Lấy bối cảnh thập niên 60, Green Book kể về gã vệ sĩ người Ý Tony Lip (Viggo Mortensen) nhận chở nghệ sĩ piano da màu Don Shirly (Mahershala Ali) lưu diễn ở miền Nam nước Mỹ. “Lip” (cái môi) là biệt danh của Tony, một gã phương phi ít học ăn to nói lớn, và nói rất nhiều. Gã sống trong một gia đình Ý đông đúc điển hình, và, như mọi gã trai Ý khác, chu cấp cho gia đình là điều tối thượng. Khi quán bar Tony đang làm việc đóng cửa, gã buộc phải tìm đường chu cấp và được rỉ tai về việc Don Shirly tuyển tài xế trong 2 tháng.
Giống như màu da, Don là hình mẫu hoàn toàn đối lập với Tony. Anh ta thông minh, có giáo dục, kỷ luật, giàu có, sống trong một căn hộ mà Tony miêu tả với vợ là “như lâu đài”. Dù vậy, bên trong Don là một tâm hồn đa cảm và yếu đuối, kiểu nghệ sĩ trong lồng kính hay con thú nhỏ sợ bị thương. Ngay ở cảnh phỏng vấn, anh ta đã thể hiện sự yếu đuối ấy bằng cách cố tình đặt một “ngai vàng” cao hơn Tony. Tuy nhiên, chúng ta thấy rõ Tony thoải mái bao nhiêu thì Don thiếu tự nhiên bấy nhiêu.
Cùng nhau, họ phải đi lưu diễn qua nhiều bang ở miền Nam. Những địa danh sẽ lần lượt lướt qua màn ảnh, từ Trung Tây đến Cực Nam, như Ohio, Kentucky, North Carolina… Đó là thời kì nạn phân biệt chủng tộc còn rất nặng nề, đến mức người da màu muốn du lịch an toàn phải cần đến Green Book (Quyển sổ xanh lá) – một cẩm nang ghi chú nhà nghỉ hay quán ăn nào họ được phép bén mảng đến. Sở dĩ tựa sách như vậy vì soạn giả là một người da màu tên Vitor Hugo Green. Và họ càng xuống phía Nam là càng đi vào trung tâm của nạn phân biệt.
BÀI LIÊN QUAN
Chuyến đi của Tony và Don có thể gói gọn trong hai từ “điển hình”, của cả thể loại phim hành trình và phim về phân biệt chủng tộc. Hai người sẽ đi qua các vùng đất, trải qua các sự cố, thay đổi và học hỏi lẫn nhau, rồi trở thành bạn. Những khác biệt ban đầu sẽ trở thành sự bổ sung. Dựa trên câu chuyện có thật, nhưng kịch bản của Green Book không có quá nhiều đột phá và khá dễ đoán. Các chi tiết không hề mới và được sắp đặt theo đúng công thức, mỗi xung đột, thắt nút và mở nút được đạo diễn kì cựu Peter Farrelly dẫn dắt như theo sách giáo khoa điện ảnh.
Nếu là một người yêu mến phim nghệ thuật, bạn có thể dễ dàng đoán được điều gì đang chờ đợi phía trước. Từ cách giải quyết tình huống cả hai bị nhốt vào tù đến việc xử lý các trường đoạn Don bị phân biệt, hay cả cảnh kết thúc ấm lòng đêm Giáng Sinh. Ngoài tính dễ đoán, một điểm yếu khác của Green Book là quá an toàn, theo hướng một phim hài nhẹ nhàng hơn là xoáy sâu vào nạn phân biệt. Nếu so sánh với các phim cùng chủ đề gần đây như Moonlight (2016) hay 12 Years A Slave (2012), rõ ràng sự dữ dội và tính đấu tranh của phim thấp hơn vài bậc. Đôi khi, không khí phim bị đẩy lên thành sến súa kiểu rom-com, không đáng tin, do sự kiểm soát không tốt của đạo diễn Farrelly.
Dù vậy, Green Book vẫn là một tác phẩm dễ xem và đậm tính giải trí. Sức hút của phim đến từ bộ đôi diễn viên tài năng Viggo Mortensen và Mahershala Ali, với sự phối hợp ăn ý trên màn ảnh. Mortensen, nam diễn viên của Captain Fantastic nổi danh năm 2016, ngày càng thể hiện khả năng biến hóa tuyệt vời, đổi màu như tắc kè từ phim này đến phim khác. Từ điệu bộ, biểu cảm nhếch mép cho đến ngữ âm đặc trưng, tất cả đều thuyết phục người xem anh là một gã nhập cư từ Địa Trung Hải chính hiệu. Ali, kể từ Moonlight, đang ngày càng khẳng định nội lực trong giới diễn viên da màu. Sự tương tác của hai diễn viên là chất keo dính chặt người xem vào màn ảnh. Một số cảnh, người xem sẽ cảm thấy xúc động vì diễn xuất của diễn viên hơn là tình tiết. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó.
Nếu so sánh, thưởng thức Green Book giống như lắng nghe một bản nhạc Jazz cũ. Nó có thể vẫn để lại dư vị, gợi lại ký ức, thậm chí khiến người nghe mỉm cười, nhưng sau khi kết thúc, họ vẫn nhận ra bản nhạc qua thời đã lâu. Nó không thể mang đến nhiều hơn những gì đã có, không đánh dấu một cột mốc nào mới mẻ cả về kỹ thuật lẫn nội dung. Nếu không thắng giải Oscar, bộ phim có thể là một lựa chọn nhẹ nhàng và dễ chịu, nơi trẻ con có thể học hỏi nhiều điều để tôn trọng bạn bè và màu da của chúng. Nhưng khi trở thành phim hay nhất năm của Viện Hàn Lâm, chuyện khán giả thắc mắc, tranh cãi và thậm chí giận dữ, là hoàn toàn hợp lý.
—
Xem thêm
Oscar 2019: Đề cao tính nữ và phá vỡ ranh giới màu da
Oscar 2019: Bohemian Rhapsody bội thu với 4/5 giải thưởng, Green Book gây bất ngờ với Best Picture
Nhóm thực hiện
Bài: Hoài Nam Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE