Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Giới thiệu sách hay] Công dân toàn cầu – Công dân Vũ trụ

Cuốn sách mới sẽ giúp giải mã cụm từ “Công dân toàn cầu” và xa hơn nữa là “Công dân vũ trụ” từ góc nhìn của một người có dư mọi tiêu chuẩn của một công dân toàn cầu: Giáo sư Phan Văn Trường, cố vấn của chính phủ Pháp về Thương mại quốc tế.

Cuốn sách này tôi viết trước tiên để trả lời cho câu hỏi “Thế nào là công dân toàn cầu”. Chúng ta đang sẵn là công dân Vũ trụ, ngay lúc này, ngay tại đây. Và tất nhiên chúng ta đang mang một sứ mệnh. Chính vì thế mà tinh thần “công dân toàn cầu” không thể là một xu thời, mà còn phải được hiểu như một sự tự giác tu thân”.

sách công dân toàn cầu
Ảnh: NXB Trẻ

Ngay từ đầu sách là một câu trích của triết gia Socrates: “Tôi không phải là công dân của riêng thành phố Athens hay nước Hy Lạp, mà còn là một công dân toàn cầu”. Nói như vậy, “công dân toàn cầu” không phải là một khái niệm mới có gần đây, nhưng là một khái niệm được nhắc đến nhiều gần đây, với không ít ngộ nhận.

Công dân toàn cầu, theo giáo sư Phan Văn Trường, là một phong thái văn hóa. Khó lòng đưa ra định nghĩa cho khái niệm này giữa những tiêu chuẩn vật chất. Giáo sư Phan Văn Trường đã chọn một cách đặc biệt: Chia sẻ về cuộc sống của những người mà ông từng gặp và cho rằng họ đang sống và làm việc như một công dân toàn cầu, rồi để độc giả tự đúc kết cho mình cảm nhận riêng. Những người được mô tả trong sách có một doanh nhân trẻ, một chú bé người Việt, một người phụ nữ Pháp gốc Việt, hoặc một doanh nhân vĩ đại người Mexico. Họ khác nhau về quốc tịch, giới tính, độ tuổi, công việc, nếp sống… nhưng họ là công dân toàn cầu.

Theo cách đó, ông dẫn bạn đọc lần lượt qua 10 chương sách đầy cuốn hút:

  • Chương 1: ADN của những công dân toàn cầu
  • Chương 2: Những kiểu người tiêu biểu qua nhiều thời đại
  • Chương 3: Công dân toàn cầu đầu tiên tôi từng gặp
  • Chương 4: Công dân toàn cầu nhỏ tuổi nhất tôi từng gặp
  • Chương 5: Một nữ “công dân toàn cầu” đặc biệt
  • Chương 6: Một công dân toàn cầu thật ấm áp
  • Chương 7: Công dân toàn cầu đi dự đại tiệc
  • Chương 8: Văn hóa làm việc và hành xử của công dân toàn cầu
  • Chương 9: Những điều tối kỵ với công dân toàn cầu
  • Chương 10: Thông điệp thầm kín của vũ trụ

Nếu có người có đầy đủ tư cách để đưa ra định nghĩa về công dân toàn cầu, thì đó hẳn là giáo sư Phan Văn Trường và những trải nghiệm phong phú của ông. Ông sinh ra ở Việt Nam, có vợ là người Việt, nhưng “lớn lên ở Mã Lai, hồi bé học toàn bằng Pháp ngữ, làm việc suốt đời bằng tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha, phải bập bẹ cả tiếng Thái, tiếng Bahasa Indonesia và Malaysia”. Ông làm việc trong doanh nghiệp có văn phòng trên 60 nước, đi thăm các cơ sở đó mỗi năm, luôn cầm hai hộ chiếu… Nhưng giáo sư cho rằng: “Không phải cứ có kích thước quốc tế mà có thể tự cho nhãn hiệu công dân toàn cầu”.

Theo ông: “Làm công dân toàn cầu trước tiên phải là một công dân, trước khi nghĩ đến chuyện toàn cầu”. Ông khẳng định: Vũ trụ đã tạo ra chúng ta để yêu thương, để biết yêu thương, để cho trọn tình yêu thương. Nội dung phải đi trước hình thức. Có chân dung của một con người quốc tế là chưa đủ, còn cần sự nhìn nhận tự thân rằng mình thuộc một cộng đồng con người mà Vũ trụ đã tạo ra để mang một sứ mệnh, không ngừng xây dựng một xã hội văn minh hơn, nhân ái hơn, trong lành hơn.

