Văn hóa / Thế giới văn hóa

Gallerist Lê Thiên Bảo: Đi tìm những người đồng điệu

Lê Thiên Bảo là một giám tuyển tự học với những kết nối sâu sắc trong nghệ thuật Việt Nam từ năm 2010. Chị từng giữ vai trò giám tuyển tại trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory ở TP.HCM từ năm 2016 đến 2019; cùng Zoe Butt và Bill Nguyễn đồng sáng lập và quản lý dự án Spirit of Friendship năm 2017; tốt nghiệp thủ khoa chương trình Thạc sĩ Quản lý thị trường Nghệ thuật Quốc tế tại École D'art Et De Culture (EAC) Paris và làm việc với các gallery ở Pháp trước khi tự thành lập một gallery của riêng mình vào năm 2023. Hiện tại, chị sống và làm việc giữa Paris và TP.HCM.

nghệ thuật gallerist thiên bảo

Xin chào chị Lê Thiên Bảo, cơ duyên nào đã đưa chị đến Paris để theo đuổi nghệ thuật?

Có lẽ hơi “sến” nhưng câu chuyện đến Pháp của tôi bắt đầu từ tình yêu. Khi dịch COVID-19 bùng nổ vào đầu năm 2020 và các chuyến bay bắt đầu bị hạn chế, tôi quyết định rời Việt Nam đến Paris để sống cùng người yêu, khi đó đang chuẩn bị bảo vệ luận án Tiến sĩ ở Pháp. Tháng 9/2020, sau khi tổ chức xong Tuần lễ Nghệ thuật Nổ Cái Bùm lần đầu ở Huế, tôi bán nhà, nhận được học bổng France Excellence của Đại sứ quán Pháp. Tôi đáp xuống Paris với hai vali chứa cà phê, nước mắm, tôm khô, một cái nón lá do chị gái tặng, hai cái quần dài và mấy tấm tranh nhỏ. Đó là tất cả tài sản tôi mang theo để chuẩn bị cuộc sống mới.

Sau khi ra trường, tôi bắt đầu tham gia vào thị trường nghệ thuật ở Paris, vốn là một trong những thị trường cạnh tranh nhất thế giới bởi lịch sử hình thành lâu đời, phân cấp xã hội sâu sắc và khá bảo thủ trong quan điểm thẩm mỹ. Tuy là một thành phố quốc tế, thị trường nghệ thuật Paris vẫn tồn tại rất nhiều định kiến cũ về những vùng văn hóa, nghệ thuật ngoài châu Âu. Ví dụ, khi nhắc đến nghệ thuật châu Á, họ sẽ mặc định đó là Trung Quốc, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Vùng Đông Nam Á gần như là một “điểm mù” hoặc họ chỉ biết rất ít về nó thông qua góc nhìn của một số nhỏ nghệ sĩ hải ngoại, hay tệ hơn, là thông qua các đồ mỹ nghệ “hương xa” từ các nước thuộc địa cũ, trong tưởng tượng của người Pháp. Do đó, tôi nghĩ việc xây cầu nối giữa “trung tâm nghệ thuật châu Âu” và thực hành đương đại ở “vùng vành đai của châu Á” là một việc cần thiết. Đây không phải là để “nâng tầm” nghệ thuật Đông Nam Á, mà là để mang đến cho giới chuyên môn của châu Âu, nếu họ thực sự quan tâm, một góc nhìn khác từ chính người ở tại địa phương đó.

Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, tôi có nhu cầu nói thứ ngôn ngữ và kể câu chuyện của mình ở xứ bạn, trước mắt là thông qua nghệ thuật. Đây là lý do tôi theo đuổi hành trình này. Trong hai năm vừa qua, tôi học được rất nhiều thứ từ nền nghệ thuật ở Paris và cũng rất vui vì đã làm được không ít việc. Tương lai, tôi hy vọng sẽ mở thêm kết nối mới với các nước khác trong Đông Nam Á chứ không chỉ riêng Việt Nam.

nghệ thuật giám tuyển thiên bảo

Đâu là những yếu tố quyết định khi chị lựa chọn nghệ sĩ hợp tác trong các dự án nghệ thuật?

