Thuở thiếu thời, như bao đứa trẻ khác, đạo diễn Wes Anderson cũng đắm mình trong vương quốc tưởng tượng của hàng ngàn truyện ngắn và tiểu thuyết cho thiếu nhi. “Năm 11, 12 tuổi, người ta có thể say mê sách vở đến mức không còn phân biệt được giữa thực tại và mộng mơ”, Anderson từng chia sẻ. Với đa số con người, vương quốc ấy sẽ dần tàn lụi theo thời gian. Nhưng Anderson thì không. Mỗi nỗ lực sáng tạo của ông là một lần khao khát làm sống lại những ký ức kỳ ảo và đẹp đẽ mà sự trưởng thành có thể xóa nhòa. Năm 2009, khi tuổi nghề vừa đủ chín, ông quyết định thử nghiệm lần đầu với thể loại phim hoạt hình stop-motion. Fantastic Mr. Fox bản điện ảnh ra đời như một cách để Wes Anderson hoàn thiện lời hứa với chính tuổi thơ của mình.
Fantastic là một từ đặc biệt trong Anh ngữ. Fantastic có thể hiểu là vô cùng tốt đẹp và hấp dẫn; đồng thời cũng chỉ những hiện tượng quái dị, lạ thường đến mức khó tin. Wes Anderson đã giữ lại danh xưng này cho nhân vật chính của bộ phim: Fantastic Mr. Fox – Ngài Cáo với đủ mọi đặc tính vừa kỳ quặc vừa lôi cuốn. Nói giữ lại là bởi nguyên tác nhân vật Fantastic Mr. Fox đến từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Roald Dahl1. Dù chỉ nắm vai trò người chuyển thể, Wes Anderson vẫn biết cách tạo nên dấu ấn rất riêng cho Ngài Cáo phiên bản màn ảnh rộng. Một trong số đó, không thể bỏ qua tính hài hước – lập dị đặc trưng được duy trì xuyên suốt sự nghiệp sáng tạo của vị đạo diễn này.
Ngài Cáo (Mr. Fox) đứng trên đồi, tựa lưng vào cây táo, miệng ngân nga hát. Đó là bìa cuốn tiểu thuyết của nhà văn Roald Dahl và cũng là cách bộ phim Fantastic Mr. Fox bắt đầu. Ngay trong cảnh quay đầu tiên, Wes Anderson đã nhấn mạnh với khán giả về sự hiện diện của ông: bố cục phẳng, màu sắc rực rỡ, nhân vật nằm ở trung tâm khuôn hình. Và đúng như dự đoán, chỉ ít phút sau đó, chúng ta được chiêu đãi bằng một cú máy dài vui nhộn chạy dọc qua vùng đồng quê nước Anh.
Tính hài hước trong phim Wes Anderson là không giấu giếm, ngược lại, luôn được khắc họa rõ rệt từ rất sớm. Chính những nốt nhạc rộn rã này đã góp phần tạo ra tiền đề, đẩy cao và gắn chặt khung cảnh trầm lắng sau đó vào tâm trí khán giả. Ngài Cáo và vợ (Mrs. Fox) rơi vào bẫy sắt. Tại đây, bước ngoặt cuộc đời cáo diễn ra khi hắn hay tin vợ đang mang thai. Ngài Cáo phải lập lời thề bỏ nghề đạo chích nếu có cơ may sống sót, toàn tâm hoàn thành vai trò làm chồng, làm cha. Lấy một chiếc lồng sắt làm nền cho lời thông báo về trách nhiệm hôn nhân, quả là một ẩn dụ thú vị!
BÀI LIÊN QUAN
Một con cáo với bản chất lém lỉnh, thông minh và gan dạ nay bị buộc phải “dừng bước giang hồ”. Vậy hắn biết kiếm sống bằng gì? Đi làm báo, đó chính là câu trả lời. Ngay trong cách nhân vật chọn lựa nghề nghiệp đã có ám hiệu cho người xem rằng thể nào Ngài Cáo cũng quay lại đường cũ. Còn công việc nào hỗ trợ mạnh mẽ cho những phẩm chất vốn có của hắn hơn thế? Ngài Cáo chưa từng nguôi những khát vọng hoang dã thời trai trẻ mà chỉ khoác lên chúng một tấm áo “người” hơn. Như lẽ tất yếu, cáo đụng độ với ba gã nông dân giàu có, độc ác khét tiếng trong vùng: Boggis, Bunce và Bean. Từ đây, một loạt rắc rối ập đến với gia đình hắn và toàn bộ thú hoang ở miền quê này.
