Nhìn lại hành trình trưởng thành của phim Việt
Khi dịch COVID-19 tạm lắng xuống ở Việt Nam, nhiều dự đoán cho rằng nửa sau của năm 2020 có thể là dấu mốc quan trọng cho sự khởi sắc của phim Việt.
Bởi lẽ, tất cả những phim bom tấn của Hollywood dự kiến ra mắt năm 2020 đều đã dời lịch chiếu đến tận cuối năm như: Black Widow, No Time to Die, A Quiet Place 2, Fast & Furious 9 (dời đến tháng 4/2021)… Trong khi đó, phim Việt đầu tiên dự kiến quay trở lại rạp là Truyền thuyết về Quán Tiên. Những phim Việt khác cũng có lịch ra rạp từ cuối tháng 5 trở đi. Như vậy, khi không còn vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ những phim ngoại nhập, nửa cuối năm 2020 sẽ là thời gian vàng cho phim Việt khởi sắc, thu hút thêm sự mến mộ của khán giả nội địa.
Bên cạnh đó, sau một thời gian dài ở nhà xem phim trên các nền tảng trực tuyến, có thể khán giả sẽ bị mất thói quen đến rạp hoặc sẽ có những đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng phim khi bỏ tiền mua vé. Tương lai thành hay bại của phim Việt trong năm 2020 vẫn còn là điều chưa chắc chắn. Tuy nhiên, quá khứ luôn mang đến bài học giá trị cho hiện tại và tương lai. Trước cột mốc khá quan trọng cho tương lai của điện ảnh Việt, hãy cùng ELLE điểm lại hành trình trưởng thành của phim Việt trong một thập kỷ vừa qua để xem chúng ta có thể học được gì từ quá khứ.
“Cứu con mèo” – công thức cho phim thương mại từ 2010 – 2015
Sách dạy biên kịch Save the Cat (tạm dịch: Cứu con mèo) của tác giả Blake Snyder có thể xem là Thánh kinh của giới biên kịch Việt những năm gần đây. Save the Cat xuất bản lần đầu ở Mỹ năm 2005, trở thành best-seller và giáo trình trong nhiều trường điện ảnh. Blake Snyder hệ thống lại những cấu trúc kể chuyện thường gặp trong điện ảnh thành các công thức đơn giản, ngắn gọn, dễ tiếp thu.
Một trong những công thức nổi tiếng là câu tóm tắt mà ông cho rằng hầu như các bộ phim đều xoay quanh việc “ai đó muốn làm gì đó nhưng gặp rất nhiều khó khăn”. Có thể thấy rằng thế hệ đạo diễn Việt kiều như Victor Vũ, Charlie Nguyễn, Hàm Trần… đã áp dụng rất tốt công thức này với những phim giai đoạn từ 2010 – 2013 như: Cô dâu đại chiến, Thiên mệnh anh hùng (Victor Vũ); Cưới ngay kẻo lỡ, Tèo em (Charlie Nguyễn); Âm mưu giày gót nhọn (Hàm Trần)… Những phim này đều có doanh thu tốt vào thời điểm ra mắt.
Ở thời kỳ đầu, một số đạo diễn và biên kịch phim thương mại được đào tạo ở Việt Nam có vẻ như chưa nắm rõ công thức Save the Cat nên việc kể chuyện vẫn còn khá lan man. Đó là những phim như Công chúa teen và Ngũ hổ tướng (2010), Thiên sứ 99 (2011)… Các phim này tuy không thất bại về doanh thu vì đều ra mắt trong dịp Tết nhưng lại không được đánh giá cao về mặt câu chuyện.
dấu ấn đặc sắc cho phim Việt từ 2015 đến nay
Qua một thời gian dài, khi các nhà biên kịch áp dụng máy móc công thức Save the Cat, khán giả bắt đầu cảm thấy chán vì nhận ra những rập khuôn quen thuộc. Có thể thấy điều này qua doanh thu thương mại của những phim như Fan cuồng (2016), Lôi báo (2017). Đây là hai phim được PR rất rầm rộ thời điểm ra mắt, hứa hẹn sẽ đạt doanh thu cao vì đều là tác phẩm của hai đạo diễn trăm tỷ là Charlie Nguyễn, Victor Vũ. Nhưng cuối cùng, hai phim đã gặp thất bại nặng nề về doanh thu không vì bất cứ yếu tố khách quan nào (suất chiếu, thời điểm ra mắt, phim cùng chiếu cạnh tranh) mà chỉ vì chính nội dung tự thân. Hơn nữa, bởi bám quá sát vào cấu trúc của nước ngoài nên tuy hướng phát triển câu chuyện có quen thuộc, nhưng tâm lý, tính cách của những nhân vật lại có phần cứng nhắc và xa lạ với khán giả Việt Nam.
