[Giới thiệu sách hay] Sách hay tháng 8/2019
ELLE Việt Nam giới thiệu đến bạn những quyển sách hay nhất trong tháng 8 năm nay.
Mời bạn cùng ELLE Việt Nam tổng hợp các tựa sách hay trong tháng.
Nụ cười của Shoko – Choi Eun-Young
Cuốn sách hay và thú vị này là câu chuyện về sự gặp gỡ và chia ly của hai nhân vật với quốc tịch khác nhau đi cùng với sự bất đồng về ngôn ngữ. Họ gặp nhau thông qua chương trình trao đổi học sinh trung học, Shoko từ Nhật đã đến trường cấp III ở Hàn Quốc của So Yoo và theo học tại đó một tuần, đồng thời sinh sống tại nhà So Yoo. Khi Shoko đến, không khí trong nhà So Yoo dường như thay đổi hẳn, người ông khó tính của So Yoo trở nên niềm nở với Shoko vô cùng tuy chỉ với vốn tiếng Nhật ít ỏi của mình, mẹ So Yoo cũng nhiệt tình hơn, Shoko dần trở thành một người bạn thân thiết với ông. Sau khi kết thúc chương trình trao đổi, cả hai vẫn tiếp tục liên lạc với nhau bằng thư từ, rồi một ngày, với hai lá thư ngắn gọn gửi đến cho ông và So Yoo, mọi liên lạc giữa ba người đã bị cắt đứt. So Yoo lớn lên, đi học trao đổi tại Canada, gặp lại người bạn trong khóa trao đổi cấp III năm nào, nghe kể về Shoko, liệu cô có ý định đến Tokyo để gặp lại người bạn Shoko của mình không?
Lưỡng giới – Jeffrey Eugenides
Cuốn sách hay này là một bản trường ca nghẹt thở, kể lại câu chuyện xuyên suốt qua ba thế hệ của một gia tộc người Mỹ gốc Hy Lạp. Truyện lấy bối cảnh từ ngôi làng nhỏ ở bán đảo Tiểu Á kéo sang vùng đô thị Detroit của thời Cấm rượu ở Mỹ.
Tiểu thuyết xoay quanh cuộc đời một nhân vật được sống và giáo dục từ nhỏ trong thân phận phụ nữ nhưng đến giai đoạn dậy thì mới phát hiện ra đúng giới tính thật của mình. Qua giọng kể của cô Calliope Stephanides, sau này trở thành anh Cal, người dẫn chuyện sỗ sàng nhưng dễ thương bậc nhất trong văn chương đương đại, những mâu thuẫn dẫn đến sự chuyển biến của xã hội, gia đình và cơ thể đã làm nên một tác phẩm vĩ đại…
Chuyện của các nhân vật có thật trên đời – Võ Thị Xuân Hà
Trong rất nhiều những bộn bề thở than của cõi người ta, Võ Thị Xuân Hà luôn tìm thấy câu chuyện để kể – hay chính tác giả toan gắn mình vào với những cuộc đời – tiểu thuyết kia để mà sắm vai người thuật lại như một niềm hạnh ngộ. Không miêu tả một cái “có thật” mà là một ấn tượng về sự “có thật”, “các nhân vật có thật” của chị, vì thế, cứ hiện ra rồi nhòa đi ngay trong một làn sương mỏng chập chờn. Họ dở dang đến rồi đi trong bóng chiều nghiêng thấp, võ vàng thương nhớ một quãng đời tưởng đã xa xôi. Cái phôi pha không thể cưỡng lại của kiếp người lan chuyển từ mẩu chuyện này sang mẩu chuyện khác, từ mảnh đời này sang mảnh đời khác, xâm lấn tâm trí người đọc bằng một tiết tấu cảm xúc vừa phải. Và Võ Thị Xuân Hà cứ thế gieo neo đi về trong cõi ấy…
Hoa gạo cuối trời – Bình Nguyên Trang
Những người đàn bà trở về và Hoa gạo cuối trời – hai ấn phẩm mới nhất của Bình Nguyên Trang – đưa người đọc trở về những không gian của kí ức, cuộc sống thường nhật đầy thân thuộc, ấm áp và gần gụi. Là một nhà thơ luôn tâm niệm “việc ngồi vào bàn và viết một điều gì đó lên trang giấy là niềm an ủi, niềm hân hoan đáng kể trong đời sống của mình”, chị đã sáng tác bằng cả lòng thiết tha sống, và tình yêu đó đã lan tỏa trong từng câu từ, nhịp điệu ngôn ngữ của chị. Nổi tiếng là một nhà thơ, đã mạnh dạn lấn sân sang ký chân dung, truyện ngắn, lần đầu tiên Bình Nguyên Trang đến với thể loại tản văn chính là sự ra đời của tập cuốn sách hay này.