Tôi ưu tiên tính hợp tác trong công việc. Các nghệ sĩ tôi tìm đến để cùng đồng hành là những người mà tôi tin tưởng vào cả con người lẫn tài năng và hướng phát triển trong thực hành của họ. Đó là một mối quan hệ cộng sinh, cùng nhau phát triển và chia sẻ những mục đích chung. Tôi dùng chữ “hợp tác” chứ không phải “hỗ trợ”, bởi cho đến thời điểm này, tất cả những nghệ sĩ mà tôi đang làm việc cùng đều là những người đã có quá trình thực hành lâu dài, có tầm ảnh hưởng nhất định lên cộng đồng. Họ hoàn toàn đủ khả năng để tự lực sáng tạo cũng như tự sống được với nghề. Công việc mà tôi đang làm chẳng qua chỉ mang tính xúc tác. Do đó, tôi cảm thấy vui và may mắn vì được nghệ sĩ tin tưởng, giao cho các tác phẩm quan trọng để thực hiện các dự án lớn.

Đối với tôi, việc chọn nghệ sĩ trong dự án cũng giống như chọn một người bạn đồng hành để đi đường dài. Hai bên phải tin tưởng, hiểu cách định hướng và tôn trọng các giá trị của nhau thì mới có thể lâu bền được. Đó cũng là tiêu chí của tôi khi chọn nghệ sĩ cho gallery của mình, trước hết là kết nối với tác phẩm, sau đó là kết nối với con người. “Gallerist” khác “người buôn tranh” ở chỗ này.

Theo tôi, một gallerist tốt là một người giám tuyển tốt, kiêm cố vấn chiến lược cho nghệ sĩ và biết bán tác phẩm mà mình triển lãm, để cả hai cùng phát triển bền vững. Việc bán tác phẩm phải đóng góp cho các thực hành mới của nghệ sĩ trong tương lai chứ không chỉ dừng ở bước cho tiền vào túi.

Trước kia, tôi chủ yếu tập trung vào công việc giám tuyển, nhưng sau một thời gian, tôi quyết định chuyển hướng sang thị trường nghệ thuật và quyết tâm xây dựng gallery vì cảm thấy điều này mang lại cho tôi nhiều tự do và tự chủ hơn trong các dự án nghệ thuật mà mình ấp ủ.

Tôi cũng có rất nhiều bạn bè đang bắt đầu đi vào con đường sáng tác nghệ thuật. Đôi khi, tôi chưa thể hiểu hết các tác phẩm của họ, nhưng tôi say mê nhiệt huyết và khao khát muốn “tạo ra” tác phẩm của họ.

Tin tưởng vào con người là việc tôi luôn cố gắng theo đuổi. Giữa việc lựa chọn đồng hành lâu dài với một nghệ sĩ vì tác phẩm hay vì con người họ thì tôi xin nói thẳng, tôi sẽ cộng tác vì chính bản thân con người nghệ sĩ.

Lúc trước, tôi cũng từng tin rằng mình chỉ cần làm việc với các tác phẩm mà mình yêu thích, còn chuyện đời sống hay hành xử của nghệ sĩ ra sao là điều mà mình không nên quan tâm. Tôi đã phải thay đổi quan điểm này, vì đối với một gallery, việc cộng tác với nghệ sĩ không chỉ diễn ra trong một, hai dự án, mà là cả một quá trình trưởng thành cùng nhau. Do đó, không thể nào chỉ nhìn vào một tác phẩm mà phải nhìn vào tiềm lực của nghệ sĩ. Tác phẩm đương nhiên phải tốt thì mình mới nghĩ đến chuyện cộng tác, nhưng tác phẩm tốt mà người cực kỳ khó làm việc thì tôi sẽ nghĩ lại.

Tôi cũng đồng quan điểm với chị. Thứ quý giá và đáng trân trọng nhất trong công việc chính là con người. Nhưng ngoài niềm tin vào giá trị tốt đẹp của con người, chị có phương pháp nào khác để tìm ra nghệ sĩ mà chị tin rằng sẽ thành công trong sự nghiệp?

