Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Giới thiệu sách hay] 5 cuốn sách an yên

Không phải sách của thầy Thích Nhất Hạnh hay Osho... người viết xin giới thiệu những cuốn sách hay, mỏng, khiêm nhường và dễ đọc về thế giới an yên.

Tôi ham đọc sách từ nhỏ. Khi còn chưa biết chữ, tôi đã láu táu giở những cuốn sách tranh của nhà xuất bản Cầu Vồng tít xứ Nga Hoàng xa xôi để ngắm nghía những trang sách. Càng lớn, thói quen đọc sách càng gắn bó kết duyên bền chặt với bản thân. Tôi đọc đủ, từ truyện tranh manga Nhật cho đến sách tâm lý học, phân tâm học, tiểu thuyết, truyện ngắn, sách nghiên cứu… Thể loại nào cũng có sách hay, có cái hữu ích cụ thể rõ rệt.

Thời hiện tại, cuộc sống vội vã xô bồ, đôi lúc còn méo mó xộc xệch. Chủ yếu là do con người ta muốn nhào nặn cuộc sống theo lối ấy. Sau khi nháo nhào làm rối tung mọi thứ, con người ta bắt đầu hoang mang, hốt hoảng gỡ rối những khúc mắc do chính mình tạo ra. Có nhiều cách gỡ rối. Xem phim. Đi bar. Shopping. Nhảy đầm. Dịch chuyển. Du lịch. Lao động cật lực. Buông xuôi hoàn toàn… Tôi thử hết! Cách nào cũng có cái lợi riêng của nó. Tuy nhiên, sẽ hứng thú và hiệu quả rõ rệt hơn, nếu bạn cùng tôi bổ xung thêm thói quen đọc sách. Sách, tạo ra thì cầu kì, xong, khi giao dịch trên thị trường, lại vừa đơn giản, dễ kiếm, lại vừa… rẻ tiền. Sách cũng như món ăn vậy. Chọn đúng món ăn khi đói lòng, bạn sẽ thấy mạnh khỏe minh mẫn lên trông thấy.

Ở bài viết an yên, người viết không nhắc đến những cuốn sách của thầy Thích Nhất Hạnh, Cao Huy Thuần, hay Osho… vốn dĩ đã rất quen thuộc với độc giả. Người viết xin giới thiệu những cuốn sách hay, mỏng, nhỏ xinh, khiêm nhường, dễ theo dõi, đầy ấm áp, đủ xán lạn cho bạn đọc.

1. Về Nhà của Phan Việt

sách hay

Phan Việt không phải là cái tên xa lạ đối với những bạn đọc mê sách. Hai tựa sách Một mình ở châu ÂuXuyên Mỹ viết về những trải nghiệm cuộc sống hiện đại của tác giả ở xứ Tây được bạn đọc đón nhận và trân trọng. Tuy nhiên, Phan Việt có một báu vật khác, đời thực hơn, riêng tư hơn, và đầy thú vị, mang tên Về nhà.

Cuốn sách là bước tiến kế tiếp sau một loạt những rong ruổi của nữ nhà văn – tiến sĩ Phan Việt. So với 2 tác phẩm đầu, Về nhà là cuộc thong dong song hành của tác giả cùng bạn đọc về lại với giá trị cốt lõi của tinh thần. Phan Việt, một người phụ nữ giàu tri thức – kiến thức hiện đại, hoàn toàn vô thần, tìm về nhà sau những trúc trắc rối bời của cuộc sống thành thị điển hình được dệt nên bởi địa vị – quan hệ – tình cảm. Ở Việt Nam, cô tìm lại chính mình an lạc qua những trải nghiệm hoàn toàn xa lạ với típ người vô thần kiểu Mỹ như cô, song lại vô cùng gần gũi và thiêng liêng với phần đông người Việt.

Về nhà không đơn thuần chỉ là lời trần thuật bộc bạch của tác giả về bản thân, mà còn là những chia sẻ – trải nghiệm đầy lạ lẫm, thú vị, bừng sáng, và đáng tin cậy của Phan Việt khi tác giả nhận ra mình có căn duyên với văn hóa tín ngưỡng đầy an bình và sâu sắc nơi quê nhà. Một cuốn sách đẹp lạ, duy nhất, lôi cuốn, không thể đoán trước, và tràn đầy tình yêu thương, thanh thản với mọi khúc mắc – đầy vơi của cuộc sống.