Bài vè chủ đề của bộ phim về ba tên nông dân “một béo, một lùn, một gầy” xuất hiện ngay từ cảnh giới thiệu đầu tiên; sau đó được phổ nhạc và biến thể hòa âm để tạo không khí cho toàn bộ câu chuyện. Nhà soạn nhạc Alexandre Desplat2 đã khéo léo kết hợp cách phối khí hiện đại với các chất liệu dân gian châu Âu để tạo nên những giai điệu vừa thân thuộc vừa mới lạ. Trong đó có cả nét sâu lắng và sự dí dỏm, bỡn cợt mà Wes Anderson mong đợi. Âm nhạc độc đáo, tươi vui giữ cho mạch phim sống động, ngay cả khi câu chuyện đi vào hồi buồn bã như đoạn cáo con Ash và mẹ bị tên chuột chù tấn công.
Đối với Wes Anderson, làm phim cũng như vẽ tranh và thực hành các lý thuyết xã hội học. Trước khi đến với nghề đạo diễn, ông vốn là một cựu sinh viên khoa Triết đam mê kiến trúc và hội họa. Trên con đường điện ảnh, Anderson không ngại bày tỏ và vận dụng mọi sở thích cá nhân vào quá trình sáng tạo. Mỗi tác phẩm của ông đều là một thể nghiệm mới, có những vệt đặc trưng tương đồng nhưng không bao giờ hoàn toàn lặp lại lẫn nhau. Cụ thể khi xem Fantastic Mr. Fox, ta có thể nhận ra ngay nét hài hước dị biệt, tầng lớp ẩn dụ dày dặn và tính đa nghĩa thường thấy trong phim Wes Anderson. Tuy nhiên, mỗi lớp nghĩa này lại mang đến những nhận thức hoàn toàn mới. Đó tuyệt nhiên không phải câu chuyện hay bức tranh của The Darjeeling Limited, The Grand Budapest Hotel, Moonrise Kingdom và Isle of Dogs.
Khao khát được bứt phá khỏi những lề thói, sống đúng với tự do bản chất có lẽ là lớp nghĩa đầu tiên mà mọi khán giả đều cảm nhận được trong cuộc đời Ngài Cáo. Vì gia đình, hắn đã cố ép mình vào khuôn khổ luân lý của xã hội nhưng bất thành. Khi câu chuyện gần tới hồi kết, chính Mrs. Fox cũng phải thừa nhận rằng: “Chúng ta vẫn là động vật hoang dã”. Dù có rời khỏi lòng đất để vào sống trong gốc cây, mặc quần áo, ăn trên bàn với dao nĩa, thậm chí đi làm báo thì cáo vẫn là cáo. Mâu thuẫn trong nỗ lực vươn tới hình mẫu công dân “đúng chuẩn” trong xã hội văn minh và khao khát tự do luôn tạo ra nhiều rắc rối. Đây là một vấn đề phổ biến, thường xuyên gây trăn trở trong thế giới loài người.
Ngài Cáo luôn miệng nói về nỗi sợ sói hoang dù hình ảnh sói không hề xuất hiện trong quá nửa bộ phim. Thực chất, đó là nỗi sợ đối diện với chính bản ngã và nguồn gốc của mình. Khi ta cố gạt bỏ phần cốt lõi của tâm hồn, bức tranh cuộc đời sẽ thiếu một mảnh ghép quan trọng, buộc ta phải nhọc công quay đầu tìm kiếm. Cuộc chạm mặt giữa Ngài Cáo với sói hoang sau đó hoàn toàn là sáng tạo của Wes Anderson, không hề có trong nguyên tác. Đây là một trong những cảnh “đinh” của bộ phim, dẫn dắt người xem sang bước ngoặt cuộc đời thứ hai của Mr. Fox.
Đào sâu thêm, Fantastic Mr. Fox còn phản ánh một câu chuyện lớn hơn – hệ quả của sự xâm lược. Ba gã nông dân trong phim thoạt trông không khác gì nạn nhân của Ngài Cáo. Chúng đang làm chủ trang trại hợp pháp và thành công, không gây chiến với ai. Dường như mọi vấn đề đều là do Ngài Cáo không chừa được thói mê trộm vặt, đã thế còn rất nghênh ngang và “lì đòn”!
