[Giới thiệu sách hay] Ăn gì cho khỏi thần kinh
Những tưởng dinh dưỡng và tâm thần là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, thế nhưng, những thực phẩm ta ăn lại có thể phản ánh những gì ta nghĩ.
Tương quan hai chiều
Tự cổ chí kim, quan hệ phức tạp giữa não và ruột đã được chú ý. Ông tổ của ngành y học – Hippocrates – đã từng nói rằng: “tiêu hóa không tốt là căn nguyên của tất thảy tai ương”, cũng như “tử thần đang ngồi ngay trong ruột ta”. Tuy vậy, không phải thời nào tương quan này cũng được khảo sát.
Bằng các nghiên cứu trong 3 lĩnh vực: dinh dưỡng, tâm thần và nấu ăn, bác sĩ Uma Naidoo qua cuốn Ăn gì cho khỏi thần kinh đã chứng minh việc thiếu đi các lựa chọn ăn uống tối ưu sẽ dẫn đến sự gia tăng các vấn đề sức khỏe tâm thần. Và ngược lại, các vấn đề này cũng dẫn đến thói quen ăn uống không được lành mạnh. Đó là quan hệ hai chiều và rất khắng khít. Do đó, trước khi chúng ta giải quyết triệt để câu chuyện ăn uống, chẳng có loại thuốc hay liệu pháp nào ngăn nổi xu hướng gia tăng các vấn đề sức khỏe tâm thần trong xã hội hiện nay.
Dựa trên cơ sở khoa học, bác sĩ Uma Naidoo cho biết, một số thực phẩm có thể thúc đẩy quá trình sinh trưởng của các vi khuẩn hữu ích, trong khi một số khác lại ức chế nhóm lợi khuẩn này. Vì vậy, lựa chọn thực phẩm phù hợp có khả năng điều hướng sự phát triển của các nhóm lợi khuẩn trong cơ thể, khiến thực phẩm gián tiếp trở thành một trong những phương thuốc điều trị sức khỏe tâm thần hiệu quả, đôi khi mang lại kết quả tối ưu với mức giá rẻ hơn và có rất ít tác dụng phụ.
Nhưng việc ăn đúng cách và lựa chọn thực phẩm phù hợp cũng không phải là tất cả. Tác giả Uma Naidoo cũng chỉ ra rằng lối sống đóng vai trò rất quan trọng, do đó, bí quyết để phát triển toàn diện là vừa dành sự quan tâm cho tâm thần học dinh dưỡng, vừa duy trì một lối sống lành mạnh.
Ăn gì tốt cho tâm thần?
Xuất phát từ đam mê nấu ăn, chuyên ngành tâm thần cũng như kinh nghiệm thực tiễn trong việc chữa bệnh của tác giả Uma Naidoo, Ăn gì cho khỏi thần kinh có văn phong gần gũi và thông tin cụ thể, dễ áp dụng theo từng hội chứng tâm thần phổ biến. Từ trầm cảm, lo âu, rối loạn căng thẳng hậu chấn, rối loạn tăng động giảm chú ý; cho đến sa sút trí tuệ và sương mù não, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, mất ngủ và mệt mỏi, rối loạn lưỡng cực, dục năng suy giảm… tất cả đều được khảo sát một cách rõ ràng. Đi từ phân tích cơ chế sinh học cho đến lựa chọn thực phẩm, cuốn sách gồm các chương độc lập để bạn đọc có thể dễ dàng tra cứu và ứng dụng trong nhiều trường hợp. Có thể nói, đây là một cuốn cẩm nang chăm sóc sức khỏe dành cho gia đình.
Theo nữ tác giả, nhìn chung, ta nên tránh những thực phẩm gây hại như: chất làm ngọt nhân tạo (trong các thức uống thường được quảng cáo là để giảm cân hay không calo), thực phẩm chiên rán, các chất béo xấu, đường, carbohydrate có chỉ số đường huyết cao (như thực phẩm làm từ bột mì tinh luyện) cũng như có gốc nitrat (có trong xúc xích, salami…). Thay vào đó, ta nên lựa chọn nguyên liệu thuộc nhóm thực vật, các loại quả mọng cũng như trái cây có màu rực rỡ. Bác sĩ Uma Naidoo cũng khám phá ra rằng, đối với hầu hết các bệnh tâm thần, chế độ ăn Địa Trung Hải (nhiều rau xanh theo mùa, chủ yếu là các món salad), cùng với chế độ ăn Na Uy (có thêm hải sản) và chế độ ăn Nhật Bản (có thêm thực phẩm lên men, như dưa muối, kim chi…) đều có những tác động tương đối tích cực.
Dù vậy, việc thay đổi chế độ ăn nên được thực hiện một cách tuần tự, kèm theo quá trình cắt giảm linh hoạt, có sự quan sát, theo dõi để không bị sốc hay có những phản ứng nặng nề. Tác giả cũng khuyến khích ta ăn vừa phải, thậm chí là với những thực phẩm tốt, đồng thời ý thức hơn về sự cân bằng giữa cách ta ăn và thứ ta ăn. Ngoài ra, việc kết hợp các loại thực phẩm khác nhau, bổ trợ cho nhau cũng sẽ tạo ra tác dụng khác biệt.
Cuốn sách cho thấy, một chế độ ăn hợp lý có nhiều tiềm năng giúp ta điều trị cũng như ngăn ngừa những vấn đề về sức khỏe tâm lý. Vì vậy, ngay từ bây giờ, hãy quan tâm hơn đến chuyện ăn uống vì nó có thể tối đa hóa sức mạnh kỳ diệu cho bộ não của bạn.
Ăn Gì Cho Khỏi Thần Kinh
Bài: Ngô Minh
Hình ảnh: Tư liệu