Văn hóa / Thế giới văn hóa

Những điều Greta Thunberg dạy chúng ta về cách bảo vệ môi trường

Một hành động khởi phát từ chính kiến vững chắc và ý chí kiên cường của nhà hoạt động trẻ Greta Thunberg đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của cô gái nhỏ. Đồng thời, câu chuyện của cô cũng truyền cảm hứng đến mọi người trên thế giới về vấn đề biến đổi khí hậu.

Vào 20/8/2018, Greta Thunberg, một cô bé khi ấy chỉ mới học lớp 8, đã quyết định không đến trường trong ngày diễn ra cuộc tổng tuyển cử Thụy Điển để đến trước tòa nhà Quốc hội Thụy Điển cùng tấm biển đề nghị “Skolstrejk for klimatet” (Bãi khóa vì khí hậu). Cũng từ đây, cô gái nhỏ bắt đầu các hành động xuyên suốt, kêu gọi sự chú ý của chính phủ đối với vấn đề biến đổi khí hậu và tác động mạnh mẽ đến nhận thức của mọi người, đặc biệt là giới trẻ, về sự cấp thiết của việc hành động vì môi trường.

Là một trong rất nhiều người muốn các nhà lãnh đạo tập trung cho vấn đề môi trường, cô bé 15 tuổi đã gióng lên “hồi chuông” cảnh báo mạnh mẽ và có sức lan tỏa nhất từ trước đến nay, khiến các chính khách lẫn các nhà khoa học phải dành sự chú ý nhất định cho các hoạt động của cô. Vậy, trong hành trình gần 2 năm chính thức phát động trực tiếp hoặc gián tiếp các chiến dịch bảo vệ môi trường, Greta Thunberg đã mang đến cho chúng ta những bài học quý giá nào?

Nói lên chính kiến và kiên định đấu tranh cho những điều mình tin là đúng

Lần đầu tiên, Greta Thunberg được nghe về các cụm từ “biến đổi khí hậu”, “nóng lên toàn cầu” là khi lên 9 tuổi. Lúc ấy, cô bé thắc mắc về “quyền lực” mà con người có thể thực thi trên hành tinh – ngôi nhà chung của các loài sinh vật. Greta tự hỏi: Làm thế nào con người có thể khiến khí hậu của cả Trái đất cứ tăng dần và nguy cơ hủy hoại môi trường sống cũng ngày càng cao.

Những suy nghĩ chớm nở ấy là tiền đề cho Greta Thunberg khi 11 tuổi, mắc phải hội chứng Asperger (Hội chứng rối loạn phổ tự kỷ), càng thêm kiên định với những gì cô quan tâm. Mặc dù hội chứng Asperger khiến Greta gặp khó khăn về mặt giao tiếp xã hội nhưng đó đồng thời cũng là “món quà” đặc biệt giúp cô tập trung tối đa vào vấn đề muốn tìm hiểu và có những tư duy “out of box” (vượt giới hạn).

Khi chiến dịch Fridays for Futures (Thứ Sáu vì tương lai) do Greta khởi nguồn bắt đầu gây chú ý và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt trong nước và lan sang các quốc gia khác, Greta vẫn nhận về nhiều phản ứng phản đối từ quan điểm khác biệt của chính phủ và thậm chí của chính gia đình cô.

phong trào fridays for futire
Phong trào Fridays for Future được hướng ứng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: Aachener

Theo chính quyền một số tiểu bang ở Đức, hành động bỏ học để biểu tình bị xem là vi phạm luật giáo dục công. Thế nên, gay gắt hơn, chính quyền địa phương một số nơi đã quyết định ghi thêm “hành vi bỏ học” vào bằng tốt nghiệp của những học sinh tham gia. Tuy nhiên, hành động bỏ học lại chính là điểm mạnh lớn nhất của chiến dịch này, như Greta từng phát biểu chắc nịch: “Vì sao tôi phải đi học vì một tương lai sớm có thể không còn nữa, khi không một ai làm gì để cứu vãn nó?”.

Khi truyền thông bắt đầu nghi ngờ về sự đứng sau “giật dây” của một tổ chức nào đó hay cũng có thể là sự thèm khát nổi tiếng từ người mẹ ca sĩ của mình, Greta luôn thể hiện cô bé biết những điều mình đang nói, những việc mình đang làm và khẳng định: Cô đang thay mặt cho lợi ích của không ai ngoài bản thân mình. Mẹ của nhà hoạt động xã hội nhỏ tuổi cũng chia sẻ, bà thậm chí từng nói với Greta về suy nghĩ rằng, bố mẹ không thể ủng hộ cô vì như bao bậc phụ huynh khác, họ muốn đảm bảo việc con mình được đến trường.