Thế nhưng ai đã cướp của ai trước? Khi mà vùng quê ấy còn hoang sơ, con người chưa tìm đến khai phá, những vị “địa chủ” đích thực hẳn là lũ thú hoang. Nhân tính xuất hiện kéo theo nền văn minh, luật pháp và chiến tranh để bảo vệ lợi ích của loài người – những kẻ xâm lược. Ba gã nông dân với ba biểu tượng: gà, ngỗng và rượu táo là biểu tượng của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ. Trồng trọt và chăn nuôi là những hoạt động cơ bản, gắn chặt với sự tiến hóa trí tuệ của nhân loại. Khi đã có thể thu hoạch vụ đầu thì càng phải mở rộng đất đai, nâng cao công nghệ và tăng gia sản xuất để thắng lợi hơn trong vụ sau. Trước sự tất bật này, chẳng ai còn hơi sức quan tâm đến quyền lợi của dân bản địa mà gia đình cáo là một trong số đó. Để sinh tồn, thú hoang buộc phải bắt chước, thích nghi với lối sống của con người. Và khi sự áp bức quá độ dẫn đến “tức nước vỡ bờ”, cách mạng ắt phải nổ ra.
Ở đây, ta thấy được hiệu quả của biện pháp nhân cách hóa. Khi gán cho con vật nhu cầu và khả năng biểu đạt suy nghĩ của loài người, khán giả có thể thấy gần gũi, cảm thông với hành động của chúng hơn. Tất nhiên, không thể không dành lời khen cho phần tạo hình và phục trang trong phim. Mr. Fox luôn gắn với những bộ đồ tông màu ấm và chỉn chu như lãnh tụ chính trị, kể cả khi hẳn còn hành nghề ăn trộm. Điều này cho thấy một phần tính cách và khao khát của nhân vật, đúng như khi hắn tâm sự với vợ: “Anh luôn muốn mọi người mọi người thán phục và ngưỡng mộ mình như một Ngài Cáo siêu đẳng”. Trong khi đó, Mrs. Fox rất nền nã với những mẫu đầm sáng màu, kín đáo và thanh lịch. Các con vật khác cũng đều có trang phục đặc trưng riêng, đầy đủ và chân thực y như thế giới loài người. Đây là bước tiến đáng trân trọng, đặc biệt hơn khi đối chiếu với mặt bằng chung phim hoạt hình nhân cách hóa thú vật cùng thời kỳ. Trước đó một năm, gấu Po của Kung Fu Panda chỉ được mặc một chiếc quần tà lỏn; sau đó hai năm, tắc kè Rango (phim cùng tên) chỉ có áo mà không có quần.
Là phim thuộc thể loại stop-motion, Fantastic Mr. Fox được dựng lên từ 56.000 ảnh tĩnh và 535 con rối, không cho phép sai sót. Vậy nhưng trong quy trình sản xuất phức tạp ấy, Wes Anderson vẫn cố gắng cho nhân vật được đổi tạo hình liên tục để phù hợp với bối cảnh mới. Đồ đi ngủ phải khác đồ đi học, đi làm; Khi chạy nạn thì phải tả tơi chứ không thể lịch duyệt như khi yên ổn. Nội dung nói về một ngôi làng tưởng tượng, nhưng mỗi hình ảnh và cảm xúc đều được lột tả chân thực đến mức… kỳ quặc. Ta có thể thấy những cú máy quay cận vào ánh mắt rưng rưng hay chiếc tai vểnh lên nghe ngóng, từng đường nét thú hoang vẫn được giữ nguyên vẹn. Bởi lẽ ấy, nếu tìm kiếm một thước phim cường điệu tạo hình nhân vật để chiếm cảm tình người xem theo kiểu Disney, có thể bạn sẽ phải thất vọng.
Nhưng sự tỉ mỉ của đạo diễn không chỉ nằm ở đó. Fantastic Mr. Fox còn thể hiện một nét riêng khác đã làm nên thương hiệu Wes Anderson: mỗi khung hình là một bức tranh. Như đã nói ở phần đầu, bố cục phẳng xuất hiện ngay lập tức và ở lại cho đến cuối phim. Fantastic Mr. Fox có rất ít góc mắt cá, hầu như mọi khung hình đều được dàn phẳng và được sắp xếp với tính đối xứng cao. Cách quay dựng này có thể tạo ấn tượng thị giác rất mạnh như bạn đang được chiêm ngưỡng bức bích họa khổng lồ, nhưng gây nhiều khó khăn trong khâu tác nghiệp. Ở những cảnh toàn rộng và dài, đoàn làm phim phải ghép nối cầu kỳ những khung hình phẳng và hẹp hơn lại với nhau.