Theo giáo sư, tinh thần “công dân toàn cầu” không thể là một xu thời, mà còn phải được hiểu như một sự tự giác tu thân, và “cuộc sống lý tưởng nhất là thuận tự nhiên”. Từ thời nguyên thủy, chúng ta đã sẵn là công dân Vũ trụ.


Xem thêm

[Review sách hay] How we learn – Chúng ta nên nghĩ thế nào về việc học?

6 tựa sách hay về chủ đề LGBTQ+ cho tháng tự hào

[Giới thiệu sách hay] Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch


Bàn về “ADN của những công dân toàn cầu”, giáo sư nhắc đến nhiều tên tuổi lớn từ cổ chí kim để minh họa cho những phẩm chất của công dân toàn cầu. Nhà vật lý thám hiểm thế kỷ XIX Livingstone thường sống một mình ở rừng nguyên sinh, với châm ngôn: “Tôi sẵn sàng ở bất cứ nơi nào trên Trái đất này, miễn là nơi đó cho phép tôi tiến lên và phát triển”. Triết gia Socrates là một trong những người đầu tiên chỉ ra rằng ta phải biết bảo vệ địa cầu, bảo vệ tự nhiên và sinh vật. Ông Alexandre Yersin cống hiến rất nhiều cho nhân loại, sống thoải mái ở Nha Trang hàng chục năm liền. Giáo sư Phan Văn Trường cho rằng “đây là cá tính hiếm có mà công dân toàn cầu nào cũng sở hữu ít nhiều: Ở bất cứ nơi nào trên thế giới cũng thích ứng nhanh chóng”.

Với lối phân tích đó, tác giả lần lượt nhắc tiếp các vị Nguyễn Du, Phan Bội Châu, Trương Vĩnh Ký, một cậu bé ông gặp ở bãi biển… với những đóng góp cho nhân loại. Từ đó, ông cũng vạch ra những “tiêu chuẩn thừa” trong một số định nghĩa về công dân toàn cầu hiện nay, và từ những điểm chung của các vị nói trên tìm ra những tiêu chuẩn tiệm cận sự chính xác hơn.

Những ai đã từng đọc các tác phẩm về quản trị, thương thuyết và kinh thương trước đây của giáo sư Phan Văn Trường (Một đời quản trị, Một đời như kẻ tìm đường, Một đời thương thuyết) sẽ thấy cuốn sách này có sự khác biệt với những tác phẩm trước ở chủ đề và đối tượng hướng tới: Quyển sách này dành cho tất cả mọi người thay vì những doanh nhân, đối ngoại hoặc quản trị. Bởi công dân toàn cầu – công dân vũ trụ sẽ là bước phát triển tất yếu của mỗi cá nhân trong tương lai, mỗi cá nhân đều có thể tìm thấy gợi ý từ quyển sách này để hoàn thiện chính mình.

TRÍCH ĐOẠN

Công dân toàn cầu có phải là người biết sử dụng nhiều ngoại ngữ?

Không nhất thiết phải như vậy. Nói tiếng gì cũng được, đừng quên một người chỉ có một nguôn ngữ duy nhất vẫn có thể là công dân toàn cầu…. chưa chắc một ai đó nắm vững nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Đức, Nhật… sẽ tự động trở thành một công dân toàn cầu. Tuy nhiên nếu ai đó biết nhiều thứ tiếng, họ sẽ dễ mở mang trí óc, được trông thấy nhiều điều mới lạ do sự dễ dàng tiếp cận văn hóa khắp địa cầu và từ đó dễ mang tư duy của một công dân toàn cầu hơn”.

Có khóa học nào giúp đi tới phong cách công dân toàn cầu?

