Văn hóa / Thế giới văn hóa

3 tác phẩm tiêu biểu của Han Kang – nhà văn của những vết thương

Han Kang - nữ nhà văn đến từ xứ sở kim chi - vừa được vinh danh tại giải Nobel Văn chương 2024 cho những áng văn xuôi mãnh liệt đậm chất thơ, thể hiện những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người.

Ở tuổi 53, Han Kang có thể xếp vào hàng ngũ thế hệ nhà văn “trẻ” được Viện Hàn Lâm Thụy Điển chú ý bởi những thành tích ấn tượng trên văn đàn quốc tế. Vào năm 2016, cô trở thành nhà văn châu Á đầu tiên thắng giải Man Booker Quốc tế danh giá của Anh và Khối Thịnh Vượng chung cho cuốn tiểu thuyết Người ăn chay. 2 năm sau đó cô tiếp tục lọt vào danh sách đề cử với Trắng. Kể từ đó, những tác phẩm như Bản chất của người, Greek Lessons đã đưa cô đến gần hơn với độc giả Tây phương cùng làn sóng văn học đương đại Hàn Quốc nổi bật bởi các chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đặc biệt.

han kang nobel văn chương
Chân dung Han Kang – nữ nhà văn đạt giải Nobel Văn chương 2024.

Không đơn thuần là một nhà văn, Han Kang còn là người khai phá những khía cạnh sâu sắc của tâm hồn con người qua các tác phẩm vị nhân sinh. Các tác phẩm của Han Kang có tầm bao quát từ cả hiện đại cũng như quá khứ, thường tập trung vào các sang chấn của lịch sử hoặc vết thương của thời hiện đại khi con người sống thiếu kết nối và sự đồng cảm. Bằng chất văn tiết chế, không trưng phô kỹ thuật, Han Kang đã đưa người đọc đến với câu hỏi về bản chất của con người, về sự bạo lực và những cuộc chiến không hồi kết. Ngôn từ của nữ nhà văn không chỉ tái hiện sinh động sự bạo lực hay tàn khốc của chiến tranh, mà còn khắc họa tình yêu thương, sự đồng cảm với những phận người mong manh và tổn thương bởi thời cuộc. Những yếu tố trên đã được nữ nhà văn truyền tải trong rất nhiều tác phẩm, rõ ràng nhất là qua 3 cuốn sách đã ra mắt độc giả Việt Nam ngay từ rất sớm.

han kang sách
3 tác phẩm đã được chuyển ngữ của nhà văn Han Kang. (Ảnh: ĐTA)

“Người ăn chay” – Nỗi đau hiện đại

Được viết vào năm 2007, mở rộng từ một truyện ngắn khác của nữ nhà văn với tên gọi My Woman’s Fruits, nhưng phải đến gần một thập kỷ sau mới tạo được ấn tượng với bạn đọc toàn cầu qua bản dịch của Deborah Smith, Người ăn chay là một liên truyện gồm 3 mảnh ghép xoay quanh nhân vật Yeong Hye – người phụ nữ bỗng bỏ hết thịt cá trong tủ lạnh và trở thành người ăn chay sau khi tỉnh dậy từ một giấc mơ vô cùng ám ảnh. Ban đầu, người chồng và gia đình không ai thấu hiểu quyết định này của Yeong Hye, từ đó cưỡng chế, ép buộc cô quay lại như những ngày đầu khi thấy thể chất của cô ngày một yếu đi. Tuy vậy, cô ngày càng kiên quyết hơn và rồi bỏ ăn hoàn toàn để được trở thành một cây xanh sống nhờ ánh sáng.

sách người ăn chay
Ảnh: ĐTA

Người ăn chay phản ánh tình trạng phụ nữ bị áp chế trong một xã hội nặng tính gia trưởng. Ở đó ta thấy hành động lạ lùng của Yeong Hye không đến từ sự bộc phát mà từ những dồn nén từ trước đến nay, từ sự bạo lực của cha cho đến sự thờ ơ của chồng… Điều này phần nào phản ánh sự cô đơn, thiếu kết nối và thiếu thấu hiểu trong xã hội Hàn Quốc hiện đại.

Ngoài ra, thông qua việc để nhân vật trở thành một cái cây, Han Kang đã chạm rất gần đến các hệ tư tưởng Đông Phương khi xem con người chỉ là một phần của cuộc sống đầy tương tức này. Vì vậy, Người ăn chay không chỉ gây ấn tượng khi khai thác được một đề tài nổi cộm trong xã hội Hàn Quốc nói riêng và cả thế giới nói chung mà còn thể hiện một Han Kang đậm chất Á Đông trong việc giải trừ sự phức tạp để phơi bày khát khao giản đơn của một con người thông qua cách viết lạnh lùng, trung dung với những tình tiết nghịch dị gây ám ảnh.

