Trong khoảng 10 năm trở lại đây, ngành điện ảnh thế giới chứng kiến màn lột xác thần tốc và mạnh mẽ. Có nhiều lý do thúc đẩy sự thay đổi này, nhưng điều đầu tiên phải kể đến là tiếng nói của thế hệ mới – thế hệ đang dần trở thành lực lượng lao động chính – Gen Z.
Khi tập phim Harry Potter đầu tiên ra mắt vào năm 2001, một số lượng lớn bạn trẻ Gen Z chỉ vừa mới chào đời. Năm nay, những cá nhân ấy đã bước sang tuổi 23 – 27. Theo một báo cáo của Earth Web, Gen Z đang chiếm 26% tổng dân số toàn cầu, tức là khoảng 2 tỷ người. Không còn thuần túy là khán giả, Gen Z đang trực tiếp tham gia vào quá trình sáng tạo, sản xuất và phân phối điện ảnh. Với những đặc trưng riêng biệt, khác hẳn các thế hệ kế trước (Millennials, Gen X), Gen Z đang góp phần tái định hình ngành điện ảnh thế giới.
Những ngôi sao mới của ngành điện ảnh
Thử nhìn lại một số tựa phim Hollywood được bàn luận sôi nổi gần đây, ta sẽ thấy Gen Z đã chính thức trở thành những ngôi sao mới như thế nào. Đầu tiên, Zendaya (1996) có thể nói là đại diện tiêu biểu cho thế hệ với sự phủ sóng dày đặc từ chuỗi bom tấn Spiderman, Dune, phim điện ảnh The Greatest Showman, đến series Euphoria. Đồng hành cùng cô, hiển nhiên là bạn trai và bạn diễn Tom Holland (1996) – Người Nhện Gen Z. Trong cùng hạng mục phim hành động bom tấn, chúng ta có Sophie Turner (1996) – dị nhân thế hệ mới của vũ trụ X-Men. Ở hạng mục phim kinh dị – siêu nhiên, không thể không kể đến Millie Bobby Brown (2004), Sadie Sink (2002), Noah Schnapp (2004) cùng toàn bộ dàn diễn viên nhí của series Stranger Things. Hay gần đây nhất, vào cuối năm 2022, Jenna Ortega (2002) và Emma Myers (2002) là hai hiện tượng bất ngờ nổi lên từ series Wednesday khi mới chỉ 20 tuổi. Chỉ trong vài năm nữa, những cái tên kể trên rất có thể sẽ dẫn đầu doanh thu phòng vé và tỷ lệ phát trực tuyến (streaming), kế thừa các ngôi sao Millennials đang dần bước qua giai đoạn mới của sự nghiệp.
Cách kể chuyện mới và sự đa dạng hóa
Nếu Thế hệ X (1965-1980) trưởng thành cùng The Breakfast Club còn Thế hệ Y (1981-1995) là Mean Girls hay Clueless, phim của Thế hệ Z cho thấy một khuynh hướng khác hoàn toàn. Hàng loạt tác phẩm coming-of-age (tuổi mới lớn) như Eighth Grade, Booksmart, Euphoria, The End of the F***ing World… đều khắc họa hình tượng người trẻ chưa từng có tiền lệ. Lối kể chuyện chân thật được thể hiện từ kịch bản cho tới khâu casting là đặc trưng của điện ảnh thế hệ mới. Ví dụ, Eighth Grade là bộ phim đầu tiên do một đạo diễn có xuất thân là YouTuber thực hiện đạt giải thưởng điện ảnh. Chuyện phim kể về cô bé Kayla Day (Elsie Fisher) 13 tuổi với những rắc rối của một Gen Z tiêu biểu trong môi trường học đường – một nữ sinh nhút nhát ngoài đời nhưng lại tự tin trên mạng xã hội. Mạng Internet cho cô bé và các bạn đồng trang lứa cơ hội sống bằng danh tính ảo và bộc lộ những tài năng tiềm ẩn. Tuy nhiên đây cũng là hố ẩn chứa rủi ro, có thể tác động xấu tới những người trẻ đang trong giai đoạn định hình nhân cách.
Là các công dân của thời đại toàn cầu hóa, theo báo cáo của Insight Global, Gen Z được đánh giá là thế hệ chấp nhận và đề cao sự đa dạng (tính hướng, sắc tộc, tư tưởng) nhất từ trước đến nay. Điều này được phản ánh rõ nét trong thái độ của Gen Z với điện ảnh đương đại, và với chính các tác phẩm làm về họ, bất kể ở thể loại nào. Các bộ phim được cho là khắc họa chính xác tâm tư Gen Z có thể trải dài từ hành động tới hài hước hay kinh dị, nhưng điểm chung là đều tôn vinh sự đa dạng, ví dụ như Spiderman: Far from Home; Sex Education; I Am Not Okay With This; Love, Simon… Tuy nhiên, yếu tố đa dạng và bình đẳng cần được thể hiện một cách chân thật. So với các thế hệ trước, Gen Z tinh ý hơn trong việc tiếp nhận thông điệp tiếp thị vì sống trong thế giới ngập tràn quảng cáo từ nhỏ. Một bài học truyền thông điển hình là bản remake The Little Mermaid sắp công chiếu vào 5/2023 của Disney. Việc mời một diễn viên da màu đóng vai nàng tiên cá, trái với kỳ vọng của hãng, đã dấy lên làn sóng chỉ trích dữ dội từ đối tượng xem chính là Gen Z.
