Văn hóa / Thế giới văn hóa

Câu chuyện của những Bàn Tay: Khi lao động chữa lành cảm xúc

Trở lại triển lãm "Câu chuyện của những Bàn Tay" chỉ vài ngày sau hôm khai mạc, tôi nhận thấy một nửa số tranh đã có người mua. Rõ ràng, tranh của các bạn trẻ - mà chúng ta vẫn cho là bất bình thường - đã tiếp cận được với nhiều người, đã được đón nhận và được trân trọng như những tác phẩm nghệ thuật thực thụ.

trien lam tranh 2

Nhiều người hỏi tôi, sao đi triển lãm tranh mà mua về nào bánh mứt, nào dầu gội, nào trà, nào nhang…? Tôi lại phải đính chính, đây không phải là triển lãm tranh, đây là triển lãm những câu chuyện. Đó là câu chuyện của những bàn tay chăm chỉ đã làm nên rất nhiều sản phẩm có ý nghĩa. Đó là câu chuyện về những thầy cô đã chỉ dạy, dìu dắt các bạn gặp rối loạn về phát triển. Đó là câu chuyện của nhóm Giáo dục Cảm xúc – những người luôn hướng cộng đồng đến với việc thấu hiểu, yêu thương và có cái nhìn công bằng dành cho các bạn đang có khiếm khuyết về trí tuệ. Tất cả sản phẩm ở triển lãm đều là thành quả từ sự góp sức của những bàn tay ấy, là minh chứng cho những câu chuyện được kể chung bởi rất nhiều người.

trien lam tranh

Thầy Long, thầy Khánh và các bạn rối loạn phát triển ở Tịnh Trúc Gia trong buổi khai mạc triển lãm.

trien lam tranh

Lãm là một bạn bị tự kỷ và tăng động. Bây giờ, Lãm là “picasso trong lòng thầy Long”.

trien lam tranh

Cá nhân tôi rất thích tranh của Công. Tranh của Công thường có mặt trăng, mặt trời, hoa sen, mang lại cảm giác tĩnh tại khó tả. 

Phương pháp trị liệu “ngược” – Làm việc để giải phóng năng lượng và giải tỏa cảm xúc

“Câu chuyện của những Bàn Tay” diễn ra mỗi ngày ở một “ngôi trường” mang tên Tịnh Trúc Gia, nằm ẩn mình giữa thành phố Huế, sâu bên trong con ngõ nhỏ được bao quanh bởi những bụi tre, bụi trúc và hoa sứ trắng thơm lừng. Tịnh Trúc Gia là trung tâm giáo dục, dạy nghề cho các bạn trẻ có rối loạn phát triển do Tiến sĩ Hà Vĩnh Thọ, Giám đốc Trung tâm Chỉ số Hạnh phúc Quốc gia Bhutan, sáng lập năm 2009, thuộc quỹ Eurasia của Thụy Sĩ.

trien lam tranh

Hoa súng trong hồ nước giữa sân. Tịnh Trúc Gia có rất nhiều cây và hoa, điều này thể hiện rất rõ trong tranh của các bạn.

Càng ngày, số lượng trẻ mắc những hội chứng rối loạn phát triển như tự kỷ, tăng động, đao… ngày càng tăng. Trẻ em rối loạn phát triển, nếu bị ép phải hòa nhập với cộng đồng, phải đi học, phải ngồi trong bốn bức tường tù túng… sẽ dẫn tới mất kiểm soát cảm xúc. Đặc biệt là các bạn đang tuổi dậy thì, vừa có vấn đề về trí tuệ, vừa có những thay đổi về tâm sinh lý mà môi trường càng gò bó, càng tách biệt, các bạn lại càng không điều chỉnh được hành vi của mình. Khi đó, phụ huynh hoặc sẽ gửi con đi học ở trường chuyên biệt, cho con uống thuốc, hoặc sẽ giữ con ở nhà và chỉ cho ngồi một chỗ, không làm việc gì.

Vấn đề là, tại sao các bạn phải học toán, học văn trong khi các bạn không bao giờ dùng tới? Tại sao các bạn lại bị tước đi quyền làm việc như một người bình thường chỉ vì không đáp ứng được những đòi hỏi quá cao của chúng ta? Điều đó là bất hợp lý, là không công bằng với các bạn.

Tại Tịnh Trúc Gia, các bạn có nửa ngày học kiến thức, nửa ngày lao động. Các bạn được quyền lựa chọn (hoặc được thầy cô hướng dẫn) làm việc ở xưởng nghề phù hợp với sở thích, khả năng của mình như xưởng tranh sơn mài, xưởng chế biến thực phẩm (làm bánh, mứt, trà), xưởng làm nhang và đồ thủ công mỹ nghệ, vườn rau sạch Biodynamic, Trà quán – nơi các bạn pha chế thức uống do chính mình làm ra cho khách phương xa ghé thăm. Và tất cả những gì các bạn học sẽ được ứng dụng vào chính công việc mà các bạn đang làm. Ví dụ, các bạn ở xưởng nhang học đếm được từ 1 đến 10 bằng cách đặt từng cây nhang vào một tấm bìa các-tông được chia thành 10 ngăn, đặt đủ nhang vào 10 ngăn thì bó lại thành một bó. Cách học trực quan như thế chắc chắn sẽ bớt khó khăn hơn đối với các bạn. Thông qua những kỹ năng này, khi trưởng thành, các bạn vẫn có thể tự tìm cho mình một công việc, vẫn có thể tự nuôi sống bản thân chứ không còn là gánh nặng cho gia đình, xã hội nữa.

