Es Devlin – Nữ phù thủy sân khấu
Người ta cho rằng âm nhạc, kịch, ballet, điện ảnh là nghệ thuật. Thế nhưng, những loại hình nghệ thuật này lại phụ thuộc vào một nghệ thuật khác, khiêm nhường mà chẳng thể nào thiếu: thiết kế sân khấu. ELLE muốn giới thiệu một nhân vật mà các nghệ sĩ nổi tiếng của nhiều loại hình trên thế giới đều muốn được cộng tác: Es Devlin.
Từ khi kịch, thể loại nghệ thuật biểu diễn đầu tiên của nhân loại xuất hiện, thiết kế sân khấu đã có mặt ở đó. Trong suốt hành trình phát triển của nhân loại, dù các loại hình khác phát triển và biến chuyển tới đâu, nghề thiết kế vẫn luôn gắn liền với chúng. Có những nghệ sĩ làm công việc này đã nhận ra sức mạnh và vai trò của mình trong việc biến sân khấu thành một tác phẩm nghệ thuật thực sự, và Es Devlin là một trong số đó. Devlin khởi nghiệp từ một nhà hát kịch nhỏ tại London và trở thành một trong những người thiết kế sân khấu được biết đến rộng rãi tại nước Anh. Cô đã thiết kế sân khấu cho những vở kịch nổi tiếng như Hamlet (với sự tham gia của Benedict Cumberbatch), hay Girls and boys (với sự tham gia của Carey Mulligan). Tên tuổi của Es Devlin đạt tới tầm quốc tế khi thiết kế sân khấu cho các tour diễn của những danh ca hàng đầu như Kayne West, Beyoncé, U2, Adele, The Weeknd… Cô cũng chính là người thiết kế cho màn bế mạc Olympic London 2012.
Niềm tự hào của một nghệ sĩ
Khác với những người làm công việc thiết kế sân khấu khác, Es Devlin không gọi công việc của mình là “làm việc cho các khách hàng”, mà là “cộng tác với các nghệ sĩ khác”. Cô khẳng định vai trò của mình trong một dự án nghệ thuật cũng quan trọng ngang hàng như các nghệ sĩ nổi tiếng, cho phép bản thân có tiếng nói riêng và quyền hạn trong sáng tạo. Để giành được vị thế đó, cô đã khẳng định với cả khán giả và ngôi sao rằng mình là một nghệ sĩ có tư duy triết học, khoa học và mỹ thuật ở tầm cao khó với.
Khi làm việc với ca sĩ nữ, điều cô nhấn mạnh là những biểu tượng của tâm hồn và gương mặt của nghệ sĩ. Khán giả khi bước vào đêm diễn ngay lập tức sẽ được tiếp xúc với thần tượng của mình. Chính vì thế, cô dùng những hình khối lập thể để miêu tả chân dung của Beyoncé. Chương trình bắt đầu, chúng mở toang ra, đón khán giả vào thế giới cảm xúc bên trong của diva. Tương tự, với Adele, trung tâm của sân khấu là bức tường ánh sáng, và trên đó hiện lên đôi mắt sâu thẳm của nữ danh ca.
Trong khi đó, với các ca sĩ nam, cô hiểu điều họ muốn nhìn thấy là những ca từ và hành trình cuộc đời được hữu hình hóa, trở thành một phần trong các hình ảnh được trưng bày và trình chiếu trên sân khấu. Cô đưa những câu chuyện kể, những lời thơ về các ngôi sao biểu diễn lên sân khấu, biến những yếu tố vốn chỉ là phông nền trở thành một tác phẩm nghệ thuật có vị thế riêng của chúng. Khán giả không chỉ đến để nghe và nhìn thần tượng của mình, họ được kéo vào một thế giới trữ tình được kiến tạo từ kỹ thuật số.
Es Devlin dành ba tháng để thiết kế nên sân khấu cho U2, dựng lên một hành trình nghệ thuật, thơ ca và chính trị trong suốt ba thập kỷ. Những đường kẻ, hình phác họa của các con phố, những ngả đường ban nhạc đã đi qua. Ngọt ngào và cay đắng, vinh quang và bóng tối – tất cả đều được thể hiện trên một sân khấu với những vạch sáng, biến ban nhạc thành nhân vật của một bộ phim chiêm nghiệm.
Liên tục phá vỡ giới hạn
Es Devlin không chỉ giới hạn mình trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn. Những năm gần đây, cô cũng đã trở thành gương mặt quen thuộc của giới sưu tầm và trưng bày nghệ thuật quốc tế, đồng thời bước chân vào thế giới thời trang.
Thương hiệu thời trang gắn bó lâu dài với cô nhất là Louis Vuitton với 5 lần thiết kế sân khấu cho các show diễn của thương hiệu. Cô đưa ra ý tưởng dùng những màn hình chiếu gương mặt các người mẫu bao quanh catwalk của show Louis Vuitton mùa Xuân – Hè 2015.
Từ thế mạnh ứng dụng nghệ thuật kỹ thuật số, Devlin cũng dần bứt ra khỏi việc hợp tác với người khác và khẳng định vị thế của mình như một nghệ sĩ độc lập. Cô gọi các tác phẩm của mình là “điêu khắc sân khấu” khi áp dụng những nguyên tắc thiết kế không gian để thể hiện những chiêm nghiệm của mình về nhân sinh. Tác phẩm nghệ thuật gần đây nhất của cô là Memory Palace – một sân khấu phủ đầy các mặt phẳng của một phòng trưng bày, miêu tả lại hành trình của con người với những quan sát và dằn vặt của họ qua 75 thiên niên kỷ.
Một tác phẩm trưng bày đáng chú ý khác của cô là Singing Tree, được giới thiệu tại bảo tàng V&A, London. Cô dựng lên buồng kính 3D, trong đó chứa đựng những từ ngữ do chính người đến chiêm ngưỡng đóng góp. Dựa trên ứng dụng trí thông minh nhân tạo, tác phẩm của cô biến những từ ngữ ngẫu nhiên thành bài hát, giai điệu và lời ngâm nga, rồi lại mời khách tham quan cùng tham gia vào việc biểu diễn bài hát đó.
Sau gần 30 năm làm việc với sân khấu, Devlin tự cho mình sống chậm lại và dành bớt thời gian cho thế giới kỹ thuật số. Cô muốn dành thời gian cho cô con gái nhỏ và tận hưởng khu vườn của gia đình. Tuy nhiên, cô vẫn duy trì một studio ngay trong tầng hầm của gia đình và tiếp tục cộng tác với những nghệ sĩ mà cô cho là phù hợp với mình. Sân khấu của cô cũng trở nên đa dạng hơn – như việc cô đưa một hộp kính có thể chuyển động vào sân khấu biểu diễn của Lord tại Coachella hay sân khấu Carmen tái hiện lại đôi bàn tay đang xào những lá bài cuộc đời.
Càng về sau, tác phẩm của Devlin càng mang nặng tính triết lý và giảm bớt những hiệu ứng ánh sáng, nhưng cô vẫn cho thấy khả năng sáng tạo thiên biến vạn hóa khiến những nghệ sĩ khác phải khao khát có cơ hội làm việc cùng.
Bài: Phương Huyên
Ảnh: Es Devlin
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE