[Giới thiệu sách hay] Tôi muốn tan làm đúng giờ
Cách đây không lâu, hình ảnh một nữ nhân viên trong chiếc túi ngủ được cho là chăm chỉ nhất của một công ty mạng xã hội được lan truyền, khi doanh nghiệp này tiến hành đổi chủ. Dù vậy, chỉ sau vài tháng, cô tuyên bố mình bị sa thải. Nếu chăm chỉ không phải yếu tố quyết định, vậy đâu là thứ giúp ta ở lại với một công ty?
Câu chuyện không của riêng ai
Trong cuốn tiểu thuyết Tôi muốn tan làm đúng giờ vô cùng nổi tiếng tại Nhật, nhà văn Kaeruko Akeno đã khắc họa đời sống công sở phức tạp, cũng là mẫu hình chung của nhiều người trẻ trên thế giới hiện nay. Liệu cân bằng cuộc sống với công việc có phải điều khả thi? Và liệu mong ước tan ca đúng giờ, được sống theo các nguyên tắc mình đặt ra có là hão huyền?
Cuốn sách xoay quanh Higashiyama Yui – nhân viên lâu năm của một công ty thiết kế website, người luôn quán triệt nguyên tắc rời khỏi công ty đúng 6 giờ tối và không tăng ca. Thế nhưng, khi văn phòng của cô thay đổi về mặt nhân sự, thói quen đó không còn dễ để duy trì. Giờ đây, cô phải cùng làm việc với một người sếp bạc nhược, người chấp nhận hợp đồng giá rẻ với công ty khác, đồng nghĩa với việc tất cả nhân viên phải ở lại để làm thêm giờ.
Điều này cũng đã kéo theo nhiều xung đột về mặt tư duy cũng như nguyên tắc làm việc giữa các đồng nghiệp. Nếu Yui là một đại diện của nhóm người không làm thêm giờ, không nhận email sau khi về nhà… thì đa số những người còn lại đều xem tăng ca là một biện pháp để bản thân thăng tiến và nhận được đánh giá tốt.
Tuy vậy, những giờ làm thêm có thật sự chất lượng hay chỉ là một biện pháp mang tính “phòng thủ”? Và những người thân ở bên cạnh họ có thật sự hạnh phúc với khoản thu nhập họ kiếm được từ giờ làm thêm? Yui đã đề ra nguyên tắc khá khác lạ, bởi cô từng có tuổi thơ bất hạnh khi bố cũng là người “nghiện công việc”, và cô chỉ có thể nhìn bố qua một tấm hình để không quên mất người đàn ông ấy.
Thông qua giọng kể vừa hài hước vừa trần trụi, nhà văn Kaeruko Akeno đã sử dụng nhiều nhãn quan để thấy rằng, dù có ủng hộ hay phản đối việc làm thêm giờ, vẫn tồn tại một thế hệ những người đi làm phải chịu đựng rất nhiều áp lực, từ công việc, cuộc sống cũng như cơ hội thăng tiến trong tương lai.
Can đảm để được tồn tại
Khảo sát một cách sinh động, Kaeruko cho thấy mỗi người ở mỗi độ tuổi và vai trò đều có những nỗi lo riêng. Trong khi những người đàn ông sẽ phải đối mặt với trách nhiệm chu cấp cho gia đình nhỏ, thì nữ giới, giống như trong bộ phim The Intern có sự tham gia của nữ minh tinh Anne Hathaway, vẫn là những người chịu tổn thương nhiều nhất, khi các vai trò làm mẹ – làm vợ không được hoàn thành và dẫn đến vô vàn rạn nứt trong cuộc hôn nhân mà họ hết lòng muốn vun đắp.
Tuy vậy, vì sao những người “chết vì công việc” lại phải ép mình trong khuôn khổ đó? Tất cả là vì nỗi sợ. Họ sợ mình không đủ giỏi và có thể bị thay thế nên luôn ra sức ở lại sau cùng. Họ cũng e ngại kinh tế đương thời khó khăn, có một công việc chẳng dễ dàng gì, và còn dễ bị mất đi bởi một thời đại đang bị chiếm lĩnh bởi kỹ thuật số… Do đó, tan làm đúng giờ cũng đòi hỏi sự can đảm.
Can đảm để sống đúng theo ý mình, để vượt qua những định kiến vốn luôn hiện hữu bằng các góc nhìn có phần phiến diện. Đó là suy nghĩ tan ca đúng giờ là ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân mình. Đó còn là lời áp đặt từ cấp trên, những người quản lý thiếu sự thấu hiểu, kêu gọi nhân viên mạo hiểm với công việc, bỏ quên những niềm vui thường ngày.
Và cũng vì lý do đó mà số lượng người chết do làm việc quá sức không ngừng gia tăng. Phong cách làm việc gần như cực đoan trong xã hội Nhật nói riêng cũng như tư tưởng về làm thêm giờ trên thế giới này nói chung… chính là những thứ cần phải thay đổi, và buộc sẽ phải thay đổi, trước khi con người thành những cỗ máy chỉ biết làm việc.
Đã được chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng, Tôi muốn tan làm đúng giờ không chỉ có sức ảnh hưởng ở Nhật mà còn là lời cảnh tỉnh dành cho tất cả mọi người, ở bất cứ đâu trên thế giới, đặc biệt là những người trẻ đang phải đối diện với áp lực công việc, rằng để sống hạnh phúc, đôi khi chúng ta cần dũng cảm buông bỏ.
Tôi muốn tan làm đúng giờ - Kaeruno Akeno
Bài: Ngô Minh
Hình ảnh: Tư liệu