[Giới thiệu sách hay] Đánh thức trí thông minh: Hiểu biết nhiều khác với thông minh như thế nào?
“Trí thông minh” rốt cuộc là gì? Đọc “Đánh thức trí thông minh” của Krishnamurti, ta nhận ra mình đã không hiểu thật đầy đủ, rốt ráo cụm từ tưởng chừng rất quen thuộc này.
Đứng trước các câu hỏi cuộc sống – như rắc rối công việc, mối quan hệ; nỗi phiền não, khủng hoảng cá nhân hay vấn đề xã hội; trí óc ta thường tìm lời giải nơi đâu? Lục tìm ký ức là một phản xạ tự nhiên: Ta tìm nơi kinh nghiệm, cách làm cũ, lời khuyên từ ai đó, hoặc tra cứu sách vở. Tuy nhiên, không gì trong số đó hàm chứa “trí thông minh” đích thực, theo nhà tư tưởng, triết gia Jiddu Krishnamurti. Bởi theo ông, tất cả những điều đó “đều nằm trong phạm vi của tư tưởng và kiến thức”, vốn thuộc về quá khứ cũ kỹ.
“Ta chỉ sử dụng một phần rất nhỏ của não bộ và cái phần nhỏ đó là quá khứ. Có một phần của não bộ đã không hề được vận hành, phần đó vốn để mở, trống rỗng, mới mẻ.”, Krishnamurti cho hay.
“Đánh thức trí thông minh” (tựa gốc: “The Awakening Of Intelligence”) tập hợp ghi chép từ 23 cuộc đối thoại giữa Krishnamurti với công chúng, học giả tại Mỹ, Ấn Độ và châu Âu. Qua những cuộc nói chuyện ứng khẩu, ngẫu hứng, nhiều thách thức với Krishnamurti, bạn đọc ngày nay sẽ hiểu về trí thông minh thực sự cùng một địa hạt mới mẻ, mênh mông của trí não mà ta sẽ khám phá ra một khi trí thông minh đó được đánh thức.
Những giới hạn của quá khứ
Theo Krishnamurti, con người thích lệ thuộc vào cái đã biết, bởi vì trong cái biết đó có sự an toàn, đảm bảo. Như khi nghĩ về những kiến thức, kinh nghiệm đã thu nạp được qua những năm tháng trưởng thành, ta ắt hẳn cảm thấy yên tâm, thấy tính cá nhân và “cái tôi” của mình được cũng cố. Tương tự, cảm giác an toàn này cũng xảy ra khi ta bám víu vào những vị thầy, kinh sách, hay người hướng dẫn uyên thâm.
Tuy nhiên, quá khứ thì luôn đứng yên một chỗ và không chuyển động cùng với cuộc sống sinh động. “Nếu não bộ cũ cứ vận hành không ngừng thì nó không thể khám phá được điều gì mới mẻ cả”, Krishnamurti chỉ ra, “Cuộc sống của tôi là quá khứ, bởi vì nó được xây dựng trên kiến thức quá khứ, kinh nghiệm quá khứ, kỷ niệm quá khứ, khoái lạc, đau khổ, sợ hãi… – tất cả đều là quá khứ”.
Trong “Đánh thức trí thông minh”, Krishnamurti nhiều lần nhấn mạnh hệ luỵ của một trí não bị giam giữ trong những đường biên của cái cũ, cái đã biết. Ông chỉ ra, những tư tưởng và kiến thức xuất phát từ ký ức chắc chắn đối kháng và chống cự với hiện tại. Ta không thích “cái đang là”, ta muốn nó phải thay đổi theo ý hướng của trí não hạn hẹp. Ngay lập tức, có sự phân chia giữa tư tưởng và hiện thực sống động.
Mà theo nhà tư tưởng, nếu có sự chia tách đó thì ắt sẽ có xung đột; sẽ có sự hoang mang, rối bời, lẩn trốn, chống cự… Và một giải pháp bắt nguồn từ quá khứ chắc chắn không hiệu quả cho câu hỏi ở hiện tại. Đây chính là nguồn cơn của những hỗn loạn, đau khổ, xung đột, chiến tranh… ở mọi cấp độ.