2. Siddhartha của Hermann Hesse (bản dịch của Lê Chu Cầu)

sách hay

Trong các cuốn sách lấy cảm hứng từ cuộc đời Đức Phật khi… chưa thành Phật, nếu nhìn theo con mắt vụn vặt toan tính kiểu vật chất cân đo đong đếm, thì chúng ta có một tin vui: “Siddhartha của Hermann Hesse rất.. mỏng!”. Tiếp, không những mỏng, tác giả của Siddhartha, ngạc nhiên hơn, không phải là một người châu Á nào đó vốn quen thuộc với nền văn hóa tính ngưỡng Phật giáo, mà lại là một nhà văn Đức.

Tôi tìm thấy nhiều sự đối nghịch đầy hứng thú mỗi khi đọc Siddhartha.  Người Tây mà sao viết về chuyện Á, nhất là viết về chủ đề văn hóa – nhân vật sao hay quá vậy. Chọn hẳn nhân vật chính là chàng trai Siddhartha, sau giác ngộ thành Phật Thích Ca, mà ông nhà văn Đức kia viết sao dễ chịu, không đao to búa lớn, giọng văn phẳng lặng lấp lánh như dòng sông, nhẹ nhàng tự nhiên tựa hơi thở. Cuốn sách viết về cuộc đời Đức Phật, lẽ thường phải dày lắm chứ, Đức Phật cơ mà, vậy mà sao cuốn truyện này lại… mỏng dẹt, lại rất dễ đọc, đọc rất cuốn hút, tuy nhiên, số trang sách đối trọng hoàn toàn với tinh thần cuốn sách gửi trao đến người đọc. Lý thú làm sao!

Siddhartha kể về cuộc hành trình đầy màu sắc của chính Siddhartha, tìm kiếm mục đích sống của bản thân. Siddhartha, như bao người trẻ chúng ta, chất chứa hoài nghi, hừng hực dục vọng, và khắc khoải yêu thương. Siddhartha, vượt qua mọi biến cố trong cuộc sống, và từ những trải nghiệm, những vết thương tưởng chừng như rỉ máu đến vô vọng, chàng rút ra nơi chúng niềm an lạc nội tâm đầy quý báu, để rồi truyền đạt lại cho bao người.

Đọc Siddhartha, người đọc thấy gần gũi đến lạ. Bởi Siddhartha cũng bằng xương bằng thịt như ta, đủ mọi cố chấp – tham vọng như ta, biết đớn đau như ta, và cũng luôn khát khao hạnh phúc như tất cả chúng ta.

3. Sư Tử Tuyết Bờm Xanh của Surys Das (Nguyễn Tường Bách dịch)

sách hay

Hồi nhỏ, bạn và tôi, hẳn đều thích thú đọc truyện cổ tích, ngụ ngôn phải không? Giờ là lúc chúng ta ôn lại sở thích thời ấu thơ.

Sư tử tuyết bờm xanh là tập hợp những câu chuyện, những chuyến đi nho nhỏ, rong ruổi khắp Tây Tạng linh thiêng, nơi mỗi viên sỏi, mỗi khóm cây đều có câu chuyện riêng để kể cho bạn. Những câu chuyện đầy tính bản năng, đượm đà sự hoang dã của con người – cảnh vật, trở nên thành thật và thấu đáo hơn bao giờ hết, sáng bừng nhờ đức tin bền bỉ không vụ lợi.

Cuốn sách gắn bó với bản thân người viết từ những năm tháng đôi mươi đầy ngạo mạn hiếu thắng, cho đến hiện tại, khi đã ngớt hẳn thói kiêu ngạo vị kỉ. Và càng thấy gắn kết với cuốn sách hơn, khi tôi có duyên gặp gỡ những con người an lạc từ Bhutan hay Tây Tạng. Những câu chuyện về niềm tin họ kể cho chúng ta, rất giản dị và thấm thía, lại chính là từ cuốnSư tử tuyết bờm xanh mà ra.

Ở thời đại sống gấp rút vội vã này, con người chạy đua, siết nợ nhau bởi quá nhiều những giá trị vật chất vốn trở nên thừa thãi và trống trải, bạn càng nên đọc những câu chuyện nhỏ nơi Sư tử tuyết bờm xanh, để có thể lấy lại cái nhìn trong veo và đầy dí dỏm tích cực của cuộc sống, vốn dĩ luôn tươi đẹp và lành lặn.

