Kể từ ngày 9/1/2020, các vụ cháy rừng đang tiếp tục hoành hành khắp các khu vực phía Nam và Đông nước Úc. Chris Dickman, một chuyên gia về đa dạng sinh học Úc tại Đại học Sydney cho biết, gần 1 tỷ động vật đã chết, thậm chí, một số loài còn có nguy cơ tuyệt chủng vì thảm họa. Rất nhiều hình ảnh tang thương diễn ra khắp nước Úc, đặc biệt với gấu túi (koala), chuột túi (kangaroo) và các loài động vật quý hiếm.
Thiệt hại đến 15,6 triệu mẫu đất, nước Úc không chỉ đứng trước nguy cơ thiếu hụt đất canh tác mà còn thiếu chỗ sinh sống, nguồn lương thực cho các loài vật. Vì vậy, ngày đêm luôn có những người chiến sĩ không tiếc thân mình lao vào “hỏa diệm sơn” chữa cháy lẫn cứu nguy cho các sinh vật trong rừng. Những hành động cao đẹp được tạo nên, mang đến nhiều hy vọng, sự sẻ chia, giúp nhân rộng nhiều tấm lòng nhân ái. Và dưới đây là 7 câu chuyện cảm động về giải cứu động vật trong các vụ cháy rừng vừa qua trên nước Úc.
1. Chó nghiệp vụ hỗ trợ tìm gấu túi (koala)
Một nhóm huấn luyện động vật bao gồm tổ chức Working Dogs for Conservation đã đào tạo những chú chó nghiệp vụ cách tìm ra những chú gấu túi còn sống sau đám cháy từ mùi hương. Tháng 11 vừa qua, Bear – một chó lai giữa giống Collie và Koolie – đã tìm ra nơi trú ẩn của những chú gấu túi còn sống sót ở khu bảo tồn bản địa ở Ballina, nơi ngọn lửa từ vụ cháy rừng không với tới. Ngoài ra, chú chó con Springer Spaniel Anh Quốc, Taylor, cũng đã hỗ trợ tìm ra 8 chú gấu túi cả mẹ lẫn con.
2. chàng giám đốc công viên hoang dã đưa động vật về nhà mình
Đầu tháng Một, một cơ quan truyền thông tại Úc ghi nhận, giám đốc Công viên Động vật hoang dã Mogo ở New South Wales đã nâng cấp công việc hiện tại lên cấp độ mới. Khi đám cháy dần bành trướng đến gần sở thú vì những cơn gió, đe dọa sinh mạng 200 loại vật như hổ, tê giác và rất nhiều động vật quý hiếm, Staples đã thực hiện việc giải cứu đặc biệt cho các loài vật bằng cách đưa chúng về nhà mình. Nhờ kế hoạch táo bạo này, một vài chú khỉ con, hổ, gấu trúc đỏ, một trong số các loài vật có nguy cơ tuyệt chủng, đã thoát khỏi ngọn lửa dữ. Cùng với nỗ lực chữa cháy không mệt mỏi của mọi người xung quanh sở thú, tất cả động vật nơi đây đều được giải thoát một cách an toàn.
3. thợ săn trở thành người cứu hộ
Vào ngày 4/1, truyền thông Úc phát đi một tin tức vui tươi về Patrick Boyle, một thợ săn 22 tuổi. Anh đã chọn ở lại thị trấn đang cháy sém Mallacoota, Victoria để giải cứu động vật hoang dã, khi các nỗ lực giải cứu của chính phủ bị trì hoãn vì ngọn lửa bao quanh dữ dội. Người thợ săn giải thích với truyền thông về quyết định ở lại rằng, anh cảm thấy trách nhiệm của mình là làm hết sức có thể để cứu lấy động vật hoang dã địa phương. Tổng cộng, người thợ săn đã cứu thoát 8 đến 9 chú gấu túi, đưa chúng đến trung tâm cứu hộ động vật hoang dã trong vùng.
4. hàng ngàn sản phẩm đan len được gửi đến úc
Thảm họa tuy hủy hoại nhiều điều nhưng cũng giúp sự sáng tạo của con người trở nên vô hạn. Tương tự như vụ chim cánh cụt trên đảo Phillip được mặc áo len sau sự cố tràn dầu, những chú gấu túi lần này cũng được hỗ trợ như thế. Hàng ngàn sản phẩm đan len từ khắp nơi trên thế giới đã được gửi đến nước Úc làm găng tay, chân bảo hộ cho các con vật bị thương (gấu túi, chuột túi, dơi). Từ 7/1, các khoản đóng góp từ 40 bang của Mỹ và Puerto Rico, các quốc gia châu Á và Âu, đã được gửi đến Hiệp hội cứu hộ động vật. Đây là trường hợp điển hình cho câu tục ngữ: “Cái khó ló cái khôn”, chứng minh sức sáng tạo tiềm ẩn của con người.
5. thành lập trung tâm lưu trữ vật tư hỗ trợ động vật hoang dã
The Rescue Collective, một tổ chức cứu trợ động vật có trụ sở tại thành phố Brisbane, đã tích trữ tất cả các loại vật tư để giúp đỡ động vật hoang dã thức ăn, nước uống, thuốc, các thiết bị khác và thiết lập các trung tâm lưu trữ, gửi đến những nơi cần thiết. Bắt đầu từ 8/1, trang Facebook của tổ chức trên đã thông báo nhận được lượng lớn sản phẩm quyên góp đến mức họ nghĩ về việc tạm ngưng một thời gian trước khi nhận thêm. Câu chuyện cho thấy sự hào phóng của người dân trên toàn cầu, họ không chỉ lan tỏa tình thương mà còn góp sức từ những sản phẩm vật chất.
6. Tìm nơi trú ẩn
Dù chúng ta có cố sức chuẩn bị cho các thảm họa thế nào, sự hủy diệt của môi trường trong các tình huống khẩn cấp luôn có cơ hội xảy ra. Thảm họa có ảnh hưởng nghiêm trọng từ gia súc, gia cầm được chăn nuôi đến động vật hoang dã. Trong lúc cố gắng chạy thoát khỏi ngọn lửa, người dân không thể mang theo bầy vật bên cạnh. Hơn nữa, các hầm trú ẩn cũng không được xây dựng để chứa động vật, thế nên, việc di chuyển cùng vật nuôi rất không khả thi. Tuy nhiên, tờ Guardian đã đưa tin về các trung tâm trú ẩn chấp nhận tất cả các loài động vật như chó, mèo, ngựa… giúp chủ nhân và vật nuôi của họ thoát khỏi sự chia cắt vì lửa.
7. Lòng tốt từ những người xạ lạ
Với những trường hợp trung tâm cứu trợ không thể nhận thêm động vật, những người xung quanh đã mở rộng vòng tay giúp đỡ. Cô sinh viên Erin Riley đã mở cửa chuồng cỏ để cung cấp nơi trú ẩn cho động vật bên ngoài lưu lạc vì cháy rừng. Khi nhu cầu vượt xa nguồn cung, Erin đã thành lập một cơ sở dữ liệu cho các tình nguyện viên với tên gọi Find A Bed, là nơi cung cấp chỗ nghỉ ngơi cho người và động vật. Với sự vận hành của 40 tình nguyện viên, dịch vụ đã nhận được 3.500 sự trợ giúp của những người xa lạ trên khắp nước Úc, Canada, Mỹ.
Nhóm thực hiện
Bài: Diễm Ái Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Reader\'s Digest