Xem thêm
• [Giới thiệu sách hay] Thương vụ Facebook thâu tóm Instagram: Instagram đang định nghĩa thế giới
• [Review sách hay] Venice thần thoại, Venice cạm bẫy
• [Review sách hay] Âm nhạc và văn chương – Muôn mặt Murakami
“Luôn thoát khỏi cái đã biết”
Các cuộc thảo luận trong quyển sách Đánh thức trí thông minh bao hàm hầu như mọi sắc thái của cuộc sống nhân loại: có sợ hãi, đau khổ, tình yêu; có xung đột, khoái lạc, cái chết; có mối quan hệ giữa người với người, sự phụ thuộc, vai trò của người thầy, trải nghiệm giác ngộ… Nhưng trước tất cả các vấn đề đa dạng đó, Krishnamurti đều nhắc đến trí não thông minh thực sự như một giải pháp duy nhất, căn cơ nhất. Vị triết gia cho rằng một trí não thông minh là một trí não biết được những giới hạn của cái cũ, để từ đó vượt ra khỏi địa hạt đó. Và điều này chỉ xảy ra khi những những tư tưởng, kiến thức bên trong trí não hoàn toàn tịch lặng.
Điều đó có nghĩa rằng ta nhìn thấy thực tế, “cái đang là” và hoàn toàn tịch lặng trước thực tế; không tìm cách vượt qua nó, khuất phục, thay đổi nó, không nghĩ rằng “nên thế này” hay “không được thế kia”, mà là hoàn toàn tĩnh lặng. “Chính sự tĩnh lặng đó là trí thông minh”, Krishnamurti nói, “Trí thông minh là sự tịch lặng này và hoàn toàn không mang tính cá nhân”.
Theo Krishnamurti, khi trí não tịch lặng, khiêm nhường nói “tôi không biết”, từ đó thoát ra khỏi mọi cái đã biết, thì những điều tươi mới sẽ được khám phá. Nhà tư tưởng cũng cho rằng cái mới này “vận hành trong đời sống một cách khách quan; lành mạnh; phi cá nhân, nhờ vậy, có hiệu quả”.
Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng, kiến thức hay tư tưởng dĩ nhiên cần thiết trong những hoàn cảnh nhất định, như ta cần kiến thức tiếng Anh để giao tiếp, cần kiến thức công nghệ để làm việc với máy móc… “Tư tưởng có thể nào hoàn toàn tĩnh lặng và chỉ vận hành khi nào cần thiết không – khi ta phải sử dụng kiến thức công nghệ ở chỗ làm, khi ta nói chuyện… – và thời gian còn lại thì tuyệt đối tĩnh lặng?” Krishnamurti đặt câu hỏi. “Di chuyển qua lại giữa cái đã biết và cái không biết là sự hài hòa, là trí thông minh, không phải sao?”, vị triết gia cho hay.
Đọc Đánh thức trí thông minh, ta thấy rằng Krishnamurti liên tục đặt câu hỏi, đôi khi hối thúc và thách thức người nghe. Đâu đó, ông còn bảo người đối diện “đừng đọc sách” của mình; hàm ý rằng những lời ông nói chỉ hiệu quả nếu nó được áp dụng vào đời sống, hành động, cuộc đời của mỗi cá nhân người nghe. Suy cho cùng, đó chính là nghịch lý và chân lý trong tư tưởng Krishnamurti về trí thông minh, cũng chính là nghệ thuật sống: hãy luôn vượt lên trên cái đã biết, để sống với cuộc sống, với cái đang là.
Đọc sách, độc giả cũng sẽ nhận ra rằng khi trí não thông minh thực sự được đánh thức, thì đồng thời cái đẹp, tình yêu, sự bình an, hài hòa… cũng nảy sinh. Trí não thông minh, theo nghĩa này, chính là trí não giác ngộ, tỉnh thức, và mang theo hạt mầm giải quyết mọi thống khổ và xung đột trên thế giới. Vì thế, theo Krishnamurti, một trí não thông minh sẽ đem lại năng lực chuyển hoá to lớn với từng cá nhân và với cả xã hội.
Sách Đánh thức trí thông minh
Nguồn: First News