“Bản chất của người” – Nỗi đau quá khứ

Sinh năm 1970 tại Gwangju nhưng đến năm 10 tuổi Han Kang đã theo gia đình đến Seoul. Quyết định nói trên không chỉ là sự thay đổi về môi trường sống mà còn khiến gia đình cô luôn mang trong mình tâm thức tội lỗi, bởi chỉ vài tháng sau khi gia đình cô chuyển đi, phong trào dân chủ Gwangju nổ ra, khiến hàng trăm dân thường cũng như sinh viên thiệt mạng khi biểu tình chiếm các cơ quan nhà nước để phản đối chế độ độc tài. Đây là một trong những vết thương lớn trong thế kỷ 20 của Hàn Quốc vẫn còn vẹn nguyên cho đến ngày nay.

sách bản chất của người
Ảnh: ĐTA

Han Kang chia sẻ Bản chất của người là một cuốn sách rất khó để viết nhưng không thể không viết bởi những rung chấn mà nó mang lại. Ra mắt vào năm 2014, nó đã khiến cô được liệt vào “danh sách đen” của chính phủ Hàn Quốc dưới thời bà Park Geun Hye, bên cạnh những tên tuổi khác như các đạo diễn Park Chan Wook (Decision to Leave, Oldboy), Bong Joon Ho (Parasite, Mother)… vì đã thẳng thắn phơi bày vết thương của đất nước.

Để chấp bút nên tác phẩm này, Han Kang đã đọc hơn 2000 trang lời khai của những người tham gia biểu tình bị cảnh sát bức cung, đồng thời bà đã thực hiện rất nhiều cuộc phỏng vấn với người dân nơi đây. Nhờ vậy, Bản chất của người đã thể hiện một cách chính xác không khí của những ngày đau thương. Thế nhưng, bằng tài năng kể chuyện có sức gợi, Han Kang đã thể hiện câu chuyện lịch sử ấy một cách sống động và giàu cảm xúc thay vì tường thuật lại mọi sự kiện như một cuốn tư liệu đơn thuần. Bằng cách viết lạnh lùng và không khoan nhượng, Han Kang đã phơi bày những nỗi đau cả trước, trong và sau sự kiện đó qua nhiều nhân vật, từ đó phản ánh về sự hung tợn đặc biệt của bạo lực và đặt vấn đề đâu mới thật sự là “bản chất của người”?

_ELLE Quỳnh Giang - ẢNH GẮN AFF (52).png

Bản Chất Của Người


Xem thêm

• 10 quyển sách hay và nổi bật nhất trong tháng 10/2024

• [Bộ sách 20/10] 3 cuốn sách từ những người phụ nữ truyền cảm hứng giúp bạn mạnh mẽ, tự tin

• [Giới thiệu sách hay] Nhà sư và khu vườn: Lắng nghe giáo lý loài hoa


“Trắng” – Nỗi đau cá nhân

Nếu Người ăn chay Bản chất của người là những tác phẩm mang tính phổ quát, phơi bày nỗi đau của xã hội hiện đại cũng như quá khứ, Trắng lại là tác phẩm mang đậm tính cá nhân của nữ nhà văn. Đây là tập sách gồm những đoản văn ngắn xoay quanh những gì Han Kang chứng kiến trong một mùa Đông ở Warsaw (Ba Lan), từ những thứ đơn giản như đường, muối, tuyết, sương… cho đến những thứ riêng tư hơn như tã lót, áo sơ sinh… của người chị gái qua đời rất sớm của cô. Được viết bằng ngôn ngữ thấm đượm nỗi buồn nhưng tinh tế và có kiểm soát, Trắng thể hiện trọn vẹn khả năng truyền tải cảm xúc qua ngôn ngữ bậc thầy của Han Kang, bởi trước khi trở thành một người viết văn, cô đã khởi đầu văn nghiệp của mình qua một tập thơ.

sách trắng han kang
Ảnh: Nhã Nam

Trắng, người đọc có thể cảm nhận nhiều cấp độ nỗi buồn, từ bối cảnh, không gian cho đến sự lạc lõng của con người một nơi chốn không quen biết. Ngoài ra, đó cũng là một nỗi buồn thương mang tính phổ quát hướng về quá khứ xa xôi. Sở dĩ Warsaw trở thành điểm đến của Han Kang vì trong Thế chiến thứ II, nơi đây từng bị Hitler ra lệnh san phẳng trở thành bình địa. Địa điểm này là chứng nhân của bạo lực và cũng như Gwangju, Warsaw là nơi hội tụ của những linh hồn vô tội, những nạn nhân của tội ác. Trên nền câu chuyện đầy đau thương ấy, nữ nhà văn hướng về bên trong mình nhiều hơn để nhớ về những mất mát huyết thống, từ đó chất vấn sự ra đời của bản thân.

Trắng tuy không có chủ đề thống nhất, nhưng lại là cuốn sách ám ảnh và khốc liệt nhất của Han Kang xoay quanh nhân thế. Thế nhưng, như hầu hết tác phẩm của nữ nhà văn, những vết thương được đề cập cuối cùng cũng đã lành miệng. Do đó, ở cuối cuốn sách, cô đã đã cho độc giả thấy một Warsaw hay Gwangju đã chuyển mình từ chính nỗi đau. Những gì đã qua không giam hãm được quy luật của sự phát triển, nhưng nó vẫn luôn hiện diện để gợi nhắc về những tội ác, để những điều tương tự không thể lặp lại. 

Nhóm thực hiện

Đoàn Tuấn Anh

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)