Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Review sách hay] Giờ Đức Văn – Mở kho ký ức, thăm dò quá khứ

Chọn cho mình đề tài và phong cách rất riêng, Lenz tập trung khai thác đất nước và con người Đức trong sự đối lập trước và sau Thế chiến thứ 2, để hiểu được những day dứt lẫn tội lỗi của dân tộc mình.

Siegfried Lenz cùng với Günter Grass, Heinrich Böll, Martin Walser được coi là bốn nhà văn hậu chiến xuất sắc nhất của Đức. Lấy bối cảnh là miền đất nơi ông sinh ra với những cơn gió thổi tung cả người, với những tiếng hải âu quàng quạc không dứt, Giờ Đức văn, tác phẩm nổi tiếng nhất đã bán được hàng chục triệu bản của Lenz, kể lại câu chuyện của cậu bé Siggi vào năm 1943 và 1954, làm bật lên cách con người có thể lùng sục quá khứ để tái tạo lại nó.

Giờ Đức văn là một tác phẩm có kết cấu chuyện lồng trong chuyện. Năm 1954, trong một trại cải tạo dành cho thanh thiếu niên trên một cù lao biệt lập, Siggi Jepsen bị nhốt trong một phòng giam để hoàn thành cho xong bài tập “Niềm vui của nghĩa vụ” của một giờ Đức văn. Bị hiểu nhầm là cố tình chống đối, nhưng thực ra Siggi quá quen với đề tài này nên không biết bắt đầu từ đâu để phân tích cho ngọn ngành cái niềm vui bổn phận. Khi được cho một thời hạn thoải mái, Siggi bèn bắt tay vào dựng lại quá khứ, sự kiện bắt đầu vào năm 1943, khi người bố của cậu, ông cảnh sát ở trạm Rügbull nhận được lệnh mà ông phải tống đạt và thi hành tuyệt đối: Lệnh cấm vẽ lên ông hàng xóm, Max Nansen, một họa sĩ thuộc trường phái ấn tượng bị nhà nước coi là vẽ tranh đồi trụy.

Giờ Đức văn, có một khái niệm được tác giả đặc biệt quan tâm, đó là nghĩa vụ. Trong cả tiến trình câu chuyện, Lenz cho độc giả thấy không chỉ các cách hiểu khác nhau về nghĩa vụ, không chỉ niềm vui, mà còn là tác hại của nghĩa vụ, và hơn hết, còn đặt ra một câu hỏi day dứt về giới hạn của nghĩa vụ. Gần như ba nhân vật chính của Giờ Đức văn không thoát nổi gánh nặng của bổn phận. Ông cảnh sát phải thi hành những gì Berlin giao vào tay ông, và thực thi chúng với niềm vui bất tận. Ông họa sĩ thì bị một nghĩa vụ cao cả hơn chi phối, bổn phận với nghệ thuật, nên ông càng phải vẽ, càng phải chống đối. Và cuối cùng, nghĩa vụ ảnh hưởng lên cả cậu bé Siggi, người bị kẹt ở giữa. Ban đầu cậu bé chỉ cố giấu đi những bức tranh bị chính bố mình tịch thu và tiêu hủy. Nhưng về sau, cậu thấy mình có nghĩa vụ phải bảo vệ cả những bức tranh bất kỳ mà cậu nghĩ là có khả năng bị rơi vào hiểm họa.

Giờ Đức văn chuyện lồng chuyện

Mua tại đây

Ở cái vùng đất hẻo lánh cực Bắc nước Đức liền sát Đan Mạch, ta tưởng chừng Đệ nhị thế chiến gần như không có một tác động gì lên đời sống của người dân. Ấy vậy mà, chiến tranh với những khốc liệt của nó vẫn giằng xé và tác động một cách sâu rộng lên từng hành vi của những người dân nơi ấy. Giờ Đức văn, chính vì thế, là một suy nghiệm đầy day dứt về sự mâu thuẫn giữa lương tâm và đạo đức, giữa hiện tại và quá khứ, giữa quyền lực và vai trò của cá nhân, giữa nghệ thuật và thể chế cầm quyền. Đặc biệt, nó còn là những trải nghiệm đầy đau khổ về gia đình, về những gì mà bố mẹ có thể đẩy con cái mình vào, và những gì con cái có thể làm để chống lại chính bố mẹ mình.

Xuyên suốt những năm ấu thơ, Siggi chỉ làm một việc thuần túy là quan sát. Giờ đây, ở cái tuổi 21, lần đầu tiên một cách chủ động, Siggi trở thành một đạo diễn: hình dung ra phục trang và hành động cho từng người quen biết và dựng lại toàn bộ bối cảnh các câu chuyện. Tất cả xuất hiện một cách chi tiết trong bài luận của Siggi. Năm xưa, ông họa sĩ Nansen đã dạy Siggi rằng, “Nhìn không có nghĩa là thu nhận cái gì đó, rồi thôi, coi như xong… Ta bắt đầu biết cách nhìn, khi ta không còn đóng vai kẻ quan sát đứng ngoài cuộc nữa, ta chỉ bắt đầu biết cách nhìn khi ta hư cấu ra, bày đặt ra những gì ta muốn có”. Thấm nhuần lời dạy ấy, Siggi đã vẽ lại bằng ngôn từ, từ cảnh quan tới mọi sự kiện trong hồi ức ở vùng quê gắn bó máu thịt với cậu.

Nhà phê bình danh tiếng Peter Boxall, người đã đưa Giờ Đức văn vào danh sách “1.001 cuốn sách phải đọc trước khi chết”, nhận xét rằng, “Điều mà Siggi đạt được trong Giờ Đức văn của riêng cậu – một cuộc khảo cứu lịch sử của riêng cậu – cũng có thể áp dụng, trên bình diện lớn, lên cái mà Lenz coi là nhiệm vụ của văn học Đức nói chung: tìm lại và chiêm nghiệm quá khứ để hiểu hiện tại”. Những tập vở mà Siggi ghi chép dày đặc là tác phẩm anh dành cho chính mình, không phải cho ai khác. Cái Siggi cần không phải là bối cảnh giảm nhẹ tội, không phải là những dòng bào chữa, mà là một cái khác: Những mô tả của anh nhằm phơi bày triệu chứng bệnh lý của anh (và của cả một đất nước, một dân tộc). Siggi mở kho ký ức, để có thể sống tiếp với hiện tại. Hoặc không.

Nhóm thực hiện

Bài: Zét Nguyễn Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)