Với thế mạnh của một nhà thơ, chị đi vào những câu chuyện thường nhật bằng giọng điệu thủ thỉ, nhẹ nhàng. Tập tản văn nhẹ nhàng, thấm đượm triết lí sống, sống cho bản thân và sống để là một người tử tế: “Năm tháng khiến chúng ta già đi, và những phút giây tận hưởng yêu thương cũng mất dần theo năm tháng. Chúng ta nhìn xuống đôi tay chai sần của mình và tự hỏi, phải chăng chúng ta đã quý trọng những phút giây lau nhà, giặt giũ, những đồng xu lẻ tích có hơn là những phút giây ngồi cạnh người bạn đời uống một ly trà buổi sáng, hay một chiếc ôm, một lời thì thầm lúc đêm khuya. Yêu lấy mình, bạn sẽ thấy cuộc đời đẹp hơn và bạn đẹp hơn. Khi bạn trở nên đẹp hơn, thì bạn sẽ được yêu thương nhiều hơn. Và bạn hạnh phúc.
Ngôn ngữ của sự thông thái – Emiko Kato
Sự thông thái là điều mà ai trong đời cũng mong muốn có được, thế nhưng, đạt được điều đó lại chưa bao giờ là điều dễ dàng. Không chỉ là một cuốn từ điển xóa tan những hoài nghi, nhầm lẫn giữa hai khái niệm “người có IQ cao” và “người thông thái”, cuốn sách hay này còn chú trọng vào việc xây dựng sự thông thái từ sâu trong cốt cách và cảm xúc mỗi người. Nghe có vẻ trừu tượng xa vời, nhưng sự thực thì sự thông thái nằm ngay trong phong thái hằng ngày, cách bạn trò chuyện hay ứng xử với chính bản thân mình.
Nhà không rác – Bea Johnson
Nhà không rác là cuốn sách hay đưa ra những giải pháp thực tiễn đã được kiểm chứng để sống lành mạnh và phong phú hơn bằng các tài nguyên sẵn có không sinh rác thải. Quy trình thực hiện chỉ đơn giản theo thứ tự: Refuse (từ chối những gì chúng ta không cần), Reduce (tiết giảm những gì chúng ta cần), Reuse (tái sử dụng những gì chúng ta tiêu thụ), Recycle (tái chế những gì chúng ta không thể từ chối, không thể tiết giảm, hoặc không thể tái sử dụng) và Rot (ủ phân những gì còn lại). Cuốn sách không có tham vọng đạt tới mục tiêu tuyệt đối không có rác thải, bởi thực tiễn sản xuất ngày nay cho thấy đó là điều không tưởng. Tuy nhiên, không rác thải vẫn là một điểm tựa để ta tiệm cận hơn với đích đến không tưởng này.
Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải – Cao Minh
Bạn có dám vượt qua những nhận thức tẻ nhạt bị đóng kín bằng con mắt trần gian, khai mở toàn bộ suy nghĩ, để dòng máu trong bạn sục sôi trước những điều kỳ vĩ, phá vỡ mọi quy tắc? Thế giới sẽ gọi bạn là kẻ điên, nhưng vậy thì có sao? Ranh giới duy nhất giữa kẻ điên và thiên tài chẳng qua là một sợi chỉ mỏng manh: Thiên tài chứng minh được thế giới của mình, còn kẻ điên chưa kịp làm điều đó. Chọn trở thành một kẻ điên để vẫy vùng giữa nhân gian loạn thế hay khóa hết chúng lại, sống mãi một cuộc đời bình thường khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hơn? Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải là cuốn sách hay dành cho những người điên rồ, những kẻ gây rối, những người chống đối, những mảnh ghép hình tròn trong những ô vuông không vừa vặn… những người nhìn mọi thứ khác biệt, không quan tâm đến quy tắc và luôn tạo ra sự thay đổi.