Greta Thunberg
Greta Thunberg trước báo giới. Ảnh: The Vegan Company

Dù khởi đầu không mấy suôn sẻ, Greta Thunberg đã chứng minh sự kiên định của mình là không hề vô ích. Những hành động cô đang làm không phải bộc phát mà hoàn toàn đến từ chính kiến và ý chí bất khuất để đấu tranh cho điều mình tin tưởng. Tôi, bạn, chúng ta hẳn không ai chưa từng biết đến những vấn đề môi trường đang xảy ra từng ngày, từng giờ xung quanh, nhưng phải chăng chúng ta đã cho phép quá nhiều việc khác chi phối, làm xao nhãng và quên đi sự cấp bách, sự cạn kiệt của thời gian. Nếu chúng ta không có chính kiến độc lập và theo đuổi nó đến cùng thì sẽ không có hành động nào được thực thi từ những suy nghĩ muốn cải thiện môi trường sống.

Mọi thay đổi phải bắt đầu từ chính bản thân mình

Greta Thunberg không nói suông. Nhà hoạt động trẻ tuổi không vì bồng bột nghỉ học vài ngày để thu hút sự chú ý cho riêng mình. Cô lên tiếng vì điều cô muốn và chính bản thân cũng đã hành động để minh chứng.

Ngày 14/8/2019, Greta lên đường đến New York dự Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu bằng chiếc thuyền đặc biệt, Malitzia II (có gắn các tấm pin năng lượng mặt trời và turbin dưới nước có khả năng sản xuất điện cho thuyền) thay vì máy bay.

Greta Thunberg đến New York
Greta Thunberg vượt Đại Tây Dương đến New York bằng con thuyền sử dụng các tấm pin năng lượng mặt trời. Ảnh: Time

Vượt Đại Tây Dương dù không thải ra khí carbon độc hại là thách thức lớn với một cô bé 16 tuổi. Tuy nhiên, đây cũng là cách để cô cho thấy sự thành thật của mình. Có vẻ không tưởng nhưng sau 2 tuần băng biển, Greta cùng các thuyền viên đã cập bến cảng Manhattan trong sự đón tiếp nồng hậu của những người ủng hộ.

Như quan điểm của một chính trị gia lãnh đạo Đảng Tự do Đức (FDP), ông Christian Lindner: “Quan tâm đến biến đổi khí hậu là việc của những chuyên gia”, mọi người thường cho rằng vấn đề môi trường mang tầm vĩ mô so với những gì chúng ta có thể làm. Tuy nhiên, như chân lý “tích tiểu thành đại”, nếu không có sự thay đổi từ chính mỗi cá nhân, hiển nhiên sẽ không thể dẫn đến thay đổi của cả tập thể.

Quyết định hành động từ cách xây dựng thói quen tích cực, thay đổi bản thân qua những điều đơn giản, chúng ta cho phép mình được thể hiện trách nhiệm và quyền lợi khi sinh sống trong một môi trường lành mạnh và ổn định. Mọi thay đổi dù lớn hay nhỏ để bảo vệ môi trường đều nên được bắt đầu từ chính bản thân bạn.

Truyền cảm hứng đến người khác

Thời gian đầu mới phát động phong trào, Greta Thunberg không nhận được sự đồng thuận từ gia đình, nhưng đến nay, cô thậm chí đã khiến gia đình trở thành hậu phương vững chắc cho mình. Lối sống, nếp sinh hoạt của gia đình từ bố mẹ đến em gái Greta đã thay đổi, họ chuyển sang phương tiện di chuyển là một chiếc xe ô tô sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường vào năm 2016 và có chế độ ăn uống thuần chay… Ngoài ra, Greta còn cùng bố mẹ và em gái xuất bản cuốn sách về môi trường Scenes from the Heart (Khung cảnh từ trái tim).