Vườn Biodynamic vừa là nơi thực hành, vừa là nơi cung cấp rau cho bữa ăn hàng ngày của các bạn, cung cấp nguồn nguyên liệu cho các sản phẩm chế biến.

Mặt khác, lao động còn là phương pháp trị liệu vô cùng hữu hiệu. Khác với phần lớn chúng ta – làm việc vì cơm, áo, gạo, tiền – các bạn làm việc vì thích, vì vui. Khi làm ra một cây nhang, lọ mứt, các bạn tự kỷ cảm thấy hạnh phúc. Khi đẩy xe cút kít đi làm vườn, các bạn tăng động giải phóng được năng lượng dư thừa. Khi vẽ tranh, các bạn khiếm khuyết về ngôn ngữ có thể bày tỏ những suy nghĩ, cảm xúc của mình. Thay vì ngồi ù lì một chỗ, dồn nén mọi sự bức bối và thể hiện chúng bằng sự giận dữ, la hét… thì các bạn được giải tỏa, được thấu hiểu. Dần dần, các bạn kiểm soát hành vi tốt hơn. Đó chính là trị liệu.

Tình yêu bền bỉ và niềm tin vô điều kiện

Mỗi người chúng ta đều sở hữu 3 thứ: Head (trí tuệ), Heart (cảm xúc) và Hand (hành động). Các bạn ở Tịnh Trúc Gia gặp vấn đề ở não bộ, nhưng nhờ đôi bàn tay làm việc và trái tim đong đầy cảm xúc, các bạn có thể được chữa lành. Nhưng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nếu không có những thầy cô dành hết tình yêu thương và sự kiên nhẫn cho các bạn.

Tôi từng ghé thăm Tịnh Trúc Gia, từng chứng kiến các bạn “lên cơn”. Có bạn thì la hét, vùng vẫy, có bạn chạy tán loạn khắp nơi, có bạn lại ngồi im một chỗ liên tục lầm bầm thứ ngôn ngữ khó hiểu. Nhưng tuyệt nhiên không có một tiếng la mắng, dọa nạt từ phía thầy cô. Tôi thấy thầy Long ôm cậu nhỏ tăng động lại, đặt trước mặt cậu chiếc bảng đen và viên phấn màu. Cậu nhỏ sau vài lần ném phấn lung tung nhưng vẫn được thầy Long đưa cho viên phấn khác, đã chịu ngồi im, vẽ nguệch ngoạc. Có bạn phải mất tới 15 năm chỉ để học nói “Xin chào”, “Cảm ơn”. Có bạn cho đến bây giờ chỉ mới học được cách cầm muỗng tự múc cơm ăn. Nhưng với các thầy cô ở Tịnh Trúc Gia, đó là thành công. Cần bao nhiêu kiên nhẫn để các thầy cô không bỏ cuộc trong ngần ấy năm? Cần bao nhiêu yêu thương để họ có thể thấu hiểu và ân cần đến vậy?

Vẽ tranh là cách các bạn thể hiện suy nghĩ, cảm xúc và kể lại câu chuyện của riêng mình bằng thế giới quan vô cùng độc đáo.

Tôi vẫn nghĩ, nếu mô hình này mở rộng ra cả nước thì tốt quá. Thế rồi, tôi lại nhận ra, cái khó nhất là tìm được những người giống như thầy cô ở Tịnh Trúc Gia. Trên cả kiến thức, tình yêu thương hay lòng kiên nhẫn, điều khiến họ có thể thành công trong việc “chữa lành” cho các bạn, với tôi, đó là sự tin tưởng. Họ tin vào những điều tốt đẹp vẫn luôn hiện hữu trong tâm hồn của các bạn; tin vào khát khao được chia sẻ, được hòa nhập; tin vào khả năng lao động, khả năng sáng tạo và những nỗ lực phi thường của các bạn. Đó là niềm tin mà chúng ta thường không có được khi nhìn vào những bạn trẻ khiếm khuyết. Rồi từ đó, chúng ta đẩy họ ra xa, tước đi cái thế giới mà vốn dĩ họ phải được sống, như bất cứ ai trên đời.

Thế nên, khi bạn có đủ tin tưởng, đủ yêu thương, đủ kiên nhẫn, bạn hoàn toàn có thể tự tạo nên “Tịnh Trúc Gia” cho riêng mình.

trien lam tranh

Một góc vườn bình yên.

Nhóm thực hiện

Bài & ảnh: Đoàn Trúc (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)