4. Bên Rặng Tuyết Sơn của Swami Amar Jyoti (dịch giả Nguyên Phong)

sách hay

Nếu có duyên đọc và thích Siddhartha, bạn sẽ yêu vô cùng Bên rặng tuyết sơn.

Dịch chuyển từ môi trường sống thành thị choáng ngợp bởi âm thanh – con người, chúng ta về bên Himalaya, tựa mình vào thiên nhiên, hòa mình bên rặng tuyết sơn.

Câu chuyện lúc này không còn inh ỏi tiếng ô tô, tiếng Facebook, mà chỉ còn ta với ta. Im lặng để cảm nhận. Nhắm mắt để nhận ra. Sự thật vốn dĩ vẫn nơi đó, chỉ bị che phủ bởi quá nhiều tạp âm. Niềm tin luôn vững chãi đó, chẳng qua là người ta không chịu nhận ra.Bên rặng tuyết sơn kể về một con người bé mọn, loay hoay không biết mình thực sự cần gì, bằng sự bền bỉ và hướng thiện của bản thân, anh đã nhìn nhận mọi chướng ngại vật trong cuộc sống sinh ra là để vượt qua, mỗi lần vượt qua là để thấy mình thấu hiểu hơn, trải lòng hơn, và an lành hơn. Vết thương sinh ra là để đau đớn, đau đớn là để đồng cảm, đồng cảm để tìm cách ôm lấy nó. Bởi chỉ có yêu thương, mới đưa những nỗi đau đến trạng thái an bình.

Vậy, có khó để về lại trạng thái “an” vốn luôn tồn tại bên trong mỗi người? Bên rặng tuyết sơn có thể cùng bạn tìm ra câu trả lời.

5. Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can của Đặng Hoàng Giang

Ngạc nhiên không, khi bạn thấy tôi đề cập đến “bức xúc” trong bài viết có vẻ như ở trạng thái thiền đầy êm ả này?

Cuốn sách đầu tiên tôi rủ bạn đọc, là một cuốn sách “thời hiện đại” do một người Việt viết. Những cuốn sau, chúng ta dịch chuyển không gian – thời gian về những miền yên ắng xa xôi cổ xưa. Và giờ, với Bức xúc không làm ta vô can, chúng ta chính thức về lại thời đại Facebook, nơi lượt view, lượt like trở thành giáo lý, thước đo, tài sản.

Bức xúc không làm ta vô canđược kiến tạo từ nhiều câu chuyện, hiện tượng “hót-tộ” và quen thuộc xảy ra trong cuộc sống thường ngày của chính chúng ta, chúng ta trực tiếp góp mặt, là diễn viên chính, hãnh diện dễ dãi nắm trong tay quyền sinh quyền sát quyền lên án kết tội bất kì ai: người nổi tiếng dính scandal “bẩn”, người Việt “xấu xí” đi du lịch rồi ăn cắp đồ hiệu này kia, team nghiện gọt mặt dũa mắt bơm vá môi má ngực mông, lũ trộm chó… đại loại vậy. Khi đọc Bức xúc không làm ta vô can, bạn sẽ thấy… bức xúc, bởi toàn những vấn đề bức xúc. Tiếp, càng đọc, bạn càng… hoang mang, những điều, những hành động nhìn bề nổi qua loa tưởng là tốt đẹp, tuy nhiên, khi tĩnh tâm dò xét lại, hóa chúng thực sự méo mó, xấu xí đến rợn người. Đọc xong Bức xúc không làm ta vô can, bạn… tiếc nuối, và muốn lật giở lại từ đầu cuốn sách. Lần đọc thứ hai này, bạn không còn bức xúc nữa, mà tĩnh lặng hơn, thấu hiểu hơn. Bởi bạn nhận ra, nhiều khi, cái Xấu còn lành lặn hơn cái Tốt. Bởi cái Xấu bản thân nó không che đậy, nó lộ sẵn ra đó. Tuy nhiên, cái mà nhiều người tưởng là Tốt thực ra lại không đơn giản vậy…

Bức xúc không làm ta vô can là cuốn sách giúp tâm bạn an, sáng, vững chãi giữa “tâm bão” thông tin nhập nhèm méo mó vô cảm.

Nhóm thực hiện

Bài: CHQCQ (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)