Những đứa trẻ bị mắc kẹt – Kanae Minato
Bạn có biết, trong mỗi chúng ta đều có một đứa trẻ không bao giờ được giải phóng? Đó là một người trưởng thành luôn thấy mình thiệt thòi, cô đơn bởi tuổi thơ không trọn vẹn tình yêu thương của cả cha và mẹ, không có bạn bè chơi cùng. Đó là một người lớn không tự tin, luôn cô đơn vì từ bé đến lớn bị mẹ so sánh và đối xử phân biệt với chị/em của mình. Đó là những nhân cách khác trong con người chúng ta, một góc tối trong tâm hồn được hình thành bởi những ẩn ức tuổi thơ, ám ảnh cuộc đời mà chính ta không vượt qua được. Từ việc khai thác ẩn ức tuổi thơ, chứng ám thị đến các triệu chứng hoang tưởng của con người, đây là một cuốn sách hay phản ánh góc khuất tâm hồn những con người cô đơn ngay trong gia đình mình, ngay giữa xã hội của mình. Đây cũng là một lời khẳng định: Tuổi thơ vô cùng quan trọng. Đó là giai đoạn có khả năng ghi nhớ tốt nhất, tiếp nhận nhanh và ngấm lâu nhất để đi đến những ký ức bền vững và sẽ trở thành tiềm thức, hình thành nhân cách con người.
Ngành công nghiệp thời trang – Amy Odell
Bạn biết gì về ngành công nghiệp thời trang? Liệu đây có phải nơi mọi người chỉ thích mặc toàn màu đen vì cho rằng đây là thứ trang phục thời trang nhất? Hay đây là ngành công nghiệp vận hành theo cách khiến cho người tiêu dùng, nhất là phụ nữ, luôn cảm thấy bản thân mình thua kém và phải cố gắng trau dồi hơn nữa? Được chấp bút bởi Amy Odell – một cựu biên tập viên thời trang với rất nhiều bài viết nổi tiếng, cuốn sách xoay quanh những con người quyền lực nhất: blogger, người dẫn đầu xu hướng, nhà thiết kế, người nổi tiếng, biên tập viên và người mẫu. Cuốn sách sẽ cho bạn một cái nhìn trực diện vào thế giới khiến chính người nhìn cũng trở nên mụ mẫm, thế giới của tính độc chiếm, của sự sùng bái bản thân không chút sượng sùng và của những ý kiến cực hữu về chuyện thế nào là đẹp hay không đẹp.
Đời không plastic – Hiệp hội bảo tồn biển
Đây không phải là một cuốn sách chống lại vật liệu plastic mà là hành trình đi qua một ngày điển hình trong đời sống của chúng ta với góc nhìn cởi mở hơn. Chúng ta hẳn đã quá thân thuộc mà không nhận ra rằng, từ thời điểm vừa chào đời, hầu hết những gì chúng ta nhìn thấy đều được làm từ plastic. Và chúng ta cũng quá quen đến nỗi không còn tự hỏi: Tại sao lại có một ống hút hay que khuấy bằng nhựa trong đồ uống của tôi? Tại sao miếng sandwich này lại được bọc trong màng plastic, rồi thì cà phê, nĩa, món rau trộn, bàn chải đánh răng và kem đánh răng, dầu gội, đồ chơi của trẻ em? Những vật dụng này có cần thiết không? Chất liệu plastic từ đâu đến? Đâu là điểm kết khi chúng hoàn tất công việc của mình? Cuốn sách này sẽ giúp bạn tự vấn lại chứng nghiện plastic của bản thân (điều không mấy ai để ý), và khiến bạn lưu tâm hơn về những món đồ thông dụng đến nỗi hầu như bạn đã hết cân nhắc về chúng.
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE