nhưng thực ra đây là bài thơ của Trịnh Cung (mà sau này Trịnh Công Sơn cũng có phổ nhạc). Dù rất đau xót nhưng Trịnh Công Sơn chỉ “cứu” được một tờ duy nhất trong xấp bản thảo bị đốt. Lại một điểm sai không đáng có.

Ngoài Bùi Lan Hương, Hoàng Hà và Avin Lu có màn thể hiện thú vị, phần lớn các diễn viên còn lại chưa tạo được sức hút thật sự. Nhân vật Trịnh của NSƯT Trần Lực càng về sau càng đòi hỏi thể hiện nội tâm thì lại ngày càng thoát khỏi nhân vật. Vai Michiko hay Dao Ánh lúc tuổi trung niên do Phạm Quỳnh Anh đảm nhận cũng không quá ấn tượng. Sự hoàn hảo trong các khung hình cũng không được đảm bảo thường xuyên. Nếu để ý kỹ, các diễn viên phụ và quần chúng vẫn mất tập trung trong một vài phân cảnh. Đồ họa trong nhiều khung cảnh mang tính hình tượng chưa thật mượt mà, vẫn còn mang đến những cảm nhận “giả” và có phần “máy móc”.

Diễn viên Trần Lực trong phim Em và Trịnh
Ảnh: VNExpress

Từ những điều trên, có thể thấy Em và Trịnh là một nỗ lực cần thiết để người trẻ hiểu thêm về một nhạc sĩ tài năng. Tuy nhiên, cần phân định đây chỉ là hư cấu hóa và không hoàn toàn đúng. Vẫn còn một vài thiếu sót đáng tiếc trong khâu kịch bản, hình ảnh cũng như hiệu ứng. Hy vọng, Trịnh sẽ còn là một đề tài hấp dẫn các đạo diễn khác để họ có thể đem đến cho công chúng những góc nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về cuộc đời của người nhạc sĩ tài hoa này.

Dẫu sao, vẫn dành lời cảm ơn cho ê-kip và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh vì đã dày công tái hiện một phần cuộc đời của người nhạc sĩ tài hoa, của một thời đoạn âm nhạc khó quên trong ký ức người Việt. Bỏ qua một vài hạt sạn nhỏ, đây vẫn là bộ phim Việt đáng khen và đáng xem, cho thấy nhiều tâm huyết trên con đường làm phim nghiêm túc và chỉn chu của ê-kíp. 

Nhóm thực hiện

Bài: Ngô Thuận Phát

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)