BÀI LIÊN QUAN
Điện ảnh trưởng thành cùng thế hệ kỹ thuật số
Thuật ngữ “kỹ thuật số” (digital) xuất hiện vào cuối những năm 1990, đầu những năm 2000. Đây là lý do tại sao Gen Z còn được gọi là “thế hệ kỹ thuật số” – thế hệ đầu tiên trong lịch sử sinh ra và lớn lên cùng Internet. Ngay từ thời thơ ấu, Gen Z đã quen với việc xem phim màu, phim trực tuyến và lưu trữ phim dưới dạng tập tin mềm. Một chiếc máy ảnh quay được video là tài sản quý với các thế hệ trước đó, nhưng với Gen Z chỉ là đồ chơi công nghệ thông thường. Bên cạnh đó là sự phát triển như vũ bão của thị trường thiết kế và phát triển ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh – video. Ngày nay, bất kỳ người trẻ nào cũng có thể trở thành một nhà sáng tạo nội dung kỹ thuật số, thậm chí thực hiện bộ phim của riêng mình bằng hành trang công nghệ hết sức tinh gọn. Không thể phủ nhận rằng sự phát triển công nghệ đã giúp người trẻ đến gần thế giới điện ảnh chuyên nghiệp hơn bao giờ hết.
Năm 2002, đạo diễn George Lucas đã tạo ra một bước ngoặt cách mạng khi thực hiện phần phim Star Wars: Episode II – Attack Of The Clones hoàn toàn bằng máy quay kỹ thuật số Sony HDW 900F. Trước đó, phần lớn phim Hollywood vẫn được quay bằng phim nhựa (thường là phim 35 mm). Chỉ sau 11 năm, số lượng phim quay bằng máy kỹ thuật số đã vượt qua phim nhựa trong 200 phim có doanh thu cao nhất. Hiện nay, những tiến bộ vượt bậc trong việc nghiên cứu và phát triển công nghệ AI sẽ thay đổi cục diện ngành nghệ thuật thứ bảy theo cách khó đoán hơn nữa.
Quy trình sản xuất nhanh chóng, tiết kiệm và dễ dàng hơn đã nối gần khoảng cách giữa các hãng phim lớn và các hãng phim độc lập. Mặt khác, số lượng sản phẩm điện ảnh ra mắt hằng năm cũng nhiều hơn. Phương thức phân phối và trình chiếu vì thế mà ngày càng đa dạng. Giờ đây, chúng ta có thể xem phim tại rạp, trên tivi, qua các nền tảng phát trực tuyến có trả phí và đặc biệt là mạng xã hội.
Netflix được thành lập năm 1997, đến nay đã trở thành nền tảng phát sóng trực tuyến phổ biến nhất thế giới, là khởi nguồn của thói quen “binge-watching” (xem liền một mạch). YouTube, TikTok, Facebook và Instagram Reels đang là những nền tảng mạng xã hội dẫn đầu khi bàn đến nội dung video. Không chỉ vậy, đây cũng là chốn dừng chân chính của các cộng đồng người xem phim trẻ, nơi họ chia sẻ và bày tỏ quan điểm về điện ảnh.
Khẩu vị gen Z thay đổi – Thách thức và cơ hội
Các nghiên cứu được công bố trong năm 2021-2022 của Công ty Công nghệ & Truyền thông Deloitte cho thấy một xu hướng đáng chú ý: người trẻ Mỹ ngày càng dành ít thời gian xem tivi và xem phim hơn thế hệ trước. Trong báo cáo năm 2021, có tới 26% đối tượng Gen Z nói rằng game là phương tiện giải trí hàng đầu, 14% chọn âm nhạc, 11% chọn mạng xã hội và chỉ 10% chọn phim ảnh. Xu hướng này không thay đổi kể cả khi nghiên cứu được mở rộng quy mô vào năm sau, với lượng người tham gia khảo sát trải rộng đến Brazil, châu Âu và Nhật Bản. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi Internet xóa nhòa mọi biên giới và mang thông tin liên tục đi từ quốc gia này sang quốc gia khác, rất có thể Việt Nam cũng không nằm ngoài bức tranh chung ấy.
Sự thay đổi về nhu cầu và hành vi xem phim của Gen Z đòi hỏi các ông lớn ngành điện ảnh phải không ngừng làm mới bản thân. Có thị hiếu khác biệt hoàn toàn so với thế hệ trước và cơ hội tiếp cận nguồn phương tiện giải trí đa dạng, Gen Z thực ra là nhóm đối tượng khán giả khó chiều. Khi ta được ăn món ngon dễ dàng và liên tục, khẩu vị sẽ trở nên tinh tế, khắt khe hơn. Những nền tảng như Disney+, HBO Max và Netflix đang phải nỗ lực từng ngày để giành giật lượt đăng ký mới. Nhiều hệ thống rạp chiếu lớn phải thay đổi phương thức marketing. Các nhà làm phim toàn cầu cũng cần nghiêm túc nhìn nhận, nghiên cứu và lắng nghe Gen Z để mang lại món ăn phù hợp với thế hệ này. Đây là lẽ tự nhiên, là thách thức và cũng là động lực để ngành công nghiệp điện ảnh có những cú chuyển mình thích đáng trong tương lai.
Nhóm thực hiện
Bài: Hải Âu
Hình ảnh: Tư liệu