Không bạn nhé! Trong cuộc sống, cái gì cũng phải học khi mình không biết hay chưa biết, nhưng không có lớp học chính thức nào để biến học viên thành công dân toàn cầu. Và tất nhiên, không bao giờ có bằng cấp liên quan đến tư thế công dân toàn cầu, cũng như sẽ không bao giờ có một cơ quan nào phát bằng công dân toàn cầu cho ai. Công dân toàn cầu là một phong cách, một thái độ, một cách nhìn và cảm nhận cuộc sống, của một người có trách nhiệm với địa cầu, với nhân loại, với hệ sinh thái Vũ trụ, với môi trường và tất cả những gì Vũ trụ tặng chúng ta. Có thể nói rằng các công dân toàn cầu sẽ nhận ra nhau dù không qua khóa học nào”.


Xem thêm

[Review sách hay] Sống bán nông bán X: Một mối quan hệ bền chặt

[Review sách hay] “Đức phật, nữ chúa và điệp viên” – Ấn Độ trong mắt Hồ Anh Thái

[Review sách hay] Giáo dục tình cảm – Ảo mộng tiêu tan


Sách hay công dân toàn cầu
Ảnh: NXB Trẻ

TỪ ĐÂU XUẤT HIỆN Ý TƯỞNG CÔNG DÂN TOÀN CẦU?

Từ những năm 1970, bắt đầu xuất hiện nhiều thỏa hiệp thương mại xuyên biên giới, các hãng hàng không bắt đầu xuống giá vé máy bay, dân chúng đi du lịch khắp nơi và người ta bắt đầu nhiều sự trà trộn lịch sử giữa các chủng tộc, đạo giáo, văn hóa. Một ví dụ là đến thời điểm đó, những cuộc hôn nhân giữa những người khác xứ là rất hiếm, và nếu có, cặp đôi sẽ bị toàn xã hội xem như quái dị và đôi khi còn bị phỉ báng. Chẳng xa hơn nước ta, ngày nay có nhiều gia đình chưa chấp nhận cho con cái lấy ai khác đạo giáo hay khác miền…

Thời đó, các phương tiện truyền thông bắt đầu phát triển rất nhanh, như để đi trước một cao trào sắp xuất hiện… Cùng một lúc cũng xuất hiện các tư duy mới về quản trị kinh doanh, về thương mại. Trong những cuộc thương thuyết, người ta bắt đầu được chứng kiến những cách tiếp cận khác trước, nhẹ nhàng hơn, lý trí hơn, chuyên nghiệp hơn. Trong bối cảnh đó, một loại người mới xuất hiện – “công dân toàn cầu”. Đây là thời kỳ mà lý trí đã thay thế cho cảm xúc trong những cuộc trao đổi, quyền lợi của một tập đoàn đã vượt những lý luận mang cảm tính của những ông sếp độc đoán.

Từ khi tư tưởng toàn cầu hóa (globalization) xuất hiện, công dần toàn cầu (global citizen) cũng xuất hiện theo cùng. Những người này tin tưởng trước nhất vào một địa cầu giống như một mái nhà, nơi mỗi công dân đều là anh em một nhà. Họ chia sẻ với nhau một tinh thần giáo dục, một văn hóa, đó là văn hóa của những người yêu địa cầu này và sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để hành tinh đẹp hơn, dễ sống hơn mỗi ngày. Họ muốn các thế hệ trước để lại cho các thế hệ sau một hệ sinh thái phong phú hơn, hài hòa hơn. Họ muốn mọi tài nguyên được tiết kiệm tối đa hoặc được sớm tái tạo.

Tóm lại, họ mang nặng giấc mơ của một địa cầu nhân ái, thân thiện. Họ không chống đối Globalization một cách cực đoan. Họ chỉ nghĩ rằng địa cầu này không thể tồn tại và hệ sinh thái của thế giới sẽ bị hủy hoại nếu con người cứ mù quáng khai thác mọi khoáng sản để phục vụ mục tiêu tăng trưởng. Trong khi đó, thế giới ngày nay không những cần phát triển mà còn bắt buộc phải tăng trưởng với bất cứ giá nào bởi những cỗ máy do chính con người tạo ra. Một ví dụ là thị trường chứng khoán. Thử tưởng tượng nhiều thị trường chứng khoán cứ lao dốc liên tục trong nhiều năm, thế giới chắc chắn sẽ đi tới một thảm cảnh vượt xa sự hao hụt của các cổ phiếu. Kinh tế thế giới sẽ sụp đổ với bao nhiêu tai họa đi theo.

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)