Phong trào Fridays for Future vấp phải nhiều phản đối nhưng cũng chúng kiến vô số hưởng ứng tích cực. Điển hình, vào 5/3/2019, khoảng 1,4 triệu học sinh, sinh viên ở 112 quốc gia đã đồng loạt xuống đường tranh đấu cho chiến dịch này; vào ngày 12/3/2019, đã có hơn 12.000 nhà khoa học quốc tế từ Đức, Áo và Thụy Sĩ công bố danh sách các nhà khoa học ủng hộ phong trào này của Greta, thành lập hội Scientists for Future (Những nhà khoa học vì tương lai). Tính đến nay, số lượng thành viên trong hội đã lên đến 16.000 người và cũng đã xuất hiện một số hội khác như Parents for Future (Bố mẹ vì tương lai) Artists for Future (Những nghệ sĩ vì tương lai).

biểu tình Bải khóa vì khí hậu
Sức ảnh hưởng của các hoạt động từ Greta Thunberg lan tỏa đến các quốc gia khác. Ảnh: businessinsider

Đầu năm nay, Greta được mời phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ. Cô đặt tên cho bài nói chuyện của mình là Our house is on fire (Ngôi nhà của chúng ta đang bốc cháy). Trong đó, cô bé khiến mọi người phải suy ngẫm khi chia sẻ: “[Người lớn luôn nói rằng] chúng ta nợ thế hệ trẻ niềm hy vọng. Nhưng tôi không cần niềm hy vọng ấy, tôi không muốn các người có hy vọng. Tôi muốn các người phải thảng thốt, tôi muốn các người cảm nhận nỗi sợ hãi mà tôi cảm nhận mỗi ngày và rồi tôi muốn các người hành động. Tôi muốn các người hành động như thể các người đang trong cơn khủng hoảng, tôi muốn các người hành động như thể nhà chúng ta đang cháy, vì sự thật là như vậy”.

Với những đóng góp của mình, nhà hoạt động trẻ tuổi Greta Thunberg đã nhận được đề cử cho Giải Nobel Hòa bình 2019. Các chiến dịch từ Greta đã và đang lan tỏa đến nhiều cá nhân, tổ chức, chính phủ trên thế giới. Điều này mang đến niềm hy vọng về sự thay đổi dù không đồng bộ nhưng cấp thiết đối với toàn nhân loại.

Bạn có thể không gây được tiếng vang như Greta Thunberg, nhưng với những thay đổi của mình để bảo vệ môi trường, hãy tin rằng những hành động tích cực ấy đã và đang là nguồn cảm hứng cho những người xung quanh bạn.

Không gian, thời gian hay tuổi tác không PHẢI là vấn đề ngăn cản bạn hành động

Một trong những nguyên nhân giúp Greta Thunberg trở thành “hiện tượng” trong số những nhà hoạt động môi trường là tuổi đời rất trẻ. Không ngần ngại, e dè vì tuổi tác, Greta Thunberg mạnh mẽ và kiên trì với quyết định của mình. Cô dẫn dắt những tư duy còn khép kín và đôi khi “lối mòn” hoặc bàng quan khi nhìn nhận về biến đổi khí hậu. Ánh nhìn chăm chú và liên tục vào sự thật của Greta khiến mọi người không thôi lay động và thức tỉnh khỏi những phù phiếm trước nay.

Ngoài việc dũng cảm khi biết nhìn vào sự thật, Greta còn không ngừng trau dồi thêm kiến thức sâu sắc ngoài những thường thức và niềm tin phổ biến về biến đổi khí hậu. Xuất hiện với tư cách khách mời trong nhiều diễn đàn từ Hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP24), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) hay trước Quốc hội Pháp… cô bé không chỉ mang đến bài diễn thuyết niềm tin và ý chí của một người muốn hành động mà còn hiểu rõ con đường mình đã, đang và sẽ dấn thân.

Sức hút của Greta Thunberg không chỉ được chứng minh tại quê hương Thụy Điển mà còn truyền đến khu vực châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới. Khi truyền tải vấn đề chung đáng quan tâm hàng đầu là biến đổi khí hậu, cô bé cho mọi người thấy rằng không có giới hạn nào một khi bạn đã muốn hành động. Rào cản có kiên cố cách mấy cũng có thể bị phá vỡ một khi chúng ta chịu hành động.

Nhưng hành động như thế nào? Hãy để Greta Thunberg và phóng viên chính trị, tác giả, nhà hoạt động George Monbiot gợi ý cho bạn qua video clip dưới đây.

Khi khí hậu ngày một chuyển biến cực đoan, khó lường, các thông tin đáng buồn như cháy rừng Amazon hay gần đây là cháy rừng ở Indonesia hoặc sự biến mất của sông băng đầu tiên tại Iceland... xuất hiện ngày càng nhiều, chúng ta không thể cứ làm người ngoài cuộc được nữa. Bạn có thể bắt đầu câu chuyện của chính mình, ngay hôm nay!

Nhóm thực hiện

Bài: Diễm Ái Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: DW, The Guardian, The Sun
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)