Tốc độ cũng là yếu tố không thể bỏ qua khi nói đến tính độc đáo của bộ phim. Fantastic Mr. Fox được quay với tốc độ 12 khung hình/giây chứ không phải 24 khung hình/giây như thông lệ. Kỹ thuật này giúp cho phim giữ được tính cổ điển, thể hiện trọn vẹn không khí những năm 1970 của nguyên tác tiểu thuyết. Mặt khác, cái “tĩnh” của tốc độ 12 khung hình/giây cũng được tận dụng triệt để cho những phân khúc hài hước thêm ấn tượng, điển hình là cảnh chuột chũi Kylie hoa mắt chóng mặt.
Có hàng triệu cô cậu bé được mẹ tặng cuốn truyện thiếu nhi yêu thích từ năm 7 tuổi, nhưng không phải ai cũng chuyển hóa được vương quốc kỳ ảo ấy vào điện ảnh; hơn thế, còn là dự án chuyển thể lôi cuốn được cả những ngôi sao hàng đầu như George Clooney, Meryl Streep, Bill Murray tham gia lồng tiếng. Fantastic Mr. Fox qua ống kính Wes Anderson không chỉ là câu chuyện về cuộc tranh đấu cho bản ngã và tự do của Ngài Cáo diệu kỳ. Mỗi nhân vật và cảnh quay được chắt lọc còn chở theo những trải nghiệm về hôn nhân, tình bạn, tình yêu, giáo dục, mối quan hệ giữa cha mẹ và con trẻ… Ngài Cáo không màng tới việc dạy bảo ai về lẽ làm người (dẫu sao hắn vẫn là đạo tặc!); nhân vật trong phim thực chất không phân chia tốt – xấu rạch ròi; mọi kết luận đều được bỏ ngỏ lại cho khán giả.
Trong cả phiên bản truyện và phim của Fantastic Mr. Fox đều có một câu thoại kinh điển, thâu tóm toàn bộ tinh thần tác phẩm: “I understand what you’re saying, and your comments are valuable, but I’m gonna ignore your advice” (tạm dịch: “Tôi hiểu anh đang nói gì và ý kiến của anh rất có giá trị, nhưng tôi đếch quan tâm”) – Mr. Fox.
Một bộ phim ngạo nghễ chừng ấy, đa nghĩa như vậy có lẽ không phải là lựa chọn lý tưởng cho thiếu nhi? Không hề. Điểm thú vị chính là bạn hoàn toàn có thể ngồi xuống cùng mọi thành viên lớn bé trong gia đình, mở Fantastic Mr. Fox lên vào một tối cuối tuần và thưởng thức. Bức tranh hài hước và độc đáo này sẽ mang đến những trải nghiệm đa dạng, đáng giá cho từng người. Với trẻ nhỏ, các bé sẽ rất đồng cảm với cáo con Ash khi đã cố gắng hết sức mà vẫn bị cha mẹ trách mắng, mãi không bằng “con nhà người ta”. Với những cô cậu thiếu niên, cơn “say nắng” của cáo anh họ Kristofferson và bạn nữ cùng lớp sẽ khiến các bé len lén mỉm cười.
Bức tranh rực rỡ, duyên dáng và dí dỏm này của Wes Anderson xứng đáng nhận được điểm 4/5.
Chú thích:
- Roald Dahl (1916-1990) là nhà văn, nhà thơ, biên kịch gia nổi tiếng người Anh. Ông xuất bản tiểu thuyết cho thiếu nhi Fantastic Mr Fox năm 1970. Đây là một trong những tác phẩm gây nhiều tiếng vang nhất của Roald.
- Alexandre Desplat: Nhà soạn nhạc đương đại người Pháp. Ông đã nhiều lần cộng tác thành công với đạo diễn Wes Anderson. Năm 2015, ông được trao giải Oscar cho phần nhạc trong phim The Grand Budapest Hotel.
—
Xem thêm:
Top phim điện ảnh đạt doanh thu cao nhất 2018
14 phim điện ảnh chuyển thể từ sách sẽ ra mắt trong năm 2018
Nhóm thực hiện
Bài: Hải Âu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Ảnh: Phim Fantastic Mr. Fox