Tôi có những đánh giá dựa vào linh cảm chứ không phụ thuộc vào chữ nghĩa trên hồ sơ của nghệ sĩ. Linh tính này được phát triển theo kiểu “thuật toán” chạy trong não. Đó là tổng hợp của những thứ tôi đã từng xem, kinh nghiệm làm việc với nghệ sĩ, trải nghiệm với cuộc đời. Khó mà bóc tách cặn kẽ được. Dĩ nhiên, vẫn có nhiều người tài năng mà tôi chưa hợp tác vì cảm thấy chưa phải thời điểm phù hợp. Cũng có những người giỏi nhưng họ có quan điểm nghệ thuật và tham vọng quá khác biệt với tôi.

Tôi yêu mến và muốn đồng hành với những nghệ sĩ sáng tác bởi khao khát tự nhiên bên trong họ, biết họ sáng tác theo ý muốn của bản thân chứ không phải chỉ chạy theo “thời sự”, xu hướng của thị trường và yêu cầu của các biennale. Chất lượng nghệ thuật luôn là thứ tôi đặt lên hàng đầu. Do đó, tôi cũng không ưu tiên làm việc với tác phẩm chỉ vì nghệ sĩ do người quen giới thiệu hoặc là bạn bè của mình, dù trong suốt sự nghiệp, rất nhiều người sau khi hợp tác làm việc đều trở thành bạn thân của tôi.

nghệ thuật thiên bảo tại pháp
Ảnh chụp trong triển lãm Huyền Tượng, từ trái sang phải: Lê Thiên Bảo, nghệ sĩ Tuyền Nguyễn và Nguyễn Thanh Huyền (sáng lập Huyền Art House).

Được biết chị sắp mở một gallery ở trung tâm Paris để hợp tác với nghệ sĩ Việt Nam trong cả việc sáng tác lẫn đưa các tác phẩm tham gia vào thị trường nghệ thuật.

Tôi và đối tác Quinnie Tan sắp mở cửa Galerie BAQ vào tháng 4/2023. Galerie BAQ sẽ tọa lạc tại trung tâm khu Marais, nổi tiếng với các phòng tranh đương đại bậc nhất Paris. Mục tiêu của chúng tôi là mở ra các đối thoại liên quan đến nghệ thuật đương đại Đông Nam Á và các cộng đồng liên quan đến khu vực này. Tôi và Quinnie sẽ giao kết chặt chẽ với mạng lưới chuyên gia từ các nước Indonesia, Singapore, Malaysia, Myanmar và Campuchia để định hướng cho Galerie BAQ trở thành một cầu nối giữa tiếng nói của nghệ sĩ bản địa với thị trường nghệ thuật và giới chuyên môn châu Âu.

Giờ thì đã quá khuya theo giờ Pháp rồi. Câu hỏi cuối, chị có lời khuyên gì cho người trẻ trên con đường theo đuổi nghệ thuật?

Bản thân tôi đến Pháp vì tình yêu của chính mình, nên tôi nghĩ thứ mình cần giữ vững khi bước chân vào giới nghệ thuật chính là làm vì nhu cầu tự thân của mình. Nếu có ai hỏi một ngày nào đó, nếu không làm nghệ thuật nữa thì tôi sẽ làm gì, chắc chắn tôi sẽ ở nhà làm bánh ngọt cả ngày cho chồng ăn. Còn bây giờ, tôi vẫn đang rất hạnh phúc với công việc và còn nhiều dự định trong tương lai. Tóm lại, chúng ta nên xây dựng một mối quan hệ lành mạnh với công việc này, đừng nghĩ là làm để đạt được danh vọng hay vì người này kẻ khác… nghĩ như vậy, mình sẽ đánh mất chính mình, cũng như sẽ sớm thất vọng với cuộc đời mà thôi.

Cảm ơn chị đã dành thời gian cho ELLE Việt Nam.

Nhóm thực hiện

Bài: Vương An Nguyễn 

Ảnh: Lâm Hiếu Thuận 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)