Có lẽ chính vì vậy mà cả ba bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đều gặt hái được thành công vang dội: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015) với doanh thu 78 tỷ, Cô gái đến từ hôm qua (2017) với doanh thu 70 tỷ, và mới đây nhất là Mắt biếc (2019) với doanh thu 180 tỷ. Câu chuyện của cả ba bộ phim đều có thể tóm tắt trong công thức thương mại của Save the Cat nhưng yếu tố thành công cốt lõi vẫn nằm ở việc nhân vật, câu chuyện, cảnh sắc quê hương gần gũi với khán giả Việt Nam.
Từ thành công của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015) trong việc góp phần quảng bá du lịch cho tỉnh Phú Yên, có thể thấy sau đó, các nhà làm phim Việt bắt đầu ý thức hơn trong việc tìm kiếm bối cảnh, dùng bối cảnh để tự sự, lồng ghép tính địa phương trong công thức kể chuyện mang tính toàn cầu. Có thể kể đến những phim như Vu quy đại náo (2019) lấy bối cảnh miền Tây sông nước để kể câu chuyện về nhóm bạn trẻ làm dịch vụ cưới; Ống kính sát nhân (2018) lấy bối cảnh Đà Lạt thập niên 1960; Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi (2019) khai thác một Sài Gòn về đêm vừa bình yên vừa lạ lẫm…
Remake – bài toán khó giữa sự rập khuôn và sáng tạo
Hiện nay, nếu được đầu tư kinh phí thích đáng – trung bình từ 10 tỷ trở lên cho một phim tâm lý xã hội thông thường, phim Việt cũng sẽ không thua kém phim nước ngoài về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến một bộ phim thất bại hay thành công vẫn nằm ngay từ khâu đầu tiên – kịch bản.
Kịch bản mới luôn chứa những yếu tố rủi ro. Chính vì vậy, kịch bản remake trở thành giải pháp chữa cháy cho những nhà làm phim Việt kể từ sau thành công của phim Em là bà nội của anh (2015) – trước đó, hiện tượng remake chỉ chủ yếu tập trung ở mảng truyền hình. Tuy nhiên không phải phim remake nào cũng thành công. Vấn đề ở đây lại quay về bài học giống như cách áp dụng cấu trúc Save the Cat: sự cân bằng giữa yếu tố nội và ngoại. Một kịch bản remake hay nhất thiết phải được viết lại theo ngôn ngữ, văn hóa bản địa chứ không chỉ dịch thuật đơn thuần. Và bộ phim sau đó được quay dựa trên kịch bản cũng phải có sự sáng tạo nhất định, không thể bê nguyên những khung hình từ phim gốc sang. Tháng năm rực rỡ (2018) – remake lại từ phim Sunny (2011) nhờ có những điều chỉnh hợp lý mà đã thành công. Trong khi đó, có nhiều bộ phim sao y bản cũ hoặc ở trạng thái ngược lại – bị áp lực phải khác bản cũ, dẫn đến những điều chỉnh bất hợp lý về nhân vật lại thất bại.
Nhìn vào danh sách những phim Việt đã được công bố sẽ ra rạp thời gian sắp tới, có thể thấy hai tựa phim remake đáng được kỳ vọng là: Bằng chứng vô hình (đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh), Tiệc trăng máu (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng). Với những thăng trầm của phim Việt trong thập kỷ vừa qua và các bài học đã được rút ra, hy vọng những bộ phim Việt sắp tới sẽ đậm đà bản sắc dân tộc hơn mà vẫn hòa hợp với tính toàn cầu hiện đại, hướng tới một thập kỷ mới tươi sáng hơn.
Bài: Kodaki
Ảnh: Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE