BÀI LIÊN QUAN
Tầng Ba – Câu Chuyện Về Các Nghệ Sĩ Trẻ Đương Đại/ Đông A
Nếu như những “người khổng lồ” đặt nền móng cho mỹ thuật hiện đại Việt Nam được gọi là “Tầng một”, lớp họa sĩ bước ra ngoài thế giới những năm 1990 được gọi là “Tầng hai”, thì bây giờ chúng ta có “Tầng ba” – những nghệ sĩ trẻ đương đại có phong cách, trường phái và cách thể hiện riêng biệt. Đó là những khắc khoải về quá khứ trong tranh Nguyễn Văn Hè, cuộc giằng xé nội tâm trong hình khối của Lương Đức Hùng, phút chiêm nghiệm lạ thường từ nét vẽ của Lã Huy, sự mỏng manh day dứt của Lê Thúy, cái siêu linh tách rời thế tục nơi Phạm Tuấn Tú, cuộc ngược dòng huyền thoại qua họa phẩm Tạ Huy Long, những mâu thuẫn ánh lên gam màu gây ấn tượng mạnh trong tranh Đỗ Hiệp và những rung cảm tinh tế được khắc họa bởi bàn tay Bùi Tiến Tuấn. Chân dung mỗi nghệ sĩ đều được dựng lên đầy đủ cùng với các tác phẩm tiêu biểu, mà nhìn vào đó, người xem có thể nhận ra ngay chất riêng của người tạo ra chúng.
Thanh lịch kiểu Pháp/Isabelle Thomas & Frederique Veysset
Thanh lịch kiểu Pháp là một trong ba tác phẩm đình đám nhất thế giới viết về Phong cách Pháp – Parisian Chic. Sách mới hay tháng 8 giới thiệu “Thanh lịch kiểu Pháp”, cuốn sách tổng hợp và truyền đạt những nguyên tắc thời trang căn bản, những “bí kíp vàng” hay ho, những lời khuyên hữu ích đến từ những nhân vật cộm cán của làng thời trang thế giới… Nhưng trên hết, cuốn sách không chỉ đơn thuần viết về câu chuyện thời trang mà còn phân tích và lý giải cho người đọc thấy được gốc rễ của vẻ thanh lịch đáng ngưỡng mộ đến từ một phong cách sống tinh tế và lịch thiệp, tự nhiên và kiêu hãnh, tránh xa thói khoe mẽ và những điều không chân thật, hướng tới xây dựng phong cách cá nhân, trau dồi nội lực và chiều sâu tâm hồn.
Going East – Tìm về phương Đông/Dzũng Yoko
Một phương Đông kiêu sa, diễm lệ; một phương Đông giản dị, chân phương; một phương Đông trầm mặc; một phương Đông hồn nhiên; một phương Đông huyền bí; một phương Đông đương thời… Muôn mặt của thời trang, văn hóa, cảm xúc và cả những ký ức mang đậm dấu ấn Á Đông đều có thể tìm thấy trong cuốn sách này. Sau thành công của Daydreamer – Những kẻ mộng mơ, Dzũng Yoko tiếp tục ra mắt cuốn art book thứ hai bao gồm những bộ hình concept thời trang, những bản sketch độc đáo đã trở thành nét đặc trưng của anh, và những chia sẻ chân thành về câu chuyện đằng sau mỗi ý tưởng. Đây là cuốn sách dành cho những ai yêu cái đẹp, đặc biệt là vẻ đẹp thơ mộng Đông phương.
BÀI LIÊN QUAN
Giới thiệu sách mới hay tháng 7/2017
Con chim phụng cuối cùng/ Nguyễn Thị Kim Hòa
Tập truyện ngắn kể chung một câu chuyện: Khi lịch sử mang gương mặt đàn bà. Dẫu là một bà phi uy quyền hay một cung nhân tầm thường, một công nữ hay một dân nữ, là nàng công chúa Việt hay công chúa Chiêm, tất cả họ đều chung một nỗi bi ai: Không bao giờ được sống thật với con người mình, không thể quyết định số phận, và đón chờ họ luôn là sự hủy hoại đau đớn nhất. Chín truyện ngắn là chín mảnh ghép ám ảnh, gợi lên số phận người đàn bà trong những cơn sóng lịch sử, dệt nên bức chân dung chân thực và dữ dội. Với Con chim phụng cuối cùng, Nguyễn Thị Kim Hòa lần đầu tiên thể nghiệm đề tài lịch sử, soi chiếu vào những góc khuất của quá khứ, nhắc nhở chúng ta rằng lịch sử được viết trên trang giấy phẳng sơ sài và phiến diện đến đâu.
Nhận thức thực tại/Nhiều tác giả
Sách mới hay tháng 8 – Nhận thức thực tại là ấn phẩm song ngữ do Sàn Art khởi xướng, tập hợp những bản dịch mới từ văn bản triết học, hàn lâm và nghệ thuật của các nhà tư tưởng lớn. Những văn bản này được tuyển chọn từ nguồn tài liệu của chương trình “Nhận thức thực tại”, đề xuất tham chiếu cho ba chủ đề trung tâm gồm: huyền thoại và ngôn ngữ huyền thoại, tác động của khoa học xã hội lên nghệ thuật, suy xét đạo đức đối với tài nguyên vừa như thực thể vừa như biểu tượng. Cuốn sách có bản dịch của ba văn bản kinh điển từ nhà tiểu luận văn hóa Walter Benjamin, triết gia – lý thuyết gia Michel Foucault và nhà nhân chủng học – dân tộc học Claude Lévi-Strauss.
Nhóm thực hiện
Nguồn Tạp chí Phái Đẹp ELLE