Với một số người, cảm giác lần đầu tiên đến Sài Gòn là … thất vọng. Háo hức tìm đến hồ Con Rùa thì chẳng thấy rùa đâu, chỉ có cái bùng binh con con, nước thì lúc có lúc không. Chợ Bến Thành nếu không có cái vòm chợ được xem trên báo, trên đài thì có khi đi qua cũng chẳng biết..
Còn những ai hay mơ mộng khi nhắc đến “khung trời đại học”, “con đường có lá me bay” thì hỡi ôi đến nơi rồi thì thấy cũng “bình thường bình thường thôi”.
Những gã trai miền Trung chúng tôi đã cười ngất khi lần đầu tiên thấy ly cà phê Sài Gòn to đùng lại đầy đá như ly chè đậu đen ở ngoài quê. Càng lạ hơn khi thấy anh xích lô, chị bán trái cây vỉa hè giữa trưa nắng hầm hập vẫn chăm chú đọc báo.
Nhưng khi đã ở Sài Gòn một năm, rồi dăm ba năm thì mới nghiệm ra rằng đó mới là Sài Gòn, con người Sài Gòn. Có ai đó đã nói: “Sài Gòn lạ kỳ đến nỗi người ta luôn nhớ về nó ngay khi đang ở trong lòng nó. Và càng ở lâu mới biết mình chưa biết đủ về thành phố này”.
Và rồi khi đọc Gia Định là nhớ Sài Gòn là thương của Cù Mai Công, ta như được giải mã cho những điều chưa biết hết về Sài Gòn.
Lâu nay, khi nói về Sài Gòn người ta vẫn hình dung mảnh đất non trẻ này không có những cuộc binh đao khói lửa như kinh thành Thăng Long, những biến cố lịch sử kinh hoàng như cố đô Huế. Thế nhưng, ẩn sâu trong da thịt của Sài Gòn là những vết sẹo của lịch sử bi thương không ít máu và nước mắt.
BÀI LIÊN QUAN
Bằng những cứ liệu lịch sử thuyết phục tác giả đã đưa người đọc đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác. Chỉ riêng cái chợ Bến Thành hiền lành mà hàng ngày ta vẫn thường qua lại cũng đã trải qua bao biến cố dữ dội. Bi thương nhất là cuộc thảm sát những người có liên quan đến cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi vào năm 1835 được ghi nhận là “mang tính hủy diệt lớn nhất trong lịch sử Việt Nam”. Chợ Bến Thành cũng đã trải qua bao lần “còn tên mất chợ”, cũng tang thương sau bao lần bão lụt, hỏa hoạn.
Cù Mai Công đưa ta quay về với vùng trời hoa mộng của thế hệ học sinh, sinh viên Sài Gòn một thời với những tên tuổi như: Đại học văn khoa Sài Gòn, Đại học Y, Kiến trúc, Luật khoa, Nông lâm súc…Mới biết vì sao lại có những ca khúc hay tuyệt đỉnh như vậy và khi hiểu hết lại càng cảm hơn.
Người đọc như bị cuốn theo “chuyến du hành ngược thời gian” của Cù Mai Công với những câu chuyện về nếp sống thị dân đầu tiên của Sài Gòn thời Pháp thuộc. Thế mới biết hơn 150 năm trước Sài Gòn đã có “Đại lộ cà phê”, trong đó có các tiệm cà phê trứ danh của người Pháp là Café de Lyonnais và Café de Paris … Người Sài Gòn đã khai sinh ra nhiều kiểu pha chế, uống cà phê độc đáo. Bởi vậy nghĩ lại mới thấy mình vô duyên vì “mắc cười”khi thấy ly cà phê như ly chè đậu đen. Giữa cái nhộn nhịp, nóng nực của phố thị thì ly cà phê óc nóc như vậy lại đâm ra “đúng bài”.
Sài Gòn cũng là nơi đặt nền móng cho nền báo chí Quốc Ngữ với những tờ báo có tính chất khai phóng, từng làm rung chuyển chế độ thực dân như: Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn, Gia Định báo, Nhật Trình Nam Kỳ, Phan Yên báo, Thông Loại Khóa Trình, Phụ Nữ Tân Văn… điều đó cũng lý giải từ xưa người Sài Gòn có thói quen thích đọc nhật trình, quan tâm đến thời sự.
Ở lâu ta mới thấy Hồ con Rùa con con như vậy hóa ra mà hay. Nó cho ta cảm giác gần gũi, không cảm thấy mình nhỏ bé, mình bị hèn đi. Dù đến nhiều lần nhưng vẫn thấy nó có sức hút lạ kỳ không lý giải được. Và rồi Cù Mai Công đã giải đáp cho ta biết đây chính là tác phẩm kiến trúc của một kiến trúc sư tài hoa mà giới chuyên môn ngày nay đã không tiếc lời khen ngợi “là một thiết kế táo bạo và lãng mạn giữa Sài Gòn”.
Và còn rất nhiều câu chuyện với những hồn cốt riêng khiến những người lớn tuổi khi đọc có cảm giác ký ức cứ len lỏi qua từng câu chuyện lặng lẽ quay về. Còn đám thanh niên thì háo hức trước những điều mới lạ về Sài Gòn.
BÀI LIÊN QUAN
Ở phần 2 của cuốn sách khi viết về miệt Gia Định, tác giả đã làm sống lại một miền ký ức không kém phần dữ dội. Gia Định vừa là nhân chứng vừa là vật chứng cho những bể dâu của thời cuộc. “Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây, một bàn cờ thế phút sa tay.
Bến Nghé của tiền tan bọt nước
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây…
Bằng trực giác khách quan lịch sử ta cũng ghi nhận những nỗ lực của người Pháp trong việc quy hoạch Sài Gòn – Gia Định với nhiều thách thức thuở ban đầu. Mỗi cây cầu, mỗi con kênh là một câu chuyện riêng độc đáo. Những cái tên như Rạch Nhiêu Lộc, đồn Chí Hòa, ngã ba ông Tạ, ngã tư Bảy Hiền, Lũy Bán Bích, Kinh ruột ngựa… đều in đậm ký ức dâu bể cuộc đời mà mới nhắc là đã nhớ.
Xem thêm
• 13 cặp diễn viên nam và “tình đồng chí” được yêu thích nhất trên phim Hàn
• 10 bộ phim cổ trang Hàn Quốc từng đạt các giải thưởng lớn
• Điều gì làm nên sức hút của bộ phim Hàn Dưới Bóng Trung Điện?
Trước nay đã có nhiều tác giả đủ mọi lứa tuổi, vùng miền viết về Sài Gòn với những cảm xúc và góc nhìn khác nhau. Nhưng khi đọc “Gia Định nhớ Sài Gòn thương” của Cù Mai Công thì dù là người xứ ngoài, người xứ nẫu vẫn cảm thấy rưng rưng. Té ra mảnh đất cứ ngỡ là làm chơi ăn thật này cũng trải qua bao phen binh lửa, lắm nỗi tang thương. Người Sài Gòn cũng như cái chợ Bến Thành không cần những cái bảng hiệu to đùng. Muốn nhớ muốn thương thì phải tự cảm nhận từng ngày một, từng chút một. Và ai đã lỡ phải lòng mảnh đất này thì sẽ thấy cái thương, cái yêu của mình được đặt đúng chỗ.
Bởi vậy mới có chuyện. Không Sài Gòn vẫn thương vẫn nhớ.
Nhóm thực hiện
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE